Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC SÁCH: GIẢI MÃ BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA NÕ NƯỜNG

PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử.
Chủ nhật ngày 21 tháng 10 năm 2018 4:46 PM






của tác giả: Dương Đình Minh Sơn
Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội 2017.
Tôi biết anh Dương Đình Minh Sơn là một nhạc sĩ, một nhà dân tộc học và trên hết nhà nghiên cứu văn hóa cổ truyền đặc sắc qua một số công trình xuất bản của anh. Nhưng cái cuốn hút tôi chính là công trình Giải mã biểu tượng văn hóa Nỏ Nường. Sau khi lướt qua một vài nhận thức ban đầu về văn hóa công trình đi sâu giải mã các các vật
linh Nỏ Nường với 30 đề mục, giải mã nền văn hóa sông Hồng còn bảo lưu trên Thần Đồng Việt Nam với một số biểu tượng đặc sắc, kèm đó là việc khảo cứu khác trong phụ lục và gần 160 hình minh họa cho các biểu tượng chủ đạo.
Cái mới, cái độc đáo và làm nên công trình của nhà trình của nhà văn hóa dân tôc cổ truyền Dương Đình Minh Sơn chính là việc anh phát hiện ra cái gọi là văn hóa Nỏ Nường, để khái quát tất cả những hiện vật biểu tượng được thờ cúng ở chốn linh thiêng, như nghi lễ múa Mo: cầm dùi “phộc” vào mo nang ở các làng quê. Từ đó, khẳng định văn hóa Nỏ Nường như là điểm khởi nguồn, cốt cách, bản sắc của nền khởi nguồn, cốt cách, bản sắc của nền văn hoá tư tưởng truyền thống dân tộc.
Đọc sách của anh, tôi như bị cuốn hút vào mê cung của tín ngưỡng văn hóa Nỏ Nường khi mờ, khi tỏ, khi linh thiêng, khi trần tục, thiên biến vạn hóa, được biện minh bằng văn hóa tâm linh truyền thống, thậm chí
minh bằng văn hóa tâm linh truyền thống, thậm chí bằng các hằng số toán học chẵn - lẻ, bằng thuyết Kinh dịch nguyên thủy…và cuối cùng tôi nghiệm ra một điều thú vị là, mọi sự giải mã ở đây đều qui về CON NGƯỜI và vì CON NGƯỜI. Ấy là đọc và hiểu một phần ý tưởng tạo nên công trình Giải mã biểu tượng văn hóa Nỏ Nường của Anh.
Anh quan niệm CON NGƯỜI là chủ thể sáng tạo ra nền văn hóa của dân tộc gồm hai khối lượng: vật chất và tinh thần . Vậy CON NGƯỜI là đối tượng, tiêu chí để nhận thức về văn hóa tư tưởng ấy. Nhưng muốn nhận thức về CON NGƯỜI phải cần đi vào 4 yếu tố: Một là cơ thể con người, hai là hình dáng của 2 linh vật nỏ nường, ba là hoạt động của hai linh vật ấy, bốn là nguyên khí của linh vật nỏ nường. Ở đây, trong tổng hòa các yếu tố, thì nỏ nường vẫn là trung tâm của nhận thức về con người.
Từ đó mới cho phép chúng ta khái quát được cội nguồn của những cội nguồn, đầu mối của những đầu mối, tạo ra các hình thái hoạt động của xã hội. Mà hạt nhân là nguyên khí của Nỏ Nường: Âm Dương.
