Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG...

Đỗ Quyên
Chủ nhật ngày 29 tháng 12 năm 2019 8:08 PM



Ngụ ngôn giữa đời thường:

Việt Nam giữa Canada; Ta giữa Tây; Dân tộc giữa nhân loại


ĐỖ QUYÊN


(Nhân đọc "Cái vú thừa" - tập truyện song ngữ Việt-Anh

của McAmmond Nguyen Thi Tu, Nxb Hội Nhà văn 2018)



Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê.”

Hoài Thanh (1909-1982)

*

"Ngụ ngôn là hình thức văn học khắc nghiệt nhất."

Salman Rushdie (1947- )

*

"Kẻ thù thực sự của viết văn là nói."

David Malouf (1934- )






DẪN NHẬP


Trong đầu bài có 2 điểm cần xác định trước, vì qua đó chúng ta dễ dàng vạch ra đường-thẳng-văn-chương truyện ngắn McAmmond Nguyen Thi Tu.

Một là từ "ngụ ngôn". Dù xa dẫu gần, đó là hình thái thi pháp bao trùm nghệ thuật viết văn của tác giả. Ngay từ các dòng mở ở Lời nói đầu [] cho tập truyện đầu tay của nữ văn sĩ, Giáo sư Larry J. Fisk đã sơ kết: “Những truyện đó, theo đánh giá khiêm nhường của tôi, đáng được coi là những truyện ngụ ngôn - không phải ở một thời điểm hay không gian xa xôi - mà là bài học cổ điển của thế kỉ 21”. Chúng tôi chịu liền! Và cũng xin được cẩn trọng khái quát cho toàn bộ sáng tác của nhà văn kể từ khi chị rời khỏi Việt Nam.

Hai là mối tương hỗ - không hẳn cặp đôi, khá nhằng nhịt - của các từ “ngụ ngôn”, “đời thường”; “Việt Nam”, “Canada”; “ta”, “Tây”; “dân tộc”, “nhân loại”; v.v… và v.v... đã làm nên thể tài cho cây viết người Canada đồng hương gốc Việt này.


Cần một điểm nữa, cùng với 2 điểm trên, để từ chúng có thể tạo nên mặt-phẳng-văn-chương McAmmond Nguyen Thi Tu? Có rất nhiều khả năng cho điểm thứ 3, tùy theo mỗi độc giả. Nào, chúng ta cùng đi tìm…


Khảo luận của chúng tôi bao gồm các mục:

Dẫn nhập

I. Văn là đời; Văn là người

II. Lưu xứ là số phận; Giới tính là định mệnh; Bản ngã là văn hóa

III. Viết văn là kể chuyện

IV. Soi vào tiêu chuẩn truyện ngắn

V. Bình điểm một số truyện cụ thể

Tạm kết


I. Văn là đời; Văn là người


Từ hơn thập niên nay, chỉ với hơn 20 truyện ngắn, ký sự, chân dung văn nghệ [] được công bố trên các báo chí, trang mạng văn học - nghệ thuật chính yếu tiếng Việt và xuất bản trong 3 tuyển tập, tác giả McAmmond Nguyen Thi Tu đã không chỉ được đánh giá tốt đẹp từ văn giới, các nhà biên tập [], mà còn được quan tâm nhiệt tình của dư luận bạn đọc trong và ngoài nước trên một số diễn đàn [].


Thế nhưng, chưa hề có các tìm hiểu, phê bình thỏa đáng. Âu cũng trong cái xu hướng chung ở văn chương tiếng Việt khắp nơi: sáng tác chưa hẳn “thịnh” nhưng cũng kha khá; phê bình không đến nỗi “suy” song thực sự chưa “thịnh”. Ấy là “tại anh”; còn bởi “tại ả” nữa chứ bộ: Nữ văn sĩ tuy có con đường văn bút rất chi là chuyên nghiệp, thuận lợi, song lại không thích tác phong viết lách chuyên chú, đều đặn, cộng thêm bổn tính chẳng ưa giao lưu văn hữu. Vấn đề là “tại cả đôi bên”: Với số lượng sáng tác không thể nào gọi là nhiều, lại thủy chung theo phong cách trần thuật truyền thống qua các câu chuyện đời thường thì việc khó rơi vào tầm ngắm phê bình trong kỷ nguyên hậu hiện đại là “cũng phải thôi”!?


Nơi trang bìa gập tập truyện Cái vú thừa vừa ra lò cuối năm ngoái đã có tóm tắt xác đáng về tiểu sử văn học của tác giả [].

Chúng tôi xin bổ sung đôi điều nữa trước khi tìm hiểu kỹ nội dung và nghệ thuật truyện.


Tìm kiếm sơ bộ trên mạng, dễ thấy McAmmond Nguyen Thi Tu đã đứng tên trong không ít danh sách, dẫn chứng ở các bài nghiên cứu, tổng quan [] có ý nghĩa về văn học Việt hải ngoại, về dòng văn chương di dân, hoặc trong các bài giới thiệu tuyển tập truyện ngắn hay hằng năm của báo Văn Nghệ Và chỉ mới thấy một bài duy nhất - của nhà biên tập Bùi Quang Huy in trên báo Văn Nghệ trong năm 2009 - là mang tính phê bình với đích giới thiệu nhà văn xuôi này.


Riêng ở Canada, đây là nữ tác giả truyện ngắn hiện còn nổi trội trên mảng văn tiếng Việt cùng các nam đồng nghiệp “tên tuổi đầy mình” như Nam Dao, Trang Châu, Song Thao, Hoàng Chính, Hồ Đình Nghiêm…


Nói chung, trong thế hệ nhà văn làm nên văn chương hải ngoại (với cái nhìn định vị xuất xứ địa lý thì gọi là “văn chương vô xứ” []), giữa nhóm tác giả nữ ở các đề tài di dân, hội nhập, nữ quyền McAmmond Nguyen Thi Tu - không chỉ trong tư cách đại biểu của đất nước Lá Phong mà hơn cả là ở ý nghĩa của tác phẩm - cần đứng bên cạnh những “liền chị liền em” nức tiếng hơn thập niên qua từ ngoài này lan về dải đất hình chữ S: Trần Mộng Tú và Lê Thị Thấm Vân (Mỹ), Mai Ninh và Thuận (Pháp), Đoàn Minh Phượng và Lê Minh Hà (Đức)…


Nhà truyện ngắn của chúng ta, ơn Bề Trên, cũng có hồng phúc dự phần khiêm cung của mình đặng minh họa rõ rệt các chân lý vĩnh cửu - Văn là đời, Văn học là nhân học... - qua các câu chuyện kể thoạt nghe xong, như dân Việt ta thường nói, không “Nước mắt chảy trong lòng” cũng “Cười ra nước mắt”. Văn chương mà để làm gì, nếu từ đó không nhận chân tấn bi hài kịch nhân sinh? Để trực chỉ chân lý, chẳng gì bằng ngụ ngôn!


Mang vốn liếng cho hành trình chữ nghĩa được học quy củ (tốt nghiệp Đại học Sư phạm) và hành bài bản (biên tập viên tờ tạp chí văn học nghệ thuật của một tỉnh miền trung Việt Nam), McAmmond Nguyen Thi Tu đến Canada như một quốc gia định cư mang nhiều mỹ từ - “Vùng đất hứa”, “Xứ lạnh tình nồng” - trong bối cảnh chung thuận lợi.

Sau 15 năm kể từ 1975, các đối cực chính trị Quốc-Cộng ở hải ngoại đã chẳng thể còn khốc liệt một cách thô sơ, với nền văn học Việt lưu vong lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc được hình thành và sớm đạt tới huy hoàng đại diện qua các báo chí ở Hoa Kỳ, như nhật báo Người Việt, các nguyệt san Làng Văn, Thế Kỷ 21, Văn Học, Văn, Khởi Hành; để rồi trong 3 năm đầu thập niên 90 đã khai sinh một phân nhánh mang màu sắc khác hẳn: ngang ngược về quan điểm tư tưởng và khôi ngô về phong cách văn nghệ với nguyệt san Diễn Đàn (Pháp), các tạp chí Hợp Lưu (Hoa Kỳ), Trăm Con (Canada), chậm hơn nữa là Việt (Úc) vào năm 1998; và để cuối cùng mở màn ngoạn mục thời kỳ báo mạng văn học với diễn đàn Talawas talawas.org vào năm 2001.

Thế là nữ văn sĩ của chúng ta có quê-hương-mới-ngoài-Việt-Nam đúng lúc dòng văn-chương-ngoài-Việt-Nam bắt đầu có những nhánh chảy chung luồng với văn-chương-trong-Việt-Nam.


Tất nhiên, hơn ai hết với những người cầm bút tự do và chân chính, điều quyết định viết về cái gì - “chính chị hay chính em” - không nên là hoàn cảnh ngoại vi mà phải là câu thúc nội tâm. Với McAmmond Nguyen Thi Tu, điều này càng hà khắc! Thích thì viết, thích gì viết nấy, chỉ mình biết mình đã và đang viết gì, v.v… Ở người nữ ấy, khó tìm thấy nỗi niềm xăng xái giao thiệp tá lả, trao gửi bài vở bản thảo tùm lum dễ có nơi các văn sĩ, nam cũng như nữ, như các hành vi gia tăng nghề nghiệp. Hay là bởi dư âm từ một cô bé nhà đạo gốc Bắc di cư thời 1954 có cả chuỗi tuổi thơ nép nơi trường dòng bị áp đảo dưới cái nhìn xuyên xéo qua mũ lúp của các bà sơ?


Cuối cùng, các chi tiết đời tư (cũng đã ít nhiều hiện ra qua bút danh và tiểu sử) dự phần quyết định nguồn tư liệu và vốn sống sát sườn cho nữ sĩ di dân được nhào trộn trong văn hóa Việt-Canada: Hành nghề phiên dịch, dịch giả chuyên nghiệp cho Bộ Di trú và tư vấn pháp lý cho cộng đồng Việt ở tỉnh bang Alberta; Có thân hữu là một nhóm giáo sư, học giả uyên bác người bản xứ/da trắng giảng dạy về ngôn ngữ học, chính trị học, thực hành tâm linh…


II. Lưu xứ là số phận; Giới tính là định mệnh; Bản ngã là văn hóa

Nếu như chính chủ ở câu chuyện hôm nay có cái gọi là “tuyên ngôn văn học” thì đó hẳn sẽ là 3 mệnh đề phổ cập nêu trên. Chúng cũng chính là 3 đúc kết nghệ thuật từ 3 thể tài, khi riêng rẽ lúc đan xen trong những lần nữ nhà văn xuống bút. Trên chiếc kiềng 3 chân của mình, “đầu bếp” McAmmond Nguyen Thi Tu đã phục vụ thượng đế độc giả bằng ngọn lửa ngụ ngôn nung nấu các nan đề nhân sinh.

Cho nên nhận ra ngay, dù ngon hoặc chưa ngon tùy khẩu vị, món nào cũng thấm đẫm chất nhân văn. Âu cũng là thách đố, một khi nhà văn muốn chuyên chở các đại tự sự chỉ bằng “những chuyện thường ngày ở huyện”. Khó!

Tuyển tập Cái vú thừa - trong 280 trang khổ vừa 14.5x20.5cm được trình bày thanh thoát cùng hình 2 trang bìa giản đơn mà óng ả, đầy đặn (với người nữ mái tóc dài rất Việt có phần ngực nhô ra rõ rệt) - chứa vừa vặn một tá truyện ngắn song ngữ Việt-Anh. Mục lục: Lời nguyện nửa khuya; Đường đến cõi Sa-ma-đi; Không ai yêu thương tôi; Cái vú thừa; Chín mươi giây; Bữa tiệc gà tây; Đêm hoang mạc; Chuyến hành trình sau chót []; Cuộc đời bắt nạt; Linh hồn tôi đâu; Bóng ma quá khứ []; Người tình ký ức.

