Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÔNG NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG VÀ CHUYỂN ĐƯA ÔNG NGUYỄN HỨU ĐANG VỀ HÀ NỘI

Lê Hiệp
Thứ bẩy ngày 14 tháng 8 năm 2021 6:08 PM


Kỉ niệm 108 năm ngày sinh ông Nguyễn Hữu Đang (15-8-1913 - 15-8-2021)

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư, là người đã đề xuất đưa ông Nguyễn Hữu Đang - người bị tuyên 15 năm tù trong vụ án Nhân văn - Giai phẩm, về Hà Nội.

Ông Nguyễn Đình Hương vừa qua đời ngày 3.5 ở tuổi 90 /// Ảnh Ngọc Thắng
Trong buổi ra mắt cuốn sách Nguyễn Đình Hương - Người con của non sông đất nước giữa tháng 10.2019, nhân những người tham dự nhắc tới ứng xử của ông Nguyễn Đình Hương đối với các nhà văn thuộc phong trào Nhân văn - Giai phẩm, ông Nguyễn Đình Hương chia sẻ câu chuyện ông đã giúp đỡ để đưa ông Nguyễn Hữu Đang, người được cho là “đứng đầu” phong trào Nhân văn - Giai phẩm, từ Thái Bình về Hà Nội.
Tại buổi lễ, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đã nhắc lại câu chuyện về ông Nguyễn Hữu Đang mà ông được nghe chính ông Hương kể lại. Theo ông Hợp thì khi đó, gia đình ông Nguyễn Hữu Đang đã làm đơn gửi Bộ Nội vụ lúc bấy giờ (bây giờ là Bộ Công an) nhưng đơn cứ chuyển vòng vèo rồi không ai giải quyết, nên ông Đang đã tới tìm ông Nguyễn Đình Hương để nhờ ông Hương giúp đỡ.
“Và anh Hương đã ôm cả bộ hồ sơ đó lên gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông Phạm Văn Đồng sau khi nghe anh Hương trình bày xong, không hỏi thêm 1 câu, đã đặt bút viết đồng ý chuyển ông Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội”, ông Hợp kể.
Ông Nguyễn Hữu Đang (1913 - 2007), quê tại Thái Bình. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông Nguyễn Hữu Đang được phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Ngày tuyên bố Độc lập 2.9.1945. Sau đó, ông còn làm Thứ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ lâm thời.
Năm 1958, ông liên quan tới vụ án Nhân văn - Giai phẩm và bị bắt, sau đó bị kết án 15 năm tù. Ông ra tù năm 1973 và ở tại quê nhà ở Thái Bình, tới năm 1993 thì ông về sống tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Đình Hương khi đó chia sẻ: “Trường hợp ông Nguyễn Hữu Đang nói thật là tôi liều. Tôi nhận trước ông Đỗ Mười, trước ông Phạm Văn Đồng là tôi hứa sẽ đưa Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội chứ không thể giam 18 năm, vứt bỏ một nhà trí thức như thế được. Ông Đỗ Mười và ông Phạm Văn Đồng sau đó đều đồng ý”.
Còn ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thì chia sẻ, trước khi mất, Tố Hữu có dặn ông rằng, về công tác tổ chức liên quan tới Hội Nhà văn Việt Nam, có điều gì cứ hỏi ông Nguyễn Đình Hương. Vì thế, ông đã nhiều lần tới hỏi ý kiến ông Hương “nhiều vấn đề không dễ trả lời” như chính sách đối với các nhà văn đã tham gia Nhân văn - Giai phẩm như thế nào sau khi họ trở lại, trong đó có trường hợp “khá gai góc, khó khăn” là nhà báo Nguyễn Hữu Đang.
Ông Thỉnh cho biết, chính nhờ có góp ý, hướng dẫn với tình cảm, sự hiểu biết và khoan dung từ ông Nguyễn Đình Hương, Hội Nhà văn đã có cách ứng xử, chính sách đúng đắn, đầy nhân văn với ông Nguyễn Hữu Đang khi ông trở lại “cuộc sống bình thường”.
“Sau khi xin ý kiến nội bộ từ bác Nguyễn Đình Hương, chúng tôi đã khôi phục lại toàn bộ lương của cụ Nguyễn Hữu Đang từ khi bị xử lý kỷ luật cho tới khi trở lại cuộc sống bình thường. Cụ Đang cũng được cấp 1 ngôi nhà theo tiêu chuẩn của một thứ trưởng ở thời điểm đó”, ông Thỉnh chia sẻ, và cho biết tới lúc mất, ông Nguyễn Hữu Đang rất vừa lòng, không có gì ca thán với Hội Nhà văn Việt Nam.

