Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Đầu xuân này, tôi được gặp nhà văn Vương Trung lần cuối cùng.
Lúc đó, ông đã nằm bẹp trên nệm Thái. Tôi ngồi bên ông rất lâu, không nỡ hỏi nhiều, dù ánh mắt ông cồn cào bao điều muốn nói với người bạn vong niên, đứa em kết nghĩa của ông từ thuở khốn khó năm xưa... Hoa mắc-cọp nở trắng vườn, và qua cánh cửa nhà sàn, chúng như nhòe lệ. Dưới những chùm hoa này, bao lần ông hồ hởi trò chuyện với các bạn văn nhiều lứa tuổi, với thầy trò khoa văn sử trường Cao đẳng Sư phạm...
Còn giờ đây, khi hoa mắc-cọp bắt đầu tàn để vào mùa bói quả, ông đã nằm yên nghỉ mãi mãi giữa núi rừng Tây Bắc. Ở một chuyến xe đêm tốc hành ngược Sơn La vào đúng ngày ông tạ thế, hồi nhớ về ông tràn ngập giữa sương mù và bóng tối đường trường...
Ngày ấy, từ căn phòng tập thể giáo viên của tôi đến nhà ông chỉ vài chục bước chân - một ngôi nhà sàn truyền thống cũ kỹ nằm trên sườn đồi, với mấy đứa con nhỏ lít nhít, và rất nhiều sách vở, bản thảo. Là cán bộ Sở Văn hóa Sơn La, làm việc ở thị xã, có khi vài tuần ông mới về nhà ở thị trấn Thuận châu, nhất là vào những dịp đi điền dã khắp vùng Tây Bắc. Những dịp đó, ông vẫn nhờ tôi xem xét hộ việc học hành của cô con gái đầu lòng. Tôi không sao quên nổi vóc dáng cây sậy của cô bé cấp một, chữ viết như gà bới, váy áo cóm xộc xệch, mặt mũi xanh xao bởi cõng em thường xuyên và đói ăn, lại mau nước mắt - cháu Phanh Nèn giờ đã là hiệu trưởng trường PTCS Mường Ék, nơi ông cất tiếng khóc chào đời. Ông cũng từng nhờ giáo viên văn chúng tôi giúp tài liệu ôn thi vào khóa chuyên tu ĐH văn Tổng hợp; và cái thời ông về Hà Nội học là thời gia đình ông lao đao nhất... Vợ ông, bà Cầm Thị Dước, một phụ nữ Thái cổ truyền nhỏ nhắn, là em gái của những trí thức văn nghệ sĩ có tên tuổi: nhà dân tộc học Cầm Trọng, nhạc sĩ Cầm Bích, nhà giáo Cầm Nghiệp. Bà làm cán bộ phát thanh huyện với giọng nói trong vắt, với tinh thần tận tụy, và làm "nội tướng" trong một gia đình cán bộ văn hóa nghèo sinh hoạt như dân bản!... Việc đầu tiên của tôi khi bước vào ngôi nhà sàn quen thuộc là ôm choàng lấy đôi bờ vai gầy gò và để mái đầu trắng cước phủ khăn tang của bà nấc lặng lẽ trong lồng ngực tôi. Gần hai năm trời chăm sóc chồng lâm trọng bệnh, thân hình bà giờ teo tóp lại tựa lõi cây rừng, song đã là chỗ dựa vững chãi nhất, nguồn an ủi lớn nhất của ông cho tới giờ phút chót! Và nhờ có bà cáng đáng gia đình qua bao đận gian nan, nhà văn & nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vương Trung đã có thể yên tâm lao động chữ nghĩa nặng nhọc để lưu lại cho nền văn học dân tộc Thái, nền văn học Việt Nam hiện đại và kho tàng văn hóa nước nhà không ít giá trị quý báu!
