Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KẺ TRỒNG TÁO?

Dương Quốc Việt
Thứ ba ngày 10 tháng 3 năm 2020 9:05 AM




Đã đăng trong Tạp chí VH Nghệ An-Số 407-25/02/2020: Kẻ trồng táo?

Martin Luther (1483-1546)-nhà thần học, tu sĩ Dòng Augustine, và nhà cải cách tôn giáo vĩ đại người Đức, đã để lại một danh ngôn rằng: “Cho dù tôi biết ngày mai thế giới này sẽ tan thành mảnh vụn, tôi vẫn sẽ trồng cây táo của mình”. Cũng cần nói thêm rằng, trong thần thoại Celtic, táo là biểu tượng cho sự sống sinh sôi-vĩnh hằng và sự màu mỡ, táo cũng còn tượng trưng cho mặt trời, cho cội nguồn của sự sống, không những thế, nó còn là thức ăn của người chết trong thế giới “âm” của Celtic, để vượt qua mùa đông u ám, trước khi được nữ thần Olwen hồi sinh.

Nếu hiểu danh ngôn của Martin Luther, theo cái tâm của nghiệp “trồng người”, thì nghiệp gieo trồng các thế hệ tương lai cần phải là bổn phận như gieo trồng sự sống, sự tiến bộ, dẫu rằng, ngày mai sứ mệnh và tư tưởng của những thực thể, những cá nhân, những kẻ đang gieo trồng hôm nay, có thể sẽ bị cáo chung, thậm chí còn có thể bị hậu thế phán xét. Bởi di sản của loài người, của mọi quốc gia cho mai sau, cho tương lai, không có gì khác, đó chính là con người, và hơn tất cả, đó là những con người, những thế hệ, cần phải được nuôi dưỡng và giáo dục tử tế.

Cách hiểu như trên, hoàn toàn không có gì xa lạ với hiện thực cuộc sống, mà nhân loại đã trải qua. Như đã có biết bao ông bố, bà mẹ, mặc dù đã sống cuộc đời sai lầm, tội lỗi, thậm chí bất hảo-hư hỏng, bị xã hội ruồng bỏ, nhưng đã gắng “tầm sư học đạo” để nuôi dạy con, đến với đời sống cao cả hơn, mà họ chỉ mong sao được mỉm cười nơi chín suối. Nhân loại từ cổ chí kim, như một bản năng tự nhiên, đều thấu hiểu cái ý nghĩa sống còn của cái đạo lý “trồng người” này. Hơn thế nữa, người ta “trồng người” không phải để mưu lợi cho mình, càng không phải là để giống mình, hay làm “bản sao” của mình. Chẳng thế mà người Việt có câu: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” và “Con hơn cha, nhà có phúc” đó thôi!

Dường như bản năng của nhân loại, luôn mong muốn mang đến cho con trẻ những điều tốt lành. Bởi thế, hầu hết người ta đều dạy bảo con trẻ những điều hay-lẽ phải, ngay cả những đứa trẻ là con của những ông bố, bà mẹ có mối thâm thù với họ. Hãn hữu mới có những kẻ cố tình làm ngược lại, tức là đầu độc, hay “xui dại” con trẻ, ấy chỉ là những kẻ mất nhân tính. Vậy thử nghĩ xem phản phúc đến nhường nào, nếu một cá nhân, một tổ chức, hay một thể chế, ra sức đầu độc con trẻ những tư tưởng hủ bại, lỗi thời, dưới nhiều hình thức khác nhau, dẫu với bất cứ động cơ gì. Chưa kể nếu đó còn là sự đầu độc nhiều thế hệ (!)

Trong lịch sử nhân loại, đã xuất hiện không ít những bạo chúa, vì muốn duy trì địa vị độc tôn của mình, mà tru diệt, hay đầu độc-kiểm soát cả phần hồn con người. Vì chúng luôn sợ một ngày kia có người chống lại chúng. Chẳng thế mà trong bài giảng nhậm chức-ngày 19 tháng 3 năm 2013 của Giáo Hoàng Franciscus đã tổng kết: “Đau đớn thay, trong mọi thời đại của lịch sử đều có các “vua Herodes”(*) lập mưu lập kế để tạo ra chết chóc, hủy hoại, và bóp méo bộ mặt của con người”. Đây cũng còn là một trong những thuộc tính đặc trưng của những nền độc tài.

Người “trồng táo”-gieo trồng cho tương lai những cơ hội, những “quả phúc”, dẫu biết rằng một ngày kia họ sẽ đi vào dĩ vãng-quên lãng. Đó còn là một triết lý sống cao cả, mà con người luôn cần hướng tới. Điều này hoàn toàn trái ngược với thứ đạo lý của những kẻ phản động-bất lương, chúng chỉ quen với cướp bóc và tận diệt. Loài người đã từng chứng kiến sự tàn độc của những thực thể, những quái thai- như vua hề Charlie Chaplin (1889-1977) đã điểm mặt: “Kẻ độc tài giải phóng chính mình, nhưng lại nô dịch hóa nhân dân”. Rằng đó là kiểu hành xử của những kẻ, mà chúng đặt lẽ sinh tồn của chúng lên trên tất cả.

