“Chẳng ai lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”.
(Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, phát biểu ngày25/12/2019).
Bi kịch của loài người
Thủ tướng nói “chống dịch như chống giặc”. Nhưng giặc Covid-19 khác với giặc thường. Sau 100 ngày giao chiến, loài người vẫn chưa thực sự biết giặc từ đâu tới, vẫn chưa có vũ khí hiệu quả để chống, và chưa biết bao giờ cuộc chiến kết thúc. Đó là một bi kịch.
Khi giặc Covid-19 ập đến tấn công, loài người hầu như không kịp trở tay và bất lực, vì chưa biết giặc nào và mạnh hay yếu. Các siêu cường hàng đầu cũng bất lực, tuy họ có vũ khí hạt nhân trong tay và có hàng ngàn tỷ USD trong kho dự trữ. Đó là một nghịch lý.
Chỉ cần mấy tuần là giặc Covid-19 có thể biến một đô thị lớn như Vũ Hán (ở Trung Quốc) hay Milan (ở Ý) trở thành một “thành phố ma”. Nó có thể làm du lịch phải đóng cửa, kinh tế bị đình trệ và suy thoái, điều mà một đội quân hùng mạnh chưa chắc làm được.
Để chống giặc Covid-19 đầy bí hiểm, chính phủ cần có chuyên gia giỏi về vi-rút làm cố vấn (như chính phủ Đức), vì họ có ích hơn là giáo sư về Mac-Lê. Loài người cần đổi mới tư duy và hệ quy chiếu, vì tư duy truyền thống và trí khôn thông thường đã lỗi thời.
Chưa biết liệu có phải loài người đã hủy diệt môi trường quá đà và thách thức cả thượng đế, làm cho “Mẹ Thiên nhiên” (Mother Nature) và các vị thần nổi giận trừng phạt hay không. Nhưng loài người chắc phải trả giá đắt cho cả thiên tai và nhân họa mà họ gây ra.
Nhưng Covid-19 cũng làm cho loài người tỉnh ngộ ra rằng họ rất dễ bị tổn thương (vulnerable) và dễ bị hoảng loạn (panic). Họ ngu ngốc hơn là họ tưởng. Cách đây một thế kỷ, Einstein đã từng nói “có hai thứ vô tận là vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người”. Ngày nay, Yuval Harari cũng nói “Chúng ta đừng bao giờ đánh gía thấp sự ngu xuẩn của con người”.
Thảm họa cho Trung Quốc
Covid-19 là thảm họa không chỉ cho Trung Quốc mà còn cho cả thế giới. Từ đêm 11/3, WHO đã tuyên bố nâng cấp dịch (Epidemic) thành đại dịch toàn cầu (Pandemic). Theo cập nhật của Worldometer (đến 16/3) dịch Covid-19 đã lan ra 160 nước và vùng lãnh thổ.
Trên Worldometer, chỉ số người bị lây nhiễm và tử vong tại các nước tiếp tục thay đổi khó lường như trò chơi sổ số. Nhưng đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Phần chìm của tảng băng là “những hệ quả không định trước” (unintended consequences).
Bên cạnh những tổn thất về người và của có thể đo đếm được (tangible losses) còn có những tổn thất không thể đo đếm được (intangible losses). Đó là những tổn thất không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần và lòng tin.
Trung Quốc đã phát triển kinh tế thần kỳ, sau ba thập kỷ (đến 2010) đã vượt qua Nhật trở thành siêu cường kinh tế thứ hai thế giới. Từ một nước nghèo, Trung Quốc trở thành nước thu nhập trung bình cao (Vũ Hán là 20.000 USD). Theo Credit Suisse (2019), trong 10% người giàu nhất thế giới (tài sản trên 109.430 USD) Trung Quốc có 100 triệu, Mỹ có 99 triệu.
Sau dịch SARS (2003) Trung Quốc đã phục hồi và tiếp tục phát triển nhanh. Hơn một năm qua, chiến tranh thương mại đã làm kinh tế Trung Quốc và Mỹ tổn thất nặng nề, nhưng theo Reuters (21/10/2019), hai nước này vẫn dẫn đầu: Mỹ đóng góp cho thế giới 3.800 tỷ USD, và Trung Quốc đóng góp 1.900 tỷ USD. Nhưng nay Covid-19 làm thay đổi tất cả.
