Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG NGƯỜI CON TRAI CỤ TẢN ĐÀ.

Nguyễn Nhàn
Thứ năm ngày 18 tháng 3 năm 2021 9:07 AM
Ông út:

Ông con trai út của cụ Tản Đà tên là Nguyễn Khắc Đại. Ngày bé ông Đại học giỏi có tiếng. Thầy giáo thường sai Đại thu các bài văn, bài tính của bạn bè rồi chấm bài giúp thầy. Kể cả bài văn của Phùng Quán sau này thành nhà văn cũng được Đại sửa chữa chấm phẩy lại. Cụ Tản Đà là người giỏi môn tử vi đoán số. Đã có thời kỳ cụ mở tiệm xem số hà đồ cho khách khi gia đình còn ở khu Ngã Tư Sở, Hà Nội. Khi thấy con học giỏi, cụ biết Đại sẽ học cao đỗ đạt nhất nhà. Khi ấy cụ mới giật mình thấy sự sơ sẩy của mình khi đặt tên khai sinh cho Đại theo họ Nguyễn Khắc thành Nguyễn Khắc Đại. Nó sẽ vận “khắc” vào số phận của con sau này. Cụ mang bản khai sinh đến nhà lý trưởng quê nhà nhờ chữa chữ “Khắc” thành chữ “Tất” để có tên Nguyễn Tất Đại, có vậy sau này con út cụ mới thành đạt.
Khi đi bộ đội, Tất Đại khai lại họ tên mình theo họ bố Nguyễn Khắc Hiếu cho oai, vì bố cậu là nhà thơ Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) ai cũng biết. Từ đó Đại lại có tên Nguyễn Khắc Đại đúng như tên khai sinh của mình từ khi mới lọt lòng.
Hòa bình lập lại, Nhà nước có chủ trương tổ chức mở hội thảo về thơ văn của Tản Đà để kỷ niệm ngày sinh nhân năm chẵn của cụ. Báo chí có nhiều bài viết ca ngợi thơ văn yêu nước của Tản Đà. Miền Bắc chưa kịp tổ chức lễ kỷ niệm thì Sài Gòn mở kỷ niệm trước, đài Sài Gòn làm rùm beng sự kiện này. Theo tư duy thông thường máy móc: mọi cái được địch ca ngợi thì ta phải đả phá. Một số ông nhà văn, nhà nghiên cứu văn học trước đã viết những bài báo ca ngợi cụ Tản Đà nay lại quay ngoặt đả phá cụ có tư tưởng sai trái này nọ. Họ bới lông tìm vết, đổ cho cụ là phần tử trốt-kít mà cụ đâu có biết “cút kít” là gì.
Trước đó, Đại đã bàn với Phùng Quán cùng viết tiểu thuyết. Phùng Quán sẽ viết Vượt Côn Đảo, Đại viết Khu tự đánh Pháp. Nhưng trước việc bố mình bị phê phán, Nguyễn Khắc Đại xé hết bản thảo của mình trước mặt Phùng Quán và thề với bạn mình sẽ không còn dây dưa gì với văn chương báo chí.
Nguyễn Khắc Đại học xong đại học về công tác ở ngành Thống kê Phú Thọ. Sau này ông chuyển đi xây dựng Nhà máy dệt Vĩnh Phú. Hiện giờ ông đang sống trong khu công nhân đông ngàn ngạt toàn người của ngành dệt thuộc thành phố Việt Trì, cách nhà ông anh trưởng có vài nhảng chân. Nhưng nhà ông không có bàn thờ cụ Tản Đà. Ông bảo, đến khi ông cả mất ông mới rước chân hương và ảnh cụ Tản Đà về thờ ở nhà mình, vì chỉ có ông mới có con trai là cháu chắt đằng nội cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Ông thứ:

Ông con trai thứ của cụ Tản Đà là Nguyễn Khắc Phục. Ông Phục ngày bé được cậu ruột nuôi ăn học. Cậu ruột ông là quan Án sát đô thành Huế: Nguyễn Tiến Lãng. Dinh quan lớn lúc nào cũng có đông người hầu kẻ hạ. Nguyễn Khắc Phục ngày ngày được hầu hạ cơm bưng nước rót. Việc tắm giặt của cậu lúc nào cũng có tên cảnh sát phục vụ. Cậu ấm con cháu nhà quan ấy đến trường được mọi người nể trọng. Cậu ấm giỏi văn thơ, nhạc họa, lúc nào cũng có nhiều tiểu thư con nhà khuê các yêu chiều. Rồi cách mạng nổ ra ở Huế, người nhà quan như cậu phải lẩn trốn. Rồi một hôm cậu bất đắc dĩ gặp phải người cán bộ Việt Minh. Cậu giật mình nhận ra người cán bộ ấy từng là người lính hầu trong dinh quan nhà cậu. Mặt cậu tái mét biết mình sẽ chết chắc. Nhưng cán bộ ngoắc tay gọi cậu lại gần bảo:
- Cứ yên tâm, tôi từng được nghe cậu đọc thơ của cánh tả. Cậu có tư tưởng tiến bộ rất đáng được hoan hô.
