Vì điều kiện không vào dự đám tang chị, tôi xin post lại bài viết về chị đã hơn mười năm về trước, thay nén tâm nhang tiễn biệt chị.
Đôi khi tôi tự hỏi: không biết Thơ đã cứu cánh chị, hay Thơ đã hành hạ đời chị?
Tôi biết chị có lẽ cũng gần ba mươi năm rồi. Dạo ấy, tôi thường phải xuống công tác dưới Hải Phòng. Một tối , ba nhà thơ Hải Phòng là Thanh Tùng, Đào Cảng và Nguyễn Tùng Linh đưa tôi tới thăm chị ở khu tập thể quốc doanh đánh cá Hạ Long. Đấy là mấy dãy nhà nứa lá gần Ngã Sáu. Nhà cửa quá lụp xụp. Đã thế, lại đi qua khu nghĩa trang lổn nhổn mồ mả tối om. Trong gian nhà chật chội với ánh sáng của ngọn đèn điện đỏ lòm, tôi nom chị như một bà công nhân nghèo lầm lũi. Một thoáng ngạc nhiên, là con người xộc xệch tất tưởi ấy, sao lại viết được những vần thơ trong trẻo và da diết đến vậy, như ở bài thơ “Nói với con” vừa in trên Văn Nghệ Quân Đội, mà chúng tôi từng bàn tán. Khi chị loay hoay ngần ngại, vì không biết mời chúng tôi ngồi đâu, thì con gái chị nhanh tay xé cho mỗi chúng tôi một mảnh giấy bao xi măng trải trên nền đất ẩm ngồi tạm. Căn phòng chật hẹp và nóng bức. Chiếc quạt con cóc bé xíu chạy lờ đờ càng khoắng cái bầu không khí nóng thêm. Chị rót mời chúng tôi uống nước nụ vối bằng mấy cái bát ăn men xỉn. Ngày đó, bát sứ ăn cơm là thứ hàng phân phối cực kỳ quý hiếm. Tôi chưa quen cái mùi chượp cá vừa mặn vừa tanh vừa nặng mùi bao trùm cả gian nhà. Thì ra có đến mấy cái vại chượp đầy để ở góc sân. Ấy là nghề phụ làm mắm, chị làm thêm tiền nuôi con ăn học. Thấy tôi như chưa thích nghi cái mùi tanh mặn nồng đặc đó, chị bảo “ Anh chưa quen rồi. Nghề làm mắm này tôi đã bảo mấy anh nhà văn ở đây cùng làm, cũng kiếm được tiền kha khá đấy! ” Khái niệm tiền kha khá ở chị, nghĩa là đủ tiền để rau dưa qua bữa.
Dạo đó, chị là thợ xúc nạp ắc quy cho các con tàu biển sau mỗi đợt ra khơi trở về. Nghe nhiều người nói, thời con gái chị là người đẹp của đất Cảng. Khi tôi biết chị, thì chị đã là người đàn bà xộc xệch với hai cô con gái lớn ngồng. Hai cô con gái chị , ngày ấy còn là thiếu niên nhưng đã rất xinh. Tôi tự nhủ, chắc các cháu nối được vẻ đẹp của chị thời trẻ. Chị thường ăn vận xộc xệch với bộ quần áo bảo hộ lao động thùng thình nom rất kỳ. Ấy vậy, khi nói chuyện về thơ ca, thì khuôn mặt chị toát lên vẻ đẹp cao sang lạ lùng. Chị hỏi tôi có thấy vẻ đẹp sông Cấm không? Đương nhiên tôi cũng như bạn bè viết lách, yêu Hải Phòng cũng bởi một phần vì thành phố có con sông Cấm. Chị nói sông Cấm là bạn của chị. Nhiều buổi chiều buồn, chị thường lững thững đi dọc sông và sông như thầm thĩ nói chuyện cùng chị. Ấy rồi bất thần chị đọc vần thơ về con sông gắn bó phần đời của chị
Tôi với sông với bóng là ba.