Đây là tác phẩm xuất bản thứ 3 [] của nhà văn. Ở đó có 3 truyện được hoàn thành trong năm qua - Lời nguyện nửa khuya; Cái vú thừa; Người tình ký ức; và cùng với truyện mới nhất mang tên bt [], chúng đánh dấu bước chuyển đổi lớn trong thi pháp của tác giả: từ phong cách trần thuật hiện thực chân phương sang bút pháp hiện thực phúng dụ, dị ảo.

Thích hoặc không thích, tùy người đối diện; song rõ ràng cuốn truyện đã được đặt tên, phân chia thật đẹp, thật lạ. Và thật nữ tính! Tên sách chính là tên truyện hay nhất, rất lạ và mới - Cái vú thừa. Ắt hẳn sẽ bắt mắt thu tim độc giả ngay từ ấn tượng đầu. Mở (Lời nguyện nửa khuya) và kết (Người tình ký ức) tuyển tập là 2 truyện cũng đều thuộc loại hay, lạ và mới. Mang hình thức ngụ ngôn rõ rệt từ cấu trúc truyện cho đến nguyên tắc phúng dụ, phiếm chỉ với hình thức hiện đại, cả 3 truyện đã thoát hẳn khỏi lối viết trần thuật quen thuộc đạt tới mức thuần thục của tác giả (xem tiếp Phần V). Đều không có địa danh địa lý, không nhân vật hiện thực, chúng đã gói ghém những truyện còn lại chứa những đoạn đời thường nhật của giống người đầy hỉ nộ ái ố tham sân si trong tình thương Thiên Chúa trên mặt đất gập ghềnh, mà trước nhất là những con dân Việt tha hương nơi xứ người hoàn toàn khác lạ từ thời tiết, địa dư cho đến ngôn ngữ, tập tục... Trong tập sách có 2 truyện ngoại lệ: Bóng ma quá khứ là về một câu chuyện xảy ra hoàn toàn trong hình chữ S, không yếu tố nước ngoài; và Cuộc đời bắt nạt có nhân vật và bối cảnh về người Canada nói chung, gần như ẩn yếu tố Việt và rất ít yếu tố di dân.

Trong nghiên cứu này, chúng ta chỉ xem xét phần tiếng Việt của tập truyện. Bởi các lý do: i. Khả năng hạn chế về tiếng Anh ở kẻ thực hiện; ii. Đối tượng đọc của tập sách trước hết là người Việt; iii. Quan trọng: Cảm hứng sáng tác và mục đích nghệ thuật là văn bản Việt ngữ, và bản Anh ngữ chỉ là chuyển ngữ bởi chính tác giả chứ không hẳn là sáng tác “song sinh” - điều rất hiếm ở các tác giả song ngữ (ngay cả ở đại tác gia như Vladimir Nabokov); iv. Cuối cùng là đề nghị: Việc nghiên cứu, phê bình các tác phẩm văn học mang yếu tố song sinh đang trở nên cần thiết khi mà trào lưu toàn cầu hóa văn học Việt lớn mạnh không ngừng. Hiện nay, thi thoảng mới thấy các bài vở phê bình ở mức so sánh văn bản (bản tiếng Tây có đúng, có hay như bản tiếng ta?) chứ chưa tới tầm so sánh văn học. Tức là ít nhất cần dùng quan niệm của ngành văn học so sánh để mổ xẻ các mặt nghệ thuật, ngôn ngữ, văn hóa... của hai văn bản tạm coi là độc lập.

Lưu xứ là số phận

Nói chung, ngay cả khi không là đề tài chính, vấn đề đè nặng người di dân mà giới phê bình thường gọi là tâm thức lưu xứ thường bao trùm hoặc len lỏi trong mỗi dòng chữ ý văn McAmmond Nguyen Thi Tu, từ cảm hứng sáng tác cho tới đối tượng nghệ thuật, nội dung tác phẩm. Ám ảnh di dân. Mặc cảm di dân… Truyện của nữ văn sĩ thực là một cẩm nang về các loại bi kịch, xung đột gia đình, xã hội cuộc sống người Việt ở Canada và Hoa Kỳ nói riêng và ở hải ngoại nói chung: di cư, thủ tục định cư, ly hôn, lừa tình gạt tiền, tự sát, giết người, điên khùng, vỡ mộng, cô đơn, bất lực, thất vọng, tự ti, căm hận quê hương gốc gác… Bla bla bla... Hầu như không một nhân vật chính nào được sinh ra từ đấy có nổi cái kết có hậu. Ố là la!

Đề tài di dân, trong tuyển tập đang bàn được thể hiện rõ ở các truyện: Chuyến hành trình sau chót; Không ai yêu thương tôi; Đêm hoang mạc; Linh hồn tôi đâu. Nhìn lại cả 3 tập truyện, có thể khẳng định McAmmond Nguyen Thi Tu là một trong các nghệ sĩ chân dung đáng tin cậy của người di dân trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Với các truyện hay, chúng như tranh nghệ thuật; nhiều cái đạt lại giống ảnh chân dung; còn đôi ba cái chưa đạt thì là tranh truyền thần. Tất cả đều là hình ảnh sống động, sát thực về người di dân được dựng bởi người di dân. Soi rọi mặt trái. Nhất biên đảo. Nó vẫn đẹp. Cũng vì thế nó chủ quan. Nghệ thuật không phải là đạo đức. Chỉ cần hay! Song le, chính tác giả hẳn cũng tự thấy việc “chiên ròn” miếng mảng đề tài và cốt truyện hoàn toàn nghiêng về mặt tiêu cực [] của đời di dân rất dễ tạo 2 ấn tượng khó xóa nơi độc giả, dù ở các vụ việc đáng “chiên ròn”: Một, mân mê hoài nét xấu người Việt; hai, bảo thủ mãi trong một lỗ châu mai soi chiếu dân Việt hoặc kẻ di dân. Tự thân các motif [] đã ước lệ ở tính lặp đi lặp lại, cần người nghệ sĩ cao tay hơn chuyện đời để biến hóa trò đời thành biểu trưng trên sân khấu nghệ thuật.

Khác rất nhiều tay viết Việt vốn là ngưởi di tản, tỵ nạn hoặc di dân, đoàn tụ, du học… ở McAmmond Nguyen Thi Tu không có con-người-thời-cuộc. Con-người-chính-trị tuyệt không. Nhân vật của chị không trực tiếp làm ra lịch sử, nên lịch sử cũng ứ buồn biết đến họ! A, trừ duy nhất một nhân vật phụ - “Ngài” làm chủ một “vương quốc” hư ảo (trong Lời nguyện nửa khuya) - còn thì tất cả những nhân vật chính và phụ trong chừng 20 truyện ngắn đều không là VIP. Họ chỉ là “thằng Daniel - Phúc” vì đồng tính nên cô độc (Không ai yêu thương tôi), là con bé 12 tuổi Trần Thị Mỹ Dung ngổ ngáo và xấu số (Mùi thiên đàng), là bà bán đĩa CD xông xáo và thèm chồng ngoại (Bữa tiệc gà tây), là con mèo đực bị thiến với bao trăn trở để về với tự do và tự chủ (Đường đến cõi Sa-ma-đi), là cái kẻ “Tôi” mạt vận suốt đời vô danh tính, “Đơn Độc Và Buồn Bã”, cuối cùng nhận chân mình chỉ là Cái Vú Thừa của giống người (Cái vú thừa), v.v… Oách nhất là tới “vị giáo sư tiến sĩ” người bản xứ Canada về hưu ngơ ngơ giữa dòng đời lộn xộn cùng suối tình vô thường trên đất Việt (Bữa tiệc gà tây). Không chỉ là những cá thể thường dân. Họ, không gương mặt, không cá tính, không danh phận. Những gì mang trên mình họ đều thuộc về người Việt, ảnh hưởng từ người Việt. Tên chung của họ, giống như mọi sắc tộc khác cùng đến vùng đất mới, là Người di dân - những lớp người chỉ mong tìm một nơi có cuộc sống tốt hơn chốn cũ, quê cha đất mẹ của họ.

Khác ở Hồ Đình Nghiêm, Khánh Trường - nhân vật nào cũng mang một cái sẹo của chiến tranh, của vượt biên. Khác nơi Thuận, Lê Minh Hà - ám ảnh nào mà không từ đói nghèo thời Bao cấp, từ hãi hùng sơ tán chạy bom B52. Trong tim dưới tay McAmmond Nguyen Thi Tu, đặc tính người Việt chính là trích ngang từ phần phản cảm của “4000 năm văn hiến”!

Dễ thấy, tuyệt nhiên không có thời cuộc, chính trị ẩn hiện dưới cây viết của tác giả. Để rồi mãi tới truyện vừa được công bố đầu năm nay mang tên rất bí hiểm và ẩn dụ “bt” (x. Ct 11) bạn đọc mới biết tới sáng tác đầu tiên chứa chất thời cuộc, con đẻ từ thời cuộc trên đường văn gần 30 năm sau khi chị làm người di dân. Chúng tôi sẽ bình riêng cho btPhần V. Mà không thể chậm nói: Thiển ý, đấy không chỉ là truyện ngắn hay nhất của McAmmond Nguyen Thi Tu mà còn là văn phẩm đau đời (con dân Nam) thương phận (người nữ Việt) nhất từ một nữ tác giả có thể sản sinh ra. Nước mắt sẽ không còn biết chảy về đâu sau chữ cuối cùng của truyện! Rất mới lạ ở thi pháp dựng truyện, bt rồi sẽ đi vào các tuyển tập giá trị trong dòng văn học hậu chiến Việt Nam và thế giới. Là bởi, cho dù nhận chân được nó như một sản phẩm văn chương hư cấu trực tiếp, hệ quả của Biến cố 30 Tháng 4 thì bản ngã Việt trong cây bút lưu xứ McAmmond Nguyen Thi Tu vẫn vượt thắng nạn nhân Nguyễn Thị Tư thoát thai từ cái Việt Nam của chiến tranh, của ý thức hệ - điều đã từng đạt được ngoạn mục qua dòng “văn học vết thương” với các tên tuổi nổi tiếng như Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh (về nghệ thuật hiện thực), Lê Lựu và Nguyễn Duy (về Việt tính), và nhất là Lê Minh Khuê và Dương Hướng (về nạn nhân nữ giới).


Nhìn nhận nó như “lối viết trung tính hóa” cũng không sai, nhưng đó là việc của giới nghiên cứu, lý luận. Không của tác giả này.


Thêm một so sánh thú vị: Cùng là đồng hương Canada gốc Việt với bổn đạo đây, ở 2 tỉnh bang khác nhau Ontario và Alberta (tui lại ở tuốt British Columbia lận!), có 2 văn sĩ kiêm dịch giả, độ tuổi chênh nhau một trang lứa, kẻ nam người nữ, cùng dân Bắc di cư (tuy khác hẳn xuất xứ văn học); điều đáng kể ở nhị vị là cùng chuyên tâm viết chuyện di dân. Lý do hiển hiện, cặp đôi trai tài gái sắc cùng chia sẻ một nghề nghiệp: thông dịch viên chuyên nghiệp của Tòa án và Bộ Di trú. Bạn đoán ra rồi: Thiện nam ấy, Hoàng Chính; tín nữ đây, chính chủ ở bài viết này. Đọc hết tâm sự của nam văn sĩ - kẻ có các “chuỗi ngày ngồi chờ miệt mài ở hành lang những tòa án rải rác khắp tỉnh bang Ontario. [...] Thấy lại những người Việt hiền lương với những người Việt không mấy hiền lương” [], thế nào cũng có độc giả nam vỗ đùi cái đét mà la: Ông nhà dzăng nầy hổng dziết về người di dân thì còn mần chi hơn thế!