Nhưng ngay cả khi con người dồn hết tâm lực của “kẻ trồng táo”, nhằm mang lại cho đời sau những điều tốt đẹp, thì thành quả đạt được cũng đâu hẳn đã khả quan. Bởi những gì là chân lý, là lẽ sống của ngày hôm nay, nhưng sau này chưa chắc đã đúng. Chẳng hạn, trong thực tế, có không ít người đều thuộc diện “con ngoan trò giỏi”, được giáo dưỡng đầy đủ, nhưng phải đợi đến vài chục năm sau nhìn lại, sau những đổ vỡ, thậm chí tội lỗi, mới ngộ ra rằng, họ đã bị gia đình và nhà trường nuôi dạy và định hướng phiến diện, sai lạc. Vì vậy, việc giáo dưỡng con trẻ luôn phải hết sức cẩn trọng. Chính điều này đã khiến hầu hết các quốc gia phải “đau đầu”, để có được những chương trình giáo dục, cũng như những nguồn lực đáp ứng.

Cũng vì mang cái tâm của người “trồng táo”, mà cha ông ta hàng nghìn đời nay, vốn rất ghét hạng người chỉ tính chuyện tạm bợ trước mắt, không suy nghĩ đến chuyện lâu dài, và gọi chúng là kẻ “ăn xổi ở thì”. Tiếc rằng trong nhiều thập kỷ qua, căn bệnh này đã bùng phát ở hầu khắp các lĩnh vực, với những căn cớ, biện giải rất đa dạng. Điều này thật vô cùng nguy hại, đặc biệt diễn ra trong giáo dục, gây hệ lụy lâu dài đến tương lai của dân tộc. Và kết cục, rồi cái gì đến sẽ đến! Bởi:

Lòng tin đã ra đi

Đâu hẹn ngày trở lại

Diệu kỳ thay “nhân-quả”

Lịch sử không bút xóa (!)


Thật bất hạnh cho một dân tộc, nếu kẻ muốn độc tôn, muốn lưu danh muôn thuở, vốn không có cái tâm của “người trồng táo”, lại là những kẻ quyết định cho tương lai (!) Trong khi đó, thế giới này, lại không bao giờ dành ưu ái cho những dân tộc tụt hậu. Tất nhiên, người ta sẽ ngóng trông -hy vọng vào sự tự thay đổi. Nhưng tiếc thay, kẻ đã thiếu cái tâm của “người trồng táo”, thì sao có cái tâm để tự thay đổi tích cực. Vì thế, sự hóa giải chỉ còn trông chờ vào sức sống và sự trường tồn, vào “hồn thiêng sông núi” và “những cái chết” đúng lúc…

Hơn thế nữa, bởi tạo hóa nghiệt ngã đã dạy cho con người rằng: “Cái chết thực sự là lời chúc phúc lớn lao dành cho nhân loại, không có nó không thể có sự thay đổi, sự tiến bộ. Những người bất tử sẽ không chỉ ngăn trở và làm thối chí người trẻ tuổi, họ còn thiếu đi sự kích thích cần thiết để sáng tạo”. Đó cũng chính là danh ngôn được đúc kết bởi Alfred Adler (1870-1937)-bác sĩ, chuyên gia tâm thần học, người sáng lập ra trường phái tâm lý học cá nhân người Áo. Bởi vậy, những thực thể chống lại sự phát triển, sự tiến bộ của con người, ắt phải ra đi, theo dòng chảy của tạo hóa.

Tinh thần trong danh ngôn của Martin Luther, còn được thể hiện trong tính cách của những dân tộc lớn, những cá nhân, hay tổ chức, làm giàu thêm những phẩm chất tốt đẹp của con người. Điều này thường thể hiện rất rõ vào những thời khắc, mà “gót chân Achilles”, hay những ưu điểm vượt trội của con người được bộc lộ. Chẳng hạn, người ta thấy đẳng cấp cao trong kỷ luật của người Đức, trước hiện tượng “lội ngược dòng”-đến tận những giây phút cuối cùng trong bóng đá, rồi ứng xử rất đáng khâm phục của người Nhật trước động đất-sóng thần, hay tinh thần thép và nhân văn của người Mỹ qua vụ khủng bố kinh hoàng 11/9/2001… Đẳng cấp đó quyết không thể thuộc về loại người, mà như Jan Garrigue Masaryk (1886-1948)-nhà ngoại giao và chính trị gia người Séc, đã bóc mẽ: “Kẻ độc tài luôn luôn tỏ ra tốt đẹp chừng nào chưa tới mười phút cuối cùng”.

Dường như qua lăng kính của “kẻ trồng táo”, nhìn vào nhiều khía cạnh của con người và xã hội, sẽ giúp người ta nhận ra những vấn đề căn cốt của cá nhân, cũng như tổ chức, hay thể chế. Và cũng có thể dùng cái “kích-cỡ” hay chất lượng của “kẻ trồng táo”, như một thước đo lương tri của những thực thể trong xã hội, thậm chí còn làm thước đo cho cái “thang bậc” tiến hóa nghiệt ngã của loài người. Chưa kể, cùng với sự soi chiếu của ánh sáng “nhân-quả”, khiến người ta còn có thể, đoán nhận được tương lai, từ những hành xử của con người trong hiện tại.

___________

(*) Herodes (73 TCN- 4 SCN) được đế chế La Mã cắt đặt cai trị tỉnh Iudaea (nay là vùng đất tranh chấp giữa Israel và Palestine) từ năm 37 TCN đến năm 4 TCN. Theo sách Phúc Âm, khi Chúa Jesus mới sinh, tin đồn về nhiều đặc điểm khác lạ của một kỳ nhân vang xa, và đã đến tai vị vua này. Nhưng do không biết đích xác kỳ nhân mới xuất hiện là ai, Herodes đã hạ lệnh cho giết tất cả các bé trai mới sinh không quá 2 tuổi ở vùng Bethlehem-nơi có đứa trẻ lạ mới sinh, bởi ông lo sợ một ngày kia đứa bé này sẽ trở thành mối đe dọa cho ngai vàng của ông.