Nghe câu thơ mà tôi rùng mình và hình dung ra một người đàn bà lẻ loi đi bên dòng sông bề bộn tàu bè ấy. Sao thành phố nườm nượp người như thế này mà chị chẳng có ai thân, chẳng ai hiểu chị hay sao, mà chị chỉ biết chơi với sông và chơi với cái bóng của mình in trên dòng sông đó? Tôi thầm hiểu sự cô đơn tột cùng của chị. Kiếp người vốn nhỏ bé và cô đơn. Ấy vậy, đã trót mang một tâm hồn thi sỹ thì cô đơn là đương nhiên rồi. Tôi có nghe loáng thoáng về đời tư của chị chẳng suôn sẻ gì. Đời người con gái đã qua hai lần đò, mà đơn lẻ vẫn hoàn đơn lẻ. Mà làm sao chả cô đơn với một trái tim vốn luôn đập mạnh vì khát khao tình yêu và hạnh phúc đích thực, thế nhưng lại luôn gặp và phải sống đồng hành cùng sự nhạt nhẽo, vô vị. Giá như chị chấp nhận cuộc sống phẳng lặng, giản dị như một số người con gái khác, ấy là yên phận thỏa hiệp với sự sống tẻ nhạt và vô vị, rồi cũng chồng chồng con con và nhà nhà cửa cửa cho xong một kiếp người. Chết cái, chị lại không thế. Chị không chấp nhận sự vật vờ, giả dối và thớ lợ với tình yêu và hạnh phúc. Chị luôn muốn kiếm tìm cái tình yêu và hạnh phúc đích thực giữa cuộc sống đầy vất vả và cam go này. Vì thế chị đã thất bại là điều đương nhiên. Thơ ca với vẻ đẹp cao sang và đích thực của nó đã an ủi, xoa dịu vết đau của chị. Tôi tự chất vấn mình, là nếu không có thơ ca, nếu chị không có tình yêu với thơ ca, thì không hiểu chị sẽ sống ra làm sao?!
Tôi không còn nhớ nguyên văn bài thơ chị đọc tôi nghe buổi tối hôm đó. Bài thơ nói về cái quạt điện tai voi, nhân nói về cái oi bức của đêm hè hôm ấy. Có lẽ ngày đó đời sống khó khăn, nên chúng tôi cũng dễ thích nghi với cái oi bức. Chứ nếu như ngày nay, mỗi người chúng ta đã quá quen thuộc cái quạt điện, cái điều hòa không khí một chiều hai chiều, thì chắc không thể chịu nổi cái oi bức khiếp người của mùa hè năm ấy. Chính để thích nghi và xoa dịu cái nóng ngột ngạt đó, chị đã viết bài thơ về cái quạt tai voi. Cũng cần nói rõ thêm, thời bao cấp đó, cái quạt tai voi của Liên Xô sản xuất, nó là món tài sản mà bao gia đình mơ ước. Với ba mẹ con chị , cái quạt điện tai voi dạo đó là cả một tài sản mà không dám nghĩ là có thật. Vì thế, sống giữa không gian nóng bức, cái quạt tai voi chỉ là giấc mơ. Đứa con gái út biết phận nhà nghèo, nên chỉ dám tưởng tượng và lấy phấn, lấy gạch non vẽ lên tường cái quạt khát khao của mình. Ấy rồi trong giấc ngủ, nó mơ cái quạt vẽ trên tường kia hóa thành quạt thật. Trong giấc mơ chập chờn, đứa trẻ thấy luồng gió mát từ quạt thổi mát cho nó ngủ ngon lành. Nó có ngờ đâu, cả đêm mẹ nó thương nó, đã lấy quạt nan quạt sà sã liền tay cho con ngủ ngon giấc. Tình yêu thương của mẹ đã cho đứa trẻ cái nhìn tươi đẹp về cuộc sống. Cho đến khi tỉnh dậy, nó vẫn tưởng cánh quạt vẽ trên tường đang quay. Tôi nghe chị đọc bài thơ ấy, cứ thấy mũi mình cay nghèn nghẹn. Một cảm giác thật khó tả.