Giới tính là định mệnh


Đề tài phụ nữ, nữ quyền… trong tập Cái vú thừa đập vào mắt dính tới tim độc giả ngay từ tên sách, rồi lần lượt qua các truyện Lời nguyện nửa khuya; Cái vú thừa; Chín mươi giây; Bữa tiệc gà tây; Đêm hoang mạc; Chuyến hành trình sau chót; Linh hồn tôi đâu; Người tình ký ức. Các truyện trước đó cùng thể tài từng được dư luận ngưỡng mộ là Lông ngỗng trắng []; Trên nền tuyết trắng xóa []; Mùi thiên đàng.


Chúng tôi chẳng thể nghĩ nữ tác giả gốc Việt của chúng ta nghiêm nhặt tuân lệnh “chủ soái” đồng hương Canada Margaret Atwood trong các chuyện giới tính và bản sắc quốc gia, huyền thoại và tôn giáo, thậm chí quyền động vật. Còn điểm này thì dám lắm... Mọi người đều biết, Atwood dẫu được giới phê bình văn học nữ quyền thế giới đã và đang tôn vinh cao vời, song không phải lúc nào “lão nữ tướng” cũng sẵn lòng áp đặt ý đồ nữ quyền vào ngót trăm tác phẩm đủ thể loại của mình. Hãy dùng tự đánh giá của bà về chính cuốn tiểu thuyết đầu tay Người phụ nữ ăn được - "Tôi không coi đó là nữ quyền; tôi chỉ coi đó là chủ nghĩa hiện thực xã hội" [] - làm nền cho những gì chúng ta đang bàn thảo.


Bằng cảm hứng và thái độ nữ giới, McAmmond Nguyen Thi Tu đã chọn bất kỳ đối tượng nào có thể để thực thi ý đồ viết văn. Chưa tính ở 2 tập trước, chỉ trong 8 truyện nêu trên của Cái vú thừa, có tới 6 truyện với nhân vật chính là người nam và mèo cũng... nam luôn! Trên 6 “cái thớt” nữ văn sĩ mổ xẻ thật điệu nghệ hàng tá “con cá” của mình. Khác nhiều người viết cùng giới, chị giang thẳng tay, mạnh và sắc vào những mặt trái, thói tật ở đồng hương nữ, bình đẳng trong tư thế một con người với các đồng hương nam - những kẻ đương nhiên phải bị xử lý đích đáng khi cần. Của đáng tội, ở những chi tiết, hoàn cảnh trong đôi ba truyện chưa thật thành công, cái sự “giận cá chép thớt” cũng được thực thi. Cho qua...

Với đề tài này, nhà văn cũng vẫn chọn các thân phận bé mọn, không ham đại sự. Cái ham duy nhất ở họ là hạnh phúc cá nhân rồi hạnh phúc gia đình; tức là tiền, là tình, là danh phận bình thường, là sự sống còn trong phận đàn bà con gái. Dưới cây bút Việt ấy họ quả là “trở thành phụ nữ” như định nghĩa bất tử của Simone de Beauvoir. Dưới cây bút nữ ấy, tất cả họ, dù trăm phần trăm bạc phận nhưng cũng ngàn phần ngàn “tội nghiệp đáng thương. Mình chẳng thấy ai là đáng ghét cả” - như lời bình từ một bạn học cũ của tác giả.

Ở nhiều sáng tác, người viết nữ McAmmond Nguyen Thi Tu đã minh họa điều các nhà lý luận từng đúc kết, rằng trong nữ quyền luận cuối cùng thì mệnh đề “sinh học là định mệnh” được thay bằng mệnh đề “giới tính là định mệnh”.

Sẽ bàn riêng (xem Phần V) cho truyện Cái vú thừa, xin mạnh dạn khẳng định luôn: Riêng về khái niệm rất quan trọng trong nữ quyền là ý thức giới [], McAmmond Nguyen Thi Tu, có lẽ là nhà văn đầu tiên, đã tái sáng tạo một tri thức biện biệt về sinh học giữa đàn ông và đàn bà, trái ngược với nguồn gốc xương sườn trong thủy tổ loài người: Adam chỉ là từ một cái-vú-thừa của Eva mà Chúa Trời xẻo ra. Như thế, Thượng đế của nữ văn sĩ này đã coi phụ nữ không phải là “thuộc hạ” đàn ông, mà ngược lại - "nguồn gốc" đàn ông! Chúng tôi tự thấy đã không quá lời khi dùng các từ “nhà văn đầu tiên”/”tái sáng tạo”. Đành rằng, qua trao đổi được tác giả cho biết ý tưởng “cái vú thứ ba” là vốn của dân gian, trong các chuyện hài hước tiếng Anh sau cao trào giải phóng phụ nữ hồi giữa thế kỷ trước; khi đó cánh đờn bà quá khích thường thích "làm nhục" phe đờn ông, ví họ như cái vú thừa - đồ vô dụng trong cuộc đời người nữ.

Chưa hết, còn cần phải xem bộ đôi truyện Cái vú thừa bt là một thể hiện (có thể vô tình với chính tác giả) vừa mạnh mẽ và hiển lộ, vừa mềm mại và căn nguyên cho vấn đề từng gây sóng gió văn đàn Pháp - Mỹ nửa thế kỷ trước của nhị vị thủ lĩnh nữ quyền Cixous và Gilbert []. Rằng người nữ phải viết “văn chương nữ”/”l'écriture feminine”; rằng văn hóa Tây phương vốn đậm màu nam quyền; và rằng sự viết văn xưa nay - thông qua biểu tượng cây bút (pen) - mang nguồn gốc đàn ông từ việc có dương vật (penis). Câu hỏi lớn mà 2 nhà tư tưởng và thực hành nữ quyền nêu ra: Cánh phụ nữ phe ta tạo ra văn bản bằng cái gì? Bằng cặp vú (Cái vú thừa), và bằng âm hộ (bt)! Đó, lời đáp muộn màng mà quyến rũ vô vàn từ một nữ văn sĩ người Canada gốc Việt đang hưởng ứng cùng hàng trăm ngàn con cháu Eva suốt nửa thế kỷ qua.

Bản ngã là văn hóa

Chủ thể nghệ thuật ở dòng truyện này là con-người-văn-hóa, xuống cấp nữa là con-người-tâm-linh. Dẫn tới xung đột truyện, xét cho cùng, cũng là xung đột văn hóa; chứ không là xung đột tâm lý/cá tính với phần lớn tay bút truyện ngắn khác. Trong khi người đọc tiếp nhận văn học như sản phẩm hư cấu về thế giới người cụ thể, thì đấy lại là con dao 2 lưỡi (xem tiếp Phần III).

Đề tài bản ngã/cái Tôi của con người trong tập Cái vú thừa nằm ở các truyện Lời nguyện nửa khuya; Đường đến cõi Sa-ma-đi; Không ai yêu thương tôi; Cái vú thừa; Chín mươi giây []; Cuộc đời bắt nạt; Người tình ký ức. Trước và sau đó là 2 thiên truyện độc đáo chan chứa thân phận loài vật, loài người theo 2 lối viết khác hẳn nhau: Kiếp chó, bt. Nước mắt rồi cũng chẳng còn biết chảy về đâu?!

Mang hành trang như một nền văn hóa, phong tục mà bản ngã cá nhân ngàn năm bị đánh đồng vào bản ngã cộng đồng - dân tộc, các nhân vật từ McAmmond Nguyen Thi Tu chất đầy mình Việt tính, đủ cả hay (chính diện) lẫn dở (phản diện). Do thiếu cái Tôi cá nhân, họ vô thức hoặc ý thức khi sử dụng cái Tôi dân tộc để “chiến đấu”, để sống còn khi bị/được bứng cái rụp tới một xứ sở mới hình thành vài trăm năm từ dòng văn hóa Tây Âu vượt biển song vẫn giữ cái Tôi làm nền tảng trong sự pha trộn (cũng lắm khi nháo nhào!) với hàng chục nền văn hóa chính khác của gần trăm sắc dân. Và nhà văn đã cố công cô nén các Việt tính tốt xuống thành bệ để phóng lên những Việt tính xấu trong không gian nghệ thuật và thời gian văn chương của mình. Dù muốn dù không, các trang viết như thế được hân hưởng (hoặc ngược lại bị khống chế) bởi tính tải đạo - “bài học cổ điển” (L. Fisk; bđd, x. Ct 1) - ngay từ trong máu, ở những đoạn mở đầu, nhất là ở câu ý kết thúc. Và thể thức ngụ ngôn trở nên đắc dụng mà “khắc nghiệt” (như S. Rushdie đã cảnh giới).

Rất dễ làm phép so sánh: từ bộ truyện ngắn này rút ra nhiều nhân vật, mẩu chuyện, tình tiết để minh họa khá tương xứng cho loạt chuyên đề từng làm nóng báo chí Việt Nam nhiều chục năm qua, kiểu như “Các thói xấu tật hư của người Việt” được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa như Nguyễn Gia Kiểng, Vương Trí Nhàn, Lê Thị Huệ… tìm hiểu, trong khi theo bước các tiền nhân khả kính từ đầu thế kỷ trước như Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh… Nhà văn nữ của các bạn hiếm khi bỏ qua những cái liếc xéo mỗi lúc các nhân vật Việt, nam cũng như nữ, sinh sự. [Cho chết! Ai bảo không tu thân tích đức làm người công dân Ca Na Điên gốc (tre) Việt ngon lành đi, cho lũ văn sĩ chúng tui hết việc!] Của đáng tội, những nhân vật ở các sắc dân khác, da trắng cùng nhôm nhôm, cũng bị xơi lườm nhéo từ tác giả, nhưng có thể bạn sẽ không nhận ra đâu. Là do bị lái chuyển, đưa đẩy theo giọng văn thoang thoảng u hài với ngữ điệu ôn hòa, chừng mực được đến từ một cái tâm lành. Những khi đó bạn không thấy nhột: Mình đâu còn là đồng hương An Nam da vàng với kẻ phản diện?

Chúng tôi dùng lại cách đánh giá như với tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ về người di dân thợ khách ở Đức []: Theo cái nhìn văn hóa, bộ truyện ngắn McAmmond Nguyen Thi Tu là một sáng tác văn nghệ vô tình chứa nhiều thông tin xã hội học về bản sắc dân tộc Việt. Thiển nghĩ, mức độ thể hiện nhân tính Việt, bản chất Việt có thể được xem là một biến số ảnh hưởng lớn tới sự thành bại ở các sáng tác văn xuôi Việt hải ngoại. Tuy nhiên, từ một chứng chỉ văn học trong xã hội người Việt đến giấy thông hành văn chương Việt ra quốc tế không phải là một bước tới trời.

Tương quan giữa cọ sát văn hóa và hoàn thiện bản ngã cá nhân trong bản ngã dân tộc đã khiến nữ văn sĩ đẩy tiếp chữ nghĩa ra ngoài thể loại truyện ngắn; mà tới nay mới cho ra 2 sáng tác “đẻ khó” (cách nhau 8 năm!) cũng đã có thể tạo 2 hướng đi nhiều hấp dẫn.

Đó là bài ký Bí ẩn Ấn Độ [], mười năm trước từng tạo nên chuỗi thảo luận sôi nổi và giá trị trên Da Màu - diễn đàn văn học có uy tín hàng đầu hải ngoại.

Và tùy bút chân dung văn nghệ sĩ Con cua ngoài miệng giỏ [], về danh họa huyền thoại tài mệnh tương đố Frida Kahlo. Bàn nhanh về của quý: Một sáng tác thể hiện nhãn lực thâm hậu và bình đẳng của tác giả khi nhìn các siêu nhân vật ở nền văn hóa khác; Chất liệu bài viết = 1/3 hiện thực + 1/3 văn học + 1/3 lịch sử; Giọng văn = 1/3 báo chí + 1/3 hài hước + 1/3 lãng mạn; Nữ viết về nữ thì… chạy đâu cho thoát; Độ ngụ ngôn tiết ra qua chuyện cổ tích Mexico, được chọn làm nhan đề đã làm lộ rõ suy tưởng từ một nữ văn sĩ Việt Nam đánh giá nữ danh họa Mexico; Thể loại tùy bút chân dung văn học dân Tây rất ham, mà phe ta ít chuộng và thường các tác giả ta sắm 2 vai cực đoan: hoặc là sếp hoặc là osin cho nhân vật.

