Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN ĐÌNH SỬ - NGƯỜI ĐI TRÊN ĐƯỜNG BIÊN

Phạm Xuân Nguyên
Thứ bẩy ngày 9 tháng 5 năm 2020 6:01 AM


Trần Đình Sử là một nhà văn học và ông đã là người đầu tiên đưa thi pháp học vào nghiên cứu và giảng dạy văn chương ở Việt Nam. Khó nói hết cảm giác ngỡ ngàng, mới mẻ khi đọc hai bài viết của ông đăng Tạp Chí Văn Học: “Thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều và cảm quan hiện thực của Nguyễn Du” (số 5/1981) và “Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều” (số 2/1982). Trước đó nghiên cứu văn học chủ yếu là nói tới cái nhìn quan điểm, tư tưởng, lập trường của tác giả rút từ/quy về nhân vật. Đó là cách nhìn ngoại tại từ chính trị áp vào văn chương. Thi pháp học có thể hiểu như là cách nhìn nội tại từ chính văn chương. “Thời gian nghệ thuật”, “Cái nhìn nghệ thuật” là những khái niệm lạ lần đầu được Trần Đình Sử nói đến và ứng dụng vào phân tích một kiệt tác văn chương dân tộc - một tác phẩm nói như câu thơ của R. Tagore là “người ta đã yêu em đến cũ mòn, đến sờn rách” - vậy mà lại thấy ra những cái khác, cái mới. Thật không gì thuyết phục làm nghề hơn khi thấy cái công cụ mới có hiệu dụng đến thế. Kịp đến khi Trần Đình Sử cho ra công trình Thi pháp thơ Tố Hữu (1987) thì lại như một phát súng nổ làm nhiều người giật mình. Thơ Tố Hữu đã có biết bao bài viết cuốn sách chuyên chú vào suốt mấy chục năm tưởng đã đào bới hết mọi lớp lang trong ngoài trên dưới không còn gì nói nữa. Thế mà đùng một cái dùng thi pháp học Trần Đình Sử chiếu rọi vào thì mọi người mới vỡ nhẽ trước nay đọc thơ Tố Hữu mới chỉ đọc cái vỏ bề ngoài, cái biểu kiến, cái nội dung cách mạng bọc trong thơ, chứ chưa đọc thơ. Trần Đình Sử đã chỉ ra một cách khoa học thuyết phục quan niệm nghệ thuật của nhà thơ là thế này, thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật của thơ ông là thế này, nhờ đó thơ Tố Hữu mới có được cái vị thế và quy chế như thế trong nền thơ cách mạng Việt Nam bấy lâu nay. Và từ đó, chủ yếu là từ Trần Đình Sử, thi pháp và thi pháp học phổ biến và lan tràn đến thành như lạm phát, như một thứ “dịch” nghiên cứu, gần như ai viết về bất cứ cái gì của văn chương dù là tác giả, tác phẩm, trào lưu, hiện tượng, thảy đều có chữ “thi pháp” gắn vào và gắn theo tên gọi mà chưa hẳn đó đã là thi pháp.Trong cuốn Trên đường biên của lý luận văn học ông Sử đã dành phần III (cuối sách) cho thi pháp học với năm bài viết có tính tổng kết và gợi mở sau một chặng đường giới thiệu và thực hành lối nghiên cứu này. Những bài về toàn cảnh thi pháp học và thi pháp học ở Việt Nam cho ta cái nhìn tổng quan về bộ môn này và con đường nó vào Việt Nam. Trần Đình Sử là người có thẩm quyền cất lên tiếng nói để không giới hạn cách hiểu thi pháp học chỉ là như ông đã thực hành: “Nói đến thi pháp học là nói đến nhiều thi pháp học, chứ không phải là chỉ có một thi pháp học nào đó như có người lầm tưởng. Mỗi thi pháp học chỉ dựa vào một số nguyên tắc để đi đến đặc trưng và quy luật của văn học. Ngày nay, muốn hiểu thi pháp học thiết nghĩ phải tham khảo nhiều chiều mới mong hiểu được thực chất của nó” (tr. 352). Thi pháp học mà Trần Đình Sử làm ở Việt Nam, theo lời ông, là lấy ý tưởng từ các nhà khoa học Nga, đặc biệt là M. Bakhtin. Ông tóm gọn con đường xây dựng thi pháp học mang tên Trần Đình Sử như sau: “Bakhtin xây dựng mô hình lý thuyết thi pháp của ông bắt đầu từ quan niệm nhân vật như một ý thức độc lập làm nền tảng cho cấu trúc phức điệu; tiếp đến xem xét thế giới của nhân vật với không gian, thời gian, mà không gian chiếm ưu thế hơn thời gian, đặc trưng cốt truyện, thể loại, đặc điểm ngôn ngữ. Các yếu tố của cấu trúc nghệ thuật đều phụ thuộc vào quan niệm con người. Mô hình của Bakhtin ở đây thích hợp trước hết đối với tiểu thuyết phức điệu của Dostoevsky. Chúng tôi đã rút ra và phổ quát hóa mô hình đó để có thể vận dụng vào thế giới nghệ thuật thuộc các thể loại văn học khác như thơ trữ tình, một thể loại mà Bakhtin không mấy hứng thú. Mô hình của chúng tôi bao gồm: quan niệm nghệ thuật về con người, không gian, thời gian nghệ thuật, hình tượng tác giả, tình tiết, kết cấu, trần thuật, ngôn ngữ thể hiện” (tr. 378). Như thế, thi pháp học ở nước ta từ khi được du nhập là theo mô hình của người du nhập. Điều này không có gì phải bàn. Lỗi không phải ở ông Sử, càng không phải ở ông Bakhtin, mỗi người đều có một hướng đi và giới hạn của mình. Huống chi, ông không chỉ đi sâu vào cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm, mà còn đi rộng hơn ở những công trình khác, “trong Thi pháp Truyện Kiều đã có tự sự học, trong Thi pháp văn học trung đại Việt Nam đã có các bình diện của thi pháp văn học một giai đoạn” (tr. 379). Những người khác sẽ mở/chọn hướng đi khác. Câu hỏi là sau Trần Đình Sử sẽ có ai đi tiếp con đường thi pháp học của ông với những hướng mở mới?