Rồi cán bộ Việt Minh nắm chặt tay cậu, bảo cậu cứ làm nhiều thơ tuyên truyền cho cách mạng. Cậu thở phào, nhờ có máu me văn thơ của bố truyền cho mà Nguyễn Khắc Phục vượt qua được giai đoạn hiểm nghèo.
Cậu ra Hà Nội thăm gia đình, vẫn giữ thói quen ăn chơi phóng túng, trong chuyến đường trường ấy Phục không hề mang theo va li quần áo. Cậu mang theo rất nhiều tiền bạc, cần gì mua nấy. Cậu chỉ mang theo cái tráp sơn son thếp vàng đựng toàn của quý gồm các bức thư tình và tặng phẩm của người đẹp gồm ảnh các em, bút máy Parker, khăn tay v.v…
Nguyễn Khắc Phục về đến nhà giữa lúc nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp. Thanh niên Hà Nội nô nức tòng quân, Khắc Phục cũng xung phong ghi tên tòng quân vào Trung đoàn Thủ đô. Đơn vị của Phục chiến đấu oanh liệt trên mặt trận sông Lô. Biết Phục là con nhà thơ Tản Đà, thủ trưởng đơn vị cử Phục đi làm báo cho đơn vị. Rồi cậu được phân công làm chủ bút của báo Vệ quốc, có cả nhà thơ Hải Như trong Ban biên tập. Tòa soạn báo Vệ quốc đóng ở Gia Điền, huyện Hạ Hòa, cạnh xóm Gạo, nơi trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam có các ông Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng… đóng tại nhà “bà bủ” Gái mà Tố Hữu đã viết bài thơ nổi tiếng Bầm ơi để tặng bà chủ nhà ấy. Nguyễn Khắc Phục làm nhiều thơ để in báo tuyên truyền. Anh còn làm thơ, ca dao gửi cho Ty Thông tin Phú Thọ in thành các tờ bướm phát về cho cơ sở để tuyên truyền đồng bào tham gia các phong trào thi đua sản xuất hay “Áo ấm mùa đông chiến sĩ”, “Bình dân học vụ” v.v… Hồi ấy ông Xuân Diệu thường sang báo Vệ quốc lấy bài của Phục để sử dụng cho phong trào thơ ca quần chúng tuyên truyền cho kháng chiến. Thơ của Nguyễn Khắc Phục được chuyển thành lời bài hát cho nhân dân Khu 10 và Phú Thọ học thuộc lòng hát khắp nơi, như bài Lấy chồng thương binh, Đố chữ v.v…
Phục đóng quân ở nhà “bủ Hồng” sau này là mẹ vợ anh. Bủ Hồng có hai cô con gái chưa chồng. Một hôm Phục nghe trong buồng cô Lịch, con gái lớn, đang khóc thút thít. Cô khóc suốt mấy ngày mấy đêm. Có lúc “bủ Hồng” vào buồng con gái, không khuyên can mà còn rầy la con gái. Một hôm Phục gạn hỏi, “bủ Hồng” buộc phải nói:
- Với anh tôi chả giấu làm gì. Con ôn nhà tôi nó dại dột cả tin, trót ăn nằm với anh bộ đội nào đấy. Anh ta hứa đông hứa tây rồi chuyển quân đi mất hút. Con bé trót có mang, bây giờ không biết nên làm thế nào, nó chỉ biết khóc anh ạ.
Mấy ngày sau cô gái vẫn khóc. Tiếng khóc động vào lòng trắc ẩn của anh chiến sĩ trẻ. Anh dằn vặt, tự đấu tranh tư tưởng chán chê đến khi thông suốt rồi, anh nói với “bủ Hồng”:
- Bầm bảo em nó đừng khóc nữa. Em nó có mang rồi cũng được. Con sẽ nhận làm bố đứa bé, con sẽ cưới cô ấy.
Bà mẹ trố mắt lên, Phục càng cả quyết nói:
- Bầm bảo em nó đi, con sẽ xây dựng với em ấy, bầm nhé!
