Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUAN và DÂN

Đắc Trung
Thứ sáu ngày 26 tháng 3 năm 2021 8:26 AM




Xã hội chủ yếu có hai tầng lớp: "quan" và "dân".

Trước hết, cả "quan" và "dân" đều là con người, gồm hai phần "con" và "Người". "Con" là bản năng tự nhiên. "Người" nhờ tu rèn mới có. "Nhân chi sơ, tính bản thiện" - người ta khi mới sinh ra đều tốt. Cứ nhìn vào ánh mắt trẻ thơ đủ biết. Rồi sau đó, do ảnh hưởng và tác động của môi trường sống, cùng với sự tu rèn khiến bản chất biến đổi: tốt, xấu; thiện, ác; trung, gian… xuất hiện đan xen nhau. Tuy nhiên, quy luật chung là hướng thiện, mong làm "người tử tế". Mà muốn làm "người tử tế" thì phải tu rèn. Có hai cách tu rèn rất hữu hiệu: của Khổng giáo, hoặc của Phật giáo. Cách của Khổng giáo là tự soi và nhờ người khác soi để sửa rèn, nhằm không ngừng hoàn thiện, nâng cao nhân cách mình. Phải làm theo luật và sống theo đạo. Trong gia đình, dòng tộc phải có tôn ti trên dưới, gia giáo, gia phong, tộc ước, hương ước. Ngoài xã hội phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật. Phải lấy Đạo làm người làm chuẩn mực để trở thành "quân tử". "Quân tử" cũng được coi như "người tử tế". Hoặc tu rèn bằng Thiền định theo cách của Phật giáo. Gốc của thiền là thiện. Khi sinh ra con người mang "tính bản thiện". Nếu gặp môi trường ác bị ác đồng hóa, hoặc do thiếu tu rèn thiện sẽ bị mai một. Bởi thế phải luôn thiền, để tích thiện, loại trừ ác trong bản chất của mình, tiến tới tận diệt "Tham - sân - si" nhằm đạt chính quả. Mang bản chất Bồ Tát, có tấm lòng nhân ái cao cả, được coi là "thiện nhân". "Thiện nhân" giống như "quân tử" và "người tử tế". Không chịu tu rèn, sống theo bản năng, bị cái xấu cái ác đồng hóa, sẽ trở thành "người không tử tế".

Nói cách khác, ở đời có hai loại: "người tử tế" và "người không tử tế".

Mà con người là cái gốc của cả "quan" và "dân". Gốc nào sẽ cho cây ấy.

"Dân" là những người làm mọi ngành nghề. Thu nhập của họ do thành quả lao động và không thuộc nguồn ngân sách quốc gia. Họ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với xã hội và được hưởng những quyền do pháp luật quy định. Là dân nên họ phải chịu sự thống trị của "quan". Là người nên họ phải làm theo luật, sống theo đạo và không ngừng tu rèn để làm "người tử tế"..

"Dân" có hai loại: chính và tà.

Ai là "người tử tế" sẽ là chính dân. Ai thuộc loại "người không tử tế" sẽ là tà dân.

"Quan" làm việc tại các cơ quan công quyền và thu nhập từ nguồn ngân sách quốc gia, chủ yếu là tiền thuế của "dân". Họ phải có đức, tài và được tuyển chọn. Họ được giao chức vụ, quyền lực và chỉ được sử dụng chức, quyền đó theo pháp luật nhằm phục vụ Tổ quốc và Nhân dân.

"Quan" cũng có hai loại: chính quan và tà quan.

