Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHIẾC XE KÉO

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ sáu ngày 3 tháng 1 năm 2020 2:01 PM




Phương tiện vận tải của con người cổ nhất là các loài động vật, như trâu bò, lừa ngựa, và chiếc võng, chiếc kiệu. Ngày xưa, các quan lại, và những người giầu có, quyền quý, mỗi khi đi ra khỏi nhà, họ thường dùng võng. Chủ nằm lên võng, cho hai tên đày tớ khoẻ mạnh vừa khênh, vừa chạy. Võng quan đi thì còn có một thằng hầu, vừa bê tráp, vừa xách điếu chạy theo sau.

“…Tưng bừng vua mở khoa thi

Anh đỗ quan trạng vinh quy về làng

Võng anh đi trước võng nàng

Cả hai chiếc võng cùng sang một đò…”

(Nguyễn Bính).

Và chắc là do cái hình thức dịch chuyển đó, mà dân ta có câu thành ngữ: “Ai biết quan đái lúc nào mà hạ võng!”. Rồi sau mới phát minh ra xe kéo. Loại phương tiện vận tải cổ lỗ thứ hai này. Do người kéo, chứ không phải là ngựa hay trâu bò kéo. Còn được gọi là xe tay. Vì người phu xe, cầm hai càng xe chạy ở dưới đất, kéo người ngồi ở trên xe đi. Có lẽ chữ “tay” nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn chữ “kéo”, cho nên được dùng thay thế chăng? Nhưng loại xe này đã bị thị trường đào thải từ hơn nửa thế kỷ nay rồi. Cho nên có thể một số bạn trẻ chưa được trông thấy. Nó rất giống chiếc xe xích lô, nhưng chỉ có hai bánh ở hai bên hông xe, và hai cái “càng” ở đằng trước chứ không có cái bánh thứ ba ở đằng sau xe như xích lô. Chẳng biết do ai phát minh ra, và phát minh từ bao giờ? Hay du nhập từ nước ngoài về? Nhưng quả thực phát minh đó rất xứng đáng được nhận giải thưởng.

Về mặt đẳng cấp xã hội, và sự vất vả, cực nhọc của người phu võng và phu xe, thì phát minh đó chẳng cải thiện được là bao. Nhưng về mặt hiệu quả vận tải thì xe kéo đã hơn hẳn võng. Vì xe chỉ cần một người kéo, mà lại chở được những hai người, và cả hành lý của họ nữa. Không những thế, do phát minh ra xe kéo, mà xã hội lại có thêm một nghề mới. Người giầu bỏ tiền ra “đầu tư”, mua xe về cho người nghèo thuê. Người không có tiền mua xe, cũng thuê được xe để làm kế sinh nhai. Và do đó xe kéo được xã hội hoá, trở thành phương tiện đi lại của tất cả khách bộ hành, chứ xe không còn là phương tiện độc quyền của các quan lại, và nhà giầu nữa.

Làng tôi ở xa đường quốc lộ, nên mãi đến năm hơn mười tuổi, được ra thành phố, lần đầu tiên tôi mới được trông thấy chiếc xe kéơ. Mà không chỉ được trông thấy thôi đâu, còn được ngồi lên xe nữa kia. Đường xa, đang cuốc bộ, mỏi đến cuồng cả chân. Bỗng được ngồi lên tấm đệm lò xo êm như ru, mà trôi đi nhẹ tênh như nước chẩy xuôi dòng, thì ai mà chả thích? Còn thích hơn cả năm còn đang học vỡ lòng, những hôm trời mưa, đường trơn, được bố cõng đến lớp. Kể cả những lúc được ngồi lên lưng con trâu mộng đen cườm, vừa thủng thỉnh bước đi, trên bờ đê lộng gió cũng chẳng thích bằng. Nhưng rồi sự thích thú ấy cũng chỉ thoáng chốc thôi. Đúng như các bậc tiền nhân đã dậy: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Khi nhìn ra trước mặt thấy người phu xe má hóp, ria mép, râu cằm lún phún, y như bố mình, hai tay nắm chặt hai càng xe, vừa gò lưng kéo, vừa chạy, hai ống chân co duỗi, hai bàn chân trần to bè, tới tấp đạp lên mặt đường rịch rịch. Thì cái cảm giác thích thú kia đã vội vàng biến mất. Và thay vào đó là sự ngượng ngập, bứt rứt . Vừa thương cho người, vừa ngượng cho mình !

Ngày xưa khi viết cái truyện “Ngựa người và người ngựa”, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã gọi người phu xe là “con ngựa người”. Thật là chí lý! Con ngựa kéo xe để chủ cho ăn cỏ, ăn thóc. Con người cũng kéo xe, để kiếm miếng cơm manh áo, có khác gì nhau đâu ?