Thời kỳ dịch SARS (2003), Trung Quốc đang trong chu kỳ kinh tế phát triển đi lên nên có đủ nguồn lực để phục hồi. Nhưng thời Covid-19 (2020), Trung Quốc đang trong chu kỳ kinh tế suy thoái đi xuống nên sẽ không đủ nguồn lực để phục hồi. Hệ quả chiến tranh thương mại và dịch Covid-19 là “đòn kép” (twin blows) giáng vào nền kinh tế Trung Quốc.
Từ trước đến nay, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh là dựa vào xuất khẩu đi thị trường Mỹ và phương Tây. Chiến lược phát triển mới “Made in China 2025” cũng dựa vào công nghệ Mỹ và phương Tây (qua mua hoặc đánh cắp). Nay các lợi thế sống còn đó (thị trường và công nghệ) không còn nữa vì Mỹ-Trung chiến tranh thương mại và chiến tranh lạnh.
Muốn phát triển thị trường trong nước để thay thế, Trung Quốc tuy có tiềm năng (hơn một tỷ dân) nhưng cần thời gian để chuyển đổi và tăng dần sức mua của họ. Muốn nghiên cứu và phát triển (R&D) để độc lập dần về công nghệ, Trung Quốc cũng cần có thời gian và nguồn lực. Nhưng chiến tranh thương mại làm Trung Quốc thiếu hụt cả hai thứ đó.
Về nguồn nhân lực, Trung Quốc cũng đang bước vào giai đoạn khủng hoảng như “đụng đầu vào bức tường thành” (Will China’s Economy Hit a Great Wall, Paul Krugman, New York Times, January 15, 2019). Nguồn nhân lực Trung Quốc ngày càng thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu do tình trạng mất cân đối kéo dài về hạn chế sinh đẻ và phát triển dân số.
Covid-19 làm Trung Quốc lâm vào “khủng hoảng kép” (double crises) về cả kinh tế lẫn chính trị. Nó làm bộc lộ những tử huyệt của chế độ như “mù lòa chuyên chế” (authoritarian blindness). Họ duy trì độc tài chính trị theo mô hình tư bản nhà nước (state capitalism) nhưng không cải cách thể chế. Nay Covid-19 đẩy mâu thuẫn đó tới gần khủng hoảng.
Lần đầu tiên quyền lực tuyệt đối của “hoàng đế đỏ” Tập Cận Bình bị thách thức và rạn nứt do phản kháng của người dân bị dồn vào chỗ chết bởi Covid-19. Đấu tranh quyền lực giữa các phe phái trong chống tham nhũng có thể làm Tập Cận Bình khó thoát được thảm họa này. Nhưng kết cục thế nào còn phụ thuộc vào việc Tập xử lý khủng hoảng này ra sao.
Nói cách khác, nếu khủng hoảng kinh tế là phần nổi của tảng băng chìm, thì khủng hoảng chính trị chính là tảng băng chìm đó. Nó là “hệ quả không định trước” (unintended consequence) của thảm họa Covid-19 đối với Trung Quốc năm 2020. Chưa biết liệu thiên mệnh của Tập Cận Bình đến lúc hạ màn hay chưa, nhưng chắc chắn sẽ không còn như trước.
Trở về tương lai (back to the future)
Tiếp theo ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ là Robert O’Brien cũng phát biểu (tại Heritage Foundation ngày 11/3) rằng “vi-rut này có nguồn gốc từ Vũ Hán”. Ngày hôm sau (12/3), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Cảnh Sảng (Geng Shuang) đã gọi phát biểu đó của O’Brien là“ cực kỳ vô đạo đức và vô trách nhiệm”.
Một người phát ngôn khác của Bộ Ngoại Giao là Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cũng khẳng định trên Twitter (ngày 12/3) rằng “Có thể chính quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh này đến Vũ Hán” và “Mỹ nợ chúng tôi một lời giải thích”. Nữ phát ngôn BNG Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) cũng phụ họa: “Hoàn toàn sai lầm và không đúng khi gọi đó là vi-rut Tàu”.