Gọi “đẩy tiếp” là nói ngược; đúng ra, nhà văn đã trở về nghề cũ trước khi làm người lưu xứ: nhà báo chuyên nghiệp.

Triết lý đạo đức căn bản của McAmmond Nguyen Thi Tu là tinh thần Thiên Chúa giáo thấm đượm nơi nhiều trang viết. Khi hiển lộ dày, đậm qua từng câu chữ trích, kể Kinh thánh, lúc bàng bạc trong không khí truyện; điểm thành công là người đọc không thấy nặng nề (không bị Chúa... vẫy dụ!) trong các bài học đạo đức rõ như ban ngày. Nhờ ý đồ văn học vô thần sâu xa của tác giả. Nhờ rải rưới tinh thần Kitô trong văn hóa tư tưởng Việt, nơi gặp gỡ ngàn đời của tam giáo Nho-Khổng-Đạo đồng nguyên. Và, nhờ giọng điệu với “một chút trào phúng đáng yêu lấp lánh chỗ này hay chỗ khác trong những chuyện bịa hạng nhất đó.” (L. Fisk, nt).

Đến với tập sách song ngữ Cái vú thừa, bạn sẽ được/bị nhắc gọi “Chúa/God” bằng 2 thứ tiếng Việt-Anh mỗi thứ tiếng 51 lần, bằng nhau. Với bạn nào xài giỏi cả hai ngôn ngữ thì vị chi là 102 lần bên Người. Trong đó được/phải 8 lần “lạy Chúa/My God” trong mỗi ngôn ngữ. Ấy là theo thống kê riêng của chúng tôi...

Hầu hết các truyện ở đề tài tâm linh, tôn giáo là với tinh thần Công giáo, còn lại về Phật giáo, Tin lành, Hồi giáo và Yoga: Lời nguyện nửa khuya (Yoga); Đường đến cõi Sa-ma-đi (Phật giáo); Không ai yêu thương tôi (Tin lành); Cái vú thừa (Thiên Chúa giáo); Cuộc đời bắt nạt (Thiên Chúa giáo); Linh hồn tôi đâu (Hồi giáo, Kitô); Người tình ký ức (Thiên Chúa giáo).

Tác giả có 2 truyện (cũng ở 2 trường phái sáng tác) rất xứng trong một tuyển tập truyện ngắn nào đó về thể tài tôn giáo. Thiên truyện ngắn Cái vú thừa, như đã nhắc qua, hiển nhiên là con đẻ của Chúa Trời - một đứa con khôi ngô và ngỗ ngược hiếm có trong văn học nói chung, không chỉ văn học Việt Nam, mà chúng tôi được đọc (x. Phần V). Linh hồn tôi đâu từng tạo chuỗi thảo luận lý thú cùng trên diễn đàn Da Màu [].


Như một đề tài “ăn theo” (kinh tế học gọi là side business/kinh doanh phụ), nữ văn sĩ còn là cây bút có nhiều truyện độc lập hoặc các trang truyện cũng mới lạ và lôi cuốn về súc vật, thú… Đó là Kiếp chó (chó, mèo); Đường đến cõi Sa-ma-đi (mèo) []; Chuyến hành trình sau chót (sói); Bóng ma quá khứ (chó)... Cũng phải thôi, khi nhà văn dùng ngụ ngôn như là máu nuôi cơ thể văn chương nhân tính của mình. Giữa các tác giả Việt trong và ngoài nước hiện nay, đâu thấy nhiều vị chịu khó cưng quý “bạn của loài người” như McAmmond Nguyen Thi Tu?

Trước khi sang các phần tiếp theo, chúng ta nén phần chính yếu của khảo luận vào nhận định sau:

Trên lối viết mới của mình, tác giả đang như theo hẳn khuynh hướng phúng dụ, ảo dị trong hơn một năm ở 5 sáng tác Lời nguyện nửa khuya; Cái vú thừa; Người tình ký ức; bt, Hôm nay có phải. Chúng là những thiên truyện, với cái nhìn cẩn trọng chúng tôi thấy cần được coi là đặc sắc ở sự độc đáo và tính hấp dẫn giữa dòng văn xuôi đương đại không chỉ của độc giả Việt, xét cả 3 mặt nội dung tư tưởng, ý nghĩa thể loại và giá trị nghệ thuật mà riêng mặt thứ 3 còn có thể chút gợn về kỹ thuật văn chương hóa các văn liệu, tri thức…

Năm “truyện ngắn trong lòng bàn tay” - như mong ước của bậc thầy văn xuôi người Nhật Yasunari Kawabata. Chứa cả nhân gian.


III. Viết văn là kể chuyện


Quan niệm vậy có từ thuở hồng hoang của văn học viết. Vì, viết, đó là nói bằng tay - qua ngôn tự! Nhà văn cừ nhất ấy là kẻ kể hay nhất, “dẻo tay” nhất.

Trong các hình thức diễn ngôn truyện nói riêng và văn xuôi nói chung, hãy tạm chia 4 loại chính: Kể, Thuật; Tả, Diễn; Thoại; Luận, Bình. Ở cả 2 thi pháp/phong cách (với mốc trước và sau năm 2018), sở trường của McAmmond Nguyen Thi Tu là văn trần thuật, kể một câu chuyện trước sau gì cũng trọn vẹn; đôi khi xen lẫn bình, luận. Thoại (đối thoại, độc thoại) và diễn biến tâm lý là sở đoản.

Như là một trong những cây bút chuyên về đời di dân, tác giả của các bạn đã chọn cách viết “đúng sách” theo các nhà lý luận:

Về đối tượng, hình thức diễn ngôn và tiêu điểm truyện/focus of narrative: “Hiện tượng lưu xứ thường được thể hiện như một thể tài mới trong lối viết cá nhân. Điểm chung của các tác phẩm là thường viết về hành trình hiện hữu và dịch chuyển của cá nhân trong những tương quan với cộng đồng và không gian xã hội.” [; ĐQ nhấn mạnh]

Về điểm nhìn và cách thức kể: “Ý thức giới thể hiện rõ ở phương thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất, nhân vật tôi/đàn bà/người kể chuyện kể chuyện mình, chuyện giới mình, chuyện thế sự… qua trường nhìn phụ nữ. Về phương diện này, các nhà văn nữ thường chọn hình thức tự thuật. Điểm nhìn của chuyện/truyện hầu hết đều là điểm nhìn bên trong. Nhân vật và người kể chuyện cũng thường đồng nhất, xưng tôi để kể những chuyện chỉ riêng tôi mới biết (chuyện trinh tiết, chuyện trở thành đàn bà, chuyện ngoại tình, chuyện chối bỏ bản năng làm mẹ…) Những bí ẩn giới tính trong nhiều trang văn nữ giới trở thành những sự chia sẻ, trải lòng.” [; ĐQ nhấn mạnh]. Cũng có thể thấy vậy với McAmmond Nguyen Thi Tu, qua ý kiến của nữ biên tập chính từ một nhà làm sách có uy tín hàng đầu Việt Nam là Nhã Nam [].

Chúng ta đang đi vào dòng truyện ngắn có phong cách trần thuật như sau:

Cả hai lối viết - kể thuật hiện thực hay phúng dụ ảo dị - đều giàu tính tự truyện. Câu chuyện được trình diễn mạch lạc, cấu trúc truyện chặt chẽ, bố cục tuần tự theo logic (dù có kết hợp đồng hiện, cắt dán không gian và thời gian), mạch văn thản nhiên trôi chảy, chi tiết rậm rạp cứ đan cài nhau, miêu tả sát thực như có thể cầm nắm, không khí truyện sinh động như “lên đồng”, diễn tiến có đầu có cuối theo số phận nhân vật, xung đột liên tiếp phát triển không theo tâm lý nhân vật mà qua các sự cố bất ngờ. Xoay đảo ý tứ gấp như vòng cua tay áo mà bám riết ý đồ []. Trữ tình nội tâm hoàn toàn không thuận tay với tác giả. Tình huống truyện không theo cung cách phân tách mâu thuẫn, thắt mở nút tâm lý. Có thể gọi đây là dòng truyện không-tình-huống-chính, không-tứ-truyện, thậm chí không-nhân-vật. Chi tiết, chi tiết và chi tiết! Ý tưởng, ý tưởng và ý tưởng! Truyện McAmmond Nguyen Thi Tu là cuộc hôn phối giữa người Nữ Chi tiết và người Nam Ý tưởng. Mạnh, và cũng là yếu, tùy từng truyện. Mà cũng bởi thế lối văn này có ít khoảng trống nghệ thuật dành cho loại bạn đọc năng động cùng tham dự (ngay cả không cần đồng sáng tạo như phái Hậu hiện đại). Nó để lại bài học sau những cái kết thường là đột ngột như kết tụ của vô số chi tiết bằng một thứ hóa chất đặc biệt. Hóa chất đó là tính ngụ ngôn hiện đại! Truyện ngắn như thế không chỉ là câu chuyện của tình tiết có thủy có chung, mà quan trọng từ đó đi tới một hay nhiều điều cần nói: ý tưởng. Tuy nhiên, thái quá bất cập. Đến như nhà văn tầm vóc hàng đầu không chỉ ở miền Nam trước 1975 mà còn của cả Việt Nam thế kỷ trước là Bình Nguyên Lộc vẫn còn bị nhiều nhà phê bình chê, mạnh nhất là Võ Phiến: “Rốt cuộc ông lâm lụy vào hai cái ấy: truyện rộn ràng tình tiết và nặng giảng giải.”

Về mặt vận chữ dụng nghĩa, thoạt mới coi quý vị nào “vội mắt chậm óc” cứ tưởng ngữ ấy là viết không có văn. Thưa, bé cái nhầm! Đấy không làm-văn. “Văn” ấy câu chữ gãy gọn, cung cách tự tin như loại tác-giả-biết-tuốt bằng lối nói bình thường đượm vẻ tếu hài và điểm xuyết kinh sách, điển tích, ngụ ngôn, kiến thức... “Văn” ấy luôn trao khoảng cách thân thiện cho độc giả, chu đáo với nhân vật, tinh tường với chi tiết, căng thẳng và mạnh mẽ với oan trái và thách đố, song vẫn đủ lịch sự, trầm tĩnh (mà những khi thật cần nhân vật cũng được chửi thề như ai!) “Văn” ấy thường ngắn câu. Từ ngữ nào cũng có trong từ điển hoặc dân gian. (Hiếm có từ nào made by McAmmond Nguyen Thi Tu!) Chủ vị rành mạch. Chấm phẩy cực chuẩn. “Văn” ấy rất dễ chuyển dịch qua các ngôn ngữ khác, vì không tu từ, ẩn dụ ngôn tự; còn phúng dụ toàn bộ ý tưởng thì có. Không dành cho những bạn đọc chuộng lối diễn tả mạnh bạo hành vi và cuồn cuộn từ vựng của Trần Vũ, hay cù cưa thổ ngữ tâm tình gái đất Mũi ở Nguyễn Ngọc Tư. Thật ra, văn chương McAmmond Nguyen Thi Tu kết hợp thuần thục 3 hình thức: văn nói kể chuyện một lèo “có sao nói vậy người ơi” ở cánh phụ nữ gia đình; văn viết tường thuật chi tiết, chính xác và khoa học của báo chí; và văn giảng chuẩn mực, bao quát, lý giải trong giới mô phạm. Chị làm chủ, thấm sâu các hình thức ngôn ngữ. Nếu như tới một ngày Chúa gọi, cho những trang tiêu biểu từ lối viết ấy vào sách giáo khoa tiếng Việt, chúng tôi cũng chẳng ngạc nhiên. Dẫu dòng văn mà Chúa tạo ra đó vẫn còn vắng chút duyên lộ. Mời các bạn xuống phần Chú thích để đến với 2 trường đoạn đặc trưng (cả hay lẫn chưa hay): Lối viết quen thuộc của tác giả trước đây [], và lối viết đổi mới từ năm 2018 [].