Ông tên đầy đủ là Lường Vương Trung, xuất thân từ một dòng họ Mo chang dân tộc Thái đen ở xã Mường Ék- huyện Thuận châu, nghĩa là dòng họ chuyên làm Mo (Lường mo, Lò tạo - họ Lường làm ông mo, họ Lò làm quan) như truyền thống xã hội Tây Bắc cũ. Ở vùng thập châu Thái xưa kia, và cho cả đến tận bây giờ, ông Mo mường chính là linh hồn của tập tục Thái, là người thâu nhận, tập trung những tinh túy văn hóa của cả một dân tộc có các ông tổ là Tạo Xuông, Tạo Ngần, Lạng Chượng... Chính Lạng Chượng và con cháu nhiều thế hệ kế tiếp đã khai phá các vùng đất, lập bản dựng mường trên khắp lưu vực sông Đà, sông Mã... và phát triển Mường Muổi thành trung tâm của người Thái - tức châu Thuận bây giờ. Người Thái ở Việt Nam có chữ viết khá sớm và ý thức đầy đủ về việc ghi chép lịch sử dân tộc từ ngàn năm nay. Theo khẳng định của một số nhà Thái học có uy tín: Cầm Trọng, Cầm Cường..., các Mo mường chính là tác giả của những văn bản lịch sử cổ xưa và quan trọng, như bộ Quam tô mương, Quam phanh mương, sử thi Táy pú xớc*...Những trí thức lớn đó của dân tộc Thái uyên bác về ngôn ngữ, hiểu biết sâu về lịch sử và văn hoá dân tộc, đồng thời còn là mưu sĩ của các triều đại chúa đất Thái.
Nhưng ông "Mo mường thời hiện đại" này (theo cách gọi vui và cũng khá chuẩn xác về ngữ nghĩa của bạn tôi- nhà văn Văn Giá) lại có tâm hồn của một nghệ sĩ. Từ thuở mới biết chọc sàn và thổi sáo tìm đường đến với trái tim các cô gái, Vương Trung đã bước vào con đường sáng tác văn học trên một nền móng vững chắc của văn hóa - văn học Thái. Cùng thời và cùng hòa nhịp với đoàn quân Giáo dục thế hệ 59 từ miền xuôi lên Tây Bắc, anh giáo tiểu học khu Tự trị Thái - Mèo Vương Trung đã sớm có những vần thơ được đồng nghiệp yêu thích; và như bất cứ một nhà thơ dân tộc nào, trước khi có thơ in sách báo, Vương Trung đã có nhiều bài thơ ca tiếng địa phương được truyền miệng rộng rãi trong dân gian. Bà Lê Thị Liên từng dạy học ở Tuần Giáo (Mường Sinh) nhớ lại: ngoài những bài thơ của mình, ông Vương Trung còn làm mê mẩn cả hội đồng giáo viên bởi những câu tục ngữ, dân ca vùng Tây Bắc cực kỳ thú vị. Ông có thể kể hàng giờ về những tình ca dân gian Thái, Kh'Mú. Còn riêng tôi thì đã nhiều lần được sống mê say trong cái thế giới của người sống, của hồn ma và ở các mường Trời (Mường Then) thông qua những lời "khắp" sử thi và lời cúng mo bay bổng huyền ảo nhưng lại thấm đẫm sự sống được Vương Trung cùng nhiều nhà văn hóa dân gian Thái sưu tầm, chú giải và dịch ra tiếng phổ thông...
Thơ Vương Trung mới chỉ in trong hai tập ở các nhà xuất bản Trung ương: truyện thơ "Inh Éng" và tập thơ "Sóng Nậm Rốm." Trong "Sóng Nậm Rốm", cả thơ ngắn lẫn trường ca - tuy chất lượng nghệ thuật không đồng đều, song có thể thấy rõ điều này: ông đã bứt rất xa khỏi lãnh địa văn nghệ quần chúng, và không còn chút dấu vết nào của lối thơ chạy theo đề tài, minh họa sự kiện & đường lối chính sách. Dung lượng trí tuệ và dung lượng hình tượng cảm xúc được hòa hợp một cách đầy bản lĩnh ở một cây bút giàu kinh nghiệm được kế thừa rất sâu truyền thống văn học dân gian, lại ý thức rất rõ rệt về tính chuyên nghiệp của mình! Thơ ông khá hiện đại trong cấu tứ và ngôn ngữ hình tượng mà vẫn giữ được về cơ bản hồn cốt dân tộc, có khả năng đứng lâu bền trong những hợp tuyển thơ Việt Nam hiện đại - bài thơ "Núi, mây và đàn bò" là một ví dụ tiêu biểu.