Theo báo South China Morning Post (ngày 13/3), Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell (kiêm người phát ngôn Bộ Ngoại giao) đã trao công hàm cho Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) để phản đối cáo buộc đó của Bắc Kinh. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, cách hành xử đó của Bắc Kinh chỉ làm xấu hơn quan hệ Mỹ-Trung.
Đó không phải là phản ứng nhất thời của Trung Quốc vì bị Mỹ chọc tức, mà là “một dàn hợp xướng” được Bắc Kinh chỉ đạo như “một chiến dịch ngoại giao và tuyên truyền” để phản công nhằm xoay chuyển tình thế. Covid-19 làm bộc lộ “Gót chân A-sin” của Trung Quốc như “ tử huyệt của chế độ” làm Bắc Kinh tuyệt vọng (desperate) phải đối phó.
Thứ nhất, Bắc Kinh muốn khẳng định vai trò lãnh đạo số một của Tập Cận Bình (đến thăm Vũ Hán ngày 10/3), vì quyền lực của Tập bị chỉ trích và thách thức. Thứ hai, Bắc Kinh “đổi trắng thay đen”, đổ trách nhiệm cho Mỹ để lấy lại lòng tin của dân đang phẫn nộ. Thứ ba, Bắc Kinh muốn giải tỏa cách ly để phục hồi kinh tế bị đình trệ do phong tỏa.
Sau hai tháng phong tỏa Vũ Hán để chống dịch một cách quyết liệt, từ tuần đầu tháng 3/2020 khi dịch Covid-19 có dấu hiệu giảm dần, Bắc Kinh đã tỏ ra nôn nóng muốn sớm phục hổi các hoạt động sản xuất kinh doanh để đối phó với “nguy cơ kép” về kinh tế và chính trị. Việc này tuy cấp bách, nhưng cũng ẩn tàng rủi ro như một canh bạc khó lường.
Trong một thể chế độc tài dựa trên “sùng bái cá nhân” (cult of personality), các quyết sách do lãnh đạo “duy ý chí” (wishful thinking) thường khó lường hết các ẩn số và biến số, có thể dẫn đến tình trạng “Cao Biền dậy non”. Trong lịch sử, các bài học lớn do “duy ý chí” như “Đại nhảy vọt” (Great Leap Foreward) đã để lại những hệ lụy khủng khiếp lâu dài
Bắc Kinh muốn xóa đi ký ức về nguồn gốc Covid-19 “không phải do Trung Quốc”, và xây dựng hình ảnh Tập Cận Bình là người chiến thắng, có công “chỉ đạo chiến tranh nhân dân chống Covid-19” nên “thế giới phải cám ơn Trung Quốc”. Để hóa giải hình ảnh xấu và tình thế bị cô lập, Bắc Kinh sẵn sàng “chia sẻ kinh nghiệm”, và “hỗ trợ các nước khác”.
Một số học giả Mỹ và phương Tây cho rằng “Bắc Kinh luôn muốn độc quyền sự thật, độc quyền lịch sử”, và nay sẵn sàng phủ nhận là đã che giấu dịch bệnh từ đầu nên dẫn đến thảm họa. Để “đổi trắng thay đen” họ sẵn sàng nói dối và tin rằng “nói dối được lặp lại nhiều lần sẽ thành sự thật”, rằng họ có thể “tẩy não” (brainwash) người dân như họ đã từng làm.
Nếu Trung Quốc không vượt qua được thảm họa thì sẽ suy sụp như “màn chót” (End Game, theo David Shambaugh), và “trở về tương lai” như thời chiến quốc. Nếu vượt qua được, Trung Quốc có thể chuyển đổi như “Làn sóng Thứ ba” (Third Wave, theo Samuel Huntington). Minxin Pei cho rằng Trung Quốc có thể cải cách theo mô hình ghép (Refolution).
BÀI HỌC CHO VIỆT NAM
Trong giai đoạn đầu chống Covid-19, Việt Nam đã làm tốt công tác kiểm soát dịch, duy trì được con số 16 người lây nhiễm trong 3 tuần liền. Nay khi dịch Covid-19 lan rộng ra 160 nước và lãnh thổ, với 174.075 ca lây nhiễm và 6.684 người chết, thì “phòng tuyến 16” của Việt Nam bị phá vỡ, làm con số lây nhiễm tăng lên 59 người (nhưng vẫn chưa dừng).