Ngữ điệu trữ tình sao mà hiếm gặp (có nhẽ chỉ ở Lời nguyện nửa khuya Người tình ký ức)? Bao trùm một giọng điệu hiện thực trung dung, rạch ròi (góp phần mách bảo người viết ra chúng đích thị con nhà gốc miền Bắc); lãng đãng cùng giọng điệu hài hước giễu cợt - ấy cái uy-mua bóng bảy, dông dài Bắc Kỳ mà không đến nỗi chì chiết mưa phùn do được pha chút gió biển hồn nhiên của dân Trung. Cũng là theo hướng khôi hài đen/black humor không nhân nhượng trước cái trớ trêu bi hài từ các trò đời, song phải công nhận là ý vị. Không lẫn được với các tay bút khác. Chúng tôi muốn gọi đó là kiểu khôi-hài-nâu McAmmond Nguyen Thi Tu.

Tức là ở tác giả này, viết văn là kể lại theo đường lối truyền thống chân chỉ. Vâng, đúng vậy và còn hơn vậy nữa: Kể lôi cuốn! Phong cách trần thuật vẻ như chưa thật độc đáo mà vẫn dư dấu ấn văn chương và ánh sáng nhân tính nơi lòng độc giả. Tâm niệm vậy dễ đưa tới chân lý: Văn là sự kể chuyện sao cho nhân văn, chân thực và nghệ thuật []. Đủ 3 chân đế Chân-Thiện-Mỹ.

IV. Soi vào tiêu chuẩn truyện ngắn

Như ở một bài trước đây bàn về truyện ngắn của tác giả khác [], chúng tôi sẽ thử tham chiếu truyện McAmmond Nguyen Thi Tu với các nhận định kinh điển về truyện ngắn hiện đại thế giới [].

• “Thông thường, giáo trình kỹ năng truyện ngắn của các lớp dạy viết văn hình thành từ 5 yếu tố: 1. Ý tưởng và đề tài; 2. Tình huống; 3. Nhân vật; 4. Kết cấu và chi tiết; 5. Ngôn ngữ và giọng điệu. Các thành phần khác như cốt truyện, xung đột, điểm nhìn/người trần thuật, bối cảnh, hình tượng, ẩn dụ… được gia giảm tùy bục giảng.”

Truyện McAmmond Nguyen Thi Tu (McA NTT): Ý tưởng được đầu tư kỹ, nhất là ở lối viết mới; thể tài hơi đơn điệu khi cố thủ cuộc sống di dân và bản ngã. Tình huống chủ đạo hầu như không có; nhiều tứ truyện trong một truyện đến mức truyện như không cần tứ [] mà bù vào vô số các chi tiết (Bữa tiệc gà tây; Đêm hoang mạc; Lông ngỗng trắng; Máu trên tuyết…) Dưới ý đồ ngụ ngôn tác giả không tạo nhân vật văn học; các nhân vật chỉ như nhiều nhánh hoa rải trong vườn chứ không làm một khóm hoa lớn. (Ở tất cả các truyện trừ Bóng ma quá khứ). Ngôn ngữ và giọng điệu hầu như chỉ theo phong cách trần thuật. Cốt truyện: Đa dạng, thay đổi vô lường, nhiều sáng tạo trong Chín mươi giây; Bữa tiệc gà tây; Chuyến hành trình sau chót; Cuộc đời bắt nạt; Người tình ký ức; bt. Xung đột truyện thường là mâu thuẫn văn hóa, hướng tới bản-ngã-con-người và ít coi trọng đặc thù văn học ở từng nhân vật nơi mà bản-ngã-cá-thể được xuất hiện. (Bóng ma quá khứ là truyện duy nhất không vậy, và thành công như một truyện ngắn “chuẩn” về mặt này và về tứ truyện).

• “Đối với truyện ngắn hay, có một vấn đề đặc biệt quan trọng, đó là bảo vệ cho được tính xác định về mặt thể loại. Truyện ngắn cần phải cô đọng đến mức cao nhất. Vấn đề số một đối với nó là vấn đề dung lượng - ‘tất cả trong một’”; “Tính thuyết phục của sự hư cấu của truyện ngắn nằm ở sự nhỏ gọn nhưng đầy đủ của nghệ thuật trần thuật.”

Truyện McA NTT: Có lẽ tác giả đã “tụng kinh” những lời trên trong khi viết 5 truyện viết theo lối mới? Trước năm 2018 thì vẫn “bảo vệ cho được tính xác định về mặt thể loại”, song “cô đọng đến mức cao nhất” thì e rằng chẳng truyện nào đạt được! Ở các truyện kể thuật quen thuộc, bạn đọc sẽ không dễ nhận ra chất hư cấu sinh ra từ đâu - từ hư cấu chi tiết/kỹ thuật hay hư cấu cốt truyện/nghệ thuật, hay cả hai. Chúng tôi vừa có dịp đọc lại một cái viết mẫu mực hệt như yêu cầu trên cho nghệ thuật truyện ngắn kinh điển: Giấc ngủ trưa thứ ba, của “ông lớn” Gabriel G. Marquez [].

• “Truyện ngắn được viết ra để đọc liền một mạch”.

Truyện McA NTT: Quả vậy. Có điều “mạch” trong dòng truyện này hơi bị nhiều!

• “Có thể cho rằng, truyện ngắn hiện đại với hình hài và phẩm chất như hiện nay, là khởi đầu từ Mỹ.

Truyện McA NTT: Đúng! Khác truyện ngắn Nga, Pháp, Đông Âu, ở đây không dẫn dụ câu chuyện theo kiểu trữ tình tâm lý, diễn giải nội tâm dông dài mà trình bày hiện thực một cách dóng diết. Có phần khắc nghiệt. Nhân vật truyện cũng không được chầm bập quan tâm như là con cưng của tác giả. Còn cách tháo nút và kết truyện lại không tự nhiên như truyện Bắc Mỹ, mà thường bằng các bi thảm cụ thể: từ thất bại tình cảm (Lời nguyện nửa khuya; Lông ngỗng trắng; Kiếp chó; Người tình ký ức; Bữa tiệc gà tây; Chuyến hành trình sau chót) đến khủng hoảng tâm lý (bt; Không ai yêu thương tôi; Dâng hiến; Chín mươi giây; Đường đến cõi Sa-ma-đi), cuối cùng là án mạng (Linh hồn tôi đâu; Đêm hoang mạc; Máu trên tuyết; Mùi thiên đàng). Trong tất cả 18 truyện in ở 3 tuyển tập (một vài truyện in lại với bổ sung bản tiếng Anh), chúng tôi thấy chỉ 2 truyện kết thúc trong tâm trạng văn học (Bóng ma quá khứ; Chiếc nhẫn cầu hôn). Không thể tìm thấy truyện nào có kết thúc (dù vẻ ngoài) tương đối bình thường. Ừ nhỉ, có lẽ tại bởi không hề có nhân vật nào từ McA NTT là… bình thường tương đối?

• “Yếu tố quan trọng bậc nhất trong truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết.”

Truyện McA NTT: Không giống như vậy! Chi tiết ở đây “nhiều như quân Nguyên”, khó chọn ra cái nào đúc cái nào rỗng. Hành văn nói chung là tung mở, trực tiếp. Hàm ý tác phẩm nằm trong ý nghĩa nhân văn ở từng truyện chứ không qua lối thể hiện ngữ nghĩa. Rất hiếm hình tượng được “cô đúc”. Chẳng hạn, trong Bữa tiệc gà tây có màn mần tình cực gợi cảm mà chưa phạm vùng nhạy cảm []. (Không tính đôi lần kể lại ngắn gọn và đơn giản về các vụ tâm tham ái dục, nói cho oách, đây là màn “cụp lạc mây mưa” đầu tiên và duy nhất cận cảnh mà chúng tôi mục kích được dọc theo những trang viết do nữ văn sĩ mô phạm đứng tên. Màn thứ 2, trong Đêm hoang mạc [], tình công sở nhì nhằng nhàn nhạt thôi, cũng gợi tí ti). Tiếc thế không biết! Giá như tác giả nâng cấp chi tiết vô giá “yêu bằng ngón chân” thành một hình tượng, một tình huống có giá trị “quân chính quy”/thẩm mỹ thì có thể không cần đến cả tiểu đội chi tiết “địa phương quân”/báo chí đang đầy nhóc truyện. Cái mẹo yêu thô kệch mà tận tình và động tình của người đàn bà quê mùa tỉnh Thanh đất Việt chạm tuổi hồi xuân hẳn cũng là đồng dạng nho nhỏ với thuật phòng the của phụ nữ Trung Hoa theo phái bó chân ngày xưa? Tiếc! Nhớ, thiên truyện ngắn Tiếng búa đinh đong [] cũng theo trường phái trần thuật tỉ mỉ. Ngó nhanh tưởng cà kê dê ngỗng, song té ra là một kiệt tác của Dazai Osamu, được xem như “quyển tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai thu nhỏ”. Là nhờ văn hào Nhật đã đưa bi kịch Nhật Bản sau Đệ nhị thế chiến vào một và chỉ một hình tượng thẩm mỹ trong truyện, qua những tiếng búa đinh dai dẳng ngân vọng gõ xuống các tháng ngày hậu chiến của tuổi trẻ Nhật.

• “Những cách tân, sáng tạo của các nhà văn bậc thầy về truyện ngắn đã khẳng định rằng, truyện ngắn, về tạng chất của nó rất gần với thơ, thậm chí có thể nói một cách không đến nỗi quá đáng rằng, truyện ngắn là một dạng cấu trúc đặc biệt của thơ. […] với cái nghĩa Thơ được hiểu là chất trữ tình sâu lắng của những trạng huống”.

Truyện McA NTT: Vâng, và là đòi hỏi xa xỉ với các truyện được viết trước năm 2018 - nơi thẩm mỹ văn học đến từ các xung khắc nhất nguyên mạnh mẽ và hiển hiện giữa cái Đẹp và cái Xấu, sự thực dụng và tính lý tưởng trong quan hệ người-người. Chứ đâu có từ những nỗi niềm lăn tăn, mông lung ở các biên giới nội tâm làm nên chất thơ! Tính truyện ở đấy vì thế bị giảm, do chất báo chí tăng. Như đã nói, trừ Bóng ma quá khứ là mang “trạng huống”. Tới mạch truyện mới, Lời nguyện nửa khuya Người tình ký ức đã có thể được xem như hai bài thơ luận đề. Nữ văn sĩ Việt-Canada chớ buồn nhiều! Ngay như nam văn sĩ Ăng Lê Somerset Maugham cũng từng là một ví dụ to đùng. Dẫu có nhiều thành công về xuất bản và bạn đọc, nhưng vị VIP này của văn xuôi Pháp chưa hề nhận được đề cao xứng đáng từ đồng nghiệp ngang cơ và giới phê bình hàn lâm. Chính Maugham tự biết mình còn thiếu “phẩm chất trữ tình”, do nguồn từ vựng sơ sài và không sành kỹ thuật ẩn dụ.

• “Có người chú ý đến phẩm chất đặc biệt của truyện ngắn do môi trường báo chí đòi hỏi, đó là yếu tố mới lạ. Song, cần lưu ý rằng, yếu tố mới lạ đó không phải là tính thời sự “sát sạt”, càng không phải là “chuyện lạ đó đây” của môi trường báo chí.”

Truyện McA NTT: “Báo chí” là Mùi thiên đàng; Máu trên tuyết; Đêm hoang mạc; nhất là Bữa tiệc gà tây! []

• “Yếu tố mới lạ đó là sự xâu chuỗi cái đời thường và (…) cái lớn lao thành một cấu trúc nghệ thuật hoàn chỉnh đặc biệt ngắn gọn, cô đọng của truyện ngắn khiến cho cái cụ thể và cái trừu tượng, cái cá biệt và cái điển hình ở truyện ngắn khác hẳn tiểu thuyết: nó hòa vào nhau và dường như là một để tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ ở người đọc - đọc liền một mạch.”