Việc đến tai mọi người, gia đình phản đối, anh em đồng đội phản đối. Nhưng từ khi vào Vệ quốc đoàn, Phục đã thấm nhuần tinh thần người chiến sĩ biết hy sinh vì đồng đội đồng bào. Giờ thấy đồng bào trước bế tắc có thể ra sông ra suối trầm mình, Phục không thể cứu được mà không cứu. Phục đã quyết, không ai cản được. Đám cưới với cô chị xong, lại tiếp đến cô em cũng trót “hiến dâng” cho một anh bộ đội. Cô đã có mang bốn tháng mà người yêu nghe phong thanh vừa mới hy sinh. Cô khóc lóc, cô cả Lịch biết chồng mình là người hay thương người, tỉ tê nói khó mong chồng yêu thương nốt em gái mình để tránh mang tai mắc tiếng xấu cho em. Đắn đo mãi, cuối cùng Phục cũng đồng ý. Thời ấy chưa có Luật hôn nhân gia đình cấm trai lấy 2, 3 vợ. Vì thế anh em gia đình cực lực phản đối. Đơn vị tập trung họp trong rừng vắng để đấu tranh không cho Phục lấy vợ hai. Phục chỉ với cái lý đi làm cách mạng là đi cứu người: Bây giờ trước cảnh khốn cùng một con người, tôi ra tay cứu giúp, không ai có quyền cấm. Ai cũng biết Phục đang hy sinh mình để cứu giúp người khác. Rõ ràng anh đẹp trai, trí thức, con thi sĩ Tản Đà cả nước biết, anh lấy đâu không được cô gái con nhà khuê các mặt hoa da phấn, mà về hình thức rõ ràng hai người vợ anh không thể so sánh với họ. Những thiếu nữ xinh đẹp đã yêu anh ở Huế, anh gạt đi hết, chỉ còn tập trung lo công tác phục vụ kháng chiến.
Sau này khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội được phục viên, Phục xin về Gia Điền với hai cô vợ mình. Sư đoàn trưởng nói: “Tôi không hiểu nổi đồng chí, trong khi mọi người phục viên đều xin về xuôi hoặc về thành phố để có vợ đẹp con khôn nhưng đồng chí ra quân lại xin về vùng chiến khu…”.
Nguyễn Khắc Phục sống gắn bó với vợ con ở Gia Điền. Ông với tài vặt thời trai trẻ vẫn tích cực tham gia vẽ vời và phong trào thơ ca quần chúng, đến khi về già hai bà vợ mới lục trong ví của ông một bức thư tình của cô gái trẻ từ Thanh Hóa gửi đến. Số là Nguyễn Khắc Phục viết rất nhiều lời các bài hát dân ca vọng cổ gửi cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Qua chương trình, một thính giả ở Thanh Hóa mới biết Phục là con cụ Tản Đà, ngỡ anh còn trẻ viết thư ngỏ lời kết bạn. Cuối cùng Phục phải nói rõ mình đã ngoại 60 để giãn đi mối tình vui vui ấy. Năm nay nếu còn sống ông cũng ngót 90 tuổi. Ông mới mất cách đây ba, bốn năm tại Gia Điền, nơi tòa báo Vệ quốc và cơ quan văn nghệ Việt Nam từng đóng quân thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.
Ông trưởng:

Sinh đốt con trai đầu tiên, cụ Tản Đà mừng lắm vì đứa bé khôi ngô tuấn tú. Cụ khai sinh đứa con ấy là Nguyễn Khắc Xương. Nhưng chưa đầy tuổi tôi, Nguyễn Khắc Xương đã chết. Cụ ủ rũ nhớ thương con không thể nguôi được, vì thế khi vợ sinh lần thứ hai được cậu con trai, cụ liền lấy tên Nguyễn Khắc Xương đặt cho thằng trưởng nam của mình. Cụ Tản Đà nghệ sĩ đến mức không nhà cửa, không nuôi nổi vợ con. Nguyễn Khắc Xương được gửi cho người anh con bác làm quan Tri phủ Vĩnh Tường nuôi ăn học. Vợ con còn lại được gửi về sống ở nhà bố vợ làm quan Tri phủ Bất Bạt ở tỉnh Sơn Tây.