Tóm lại, có thể dõi theo con đường lý luận văn học của Trần Đình Sử ở cuốn sách Trên đường biên của lý luận văn học, và nội dung sách này có thể thu về ở bài “Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại” và rút lại ở câu này: “Nếu gọi lý luận phê bình theo quan điểm Marxist là diễn ngôn trung tâm, thì các lý thuyết khác là diễn ngôn ngoại biên. Tiến trình lý luận phê bình và văn học hôm nay đang ngoại biên hóa với hai nội dung: một là điều chỉnh, nới rộng nội dung lý luận văn học Marxist và hai là tiếp nhận các diễn ngôn phi Marxist (sic! - của tôi, PXN). Lý luận phê bình Marxist vẫn có vai trò chủ lưu, nhưng sự độc tôn không còn, đó là một tiến bộ cực kỳ to lớn của lý luận phê bình văn học hôm nay.” (tr. 313). Trong sự tiến bộ đó có công lao của Trần Đình Sử.

Giải thưởng 2015 của Hội Nhà văn Hà Nội trao cho cuốn sách chính là ở công lao tiến bộ đó. Nó khẳng định cái tâm và cái tầm của một nhà khoa học nhân văn. Nó khẳng định giá trị của giải thưởng và của người được giải. Năm đó Trần Đình Sử bảy lăm tuổi. Bài phát biểu nhận giải của ông đã gói gọn những điều đó.

“Tôi rất vinh dự được nhận giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội năm 2015, một giải thưởng cao quý mà trước tôi, nhiều nhà văn Hà Nội ưu tú đã được nhận. Tôi xin chân thành cảm ơn Hội đồng chấm giải đã dành cho tôi vinh dự này vì cuốn sách Trên đường biên của lí luận văn học của tôi.