Truyện McA NTT: Cũng đạt được vậy ở cách viết truyền thống qua Kiếp chó; Đường đến cõi Sa-ma-đi. Sang lối viết đổi mới, với 4 truyện đã nêu (cuối Phần II) mà “mới lạ” nhất, “đặc biệt ngắn gọn, cô đọng [...] khiến cho cái cụ thể và cái trừu tượng, cái cá biệt và cái điển hình [...] hòa vào nhau [...] như là một để [...] đọc liền một mạch” nhất, đó là bt!

• “Tchekhov nói: “Để có một truyện ngắn tốt, trong truyện đó, không có cái gì được thừa, cũng y như trên boong tàu quân sự, ở đó tất cả đâu vào đấy, không có gì được thừa.” Còn Maugham bảo: “Truyện ngắn phải sao cho người ta không thể thêm vào đó chút gì cũng không thể rút ra chút gì.”

Truyện McA NTT: “Hổng có truyện tui trong trỏng! Xo-rì nha, bộ hai ổng muốn viết truyện… bikini hay sao?!”

• “Tiểu thuyết hay truyện dài thì cứ triền miên theo thời gian, đôi khi có quăng hồi ức trở ngược lại. Truyện ngắn thì gây cho người đọc một cái nút, một khúc mắc cần giải đáp. Cái nút đó càng ngày càng thắt lại đến đỉnh điểm thì đột ngột cởi tung ra, khiến người đọc hả hê, hết băn khoăn.”; “[…] tình huống truyện luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất […] Truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một tình huống, một chủ đề nhất định.”

Truyện McA NTT: “Ở tui lắm khi ký ức chạy tới chạy lui. Mà nút nhiều tá lả, đố người đọc mò ra nút nào cần tháo cởi. Vẫn khối “người đọc hả hê, hết băn khoăn” khi tôi mở cái nút của riêng mình. Còn ba cái vụ “một tình huống” thì phê bình gia đã phê/chê tui rồi. Ai mà lạ chi cái thứ quan niệm truyện ngắn như một nhát cắt thời đại! Các xừ sính tiếng Tây bảo là một mô-măng của trường đời, còn các mợ tựa cửa Phật kêu là một sát na đốn ngộ cõi trần, riêng mấy ông thầy lý luận thì phán khoảnh khắc của thời gian nghệ thuật. Nhưng tui đâu có “ke”. Với tui, mỗi truyện ngắn - một cuộc đời cô đúc. Thế nhé...”

V. Bình điểm một số truyện cụ thể

Tứ tử trình làng! Chúng ta sẽ dùng cách tìm hiểu thực địa (gần giống phương pháp “Case study” trong y khoa) qua 4 trường hợp mà đa số được viết theo lối mới trong hướng sáng tác của tác giả: Lời nguyện nửa khuya; Cái vú thừa; Cuộc đời bắt nạt;bt.

Điểm chung về hình thức, cấu trúc truyện là không còn theo lối trần thuật chân chỉ; và dung lượng rất ngắn, như một tiểu phẩm, trên dưới 4 trang sách khổ nhỏ.

Yếu tố thi pháp chung ở 4 truyện này là hình thái ngụ ngôn được đông đặc; dường như nhà văn đã thông tỏ châm ngôn để đời của Vua hề Sác-lô/ Charlie Chaplin: "Trò đùa phải chấm dứt khi nó thành công nhất". Văn lệnh như sơn: Ngắn!

LỜI NGUYỆN NỬA KHUYA

Bút pháp cổ trang (“cổ văn” được tân trang/hiện đại về hiện thực lẫn ngôn ngữ) tỏ ra hết sức nhuần nhụy. Tin là các độc giả ruột của tác giả sẽ ngỡ ngàng với sáng tác đầu tiên phá rào từ bút pháp hiện thực thuần túy (sau Dâng hiến - một truyện chưa hay, có phần nào dễ dãi). Thành công không hẳn đến từ tay nghề. (Xét về dẫn truyện còn có vẻ kém cơ hơn các truyện hay ở bút pháp cũ - Mùi thiên đàng; Kiếp chó). Mà từ “đổi mới tư duy”. Một tư duy khác về nghệ thuật truyện ngắn. Ngay khi đọc lần đầu, Người bình điểm đã kịp chúc tác giả ráng kéo thành vệt “văn cổ trang made by McA NTT”. (Hên, quả nhiên, nhân bảo gần được như thần bảo!)

Thủ pháp phúng dụ được “xài xể” quá chăng? Tác giả hóa thân? Ưu: truyện lôi cuốn và đau đời mà vẫn nhi nhiên như "C'est la vie!" Mạch chuyện nhuyễn như tương bần chảy ra chỉ trong hơn 6 trang sách. Nhược: với độc giả không rành "nhân thân” tác giả, nhiều chi tiết có vẻ khó hiểu.

Nội dung tư tưởng không mới song rất lạ và cực hay! Chỉ gỏn gọn trong vuông tay các vấn đề gia đình, giải phóng phụ nữ, hôn nhân, tình ái quyện chặt vào vấn nạn chung của loài người hiện đại, cũng như của một “vương quốc” [] (có thể hiểu đó là Canada).

• Ngôn ngữ pha trộn nhịp nhàng giữa hiện thực, lãng mạn và hài hước. Chất thơ mênh mang.

Vài chi tiết:

- Rất thành công ở hình tượng yoga, vừa ẩn vừa hiện. Ẩn: Làm cho sinh hoạt chính trong “vương quốc” thêm huyền bí, độc đáo. Hiện: Không phải bạn đọc bình thường nào cũng đoán ra. Vậy lại hóa hay. Nó giảm bớt tính riêng tư của truyện mà những độc giả quen biết tác giả lại thiệt thòi khi không nhận ra cái lung linh của ẩn dụ văn học.

- Trạng huống "ly hôn" là điểm sáng, là tứ truyện; nhưng trong khung cảnh này trở nên thế tục và, thiển ý, khá tầm thường, không tương xứng nhân vật "Ngài" - một đế vương ắt xa lạ với cái sự ly hôn phàm trần. Đau ở chỗ với nhân vật "Em" thì quan trọng, là cả cuộc đời. Gợi ý: Nên chăng nâng vụ "ly hôn" thành vấn đề khác cho lạ, ảo hơn. Tức là thêm chừng hơn một trang nữa, tứ truyện sẽ nở tiếp?

- "Vương quốc của Ngài là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề của thế giới”;“duy nhất trên địa cầu là lời giải đáp cho tất cả vấn nạn thể xác và tâm linh.” Phải đấy, Vùng đất hứa - Xứ sở Lá phong của chúng tôi, còn đâu khác được!

- "Ánh sáng xanh”: Ẩn dụ tốt; chắc là rất riêng tư nên hơi khó hiểu. Mà cũng khỏi cần hiểu hết. Truyện ngụ ngôn vốn có chất thơ. Nào ai hiểu thơ là gì?

- Lặp lại 2 lần cụm câu "Em đứng trên đầu. Em đứng [...] trở thành một thây ma.”: Đẹp mượt mà và nhịp nhàng. Như chính các động tác yoga.

- Đưa vụ con gián vào kỹ vậy (dù khá vui và đau!) liệu làm chia trí độc giả không ta? Sở trường “bồi bổ tri thức” của tác giả với truyện cô đọng có thể thành sở đoản đó à nha...

Đây là một truyện-ngắn-khó. Được dùng làm mở cho tập truyện mới, bạn đọc hiểu “ý trung nhân” chứ ạ?

CÁI VÚ THỪA

Ở các phần trên đã gióng đôi ba lời về vai trò và ý nghĩa của thiên truyện quan trọng nhất này. Xin tiếp tục...

• Viết về “cái vú”, bao nhiêu cũng là thừa. Đã có vô vàn tác phẩm văn học Việt và quốc tế từng chọn bộ phận nữ tính quan yếu nhất nhì của người nữ, người mẹ làm chủ đề. Và hẳn không tác giả nào không động đến tính chất “nguồn nuôi” loài người của nó. Người bình điểm vững tin chưa có truyện nào sâu (thẳm) và độc (đáo) như truyện của nữ văn sĩ McA NTT. Dám nghĩ, nếu có một tuyển truyện viết về “cái vú” của văn chương ở nhiều ngôn ngữ, Cái vú thừa tiếng Việt - ắt là trúng tuyển rồi! - sẽ có cơ được trong danh sách chọn làm tên sách!

• Tên của truyện ngắn, kinh điển và hút hồn! Không thể khác hơn. Nữ nhà văn tỏ ra sành đặt tên những đứa con của mình, và Cái vú thừa đắt nhất. (Đắt nhì, đố bạn truyện gì? Chưa đoán ra, vài phút nữa sẽ biết!)

• Gói trong 1271 từ là một tạng truyện ngắn mà suốt đời viết của một tác giả chỉ được vài ba cái. (Chúa không thể hào phóng!) Như chén máu và nước mắt cô lại. Không là người nặng khổ đau nhiều dằn vặt, khó “bịa” ra nổi “truyện bịa hạng nhất” (L. Fisk) này.

• Tay bút nữ viết về nhân vật “Tôi” nam giới thì đầy nhóc làng văn, và chính McA NTT cũng nhiều lần “giả giai” ngon lành. Lần này, giai đẹp Số 1!

• Ngôn ngữ và lối kể: “Một lần đi đường tôi sơ ý đánh rớt tên mình.” Câu mở đầu đạt mức “bậc thày”. Cùng với tên truyện, nó nhẹ nhàng áp tải bạn đọc nhập vào phong cách ảo dị. Hơi tiếc, vấp ngay tới một đoạn diễn lại ngụ ngôn, khá khô và hơi dài, xa lạ với truyện hư cấu. Phần thân truyện trong gần 700 từ đi suốt cả chục biến cố vùi dập đời người, đời trai, đời làm con làm chồng làm cha… mà vẫn liền lạc tư duy truyện ngắn. Nhờ cách kể trôi chảy, bình dị nhưng mang nỗi đau ngàn cân.

Cốt lõi truyện là các hư cấu phản biện Kinh thánh: "Sáng Thế Ký viết sai. Ta không tạo Ađam trước. Ta tạo Eva, để cai quản muôn loài. Được mấy ngày thì Eva than phiền phần ngực nặng, đi lại thấy vướng. Lúc đó Eva có ba vú. [...] Ta xẻo cái vú ở giữa vứt vào bụi cây gần đó. [...] Ta bèn nhớ ra cái vú vô dụng vứt vào bụi rậm bữa nọ. Ta lôi ra, thổi vào nó một linh hồn, thành Ađam.” Một tái sáng tạo lớn lao và kinh dị! Của nữ văn sĩ McA NTT. Nội vụ này đủ mọi yếu tố làm nên tất cả, cho một truyện ngắn độc đáo.