Cụ Tản Đà vốn dòng nho gia, anh em chú bác đều đỗ đạt và làm quan đương triều. Cụ là người ngông ngạo, tự diễu mình: “Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa nhà thời không”. Nguyễn Khắc Xương học xong tú tài vừa lúc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Ông xin vào ngành Công an Khu 3. Vì giỏi tiếng Pháp, cơ quan phân công xét hỏi cô đầm Tây. Với máu “ngông” cha truyền con nối, thấy cặp đùi trắng nõn của cô đầm Tây, Nguyễn Khắc Xương vừa xoa đùi cô ta vừa nói: “Đẹp thế này mà đi làm gián điệp à?”. Cơ quan họp kiểm điểm Nguyễn Khắc Xương rồi quyết định điều động ông lên công tác trên chiến khu cho xa vùng địch dễ làm lung lay tư tưởng của anh chàng trí thức tiểu tư sản này.
Nguyễn Khắc Xương được phân công làm hành chính ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Hạ Hòa sát Yên Bái, Tuyên Quang thuộc vùng chiến khu thời ấy. May mắn cho Nguyễn Khắc Xương lên đây được gặp ông Đặng Văn Đăng tức “nhà thơ” Bút Tre mà ai cũng biết. Ông Bút Tre từng làm thư ký cho Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm. Ông được làm việc gần gũi với Bác Hồ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng v.v… Trung ương cử ông về tăng cường cho địa phương, lãnh đạo việc thông tin tuyên truyền. Vì Phú Thọ là thủ phủ Khu 10 lại tập trung nhiều cơ quan Trung ương từng có nhiều văn nghệ sĩ trí thức đóng quân như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Tạ Mỹ Duật, Tô Ngọc Vân, Văn Cao, Đỗ Nhuận v.v…
Ông Bút Tre từng là bạn vong niên của cụ Tản Đà. Nguyễn Khắc Xương biết hồi nhà mình còn ở khu Ngã Tư Sở, ông Bút Tre tức anh giáo Đăng đang dạy học ở Tuyên Quang, người đã viết tiểu thuyết Lục y lang thường xuống chơi nhà mình. Cụ Tản Đà rất tin anh giáo Đăng, nhờ anh tìm cho một người bạn giỏi chữ nghĩa về lo trị sự tờ báo của cụ sắp mở. Gặp nhau ở Hạ Hòa, ông Bút Tre bảo Khắc Xương xin chuyển về Ty Thông tin Tuyên truyền, ở đấy Nguyễn Khắc Xương mới có đất dụng võ.
Nguyễn Khắc Xương cũng theo bố làm rất nhiều thơ. Xem thơ của Nguyễn Khắc Xương, ông Bút Tre lắc đầu: “Thơ cậu dở ẹt, có làm cả đời cũng không theo bố cậu được”. Ông hướng cho Nguyễn Khắc Xương ngả sang nghiên cứu văn hóa dân gian vì ông biết Phú Thọ là nơi Vua Hùng dựng nước, chắc chắn sẽ có nhiều chứng minh Phú Thọ là Đất Tổ, sẽ có nền văn hóa Hùng Vương còn trầm tích trong dân gian. Nguyễn Khắc Xương được Bút Tre cho tung tẩy đi điền dã khắp nơi trong tỉnh. Ông đi quanh năm suốt tháng, hàng tháng chỉ về lĩnh trợ cấp, báo cáo kết quả công tác với anh Đăng rồi lại “lặn” mất tăm khỏi cơ quan, không họp phòng, họp cơ quan, không dự đọc báo hằng ngày, không tăng gia, vệ sinh tập thể. Cán bộ cơ quan thắc mắc, ông Bút Tre nói: “Nó mà đút chân gầm bàn thì vô tích sự”. Được ông Bút Tre hậu thuẫn, Nguyễn Khắc Xương tha hồ đi điền dã sưu tầm tư liệu văn hóa dân gian Phú Thọ ngay từ thời đầu chống Pháp. Ông ghi chép những lễ hội nọ, lễ hội kia, nhiều nhân viên cơ quan không hiểu cho là ông phục hồi phong kiến mê tín. Cán bộ tỉnh, nhiều ông Tỉnh ủy viên cũng cho Bút Tre và Nguyễn Khắc Xương tào lao.
Nguyễn Khắc Xương lại có máu ngông, hay lợi dụng đăng đàn diễn thuyết để xoa má, vuốt tóc các em, bị mọi người diễu cợt về “máu gái” của anh. Anh lại không có thời gian ở cơ quan để phấn đấu vào Đảng. Ông Bút Tre xua tay bảo: “Mày làm tốt công việc của mình là được, kệ chúng nó muốn nói gì cũng mặc”.