Nhưng truyện thơ mới là thể loại "đắc địa" của Vương Trung! Ông đã lao tâm khổ tứ trong việc sưu tầm, khảo cứu cả một hệ thống sử thi & trường ca dân gian Thái, Kh' Mú, Dao, Mông... khắp vùng Tây Bắc. Khi sáng tác, truyện thơ của ông có sự gắn kết hữu cơ giữa tính sử thi như là hồi quang của những biến động lịch sử-xã hội với chất thơ của đời sống thường ngày thông qua sự cảm thụ vẻ đẹp tâm hồn cũng như sự bi thương bất hạnh của những số phận cụ thể... Trong số đó, "Ing Éng" là một truyện thơ nổi bật. Ing và Éng là đôi bạn từ thưở ấu thơ, khi lớn lên thì tình bạn thân thiết chuyển thành tình yêu. Mối tình đầu đang độ nồng thắm thì Inh đi nghĩa vụ quân sự. Éng chối từ làm vợ Lò Oan- con một nhà giàu mà cha mẹ gả ép. Ngay đêm tân hôn, cô trốn vào rừng, rồi tìm đến nông trường Mường Ẳng xin làm việc. Lò Oan đã giả mạo thư của bố Éng gửi cho Ing báo tin Éng đã lấy chồng, đồng thời phao tin là Ing đã lấy vợ ở biên giới. Trong một lần tiêu diệt phỉ, Ing bị thương nặng. Khi vết thương lành, trên đường trở về đơn vị, nghỉ tại nông trường Mường Ẳng, Ing bất ngờ bắt gặp lại Éng. Éng đã chạy biến... Rồi cả hai vỡ lẽ: "Hoá ra dây tình bền rìu chặt không đứt, dao cứa áo tình từ nhỏ không rách hở thân". Mối tình đầu được nối lại đằm thắm. Ing lại tiếp tục lên đường về đơn vị, họ "Gửi mắt nhau niềm tin; gửi tim nhau nỗi nhớ"... Với một ngôn từ giản dị, chắt lọc, tác phẩm đã dựng nên những hình tượng thơ chân chất rung động về các cảnh ngộ, về tâm trạng của các lứa tuổi khác nhau- nhất là tâm trạng của hai nhân vật chính từng phải trải qua chuỗi dài những buồn khổ, oán hận, dằn vặt, và niềm vui tái hợp... Tác phẩm này đã được nhân dân khắp vùng Tây Bắc rất ưa thích. Nó hay được trích đoạn làm hợp cảnh để hát phục vụ trong các lễ hội và tiệc rượu. Có nhiều người đã thuộc lòng cả tác phẩm.
Sáng tác dài hơi mới nhất của ông là tiểu thuyết "Đất bản quê cha" (Nxb Văn hóa dân tộc-2007). Trong tác phẩm này, Vương Trung đã có thể làm cái việc "tập đại thành" những trải nghiệm của ông về cuộc sống cũng như những hiểu biết về văn hóa - xã hội Thái xưa kia lẫn hiện tại mà ông thâu nhận, nghiền ngẫm trong nhiều năm ròng. Đường dây truyện xoay quanh số phận hai nhân vật chính Pâng - Sượi, khởi nguồn từ motif "yêu nhau mà không lấy được nhau" thường thấy trong nhiều truyền thuyết, truyện thơ cổ dân tộc Thái. Ông cũng đi sâu vào khám phá tận tế vi đời sống tâm hồn của người Thái với chằng chịt mối quan hệ xã hội, tập tục địa phương, v.v, như một số tác giả mà nổi bật là Mạc Phi với bộ tiểu thuyết "Rừng động". Nhưng cái mới mẻ, sáng tạo của riêng Vương Trung chính là sự tái hiện một cách sống động cuộc đấu tranh gian khổ chinh phục thiên nhiên của những con người trong thời đại mới, giữa bao thử thách và tai nạn do lòng tham, thói đố kỵ, sự ngu muội của chính đồng bào mình gây ra! Ở đây, truyền thuyết cũ lồng trong truyền thuyết mới, mà truyền thuyết mới chính là câu chuyện kể về người anh hùng Pâng Pun đã cùng vài người bà con đơn độc mở mương vắt qua vách đá hiểm trở Pha Dương dẫn nước suối Huổi Hiểm về khai khẩn đất hoang, cải tạo đất bạc màu giúp cho cả bản hướng thoát nghèo đói... Công việc đó của họ vấp phải biết bao sự thờ ơ, chống đối, không chỉ là những xỏ xiên bới móc, mà cả sự trả thù độc địa xuất phát từ mối thù cá nhân từ thế hệ trước... Kết thúc cuốn tiểu thuyết là hồi ức xót xa đầm nước mắt của mối tình đầu bất thành Pâng - Sượi, quanh bài thơ buồn của người đàn bà cô quạnh, nhưng không kéo người đọc chìm trong bi lụy bởi nguồn cảm hứng sử thi mới của "chứng tích Pha Pâng Pun trị thiên nhiên" bên cạnh "núi Pha Tạo, Pha Nàng nuối tiếc nhìn nhau"... Và đó cũng là sự bắt đầu của sự sống mới, của tình yêu mới từ những đôi trẻ đang tìm cách xóa bỏ hận thù xưa của hai gia đình, đang tiếp tục công việc làm giàu cho bản thân và quê hương. Có lẽ, vì từng có một mối tình đầu bất hạnh được kể lại trong cuốn tiểu thuyết đầu tay "Mối tình Mường Sinh" gần như một tự truyện, nên Vương Trung càng có điều kiện thấu hiểu cảm thông cho tâm trạng đang yêu "mãnh liệt như sóng tung, thác dội" của những cặp trai gái, và ông đã khiến cuốn "Đất bản quê cha" có sức hút đắm đuối không ít độc giả trẻ tuổi! Và đọc cuốn tiểu thuyết này, tôi có cảm giác Vương Trung đã từng trôi nổi qua nhiều vùng đất, nhiều nền văn hóa & văn học để tự tin trở về với dân tộc mình- không phải với tâm lý cổ "Mười bản không bằng bản rụng rốn/Mười mường không bằng mường treo nhau" mà với một tâm thế cao hơn nhiều- tâm thế của một nhà văn khi đã hiểu rõ vùng quê mình như một "thầy pháp thuật" của tâm hồn và chữ nghĩa...Văn xuôi ông có lối kể chuyện rủ rỉ, không làm sửng sốt bởi những phát hiện độc đáo về tâm lý hay miêu tả sự việc mà thấm dần vào lòng người đọc những mảnh đời, những trạng thái tâm tư tựa mạch nước ngầm. Ông sống với nhân vật và ngôn ngữ tự sự của mình như cá gặp nước, dựng lên những tâm trạng phong phú thậm chí phức tạp của con người sống trong các làng bản hẻo lánh- không hề giản đơn và ngô ngọng như hầu hết các tiết mục sân khấu- điện ảnh- truyền hình khi miêu tả đồng bào dân tộc miền núi! Nhưng vì vận dụng hơi nhiều lối cảm nghĩ và diễn đạt của người nông dân Tây Bắc nên văn ông đôi chỗ đậm chất biền ngẫu của "lối nói có vần"; những cách so sánh ví von đầy trực cảm của người miền núi không phải lúc nào cũng đắc dụng, điều này ảnh hưởng phần nào tới thụ cảm của công chúng độc giả toàn quốc. Song với những gì đã được Vương Trung dồn sức thể hiện qua 300 trang in, "Đất bản quê cha" quả là một đỉnh của văn xuôi miền núi hiện đại trong nhiều năm tới! Ông còn có cả mấy kịch bản văn học phim truyện dài tập, ngắn tập viết rất công phu đang chờ dịp được đưa lên màn ảnh lớn- nhỏ, như: "Chuyện tình ở đất Mường Sinh", "Sự tích Hoa Ban", v.v.
Mảng quan trọng không kém trong sự nghiệp của nhà văn Vương Trung là sưu tầm, khảo cứu, dịch thuật văn học & văn hóa dân gian Thái. Nhiều thập kỷ qua ông lang thang cặm cụi hết bản nọ mường kia tìm gặp các già làng để nghe hát, hỏi han, ghi chép, nghiền ngẫm, lục tìm đọc hàng ngàn trang giấy nát phủ bụi trong các kho lưu trữ và trong nhiều ngôi nhà sàn cổ... Những công trình biên soạn công phu: "Nhà sàn Thái", "Phong tục tang lễ của người Thái đen xưa kia", những khảo cứu và dịch thuật dày công: "Mo khuôn", "Táy Pú xấc", "Kén kẻo", "Chương Han"... đã lần lượt được in ra. Và còn bao công trình dang dở nữa! Ông đang thu thập tư liệu để làm nốt công trình biên khảo lớn về gia phả các dòng họ Thái ở Tây Bắc, và hiện đã hoàn thành cuốn dịch thuật & biên khảo "Phanh mướng luông"- tức là chuyện kể về lịch sử Mường lớn: Mường Muổi (Châu Thuận). Lường Bun, một người con trai của ông kể: trước khi ra đi, trong cơn đau, ông còn cố gượng hỏi anh là đã đánh máy nốt giúp ông bản thảo tập "Phanh mướng luông" chưa, khi anh gật đầu, ông mới có thể nhắm mắt...