Để thoát hiểm và vượt qua khủng hoảng khi cuộc chiến với Covid-19 bước sang giai đoạn hai, Việt Nam cần nghiêm túc xem xét và đánh giá lại giai đoạn một để rút ra bài học kinh nghiệm. Tuy đã thành công bước đầu và được các tổ chức quốc tế (như WHO, World Bank, và CDC của Mỹ) đánh giá cao, nhưng Việt Nam không vì thế mà chủ quan và tự mãn.
Có mấy nguyên nhân chính làm Việt Nam có thể thoát hiểm. Một là từ sau dịch SARS, nghành y tế đã xây dựng được một hệ thống y tế cộng đồng và phòng dịch khá tốt. Hai là ngay từ đầu, chính phủ đã coi “chống dịch như chống giặc” và cử một phó thủ tướng đặc trách chỉ đạo. Ba là các cơ sở phòng chống dịch hoạt động khá hiệu quả trong giai đoạn đầu.
Trong khi cả nước gồng mình chống dịch và ông Vũ Đức Đam đang lao tâm khổ tứ chỉ đạo ngành y tế và ngành giáo dục đối phó với Covid-19, thì một số quan chức cao cấp như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Giáo sư Nguyễn Quang Thuấn lại đi nước ngoài công tác. Tuy họ “theo đúng quy trình”, nhưng đây là vấn đề nhân cách và trách nhiệm.
Trong cuộc diễn tập chống dịch Covid-19 (ngày 4/3) ông Vũ Đức Đam đã tự tin tuyên bố “Nếu một tuần nữa không có ca nhiễm mới nào tại Việt Nam thì theo quy định, chúng ta sẽ công bố hết dịch”. Ông Đam không biết rằng “bệnh nhân thứ 17 và thứ 21” từ Anh về trước đó hai ngày đã chọc thủng “phòng tuyến sân bay” và đang âm thầm lây lan Covid-19.
Chuyến bay định mệnh “VN 0054” từ London về Hà Nội (ngày 2/3/2020) chở “bệnh nhân thứ 17 và thứ 21” cùng đoàn cán bộ của Bộ KH-ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đi công tác tại Ấn Độ và Anh, đã không theo chỉ đạo của Thủ tướng “chống dịch như chống giặc”. Phải chăng đây là một ví dụ điển hình về “trên bảo dưới không nghe?”
Khi ở nước ngoài và trên máy bay, các ông có thể được đặc cách ở khách sạn 5 sao và ngồi ghế hạng C (bằng kinh phí nhà nước). Nhưng về nước, các ông đã không gương mẫu theo quy định phòng dịch, mà vẫn tiệc tùng, đi chơi golf, và họp hành đông người, làm lây lan ra hàng trăm người khác (F1 và F2). Đó là một ví dụ điển hình về vô cảm và vô minh.
Nhưng đáng tiếc và không may cho các ông là con vi-rut Covid-19 không quan tâm đến đặc quyền dành cho quan chức cao cấp. Trong trận chiến với Covid-19, “mọi người đều bình đẳng trước rủi ro và cái chết”, không phân biệt giới tính, giàu nghèo, cấp bậc cao hay thấp. Chắc các ông do vô cảm và vô minh nên “chưa thấy quan tài thì vẫn chưa khóc”.
Dù kết quả xét nghiệm là “dương tính” (như ông Thuấn) hay “âm tính” (như ông Dũng), thì sự khác biệt chỉ là cách ly tập trung hay tự cách ly tại nhà riêng. Người nhập cảnh trong thời điểm đang có dịch (như có giặc) đều phải theo quy định phòng dịch. Nếu lỡ lọt lưới, lây nhiễm cho cộng đồng thì các ông phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân.
Hệ lụy vì vô cảm và vô minh của quan chức cao cấp lớn hơn nhiều so với người dân. Nếu “bệnh nhân thứ 17” (cô Nguyễn Hồng Nhung) bị dư luận lên án, thì “bệnh nhân thứ 21” (ông Nguyễn Quang Thuấn) cần bị xem xét kỷ luật. Dân trí thấp (như cô Hồng Nhung và cậu Khắc Tiệp) tuy nguy hiểm cho cộng đồng, nhưng quan trí thấp còn báo hại cho đất nước.