Vậy,Nỏ nường xuất hiện từ bao giờ ? Sự xuất hiện của nó có gắn liền với nền văn hóa dân tộc không? Trong diễn trình lịch sử văn hóa, Nỏ Nường có vị trí như thế nào trong văn hóa Việt Nam? Được tác giả trả lời bốn điểm tổng quát sau đây:
Một. Hiện vật biểu tượng Nỏ Nường xuất hiện từ cuối thời kỳ đồ đá cũ. Như đôi thỏi đá ở Hang Ky, huyện Võ Nhai, thuộc văn hóa Bắc Sơn, có niên đại khoảng 7 ngàn năm T.C.N. Hai . Nhiều đồ dùng vật dụng hằng ngày thời tiền – sơ sử được làm theo mẫu hình Nỏ Nường như: âu, độc, bồ, bịch, cuốc chim, lưỡi cày bướm v.v. Cho nên, mới gọi là mẹ “Âu” Cơ, hoặc cô kia là “bồ” của ông này, cái này là “chim”, cái kia là “bướm”…. Ba. Tục của người Việt chỉ dùng một tên là “Cò”, “Him”. Đứa bé sinh ra, con trai gọi là Cò, con gái gọi là Hĩm. Cha mẹ của chúng cũng gọi theo tên con là: Anh chị Cò, hoặc anh chị Hĩm, cụ già 80 mà có đứa chắt trai thì gọi là cụ Chắt Cò. Còn tên húy chính chỉ dùng khi già chết và ghi vào Gia phả tộc họ. Bốn. Để xây dựng nền văn hóa tư tưởng của dân tộc, người Việt lấy nguyên khí Nỏ Nường làm điểm xuất phát, biểu tượng bằng quả trứng người mẹ. Quả trứng thụ tinh có hai đường máu. Hai đường máu ấy phát triển tạo ra các hình thái biểu tượng văn hóa tư tưởng từ khởi nguyên của dân tộc. Đội ngũ sáng tạo nền văn hóa biểu tượng ấy có thể là những pháp sư, phù thủy, chiêm tinh, phong thủy, thuộc tầng lớp “ma thuật”. Khi sáng tạo ra khối lượng các hiện vật biểu tượng ấy, họ dùng thần chú “hô thần nhập tượng” làm cho các hiện vật biểu tượng trở thành vật hèm linh thiêng huyền bí, mà vật hèm đỉnh cao nhất là Thần Đồng Ngọc Lũ biểu đạt về khởi nguyên vòng đời của con người từ Qủa trứng với chu kỳ Kinh nguyệt 28 ngày : núm tròn là quả trứng 14 tia quay ra và 14 tia quay vào là (28)... Tuy nhiên, hiện vật biểu tượng văn hóa tư tưởng của các vùng còn nhiều, chúng ta tiếp tục đợi chờ các công trình mới của nhà văn hóa Dương Đình Minh Sơn.
Nhân đây, tôi muốn cung cấp cho anh và bạn đọc thêm một tư liệu về di vật nỏ nường. Năm 1972, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật di chỉ gò Mả Đống, xã Đường Lâm, Ba Vì, Hà Nội và phát hiện ở đây một số di vật bằng đất nung mang biểu tượng cặp đôi Nỏ Nường, nam và nữ. Mả Đống là di tích Tiền Đông Sơn, có niên đại C14 là 4.145 năm ± 60 năm cách ngày nay và là địa điểm tìm thấy Nỏ Nường bằng đất nung cổ nhất hiện nay ở Việt Nam. Lâu nay, các nhà khảo cổ học đều xem đây là biểu tượng phồn thực của cư dân nông nghiệp. Hãy thử đặt Nỏ Nường gò Mả Đống trong hệ thống Nỏ Nường Việt Nam với các loại chất liệu khác nhau, ở các thời điểm khác nhau, liệu chúng ta có thể nhận thức được diễn trình lịch sử tư tưởng, văn hóa và các hình thái hoạt động của xã hội của con người Việt Nam trong quá khứ như tác giả đã khái quát: Qua Nỏ Nường nhận thức về con người Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, con người là sản phẩm cao nhất của tự nhiên. Văn hóa là sản phẩm đặc sắc nhất do con người tạo ra. Sản phẩm ấy suy cho cùng là nhằm thỏa mãn cuộc sống và sự phát triển của chính bản thân con người. Các biểu tượng văn hóa được con người tạo ra và lưu lại đến ngày nay cho thế hệ chúng ta chiêm ngưỡng, giải mã là sự kết tinh những giá trị di sản văn hóa. Một khi dân tộc lựa chọn những giá trị đó và đưa vào vận hành trên cả hai trục: không gian (bình tuyến) và thời gian (truyền thống) nhằm thỏa mãn nhu cầu sống và phát triển của dân tộc mình, thì cả hai trục: truyền thống và bình tuyến ấy đã dệt nên bức tranh bản sắc của văn hóa.
Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa các khuynh hướng cơ bản trong sáng tạo văn hóa của một dân tộc, có liên hệ thường xuyên giữa cái riêng với cái chung, giữa quá khứ với hiện tại. Và trong diễn trình lịch sử, bản sắc văn hóa không đứng yên, mà hội nhập thêm những yếu tố mới, dần dần củng cố và trở thành truyền thống. Bản sắc văn hóa chính là tính đặc thù dân tộc của văn hóa, được thể hiện, được lưu giữ trong văn hóa và định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc. Do vậy, di sản văn hóa và bản sắc văn hóa là rất gần nhau. Cho nên khi nói bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, cũng có nghĩa là bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà văn hóa Dương Đình Minh Sơn có lý khi xem bản sắc văn hóa là thẻ căn cước của dân tộc trong sân chơi hội nhập quốc tế.