Trước khi làm quan họ phải làm người và làm dân. Trong khi làm quan cũng vẫn phải làm người và làm dân. Ở đời không ít kẻ bằng mọi cách leo được lên làm quan, thậm chí quan rất to, rồi quên mất mình là người và phải làm "người tử tế". Cậy có quyền, có tiền, vênh váo, hách dịch, sống thất đức vô đạo ngay cả với đồng chí, đồng nghiệp, thậm tệ hơn cả với ân nhân hoặc ruột thịt của mình. Quên mình là dân và phải làm chính dân, lúc nào cũng tinh tướng, ngạo mạn, đặt mình cao hơn thiên hạ. Ngay nghĩa vụ tối thiểu của một công dân cũng không nghiêm chỉnh thực hiện. Họ cần phải hiểu, nếu biết tu rèn để thành "người tử tế" và phải là chính dân thì mới làm được chính quan. Nếu không chịu tu rèn, bị xếp vào loại "người không tử tế", không xứng đáng là chính dân, thì dù có chức to, quyền lớn đến đâu, Tể tướng công hầu cũng chỉ thuộc loại tà quan, là đồ bỏ đi. Như thế thì chẳng những có hại cho bản thân, mà còn là hậu họa của quốc gia, xã tắc.

Hơn nữa, làm quan chỉ nhất thời, chứ làm người, làm dân mới vạn đại. Là tà quan mà khi chức quyền không còn, sẽ không thể sống thanh thản. Càng không thể hòa đồng được với chính dân và những "người tử tế", thậm chí còn bị coi thường, khinh bỉ, oán hận.

Cho nên sự nghiệp lớn nhất của cuộc đời là làm "người tử tế".

Thời Xuân Thu, ở Trung Quốc, có người hỏi Tôn Thúc Ngao:

- Ba lần ông giữ chức Lệnh doãn (Thừa tướng) nước Sở mà không lấy làm vinh. Ba lần mất chức mà không lấy làm buồn là tại sao?

Tôn Thúc Ngao đáp:

- Tôi cho việc được hay mất đều ở ngoài tôi, nên tôi không vui cũng chẳng buồn. Tôi không biết cái chức đó là của người hay của tôi. Nếu nó là của người, thì không liên quan đến tôi. Nếu nó là của tôi, thì không liên quan đến người. Có gì quan trọng đâu.

Khổng Tử biết chuyện nói rằng:

- Chức quyền không thuyết phục ông ấy được. Hoàng đế muốn cũng không làm bạn ông ấy được. Sống chết là việc lớn không đổi lòng ông ấy được huống hồ tước lộc.

Bởi thế, ở đời không nên coi cái gì là quá quan trọng. Nếu coi nó quá quan trọng rồi đến khi nó không còn quan trọng, hoặc không quan trọng thì sẽ khổ. Hãy coi mọi việc đều rất "bình thường" như vốn dĩ nó là "bình thường" thì sẽ thanh thản, sẽ bớt khổ.

Mọi thứ hãy đặt vào cái gốc của nó là "bình thường". "Bình thường" tạo nền tảng cho sự an toàn. Khoảng cách giữa tối đa và tối thiểu, giữa cực đại và cực tiểu là khoảng cách "bình thường". Đó cũng là thuyết cân bằng âm - dương trong triết học "Kinh dịch". Âm - dương là hai mặt tương phản của vật chất. Tương phản nhau nhưng lại thống nhất với nhau, hỗ trợ nhau khi được cân bằng. Con người là một phần vật chất trong vũ trụ nên tất yếu bị chi phối bởi thuyết âm - dương. Điều tiết để giữ cho các mặt tương phản được cân bằng là mục đích lý tưởng cho sự ổn định và phát triển. Con người thế, tự nhiên và xã hội cũng thế. Mọi thứ cân bằng âm - dương là "bình thường". Mất cân bằng là mất "bình thường". Là người sẽ phát điên, là vật sẽ bị phá vỡ. Ngoài ảnh hưởng thuyết âm - dương còn ảnh hưởng thuyết ngũ hành và tam thể. Ngũ hành gồm: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ và tam thể gồm: Thiên - Địa - Nhân. Mọi vật chất kể cả con người đều trực tiếp hoặc gián tiếp bị chi phối bởi ngũ hành và tam thể. Sự ổn định và phát triển tốt nhất là giữ được cân bằng, hòa hợp trong những tác động của các yếu tố ấy. Đó chính là sự "bình thường". Con người muốn có sức khỏe tốt thì mọi bộ phận của cơ thể đều ở trạng thái "bình thường". Vệ tinh muốn phóng lên quỹ đạo trên vũ trụ thì mọi thông số kỹ thuật đều phải "bình thường".