Cũng ở cái gian nhà lá tồi tàn đó, chị có viết bài thơ ngắn tặng hai con nhà thơ Thanh Tùng, nhân một buổi các cháu đến thăm chị.
Hai cháu đến chơi không có kẹo
Bi bô tiếng trẻ ấm gian phòng
Vườn hoang cỏ dại như lòng bác
Cũng sáng bừng lên với nắng trong.
Bài thơ vẻn vẹn có bốn câu , mà nhoi nhói người đọc. Có lẽ cả hai câu thơ đầu chỉ như dẫn việc, câu thứ tư như khóa việc, nhưng câu thứ ba thì nó đã chứa đựng cả trạng thái tình cảm của một phận người. Tôi như thấy nó có gì tan nát và hoang vắng quá. Người viết muốn dấu mình, muốn che đậy cái hoang vắng ngút ngàn nỗi niềm, thì ở câu thơ tự thân nó lại phơi ra, giãi bầy một cách không thể che dấu được. Xưa nay các cụ tiền nhân vẫn nói văn là người, âu là đúng vậy. Có lần nhà thơ Thanh Tùng nói về chị Thanh, anh cũng nhắc đến bài thơ này. Anh bảo, nó không chỉ là bài thơ tặng riêng con anh, mà bài thơ như muốn gửi đến mọi người một tâm trạng tan nát của một kiếp người. Ai cũng có những giây phút sống với cảm giác tan nát ấy, cho dù là người giầu sang phú quý hoặc quyền cao chức trọng nào đó. Chỉ có điều người đó có dám thành thật giãi bày hay không, hay lại quen lấp liếm với cái vẻ viên mãn, hoặc lên gân lên cốt giả tạo nào đó, hoặc người đó là kẻ vô cảm?!
Nhớ tới bài thơ ấy của chị, tôi lại liên tưởng đến cái dáng to lớn phục phịch cúa chị trong bộ áo quần bảo hộ lao động đã bạc màu mà chị thường vận. Tôi mới càng thấy, đôi khi cái bên trong và bên ngoài của một con người thật là mâu thuẫn, không đồng nhất. Tôi như cảm được cái mong manh, yếu đuối và có gì non tơ trong con chữ kia.
Những năm sau này, thỉnh thoảng lên Hà Nội, chị có điện thoại mời tôi đến chơi. Nơi chị ở cũng thất thường. Khi là nhà người em trai, tiến sỹ toán học Nguyễn Xuân Huy, khi lại ở nhà người em gái làm dược tá hay bác sỹ gì đó, nhà trong ngõ Cát Linh. Tiến sỹ Huy lại ở gần nhà tiến sỹ toán học Hồ Thuần, em trai nhạc sỹ Hồ Bắc, một nhạc sỹ tài hoa cùng quê phủ Từ Sơn với tôi. Ngay vợ chồng anh Hồ Thuần mỗi khi nhắc đến chị Thanh, đều với giọng kính trọng. Dù nom chị như bà công nhân già, vậy mà cả khu nhà các tiến sỹ toán học, tin học ở Liễu Giai ai cũng quý chị. Cậu em trai, tiến sỹ Huy bao giờ cũng dành buồng riêng chờ chị gái lên chơi. Hễ có bạn văn chương của chị gái đến nhà, cả nhà nồng nhiệt tiếp đón . Nhưng hình như chị không quen với khung cảnh nhà cửa đàng hoàng tiện nghi, chị thường kéo chiếc ghế xích đu ra hiên nhà, ngồi ngắm cây cối và đọc sách. Đã có lần tôi được nghe chị đọc thơ dưới bóng cây bên hiên nhà đó. Trước thiên nhiên thoáng đãng, tôi như thấy chị sảng khoái và khuôn mặt ánh lên vẻ đẹp lạ.