Rồi về sau, theo quy luật phát triển của xã hội, các nhà sáng chế ra sức phát minh, và ngành công nghiệp cơ khí, càng ngày càng cho ra thị trường nhiều loại xe cơ giới văn minh hơn, tiện ích hơn. Không có khả năng cạnh tranh, chiếc xe và nghề kéo xe lụi tàn dần. Nhất là từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, cái kiếp nô lệ của người dân nước Việt đã được trút bỏ. Mặc dù nhiều người còn rất nghèo, nhưng cũng không còn ai cam tâm đem thân đi làm cái nghề “người ngựa” nữa. Mà nếu còn, thì chắc rằng cũng không ai đang tâm ngồi lên xe, để cho người đồng bào của mình chạy ở dưới đất kéo đi nữa.Và cho đến hôm nay, nếu bảo con cháu của những người phu xe ngày xưa, nay đã trở thành các “anh tài” lái ôtô, lái tầu thuỷ, lái xe tăng, thậm chí cả lái máy bay nữa. Thì cũng không sợ mang tiếng là kẻ lộng ngôn, ngoa ngữ. Thế là từ đấy chiếc xe kéo đã hoàn toàn và vĩnh viễn biến mất trên thị trường nước ta.

Nhưng thật không ngờ! Đến thời kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, cơ quan cho tôi vào thị xã Hồng Gai hoạt động bí mật. Bất ngờ tôi lại trông thấy chiếc xe kéo. Đó là chiếc xe độc nhất vô nhị ở cả thị xã, mà cũng có thể là ở cả nước ta. Chủ sở hữu chiếc xe đó là tên Ray, Chánh mật thám Sở than Bắc Kỳ, một tên sen đầm khét tiếng độc ác ở Khu mỏ. Ngày Nhật đảo chính Pháp, y đã nhanh chân chạy thoát. Rồi sau y theo chân quân Pháp trở lại đánh chiếm Khu mỏ, và y lại tiếp tục ngồi vào chiếc ghế cũ.

Về tên thực dân cáo già này, tôi đã có dịp viết tương đối kỹ trong tập tiểu thuyết “Một thời giông bão” (sách đã ra mắt bạn đọc năm 2005). Ở đây chỉ xin nói thêm về cái thói hợm hĩnh, ngạo đời của một tên thực dân. Y có thừa tiền để mua ôtô, và cũng có thừa tiêu chuẩn để dùng một chiếc ôtô vào loại sang trọng của Sở than cung cấp. Nhưng Y không thèm dùng ôtô, mà kiếm ở đâu được một chiếc xe kéo, và nuôi một lão người Việt, tên là Đăng, tuổi trạc trên năm, dưới sáu mươi, còn khoẻ mạnh làm phu kéo xe. Và hằng ngày “con ngựa sắp già” ấy lẽo đẽo kéo con cáo già mật thám đến Sở. Hai tay cầm hai càng xe, lão Đăng chỉ hơi nhổm mông, lạch bạch chạy những bước thật ngắn như con vịt bầu. Vì chủ của lão không cần đi nhanh. Nếu cần nhanh thì chủ đã đi ôtô. “Bản chức” dùng xe kéo là để ngầm bảo cho bọn Việt Minh ở bản xứ biết rằng, người Pháp đã thắng. Mà kẻ thắng thì bao giờ chả có quyền bắt kẻ thua phải làm nô lệ, làm trâu, làm ngựa y như ngày xưa! Nhưng rồi sau đó chẳng bao lâu, cả thế giới đều biết, chiếc tầu “Há mồm” cuôí cùng, đã chở những tên lính Pháp xâm lược cuối cùng, rời bến cảng Hồng Gai, ngày 24 - 4 - 1955, cút về nước. Người Pháp rất chuộng cổ vật. Dù muốn, chắc tên Ray cũng không thể đưa chiếc xe kéo của y về Pháp để làm vật kỷ niệm được. Rất có thể y đã đem chiếc xe đó thưởng công cho lão Đăng, để lão kiếm mấy đồng tiền bán sắt vụn!

*

* *

Từ đó, dần dần hình bóng chiêc xe kéo đã không còn dấu vết gì ở trong tâm trí tôi nữa. Ấy vậy mà sự bất ngờ lại xẩy ra. Mới đây thôi. Tôi đang lướt qua các kênh truyền hình, xem có chương trình gì xem được không? Thì bất chợt lại trông thấy chiếc xe kéo. Nhưng không phải là ở Việt Nam, mà ở Ấn Độ. Hình ảnh đó ở cuốn băng hình, của Hãng phim thời sự thành phố Hồ Chí Minh. Hình như băng được quay ở thành phố Đu Bai (tôi không nhớ rõ tên). Ngồi trên xe là một thiếu phụ khá xinh đẹp, ăn vận sang trọng. Ngồi bên cạnh là một chú bé khoảng sáu, bẩy tuổi, béo tốt, đẹp đẽ. Ngươì phu xe cao lớn, lực lưỡng, đầu trần, quần lửng, áo cộc tay, kéo chiếc xe gọng đồng sáng choé, nhấp nhô chạy dưới lòng đường, dầy đặc đủ các loại xe cộ. Nhiều nhất là xe ôtô, nườm nượp nối đuôi nhau. Thật lạ lùng! Một đất nước cổ kính, có nền văn hoá, văn minh rực rỡ lâu đời, và sớm phát triển vào hàng nhất nhì thế giới. Vậy mà bây giờ vẫn còn tồn tại một loại phương tiện giao thông cổ hủ, lạc hậu, cũng vào loại nhất nhì thế giới !