Ông là người đam mê học hỏi. Cứ mỗi lần "hạ sơn" về Hà Nội họp hành, khi quay lên ông lại vác theo hàng đống sách do bạn bè tìm hộ - nhất là những sách lý luận về văn học, mỹ học, ngôn ngữ, văn hóa... Hễ có dịp là ông lại đi đây đó khắp mọi miền Đất Nước. Có lần, tôi đưa ông lên nghĩa trang Yên Kỳ nhân đám tang của một gia đình người bạn, ông hỏi han ghi chép tỉ mỉ để nhận ra sự khác biệt về phong tục tang ma giữa hai miền văn hóa... Những trang viết nghiên cứu của ông có sự thấu hiểu tường tận của người sinh ra từ đáy kho tàng văn hóa Tây Bắc, có rung cảm tinh tế của một hồn thơ, và có một tầm vóc lý luận đáng nể trọng. Ví như, sau khi phân tích bóng dáng xã hội trong truyện thơ dân gian về loài chim huyền thoại mang tên Kén Kẻo, ông đã khái quát về "đôi cánh lãng mạn" và "yếu tố thực ảo xen lẫn" của tác phẩm này xuất phát từ cánh bay thực của nhân vật trong cả một hệ thống hình tượng so sánh: cánh ngựa, cánh lá thuốc thiêng, cánh rồng...từ nhiều tác phẩm dân gian khác nhau không chỉ riêng ở Tây Bắc Việt Nam để định vị giá trị của nó, và giúp cho việc tìm hiểu tác phẩm trở nên dễ dàng hơn đối với số đông người đọc.
Những điều ông khảo tả kỹ lưỡng trong công trình "Phong tục tang lễ của người Thái đen xưa kia" đã được họ hàng, bè bạn, dân bản quanh vùng trân trọng phục dựng lại phần nào - bằng chính đám tang ông!
Từ đêm trước, những thủ tục đưa ma đã được bắt đầu. Khi tôi đến, ánh dương chưa xuất hiện trong khu vườn còn quanh quất hồn chủ nhà như đang thủ thỉ tiễn biệt từng gốc cây già mốc thếch, từng trái mắc-cọp bé bỏng... Mấy năm trước khi viết kịch bản phim truyện có liên quan tới đám tang một người vợ trẻ ở bản Thái, tôi đã chăm chú nghe ông giải thích cặn kẽ tập tục của đồng bào lúc đưa ma. Ông kể, theo quan niệm xưa, linh hồn người nghèo khi chết nếu không có của cải làm lễ cúng ma (dệt Heo) thì sẽ không được về mường Trời mà phải lang thang cô quạnh dưới đất làm ma tà (phi ha); và để lên được một tầng cao hay thấp trên cõi Trời là do có tiền làm lễ Heo nhiều hay ít...Với sự bộp chộp hiếu thắng, tôi hỏi ông: "Lên mường Trời mà cũng chỉ phân chia đẳng cấp theo số đầu gà đầu lợn và tiền bạc sao?" Ông không nói gì, chỉ tới khi hai anh em khề khà bên chén rượu ngâm mơ vườn nhà, ông mới khẽ khàng: "Này chú em! Cái bất công trong thế giới người sống lẫn người chết mà chú nói lúc nãy, thời bây giờ còn nặng hơn nhiều lần đấy..." Rồi ông lặng lẽ uống. Tới hôm nay, khi con cháu đã cố lo đủ số lễ "dệt Heo" để ông khỏi thành phi ha, buổi sớm nhập nhoạng đó dường như âm âm vọng những lời ông chưa kịp nói: "Chú nghe nhé, người cầm bút chúng ta cần minh chứng thật thuyết phục cho cái điều chưa từng có trong tục lệ cũ: để lên các tầng của mường Trời, không nhất thiết cần có nhiều tiền của- dù là tiền của trong sạch, mà cái cần nhất là sống thế nào để khỏi hổ thẹn với cháu con..."