Trong gia đình chị, nhiều người học hành đỗ đạt cao, nhưng phải kể đến tiến sỹ Nguyễn Xuân Vinh. Ông Vinh, người anh cả của chị, làm việc lâu năm trong tập đoàn vũ trụ Na Sa của Mỹ. Tiến sỹ Vinh có nhiều công trình nghiên cứu khoa học vũ trụ được các nhà khoa học thế giới rất đề cao. Thời trai trẻ, ông Vinh là người thanh niên ôm nhiều hoài bão. Trước khi làm nhà khoa học, ông từng cầm bút viết văn và đã in tiểu thuyết. Ông viết văn như một thú chơi, để tăng độ tỉnh táo, sắc sảo và cũng đầy mộng mơ của công việc nghiên cứu khoa học vũ trụ của mình.
Chị Thanh tự thú, những người anh em trong gia đình làm khoa học thành đạt, đã ảnh hưởng rất nhiều tới tư duy sáng tạo của chị. Một đằng làm văn thơ mộng mơ, một đằng làm khoa học tự nhiên chính xác, vậy làm sao tác động hỗ trợ nhau được? Chị Thanh nói, đó là sự giống nhau ở ý chí vươn lên không ngừng. Vậy còn hỗ trợ đời sống vật chất? Tôi như thấy chị không quan tâm đến điều đó, và có lẽ chị khái tính trong việc này. Ngày ngày chị vẫn làm công việc người thợ đổ a-xít bình ác-quy cho các con tàu ra khơi. Chiều hết giờ làm việc, chị lại xoay xỏa làm chượp nấu nước mắm. Đêm đêm, chị lại thả hồn theo những vần thơ mộng mơ và chứa nhiều tâm trạng uẩn khúc của mình.
Số phận như không mỉm cười với chị. Trong khi tuổi già sức yếu, chị lại chịu tai nạn giao thông gãy tay bó bột. Ấy rồi cuộc xê dịch không định trước lại đến với mẹ con chị. Chị rời đất cảng Hải Phòng, chuyển vào Đồng Nai, kiếm mảnh đất nhỏ ở một huyện nhỏ dựng túp lều trồng sắn, chăn nuôi lợn gà và nấu rượu. Tôi không hình dung nổi cái lò rượu còm cõi của mẹ con chị trong đó ra sao? Nhưng có lần chị điện thoại ra khoe là đã mát mặt rồi. Lại mát mặt, một khái niệm rất giản dị của chị. Tôi biết, đó là sự đủ ăn. Giữa thời buổi kinh tế thị trường, con người đua nhau làm giàu, thì chị Thanh có niềm vui không đói đủ ăn, đã là mát mặt. Tôi chắc rằng, ở cái ngôi nhà nghèo xa xôi của chị trong ấy, hẳn đã có quạt điện. Cái quạt tai voi thưở nào, nay không chỉ còn là giấc mơ nữa, nhưng hẳn chị vẫn còn vất vả. Chị khoe, chị đã có chắt ngoại. Ô hay, chị công nhân hay mặc áo bảo hộ thùng thình thưở nào, nay đã là cụ già tóc bạc trắng. Chỉ có nghe chị đọc thơ qua điện thoại, tôi vẫn nhận thấy tâm lực mạnh mẽ và trong trẻo của người đàn bà thường chơi với bóng của mình. Tôi hình dung ở cái mảnh đất đỏ phương Nam ấy, chị có phần như lạc loài xa lạ. Dòng sông Cấm ngổn ngang tầu bè và đầy váng dầu, một thưở chị vẫn thường soi mặt mình, tìm bóng mình trò chuyện, thì nay đã xa quá. Biết bao giờ chị lại được về sống bên dòng sông ấy, để lại trò chuyện cùng cái bóng của mình? Có lẽ chỉ có Thơ vẫn âm thầm hứa hẹn là sẽ đưa chị về với dòng sông kỷ niệm đó, dù chỉ là cảm giác qua giấc mơ đêm đêm. Thơ đã kéo chị, nâng chị bay qua những chặng đường đời trập trùng và khắc nghiệt. Đã có những giây phút chị vươn tới, chạm tới Thơ . Mà bao người cả đời làm thơ, chắc gì có diễm phúc được một lần chạm tới.