Người thuyết minh truyền hình cho biết, dân ở đây sùng đạo Phật, “giới sát sinh”. Họ không ăn thịt động vật. Vịt trời và sâm cầm bơi lội hàng đàn trên mặt hồ, ở ngay trung tâm thành phố. Theo lời Phật dậy, người ta yêu thương vạn vật, và muốn chung sống với muôn loài. Nhưng đối với chính đồng loại của mình, thì vẫn còn kẻ giầu cậy của, lấy đồng tiền để trói buộc người nghèo phải làm thân trâu ngựa phục vụ cho mình. Cho nên người thuyết minh mới bảo: “Ở Ấn Độ, xã hội còn nhiều đẳng cấp”. Thiết nghĩ, cũng chẳng riêng gì Ấn Độ và các nước tư bản, mà cả nước ta, một nước Xã hội chủ nghĩa, tuy không còn cái cảnh con người phải làm trâu làm ngựa kéo cày, kéo xe như ngày xưa nữa. Nhưng từ ngày đổi mới nền kinh tế xã hội cũng sinh ra nhiều đẳng cấp. Kẻ giầu, người nghèo, một số doanh nhân có tài năng, biết cách làm ăn chân chính đã trở thành những người giàu có. Ngoài ra, còn một bộ phận không nhỏ quan chức của Đảng và Nhà nước đã nhanh chóng trở thành đẳng cấp ăn trên ngôì trốc. Ô tô nhà lầu đối với họ đã chẳng là gì rồi.

Quan đầu tỉnh ngày xưa đi bốn lọng, nhưng tài sản cả đời làm quan cũng chỉ có cái nhà gỗ lim 3 gian và ba mươi mẫu ruộng (Theo tuyểu thuyết Quý Phái của Vũ Trọng Phụng). Còn quan đầu tỉnh bây giờ, nghe đâu có vị một mình sử dụng những ba chiếc ô tô. Một chiếc hàng ngày đi làm, một chiếc đi Hà Nội họp, và một chiếc đi chơi. “ Có người đã có mấy biết thự rồi, mà vẫn với tay chiếm đất ở nơi này, ở nơi kia, có sổ đỏ, có tên con cháu đứng chủ đàng hoàng” (lời của Nhà báo Hữu Thọ)!...

Bọn quan tham nhũng cũng có kẻ bị lộ, ngồi tù. Nhưng ở trong tù cũng có đẳng cấp, quan tù khác với dân tù. Quan tù có hạng được ở riêng, có chế độ ăn uống riêng, không phải đi lao động khổ sai, được ở nhà để viết kiểm điểm, đọc báo và nghe đài. Thứ 7, chủ nhật vợ con được vào thăm nuôi và được ở lại qua đêm. Qan tham như Dương Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty Vận tải biển Việt Nam, hai năm ở tù vẫn được lĩnh lương, năm 2013 quan còn được lên lương (Vì đến hạn). Khi toà xử tử hình, chế độ lương mới chấm dứt (Tin của báo Đất Việt).

Bệnh nhân cũng có đẳng cấp. Quan ốm có bác sỹ riêng và có chế độ chăm sóc y tế riêng. Người được chữa ở trong nước, người được ra nước ngoài.

Thậm chí cả cái chết ở nước ta bây giờ cũng có nhiều đẳng cấp. Lễ tang của dân thường khác với lễ tang của quan chức Nhà nước. Và lễ tang cấp Cao tất nhiên phải thấp hơn cấp Nhà nước. Nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng, khác với nghĩa trang Văn Điển. Nghĩa trang Văn Điển khác với nghĩa trang Mai Dịch. Nghe đâu như có một vị Phu nhân, khi sắp đi sang thế giới bên kia, đã đề nghị với cơ quan có thẩm quyền, xin đựơc mai táng ở nghĩa trang Mai Dịch để được nằm bên cạnh phu quân. Nhưng bị từ chối, vì vị ấy không có tiêu chuẩn được mai táng ở Mai Dịch. Thế là khi còn sống suốt đời họ được ở bên nhau. Nhưng khi chết họ đành phải chịu cảnh biệt li vĩnh viễn, ông một nơi bà một nẻo. Thật cũng đáng thương lắm thay!

Tầng lớp giàu có ở Ấn độ cũng như ở khắp nơi trên thế giới thường bị các đảng Cộng sản coi là thành phần xấu, là giai cấp áp bức bóc lột. Cho nên phố Wall ở thủ đô Oa-sinh-tơn (Wasington) nơi cư ngụ nhiều nhà giàu của nước Mỹ, bị các Nhà cách mạng vô sản gọi là “phố Cá Mập”!

Nhưng bây giờ quan niệm đẳng cấp đã thay đổi rồi. Giầu không bị coi là xấu nữa. Tất cả người nghèo, kể cả các Nhà cách mạng vô sản ở bất cứ quốc gia nào cũng đều mơ ước mình sẽ thành nhà giầu./.

TP Uông Bí, ngày 18/12/2013

Tạ Hữu Đỉnh