Góp ý quan trọng: Trong một dung lượng quá eo hẹp đã dồn nén 3 biểu tượng, cái nào cũng từ nhớn đến khủng: Cá nhân bị vô danh tính - “mất tên”; Quả báo cha con với sợi dây con trói cha; Nguồn gốc giới tính nam-nữ với Eva có ba vú. Hai biểu tượng đầu và cuối đủ thành tứ truyện quá ngon rùi. Ngu ý của kẻ bình điểm: rút ngắn vụ “sợi dây hoặc có thể... cắt béng đi! Về nội dung, quan hệ phụ tử khá xa với tư tưởng truyện. Vụ này lại an tọa ngay ở đoạn thứ nhì và “tốn” đến 150 từ. Hơi dài so với dung lượng toàn truyện, cũng như với đoạn Eva ba vú. Về mặt tự sự, đoạn “sợi dây” hệt như trích từ nguồn ngụ ngôn quen thuộc, thay vì ít dòng người đọc cũng đủ hình dung. Làm giảm văn phong hư cấu đang rất bất ngờ với các dòng đầu tiên và sau đó. Vì sao? Vì truyện “bằng bàn tay” mà ôm những giai thoại khổng lồ thì tính văn chương của toàn truyện sẽ giảm, dẫn đến cái dở là chất ngụ ngôn đậm quá. Trong khi ở Lời nguyện nửa khuya dù độ phúng dụ cao, chỉ khiến hơi khó hiểu chứ không làm nặng mức độ giáo huấn. “Đại sư phụ” Franz Kafka đã nêu nhiều tấm gương cô đọng các ý tưởng kinh dị (người biến thành con côn trùng, hay cái vô hạn của thời gian đi sang làng bên) giúp cho chất hư cấu được làm chủ toàn bộ truyện ngắn. Nếu còn ham tiếc “sợi dây”, nên chăng mở rộng không gian câu chuyện sao cho giữ được ý đồ chính của tình huống: từ việc bị mất tên dẫn đến biết được nguồn gốc đàn ông là từ cái vú dư của phụ nữ.

Tóm, Cái vú thừa là truyện "bất bình thường", về thi pháp cũng như nội dung, tư tưởng, không chỉ với văn chương McA NTT mà cả trên nền truyện ngắn đương đại. Tiếp sau Lời nguyện nửa khuya, nó xác quyết một hướng viết mới cho tác giả. Vượt xa hiện thực kể chuyện thuần túy; chiếm lĩnh nghệ thuật kỳ ảo và phi thực.

CUỘC ĐỜI BẮT NẠT

• Trong lối viết trần thuật hiện thực, so với chính tác giả, cái mới nhất ở đây là cấu tứ truyện theo kiểu phân mảnh/đồng bộ/bình đẳng. Một chiêu mà khá nhiều tác giả khác đã dùng và mỗi vị thường chỉ xài một đôi lần. Cũng có thể gọi là motif “tham quan". Qua 7 chân dung phụ cùng một chân dung chính là “Gã”, ta có 8 nhân vật cùng làm nên nhân vật chung là Cuộc đời. Nó giải thích chính xác cho vài phần trong tên bài khảo luận: Ngụ ngôn giữa đời thường Canada. Nghệ thuật tạo truyện ở Cuộc đời bắt nạt là minh họa cho một ý đồ lộ tỏ (biến tướng nhẹ hều của truyện định đề), nên nếu không cao thủ thì chỉ sau vài nhân vật, độc giả sẽ dễ thấy nhàm, nhảy cóc xuống đoạn kết cho thỏa tò mò. Một số kỹ thuật điện ảnh (lắp ghép, chuyển đoạn), kịch thoại được sử dụng tài tình.

• Bút pháp tung tẩy về chi tiết thường nhật, tung hoành về mảng miếng đời sống, xã hội Bắc Mỹ vốn là át chủ bài của nữ văn sĩ. Dàn dựng chắc lẳn về dung lượng, với 2883 từ vừa đủ đọc một hơi. Câu mở “Tòa nhà có hai tầng, mỗi tầng có bốn căn hộ. Gã ở căn xoàng nhất tầng dưới. Một buổi tối gã đi gõ cửa từng căn”, dẫn bạn đến mỗi nhân vật và phải tới đoạn cuối mới túm cái rụp được "sợi chỉ hồng" của tác phẩm: đủ thấy tay nghề kiến trúc truyện ngắn cao dường nào! “Mọi người trong các căn hộ không để ý đến việc gã gõ cửa đòi tiền nhà.” Thoạt tiênbà họa sĩ độc thân tuổi tứ tuần” rồi “Viên thượng úy cảnh sát”, tới “Cặp vợ chồng Nhân Chứng Giê-hô-va”, qua những là “chàng nghệ sĩ guitar tài ba chửa gặp thời”, “cô gái làm nghề pha rượu cho một quán bar”, “cô du học sinh” (“đầu đen”, vẻ như con cháu Bà Trưng Bà Triệu Vua Hùng phe ta?), cuối chót là cả “Ngài chánh án sống trong căn hộ rộng và sang trọng”. Tất cả đồng thanh nhất trí “xù đểu” một món tiền sinh sống tối thiểu. Cả xã hội quay lưng phá hủy khế ước sống bình thường với một kẻ cô đơn và ấm ớ.

• Thêm một lần tít truyện được thăng hoa. Sau 2 chữ "cuộc đời" nhàm như... cuộc đời, là 2 chữ "bắt nạt" rất tầm phào, nhưng Cuộc đời bắt nạt thì thành văn rồi!

• Toàn truyện được chăm sóc tốt bởi phong vị hài hước, nên không thể dài như một truyện bình thường. Sở trường humor trong bất kỳ sáng tác nào cũng phảng phất nay được thỏa chí tang bồng. Cũng vậy với các thủ thuật phóng đại, thậm xưng. "Thảo nào George Bernard Shaw khẳng định chỉ có hai phần trăm loài người tư duy, ba phần trăm nghĩ rằng họ tư duy, và chín mươi lăm phần trăm thà chết còn hơn tư duy." Hóm đến thế là cùng!

• Lời thoại đan xen và thoại gián tiếp đều bất ngờ, linh hoạt. Còn có chỗ chưa kỹ về diễn ngôn, như đoạn cuối phần “Ngài chánh án” không khá hơn một góc báo bình thường là bao.

• Một tiểu cẩm nang náo hoạt về đời sống Canada! Trong bút lực điêu luyện, trường vốn về thông tin xã hội, kiến thức về nước sở tại của nhà văn được phất vun vút. Mỗi ý nghĩ, chi tiết, câu nói tung ra như những lưỡi dao bọc đường. Độc giả nào ở các xứ khác đang chờ di dân sẽ nắm bắt nhanh và chuẩn về hồn vía cuộc sống các xứ Canada, Hoa Kỳ được hài hước hóa chỉ trong truyện-ngắn-bàn-tay. Riêng với Người bình điểm, thú thiệt, cũng vơ thêm mớ ba mớ bảy cách ứng xử của dân chính hiệu Ca Na Điên, ít nhất trong vụ tiền nhà. Hi hi...

bt

Cần nói ngay, bt không viết hoa và không chữ in, khác cách trình bày cho 3 tên truyện “bình thường” ở trên. bt, “em” phải được hiện diện như nguyên bản của chị McA NTT, nhé? [].

Nhiều ý lời đáng kể đã được thưa từ các phần trên. Giờ minh họa tiếp:

• Giữa nền văn học Việt đương đại, đây là sáng tác có thể nói rất đặc biệt về đề tài - nội dung hậu chiến, xuất sắc về hình tượng nghệ thuật thể hiện, sang chấn về triết lý hiện sinh, và sáng chói về nhân văn - nhân tính. Một cây bút phải được/bị những gì để có thể “đẻ” nổi tác phẩm vẹn toàn đến vậy? Nếu “bị” thì đời ơi, sao nhẫn tâm hành hạ để chữ nghĩa phải thét lên đến thế? Giá như bt ra đời từ thời hậu Đổi mới, sẽ có cơ trở thành một “con dấu” của dòng văn chương hậu chiến tranh, nhánh “văn chương chấn thương". (Chứ thời Đổi mới 1986 - 1992 ắt hẳn không chịu loại truyện này đâu).

• Trên con đường văn học của tác giả hơn 30 năm qua, bt là thành tựu nhất về mọi mặt (nội dung, hình thức, thi pháp; và hơn cả là ý nghĩa “máu thịt” của nó). Chịu thai nghén 40 năm, thiên truyện ngắn vỏn vẹn 1415 từ mà ôm vẹn nỗi đau đớn của giống người, đại diện qua người phụ nữ Việt như một địa chỉ bị giằng xé bởi chiến tranh tương tàn Việt Nam giữa hai ý thức hệ chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới trong thế kỷ 20.

• Chúng tôi đọc đi đọc lại, kể như không gặp hạt sạn nào về kỹ xảo hành văn. Mỗi từ, câu, đoạn như dán như đóng vào trang viết. Tuyệt vời thay tên truyện: bt! Tưởng trong đại hải từ vựng Việt và nhân loại không còn lựa chọn nào khác. Hai con chữ bt vốn bình-thường, thế rồi trong ghép đôi bởi “bàn tay phù thủy” McA NTT, từ nay các “con” đã hóa nên một mà nhuốm trong máu thịt Mẹ loài người. Đã được sống như những thành phần của văn học.

• Hai bông hồng dành cho nghệ thuật tạo truyện:

a. Nữ nhà văn của bạn đã dùng tối đa và tài ba quan niệm "viết bằng cơ phận" của lý thuyết văn học nữ: Chủ đề “thấy tháng” và hệ quả nhi nhiên của nó đương nhiên được “thấy” vô cùng là thường xuyên trong văn chương. Nói thẳng tưng mà hồn nhiên như Thế Uyên: “Dĩ nhiên kinh nguyệt không còn là vấn đề kín của các cô các bà xì xào với nhau trong một góc phòng nữa, và trong văn chương nữ giới, kinh nguyệt xuất hiện một cách tự nhiên như trời xanh mây trắng.” (Tình dục và các nhà văn nữ di dân Việt Nam, Hợp Lưu số 81, 2005; Lê Thị Thấm Vân nhìn từ Thế Uyên, vanviet.info 8/7/2019). Nhưng vụ này thường chỉ làm chi tiết, mạnh chút nữa trở thành tình huống truyện. Ở bt nỗi đau ngàn đời đó không chỉ được nâng lên làm đề tài mà về thi pháp, nó trở thành hình tượng phúng dụ, thành tứ truyện, thành hệ thống nhân vật. Nhân vật “Tôi” là âm đạo, cũng từng có trong nhiều, rất nhiều tác phẩm "viết bằng thân thể", “viết về thân xác” theo nghĩa đen (phô diễn khoái lạc dục vọng) lẫn nghĩa bóng (dùng cơ quan sinh dục như đối tượng nghệ thuật). Với văn học Việt, ở hải ngoại 15-20 năm trước từng thành cao trào, còn ở trong nước hơn thập niên nay cũng là… chuyện nhỏ []. Nhưng nhập vai, theo nghĩa bóng, một cách đau đớn, uất hận mà tự nhiên nhi nhiên như bt chắc chỉ có bt? Với bt, khuynh hướng "viết bằng cơ phận"/bằng hệ sinh dục đang có thêm một mẫu mực dưới sự chỉ đạo đồng thời của 2 quan niệm kinh điển "viết bằng đầu” và “viết bằng trái tim”.

b. Đây vẫn là một tác phẩm văn chương bằng tiếng Việt hay và độc đáo, song sẽ chưa đẹp (tức là chưa hoàn hảo với cặp đôi nội dung tư tưởng - ý nghĩa nghệ thuật), nếu như tác giả để đôi ba câu chữ về địa danh, danh tính nhân vật, sự kiện, thời điểm mà qua đó “tiết lộ” hiện thực lịch sử (dù đã hư cấu hóa). Nó sẽ chưa hoàn hảo, hoặc là bởi tầm đón nhận của độc giả Việt vốn quen chính trị hóa, cụ thể hóa mọi vấn đề, chi tiết; hoặc tại vì các thực tế đời thường (tỷ như: thành phố Kimmonton đông lạnh 43 độ âm ngày 9/9/2018; Vốn người gốc Trung Hoa tướng Lucas ham đánh chiếm biển đảo; Bác sĩ tim mạch Trần Huấn Tú Chi hoa khôi Sài Thành, v.v… và v.v…) sẽ không ngang cơ về diễn ngôn nghệ thuật với thế giới ẩn dụ, phiếm chỉ của nhân vật “Tôi”. Càng nhiều yếu tố phiếm chỉ, bt sẽ càng được thăng hoa thành câu chuyện trần đời từ các chuyện của một cá nhân, của một đất nước, của một dân tộc, gọi chung là của một thời cuộc - nó, cái thời cuộc vốn là hậu quả tức tưởi từ cuộc chiến tranh dai dẳng và tàn khốc hàng đầu trong lịch sử nước Nam ta mà vấn đề người-Việt-hải-ngoại trong 44 năm qua vẫn đang là đứa con đầu lòng và khốn khổ khốn nạn nhất của Mẹ Việt Nam! Cũng vào một mùa Xuân, như khi những dòng chữ đây đang tìm đến nơi lòng bạn đọc...