*
Một sớm đầu hè vừa rồi, khi tôi vừa thức dậy, đã nghe tiếng chuông điện thọai đổ dồn dập. Tôi cầm máy nghe, thì ra là chị Thanh từ Đồng Nai gọi ra. Chị khoe cả đêm qua không ngủ được, đâm viết được bài thơ chị thích và muốn đọc tôi nghe. Tôi bảo chị úp máy để tôi gọi lại khỏi tốn tiền chị. Khi mạng vừa nối lại, đã thấy chị cao giọng đọc thơ cho tôi nghe . Bài thơ lục bát, ngắn, dễ nhập tâm.
Thế rồi đột ngột gió về
sao không hẹn trước còn nghe nỗi niềm
tiếng gà đã lạnh đầu hiên
nắng say đường nắng tận miền chân mây
gió ơi khoan hãy heo may
chỉ e ngắn bớt một ngày mộng mơ.
Chị còn khoe thơ chị sắp được xuất bản bên Mỹ. Nguyên do là có người đọc tập sách “Rừng xưa xanh lá” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, có trang viết cảm động về chị, khi về nước, họ tìm đến ngỏ ý xin bản thảo thơ của chị đem sang Mỹ in cho bà con người Việt mình ở bên đấy cùng đọc. Chị khoe rất hưng phấn và rất thật tâm. Tôi không dám gàn chị. Tôi biết, in ấn bên ấy cũng năm bảy loại , chắc gì đã thêm danh giá. Nhưng thôi, thơ viết ra, có người ưa thích họ bỏ tiền in cho mình là tốt rồi. Thơ mình có thêm người đọc là sướng lắm rồi. Tôi muốn hỏi thăm về đời sống làm ăn của mẹ con chị trong ấy có đỡ phần vất vả không? Rượu chị nấu ra có bán được không ? Có đủ tiền mua tôn lợp lại mái nhà khi mùa mưa sắp đến rồi không? Nhưng thơ vẫn như nhập đồng vào con người chị. Chị hết hỏi thăm nhà thơ này nhà thơ kia ở Hà Nội có viết được tác phẩm nào mới. Thơ chị in trên số báo Văn Nghệ mấy tháng trước có ai đọc và có khen chê gì? Ôi người đàn bà bảy mươi hai tuổi nghèo và lầm lũi cuốc đồi trồng sắn và nấu rượu ở một huyện nghèo Đồng Nai vẫn say mê thơ như thưở nào. Thơ đã nâng chị lên và cũng đầy đọa chị. Thơ không cho chị sống đời sống yên ổn và buồn tẻ như bao kiếp người khác. Thơ đem đến hạnh phúc cho chị? Hay thơ đã đem lại bất hạnh cho chị?
Mấy bữa sau, nhà thơ Thanh Tùng ghé tôi chơi, tôi liền đọc bài thơ lục bát mà chị Thanh vừa đọc cho tôi chép qua điện thoại hôm nào. Thanh Tùng kêu lên: bài thơ ấy anh cũng rất thích và anh đã viết bình nó in trên tờ báo trong Sài Gòn lâu rồi. Thì ra bài thơ đó, chị Nguyễn Thị Hòai Thanh đã viết từ mấy năm trước. Có thể trong giấc mơ chị hoang tưởng như mình mới viết ra. Hoặc có thể nó ám ảnh chị, chị đã sửa lại đôi chữ cho hoàn chỉnh hơn, nên chị ngỡ vừa thai nghén ra nó. Chị đang trong cơn mê bất tận với thơ ca ư? Hay thơ ca đã làm chị lú lẫn? Sao tôi lại nhớ tới cái tứ thơ gió mát thổi từ cái quạt tai voi vẽ trên tường của chị thưở nào. Có lẽ, ngọn gió đắng đót vẫn âm thầm thổi suốt cuộc đời chị .
Tháng 4-2007