Trao Giải thưởng Nhà nước cho 4 nhà văn Nhân văn - Giai phẩm

Cũng liên quan tới các nhà văn Nhân văn - Giai phẩm, ông Lê Doãn Hợp kể, vào năm 2006, ông khi ấy là Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đồng thời được giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật. Sau 2 tháng làm việc thì Hội đồng giải thưởng đã quyết định trao giải thưởng cho 4 nhà văn liên quan tới thời kỳ Nhân văn - Giai phẩm là Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt và Hoàng Cầm.
Sau khi có thông tin kết quả bỏ phiếu, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc này. “Có ý kiến của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười; có ý kiến của chị Thanh, vợ đồng chí Tố Hữu, nguyên Phó Ban Tuyên huấn T.Ư, Ban Bí thư cũng yêu cầu phải báo cáo”, ông Hợp nói.
“Rất nhiều người nói với tôi rằng, nếu anh phong cho 4 văn nghệ sĩ này thì anh tự đốt lý lịch của anh. Và người nhóm lửa để đốt là bác Nguyễn Đình Hương, đồng hương xứ nghệ của anh”, ông Hợp nhớ lại.
Để giải quyết vấn đề, ông Hợp đã quyết định tới gặp ông Nguyễn Đình Hương. “Tôi đã rất cảm động. Trước hết là vì cử chỉ đón tiếp của bác. Tiếp đó là những lời bác nói ngược lại hoàn toàn những lời đe dọa mà mọi người nói với tôi”, ông Hợp kể.
Ông Nguyễn Đình Hương và chuyện 'đưa' ông Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội - ảnh 2

Ông Nguyễn Đình Hương và các đại biểu tham dự buổi ra mắt sách hôm 17.10.2019

ẢNH NGỌC THẮNG

“Bác Hương nói: ‘Hợp làm đi. Anh ủng hộ. Phải kéo văn nghệ sĩ về với Đảng, về với chúng ta. Điều này không chỉ có lợi cho dự luận trong nước mà còn ở nước ngoài. Và những nhà văn, nhà thơ này bị kỷ luật cách đây 50 năm rồi. Cái sai đã sửa rồi. Bây giờ hàng loạt ưu điểm mà chúng ta vẫn trừng thì nó không công minh mà cũng không công bằng. Hội đồng bỏ phiếu như thế là hoàn toàn chính xác’”, ông Hợp kể lại.
Ông Hợp chia sẻ, sau đó, ông còn được ông Hương cho mượn toàn bộ hồ sơ của vụ Nhân văn - Giai phẩm để xem. “Tôi xem hồ sơ thì thấy, ngoài 2 người bị xử lý nặng nhất là ông Hữu Đang và bà Thụy An thì những người còn lại bị kỷ luật là "treo bút 3 năm, được sáng tác nhưng không được xuất bản". Mà tới khi trao giải thưởng là đã 50 năm rồi (1956 - 2006)”, ông Hợp nói, và cho biết chính ông Hương là người đã giúp ông gỡ một thế bí cực tốt.
Theo ông Hợp, sau đó, khi giải thưởng được trao, dư luận xã hội rất tốt. “Vợ nhà thơ Trần Dần đã đặt 60 triệu tiền thưởng và bằng khen Giải thưởng Nhà nước lên bàn thờ thắp hương đủ 3 tháng 10 ngày. Tôi rất cảm động và trân trọng hình ảnh này khi đến thắp hương. Tất cả là nhờ bác Nguyễn Đình Hương giúp tôi”, ông Hợp nói, và chia sẻ rằng, ông muốn kể lại câu chuyện mà ông chưa từng kể để thấy, tư duy thông thoáng và cũng rất nhân văn của ông Nguyễn Đình Hương với anh em văn nghệ sĩ.