Chúng ta thử lọc ra các đối tượng chính được mô tả (từ khóa), nhờ đó có thông tin về “thực tế” trong thiên truyện ảo dị pha hiện thực. Và nếu chỉ theo các chữ nghĩa độc lập sau đây, các bạn đọc khách quan sẽ không dễ đoán ra truyện xảy ra ở đâu (quốc gia, vùng miền) và sự kiện gì liên quan - tức là bt ẩn dụ tuyệt đối về không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật. Theo thứ tự từ đầu đến cuối truyện: “mảnh kính vỡ”,hạt Mân Côi”, “trường dòng”, “nàng”, "bác sĩ", “thẩm phán”, “giọt máu”, “mười ba tuổi”, “bốn mươi năm”, “kinh nguyệt”, “đại học”, "kẻ ngoại lai, “dân nhập cư”, “vùng miền xa lạ", "nhóm sinh viên cùng lãnh thổ”, "đi đạo", "cave", “cha cố”, "gái vùng tạm chiếm", "lính ngoại bang”, "lãnh đạo nhóm", "ký túc xá", "phòng y tế", "vệ binh", "dây thừng trâu"; “mẹ”, “ba”, "tay sai"; "bọn ngoại xâm”, “chiếc kẹp mỏ vịt”, “bếp mai-xo” “sổ khám bệnh”, “tiếng khóc”, “ly hôn”, “kẻ ngoại nhóm”; cuối cùng và quan trọng là“tấm gương”.

Tính nhân văn cao cả (có phần nhẫn nhịn) nơi người phụ nữ Việt đã khiến nữ tác giả kìm bút nén nỗi đau thân thể của cá nhân (nhân vật “Tôi” “Nàng”) chìm trong bất hạnh chính trị của dân tộc. Công lao đó là nhờ toàn bộ 1415 con chữ được bảo bọc bằng ẩn dụ cực kỳ tế vi mà không kém phần dữ dằn. Nữ tính, nghệ thuật và nhân văn. Yếu tính nhân văn có thể thấy ở toàn truyện. Rõ nhất, nhân văn (mà không nhân nhượng) ở đoạn kết với 2 câu: “Nàng cứ kể với tôi về những giấc mơ có lại tấm gương lành lặn.”, “Nàng vẫn ngày ngày ra sức chứng minh mình với họ, những con người luôn xem nàng là kẻ ngoại nhóm.” Nhưng - chữ Nhưng làm nên tất cả - thứ tự đảo lại: Câu đầu vừa trích dẫn mới là câu kết của toàn truyện. Dạ vâng, cuối cùng thì người nữ, sau nửa thế kỷ đớn đau và oan uất vẫn không thể quên phận “kẻ ngoại nhóm”. Tất nhiên! Nhưng nhớ không để oán hận mà để thủ thỉ cùng “em bé” của mình hướng tới một tương lai tốt lành cho cả hai, dù biết là không thể nào hết còn bị đau nỗi-đau-hàng-tháng.

bt là một thiên truyện rất khác thường về thẩm mỹ văn chương, có phần dị thường về nghệ thuật dựng truyện, và phải nói là “phi thường” về nỗi đau thời cuộc - chính trị. Nếu chỉ có thế, nó sẽ thuộc loại được nâng cấp của văn chương chống chiến tranh, văn chương phản kháng các xung đột hệ tư tưởng. Không, với đức độ nhân bản của mình, bt đã là một văn phẩm hay một cách đau thương và đẹp một cách bình thản. Tự nhiên nhi nhiên như nỗi đau khi dai dẳng lúc xé toang mà Tạo hóa dành Người nữ - nguồn sinh nhân loại.

Nàng nằm tênh hênh. [...] Mẹ ơi… Ba ơi… Nàng gào lên, đôi chân trơ trụi cố giãy giụa trong vô vọng. Hình ảnh ba nàng trước lúc bị xử bắn giữa một sân trường tiểu học. [...] Hai tay bị trói quặt vào cái cọc đằng sau. Cũng dây thừng trâu. Mẹ nàng ngã quỵ xuống cạnh chân nàng… [...] Hai đùi nàng bất ngờ bị giạng toác ra. [...] Lần đầu tiên trong đời, tôi bị phơi bày lộ liễu. [...] Nàng rú lên như con lợn bị thọc tiết. Chiếc mỏ vịt thô bạo và các thứ kìm kéo hành hung tôi. [...] Tôi không còn nghe tiếng kêu la của nàng. Nàng hình như đã chết.” []

TẠM KẾT

1.

Chúng ta đã đi một vòng trên mặt-phẳng-văn-chương McAmmond Nguyen Thi Tu trong hơn thập niên qua, mà độ sung mãn vào các năm 2006 - 2010 ở phong cách trần thuật truyền thống, để rồi mới hơn một năm nay 2018 - 2019 khi chuyển hẳn sang lối viết phúng dụ ảo dị. Cả 2 lối viết đều có thể xem như 2 diễn ngôn khác nhau của hình thức ngụ ngôn - ngụ ngôn gián tiếp từ chuyện cuộc đời, mưu sinhngụ ngôn trực tiếp qua bản thể, nhân sinh.

Còn một số chủ đề cần thiết và thú vị qua chúng sẽ có thể nói thêm nhiều về đặc trưng nghệ thuật văn xuôi của nhà viết truyện mà chúng tôi chưa đủ thời gian và tư liệu. Đó là: Dụng công cho mở đầu và kết thúc truyện; Quan hệ về điểm nhìn giữa nhân vật Tôi với các nhân vật khác; Sự kết hợp giữa chất ảo dị với hình thức phúng dụ cổ điển; Súc vật, thú (chó, mèo, sói) trong tư cách nhân vật văn học và ý nghĩa nhân sinh; Một vài yếu tố tiểu thuyết (giọng điệu, tình tiết, không-thời gian) trong truyện ngắn; Và, quan trọng, về các sáng tác ở giai đoạn đầu, tại Việt Nam (1985 - 1991) cho đến khi trở thành nhà văn di dân.

2.

Ngay từ đầu thế kỷ 19, thiên tài J.W. Goethe từng nhận ra manh nha của hiện thực trong 2 thế kỷ kế tiếp: “Ngày nay văn chương quốc gia không còn có thể nói lên điều gì quan trọng nữa, thời đại của văn chương thế giới đã đến, và mỗi người bây giờ phải hành động để đạt tới tiến trình ấy” [].

Các trào lưu di dân đã góp phần lớn cho sự hình thành, thúc đẩy một nền văn-chương-thế-giới. Nhưng văn-chương-di-dân chưa thể thành văn-chương-thế-giới khi mà nó thường chỉ thành công ở 2 yếu tố quan trọng nhưng khá dễ dàng, đó là ý nghĩa đề tài và nội dung tư tưởng. Cần có thêm hình thức sáng tạo và thẩm mỹ văn học tương xứng - tức là hội đủ 4 tiêu chí của sáng tạo nghệ thuật thông thường. Nếu như ở cả 4 tiêu chí vẫn chưa hiện diện không-gian-nghệ-thuật của toàn cầu thì nó, cái văn chương di dân ấy bước đầu chỉ là văn-chương-quốc-gia nối dài; tất nhiên về mặt này điểm kia đã được tăng trưởng cả về phẩm lẫn chất (đáng kể là với những dòng văn học đến từ các quốc gia đang phát triển).

Để kết thúc, hãy trở lại tiêu điểm của khảo luận. Truyện ngắn McAmmond Nguyen Thi Tu, cũng như đa số các sáng tác tương tự của văn học Việt hải ngoại mang nội dung cuộc sống di dân, trên căn bản là văn-chương-di-dân mà yếu tố quốc gia xuất xứ là Việt Nam và tinh thần dân tộc Việt còn bị nhiều ràng buộc từ duyên đến nợ, từ nghiệp đến phận. Nói chung, các liên đới về tinh thần và địa lý, chính trị và văn hóa, trách nhiệm con dân Việt và ý thức công dân bản địa... đã ảnh hưởng “âm” đến tài năng tự thân nơi mỗi tác giả [].

Đến đây có thể kết luận: Sau một thời gian dài tuân thủ thành công thi pháp trần thuật chuẩn mực, truyện ngắn McAmmond Nguyen Thi Tu đang đạt đến độ kết tụ về thể thức ngụ ngôn và thăng hoa về hiện thực đời thường trong 3 đề tài lưu xứ, bản ngã và giới tính, được thể hiện qua người Việt di cư tại Canada. Đó là nhờ sự độc đáo ở phong cách phúng dụ và ảo dị trong một vài sáng tác xuất sắc như bt, Cái vú thừa, Lời nguyện nửa khuya…

Hướng tới đích lý tưởng văn-chương-thế-giới, từ đấy, nữ văn sĩ sẽ có cơ hội tạo ra không-gian-văn-chương của riêng mình made by McAmmond Nguyen Thi Tu. Quý lắm!


Vancouver, xuân 2018 - 2019 (hoàn thành 1/4/2019 - tu chỉnh 20/9/2019)

Đỗ Quyên



TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Rushdie, Salman; “Ảnh hưởng, Nguyễn Quốc Trụ chuyển ngữ, trangngaunhien.wordpress.com 5/3/2019.

2. Đỗ Quyên; Văn học Việt ở ngoài nước trong các năm 2005-2010”, vanchuongviet.org 5/7/2010.

3. Khánh Phương; “Văn chương Việt hết năm 2010, một thập kỷ vẫn... “chờ” thành tựu”, chungta.com 15/2/2011.

4. Thành Nam; “Hòa hợp dân tộc và sự phát triển văn học”, nhandan.com.vn 29/6/2016.

5. Lê Tú Anh; “Con người dấn thân trong văn xuôi đề tài tha hương đầu thế kỉ XXI”, vannghequandoi.com.vn 10/8/2019.

6. Lê Tú Anh; “Con thuyền của Nam Lê giữa hai bờ dân tộc và nhân loại”, vannghequandoi.com.vn 31/1/2019.

7. Quan niệm về truyện ngắn của các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, thcsvanlang.pgdviettri.edu.vn 8/11/2013.

8. Bùi Việt Thắng; “Tin vào truyện ngắn”, vanhien.vn 14/2/2019.

9. ”Phê bình Văn học nữ quyền”, tiasang.com.vn 5/3/2009.

10. Nguyễn Đăng Điệp; “Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại”, phebinhvanhoc.com.vn 20/4/2013.

11. Liễu Trương; “Viết với thân xác như Túy Hồng”, lieutruongvietvadoc.wordpress.com 31/5/2017.

12. Hà Văn Lưỡng; “Điểm nhìn và giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn của Haruki Murakami - từ góc nhìn tự sự học”, tapchisonghuong.com.vn 22/5/2015.

13. Đỗ Quyên; “Rất nhiều điều về Tiểu-thuyết-Đặng-Thân”, vanhoanghean.com.vn 12/1/2012.

14. Rusakova, O.F.; “Các lý thuyết diễn ngôn hiện đại: Kinh nghiệm phân loại” - 2006, Lã Nguyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga, khoavanhue.husc.edu.vn - 2017.

15. Huỳnh Trọng Khang; “Thân phận người ly hương trong tác phẩm của những nhà văn châu Á”, nld.com.vn 15/6/2019.

16. Trần Hữu Thục; “Đi tìm vài góc khuất trong văn chương Trần Thị NgH”, damau.org 19/7/2019.


CHÚ THÍCH