Lúc nào cũng coi mình là quan trọng, tới đâu cũng muốn được vỗ tay chào đón. Đến khi nghỉ hưu, không còn ai vỗ tay chào đón nữa sẽ thấy khổ, thấy buồn. Có người "sốc", đổ bệnh mà chết. Một xã hội mà chỉ làm "quan" mới là danh giá, mới được nể trọng, vợ con mới vênh vang, còn cái danh cao quý trong nghề nghiệp lại chả được ai nể trọng, thì xã hội ấy suy mất rồi. Cái gốc của "bệnh nghiện quyền lực", của quan liêu, độc đoán, tham ô, tham nhũng, áp bức dân lành, bất công và mâu thuẫn tiềm ẩn trong xã hội chính là từ đấy.

Ở đời cái gì liên quan đến nhân cách thường có đạo. Đạo làm người, Đạo làm dân, Đạo làm quan, Đạo làm cha mẹ, Đạo làm con, Đạo cây bút, Đạo thanh kiếm… Trong đó Đạo làm người là gốc và khó hơn cả. Cho nên có kẻ làm đến đại quan, đoạt tới chức Tể tướng mà mãi tới lúc nghỉ hưu mới ngộ ra rằng phải tu rèn để làm "người tử tế". Thì ra làm người khó hơn làm quan nhiều lắm. Không ít kẻ là quan, thậm chí quan rất to nhưng chưa phải là người. Nhớ rằng bất luận làm "dân" hay làm "quan" đều bị muôn đời bình phẩm, đánh giá. Nếu là "người tử tế", là chính dân thì dù không làm "quan" cũng vẫn được cộng đồng (hẹp là gia đình, làng xóm, quê hương), xã hội yêu quý, kính trọng, luôn đủ bản lĩnh và có quyền "thẳng chân mà bước, ngẩng đầu mà đi", khinh ghét bọn tà quan dù chức to quyền lớn đến đâu. Jean Paul Marat, nhà cách mạng người Pháp đã viết: "Người ta lớn bởi vì mình quỳ xuống" (On est grand, parce - que vous vous mettez à gennoux). Khi cấp dưới tự hạ thấp, thu nhỏ mình lại, hèn đi trước cấp trên là điều kiện để cấp trên sinh độc tài. Niềm tin vào chính nghĩa sẽ giúp ta vượt qua điều ấy. Nếu là "người tử tế", là chính dân, lại là chính quan thì không chỉ cộng đồng, xã hội mà cả lịch sử ghi nhận, biết ơn, thậm chí tôn thờ. Suy cho cùng thì người nào cũng là nhân vật lịch sử, chịu sự phán xét của lịch sử, căn cứ là công và tội. Trước hết là lịch sử của chính mình, rồi gia đình, họ hàng, quê hương, cơ quan, đơn vị…và Tổ quốc. Sự phán xét rất khách quan và nghiêm khắc, với dân thế, với quan còn hơn thế. Đồng thời là "Luật nhân quả". Gieo thiện gặt phúc và gieo ác nhất định phải gánh họa.

Làm điều ác không bao giờ kết thúc có hậu. Thực tế cuộc sống, có kẻ làm quan rất to, quyền lực rất lớn, của cải rất nhiều, đắm mình trong lâu đài cung điện nền lát đá hoa cương, ngồi trên ghế mạ vàng trạm đầu rồng bắt chước lối sống sa hoa của vua chúa thời xưa mà người đời rất khinh. Trong khi rất nhiều lương dân không chức tước, quyền lực, không giàu sang phú quý mà vẫn được người đời rất trọng.

Hơn nhau là nhân cách. Là "người tử tế" hay "người không tử tế". "Quan" hay "Dân" đều thế.