Thưa quý vị, lí luận văn học có vị trí rất quan trọng trong đời sống văn học, lí luận ấy ngày nay trên thế giới đã đổi thay rất to lớn. Người ta đang thay đổi quan niệm về lí luận, lí luận văn học quan trọng, nhưng các lí luận về văn hóa, về giao tiếp, về tư tưởng còn quan trọng hơn. Văn học cần nhiều lí luận chứ không phải một lí luận. Lí luận không chỉ giúp con người thoát khỏi sự hạn hẹp của kinh nghiệm, mà còn giúp giải phóng con người khỏi những định kiến cũ, ngộ nhận cũ, mở ra chân trời mới của tư duy. Không có lí luận nào là bất biến, không lí luận nào không bị thời gian vượt qua. Thế mà những lí luận như thế vẫn tồn tại trong các giáo trình lí luận văn học đại học của ta như là những chân lí bất di dịch. Vấn đề là cần vạch ra những ngộ nhận và lỗi thời của lí luận cũ để giải phóng tư duy, giải phóng sức sáng tạo. Chính vì vậy mà trong sách này tôi nêu ra những điểm còn hạn chế trong các quan niệm truyền thống như ý thức hệ xã hội, văn học phản ánh hiện thực, khái niệm hiện thực, hình tượng văn học, phương pháp sáng tác, và nêu hướng đổi mới nội dung các khái niệm ấy. Lí luận văn học mác xít của ta vốn là lí thuyết của Liên Xô cũ được hình thành trong những năm 30 thế kỉ trước, nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó rồi, nay nếu muốn tiếp tục đóng góp trong nền văn học mới thì nó cần phải được đổi mới các nội hàm; đồng thời dù cho có đổi mới thì nó cũng không thể là toàn bộ lí luận văn học, mà bắt buộc phải tiếp nhận thêm nhiều lí thuyết khác nữa, để bổ sung, hoàn thiện, làm giàu cho vốn lí luận của chúng ta, có như thế thì mới đủ để hiểu đúng văn học và tiến trình văn học. Chính vì thế trong sách này tôi còn giới thiệu một số lí thuyết hiện đại và hướng vận dụng vào văn học ta. Trong sách cũng còn có phần nhìn nhận lại tình hình lí luận nước nhà trong mấy chục năm qua, trình bày một số vấn đề thi pháp học. Một công việc có ý nghĩa nghiêm túc và chuyên sâu như thế không thể là việc của một người, mà phải là việc của nhiều người, của một thế hệ. Chính vì vậy trong sách tôi chủ yếu gợi ra các vấn đề để mọi người quan tâm bàn thảo, các ý kiến cũng cũng không tránh khỏi thiếu sót. Tôi là người đã có tuổi rồi, mà đường còn dài lắm, con đường tiếp tục phải chờ mong ở thế hệ trẻ. Nhà văn Việt Nam phải được đổi mới về lí luận, họ cũng cần được biết nhiều thứ lí luận.

Tôi chân thành cảm ơn Hội đồng chấm giải của Hội nhà văn Hà Nội đã chia sẻ những suy nghĩ xây dựng nghiêm túc và chính đáng đó của tôi. Tôi xin cảm ơn nhà xuất bản Văn Học đã mạnh dạn xuất bản tác phẩm của tôi. Cảm ơn các bạn trẻ đã yêu mến giúp tôi công bố. Tôi xin phép được coi giải thưởng này như là sự khích lệ to lớn đối với sự nghiệp đổi mới về lí luận văn học của chúng ta. Giải thưởng này cho tôi niềm tin vào trật tự của đời sống văn hóa của chúng ta. Thật là Giữa đời gạn đục khơi trong/Là nhờ quân tử khác lòng người ta. Xin cảm ơn.”

Đã năm năm nữa trôi qua. Trần Đình Sử giờ đã ở tuổi tám mươi. Ông vẫn là người đang ở trên đường biên lý thuyết của nghề và của đời, nhưng trước chữ “trên” tôi muốn đặt chữ ĐI chứ không phải chữ ĐỨNG. Trần Đình Sử - Người Đi Trên Đường Biên, mặc dù tôi hiểu, khi đặt tên quyển sách của mình, có thể ông đã hàm ngôn: trên đường thì tất phải chỉ có thể là đi chứ không thể là dừng. Mừng thọ ông bằng bài viết này tôi muốn kết lại bằng bốn câu thơ của Xuân Hoàng viết về biển lạ hơn những người khác nói người đi giữa mép sóng bên bờ vững chãi và bên biển chông chênh.

Chỉ một bước là chân kề mép sóng

Biển và bờ ở giữa chúng ta đi

Bờ có đất có cây có khói chiều bảng lảng

Biển có thuyền có bão có chia ly.

Chúc ông vẫn vững bước.

Hà Nội mùa dịch COVID-19 (3.2020)