Trường hợp “bệnh nhân thứ 34” tại Bình Thuận là điển hình “siêu lây nhiễm” (super spreader) đã làm lây lan cho 46 người (F1) và hàng trăm người (F2) vì khai báo không trung thực. Chính quyền địa phương không kiên quyết cách ly như biện pháp sống còn để phòng dịch. Cần kỷ luật “bệnh nhân thứ 34” và chính quyền địa phương vì hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi dịch bùng phát tại Ý (với 24.747 ca nhiễm, và 1.809 người chết) thì Đức ít hơn nhiều (với 6.248 ca nhiễm, và 13 người chết). Có nhiều nguyên nhân, nhưng Chính phủ Đức có hai cố vấn là chuyên gia hàng đầu về dịch, thường xuyên cung cấp cho công chúng các thông tin thiết thực để phòng dịch. Chính phủ Việt Nam cũng nên có một cố vấn là chuyên gia giỏi về dịch tễ, thiết thực hơn là một giáo sư về Mác-Lê (như ông Nguyễn Quang Thuấn).
Thay lời kết
Về đối nội, cuộc chiến với Covid-19 đang làm bộc lộ những góc khuất (blindspots) trong chiến dịch chống tham nhũng, như “hệ quả không định trước”, mà chính quyền phải xử lý để duy trì chính danh. Về đối ngoại, Covid-19 đang làm bộc lộ “gót chân A-sin” của Trung Quốc, mở ra cơ hội mới để Việt Nam có thể thoát Trung và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Đà Nẵng của tàu USS Theodore Roosevelt (5-9/3) có ý nghĩa quan trọng đối với bàn cờ địa chính trị vì Mỹ vẫn triển khai chiến lược của họ nhằm ba mục tiêu chính tại khu vực. Một là hoạt động tuần tra hải quân (FONOP); Hai là các chuyến bay qua của máy bay ném bom (overflights); Ba là quyền tự do hàng hải (tại Biển Đông).
Tuy cùng là người Trung Hoa và liền kề với Trung Quốc, nhưng Đài Loan quyết thoát Trung, nên chắc thoát được thảm họa Covid-19. Tuy là người châu Âu, cách xa Trung Quốc nửa vòng trái đất, nhưng Ý bắt tay hợp tác với Trung Quốc theo sáng kiến “Vành đai, Con đường” nên đất nước chắc sa vào bẫy nợ và thảm họa Covid-19, với hệ quả khó lường.
Trước các bài học sinh tử đó, Việt Nam cần đồng thuận quốc gia để “biến nguy thành cơ”, quyết làm bằng được hai vấn đề cấp bách. Một là cải cách thể chế để tháo gỡ các nút thắt đang kìm hãm quá trình đổi mới và phát triển. Hai là nhân cơ hội này để thoát Trung, làm cho Việt Nam có thể độc lập và đa dạng hóa quan hệ, nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Tham khảo
1. As Numbers Soar, Here’s Everything We Dont Know About the Coronavirus, James Palmer, Foreign Policy, February 12, 2020
2. Political carnage of China’s coronavirus outbreak is just beginning, Minxin Pei, Nikkei Asian Review, February 19, 2020
3. China’s Leaders Obsessed With Secrecy, Frank Ching, YaleGlobal Online, February 20, 2020
4. Chinas Coronavirus Crisis Is Just Beginning, Geremie Barmé, NYT, March 3, 2020
5. How the coronavirus is shaking up Asia’s political order, William Pesek, Washington Post, March 3, 2020
6. Vietnam: Significance of 2nd Visit by U.S. Navy Aircraft Carrier, Carl Thayer, Background Briefing, March 3, 2020
7. The Virus of Fear, Ian Buruma, Project Syndicate, March 6, 2020
8. USS Theodore Roosevelt’s Vietnam Visit: Low Key, High Touch, Le Hong Hiep, ISEAS Commentary, March 6, 2020
9. China everywhere: What the coronavirus outbreak tells us about the current state of globalization, Nayan Chanda, YaleGlobal Online, March 7, 2020
10. South Korea shows that democracies can succeed against the coronavirus, Josh Rogin, Washington Post, March 11, 2020
11. Fear of China Made Taiwan a Coronavirus Success Story, Hilton Yip, Foreign Policy, March 16, 2020
NQD. 16/3/2020