Anh ơi, anh đã tạo ra vài truyền thuyết mới về sức mạnh tinh thần của con người trong cuộc mưu sinh gian khổ, và các thế hệ sau cần lấy chính cuộc đời anh để bổ khuyết vào cái "tiêu chuẩn" được lên mường Trời mà sự giàu có về tri thức và lòng nhân ái mới là điều tiên quyết...
Quyển "Xán xông" (Khóc tiễn đưa hồn) đang mở trước mặt người con rể trưởng thay thầy cúng cất giọng buồn thương “khắp hảy phi tai” (hát khóc hồn người chết) bộc lộ ước vọng muôn thuở của người đời:
Mình lên mường Trời, hãy ở đấy
Lên đến ruộng hạn không trồng dâu
Ruộng bậc thang không trồng lúa
Muốn ăn, cơm khắc đến
Muốn ăn, cá khắc về
Không khi nào lạnh rét
Đời đời chẳng già nua...
Nhưng hồn đâu thể bình tâm hưởng hạnh phúc một mình nơi cao sang, hồn còn nặng nghĩa với nhân quần, vì vậy người sống đã nói hộ nguyện vọng lắng sâu của hồn là muốn làm chỗ dựa tình cảm, động lực tinh thần cho những người thân yêu:
Hồn hãy về mường Sại
Về ngăn nước vào ruộng
Về kiếm cá nuôi con
Về cấy lúa nuôi nhà
Hãy về nhà về cửa, hồn hỡi...
(Vương Trung dịch từ tiếng Thái)
Giữa những lời khóc ma ấy, kèm tiếng hời họa theo của phụ nữ già trẻ chít khăn trắng đang ngồi bên quan tài được phủ bằng khăn piêu, trong khi mấy người già đương buộc chỉ đen vào cổ tay những người trẻ tuổi để giữ hồn đừng vội đi vội quên, tôi chợt rưng rưng nhớ tới lời khấn của nhân vật chính trong tiểu thuyết "Đất bản quê cha" lúc kể lại thân phận mình: "Đời đầy bụi gai đống sỏi, đổ mồ hôi sôi nước mắt, mười đắng mới có một ngọt, mười cay mới có một bùi..." Nhưng dù phải "tốn phí quãng đời dài như rác rưởi trôi sông, gặp bao cảnh chìm nổi theo sóng cuộn, vật vã theo sóng tung" khắp các vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc, dù không ít đận "gặp hổ sói, vốn liếng bay sạch như bông lau tàn theo gió cuốn" thì nhân vật của ông cũng luôn sống hiên ngang, không bao giờ dùng tới những thủ đoạn hiểm ác- như tay thầy cúng Lào Tóng từng lợi dụng mê tín của dân để bịa ra hồn ma khủng bố tinh thần người lương thiện... Phải chăng, đó cũng chính là cách ông dạy dỗ các con trai gái dâu rể và các cháu của mình trở thành những con người mà ông đã có thể yên tâm gửi gắm lại cõi đời? Phải chăng, đó cũng chính là con đường sáng tạo ăm ắp gian truân và tròn đầy trung thực của nhà văn Vương Trung?
Thị trấn Châu Thuận giờ đây không còn bóng ông đi chậm chạp giữa Phố núi bình dị, với cây gậy chống sau lần tai biến, thỉnh thoảng dừng lại hỏi han một người dân bản mang nông sản bán rong, hoặc ngẩn ngơ trước một ý thơ run rẩy vụt hiện giữa bóng núi chợt sẫm lại bởi mõ trâu về bản trên dòng suối Muội... Nhưng khi nhà văn lão bản Vương Trung nằm yên nghỉ trên một nghĩa trang nhìn xuống thung lũng của những thửa ruộng nước thấp cao xinh xắn, dưới bóng đỉnh Pú Luông - Khau Tú trầm mặc, linh hồn ông dường còn thầm thì mãi cùng rừng thông về cuộc sinh tồn và sức mạnh tình nghĩa của đồng bào ông đã và đang trải qua "bao cảnh chìm nổi theo sóng cuộn"- để tới không phải một Mường Trời nào như hằng ước, mà tới một cuộc sống yên bình no ấm ở bất kỳ nơi trần thế nào có thể trở thành "Đất bản Quê cha"...
__________________
* Quam tô mương (truyện kể về mường)- Quam phanh mương (diễn ca hoá truyện kể về mường )- Táy pú xớc (lần theo dấu tích chinh chiến của cha ông)
Sơn La- Hà Nội, 18/3/2012
( Tạp chí Nhà văn số 5/2012)