Ông Bút Tre thường báo cáo công việc của Nguyễn Khắc Xương với Bí thư, Chủ tịch tỉnh. Biết Nguyễn Khắc Xương là con cụ Tản Đà, đôi khi họ sang Ty Thông tin gặp Nguyễn Khắc Xương. Việc này làm cho cán bộ cơ quan ghen tức với Nguyễn Khắc Xương. Họ coi Xương là người ngoài Đảng lại hay vô kỷ luật, thích ve vuốt các em thế mà lại được Ty, lãnh đạo tỉnh quan tâm. Những tài liệu về hát Xoan, hát Ghẹo và văn hóa Hùng Vương ở Phú Thọ được Nguyễn Khắc Xương sưu tầm ngay dưới tầm đại bác của giặc Pháp ở thành Việt Trì và Hưng Hóa bắn ra.
Ông Bút Tre báo cáo những kết quả ấy với lãnh đạo tỉnh và các cơ quan nghiên cứu Trung ương. Cán bộ Ty Thông tin nhiều người không hiểu nổi ý nghĩa công việc đó, họ phê phán Nguyễn Khắc Xương và Bút Tre không thực tế. Cả việc ông Bút Tre làm ca vè cho in thành sách, thành các tờ bướm để gửi đi cơ sở tuyên truyền họ cũng đả phá. Họ thắc mắc không được ông Bút Tre cất nhắc lên phó phòng, trưởng phòng nên mâu thuẫn với ông Trưởng ty. Ông Bút Tre với mối quen biết của mình với lãnh đạo Trung ương, nhiều khi ông phải xin chỉ thị của cấp trên và yêu cầu Phú Thọ mở lại lễ hội Đền Hùng sau nhiều năm đình chỉ do kháng chiến. Rồi ông đăng cai mở nhiều hội thảo khoa học về lịch sử khảo cổ, xã hội học, dân tộc học, văn hóa văn nghệ dân gian… Tất cả để chứng minh lịch sử thời đại Vua Hùng dựng nước là có thật ở Phú Thọ. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam được thành lập mà ông Bút Tre là một Ủy viên Ban chấp hành, một người sáng lập; đồng thời ở Phú Thọ cũng ra đời Hội Văn nghệ dân gian do ông Bút Tre làm Chủ tịch, ông Nguyễn Khắc Xương làm Ủy viên thư ký. Trước sự kiện này đài Sài Gòn đã phát đi lời một giáo sư nổi tiếng nhận xét đại loại: về việc này chúng ta (tức chế độ Sài Gòn) đã thua xa miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Tên ông Bút Tre sau đó được đưa vào mục từ của Từ điển Văn hóa Việt Nam cùng với các văn nghệ sĩ trí thức nổi tiếng Việt Nam. Còn ông Nguyễn Khắc Xương nghe theo sự hướng dẫn của Bút Tre suốt đời đi theo con đường nghiên cứu văn hóa dân gian và ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về việc này.
Còn nhớ hồi hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú nhân kỷ niệm ngày sinh nhà thơ Tản Đà đã tổ chức lễ kỷ niệm và Hội thảo thơ Tản Đà. Đến mục gia đình phát biểu, ông Nguyễn Khắc Xương là trưởng nam được mời phát biểu, Nguyễn Khắc Xương nói:
- Tôi vẫn nhớ bố tôi lúc sống thường dạy các con phải nhớ lấy ba điều cấm không được làm những việc phải qụy lụy khom lưng để cầu xin người khác:
Một là, không được làm nghề ăn mày. Ăn mày tức luôn phải chắp tay, khom lưng.
Hai là, không được làm kẻ trộm, kẻ trộm là đồ bất lương chỉ lấy của người về làm của mình.
Ba là, không được làm quan…
Ông Xương nói đến đây, hai anh nhà văn, nhà thơ của Hội Văn học Nghệ thuật cứ lấy chân đá vào chân ông Xương. Có anh cầm gấu áo ông Xương giật cho ông thôi nói kẻo chạm nọc các ông quan chức hàng tỉnh đang có mặt. Ông Xương vẫn không ngừng, thậm chí còn nói to hơn:
- Bố tôi nói bọn quan lại là hèn hạ nhất, họ không những phải khom lưng nịnh bợ mà đối với dân họ còn trắng trợn đàn áp cướp giật của dân, chứ họ không chỉ lấy vắng mặt như kẻ trộm mà còn đàn áp cướp trắng của người khác. Vì thế quan lại là nghề thấp nhất trong hai nghề trên…
Phải chăng vì thế mà cả ba ông con của cụ Tản Đà ngoài làm ruộng, làm cán bộ thống kê và làm nghiên cứu ra, họ rất kỵ với cái ngạch quan trường.
(