Giải mã biểu tượng văn hóa Nỏ Nường, tác giả xuất phát trừ con người, bắt đầu từ việc lấy hai đường máu ở quả trứng của người mẹ khi thụ tinh làm điểm xuất phát. Hai đường máu ấy được xây dựng thành các hình thái hoa văn chữ “S” (âm dương), dây cuộn thừng (Tơ hồng) - trên hoa văn đồ gốm, hoa văn đồ đồng Việt Nam. Chẳng hạn, hình ảnh Đôi rắn quấn nhau nuốt voi trên cán dao găm Đông Sơn, được tác giả xem đôi rắn quấn nhau ở đây là hàm nghĩa của dây tơ hồng xoắn xuýt nhau, biểu tượng của đôi vợ chồng đồng tâm hợp lực, thuận hòa sẽ làm nên mọi việc, kể cả tát cạn cả bể Đông, huống hồ nuốt một con voi.
Trong khảo cổ học có rất nhiều biểu tượng hoa văn trang trí trên đồ gốm, trên đồ đồng. Tiếp cận chúng, các nhà khảo cổ thường đặt tên khi liên tưởng đến các đồ vật quan sát được vào thời điểm đó. Chẳng hạn hoa văn chữ S đứng, chữ S nằm, chữ S móc nhau; văn hình sóng nước, hoa văn hình khuông nhạc, hoa văn hình vòng tròn chấm giữa, văn vòng tròn tiếp tuyến, văn hình bu gà, hoa văn in hình mép miệng sò, hoa văn trổ ống giạ… Không chỉ đặt tên, mà việc giải mã các hoa văn này thường mang tính ước đoán, liên hệ với cái gì đó đã tồn tại xung quanh mà ta tiếp cận được hôm nay, còn việc liên tưởng các biểu tượng này đến một tư tưởng của cộng đồng người sáng tạo chúng hoặc mã hóa sang một hiện vật khác trong đời sống của xã hội, thì chưa có ai đề xuất. Nhà văn hóa Dương Đình Minh Sơn đã giải mã một số biểu tượng văn hóa thông qua các cổ vật khảo cổ cụ thể, như khuyên tai, hình tròn bốn mấu, các loại vật dụng như âu độc, bát đũa, nồi niêu … nà theo tác giả, thứ nào cũng đều phân làm hai mầu đen - trắng. Tác giả cho đó là quan niệm về cặp lưỡng hợp âm - dương. Hoặc nữa, biểu tượng hoa văn hình tròn có chấm ở giữa phổ biến trên đồ đồng Đông Sơn, được xem đó là cái chấm (trắng) nằm ở đầu lòng đỏ quả trứng gà dân gian gọi là “con ngươi” (mắt) của quả trứng- tức là quả trứng của người mẹ. Mà nguồn gốc của hoa văn chữ S (âm dương) dây cuộn thừng (Tơ hồng) là từ hai đường máu của quả trứng của người mẹ khi thụ tinh mà thành. Điều bất ngờ về cách lý giải hiện tượng con người sinh ra từ quả trứng bằng một hệ thống các hoa văn có từ đồ gốm, đến đồ đồng rồi hoa văn thổ cẩm người Thái, đã được tác giả cấu trúc lại để minh chứng cho luận điểm của mình, mà đỉnh cao là hoa văn Thần Đồng Ngọc Lũ. Đây là điểm độc đáo, rất đáng quan tâm.
Cũng nói thêm rằng, các cổ vật hay các loại hình motip hoa văn đồ gốm, đồ đồng mà các nhà khảo cổ khai quật được có niên đại khác nhau, ở các địa bàn khác nhau, có mối quan hệ bình tuyến hay truyền thống nhất định, do vậy việc lý giải các biểu tượng hoa văn này cần được đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể, chắc chắn công trình sẽ có giá trị về học thuật cao hơn.
Lâu nay, các nhà nghiên cứu xem trống đồng là một nhạc khí, đi sâu phân chia thành các loại hình khác nhau dựa vào các tiêu chí khác nhau như hình dáng, hoa văn, kích thước,… song chưa có công trình nào phân chia trống đồng theo các tiêu chí thang âm của bộ gõ hoặc chỉ ra mối quan hệ giữa các thang âm và thành phần hợp kim của từng loại trống. Để chứng minh nó là loại nhạc khí.
Trong công trình của mình nhạc sĩ Dương Đình Minh Sơn không thừa nhận trống đồng Việt Nam là một nhạc khí, mà đó là một vật thiêng, Biểu chương vương quyền, Ấn tín và báu vật truyền ngôi của thời đại Hùng Vương, mà anh gọi là Thần Đồng. Thật ra, trống đồng hay Thần đồng cổ có nhiều loại, được làm từ các lò đúc đồng khác nhau, niên đại khác nhau và có chủ nhân tộc người khác nhau. Chúng lại được lưu thông trên “thị trường” sôi động trong thời đại kim khí, do vậy để xác định chức năng Thần hay hay khí cụ, xác định niên đại cổ hay tân, của người Việt hay tộc người khác còn tiếp tục bàn thảo nhiều hơn nữa trong tương lai. Trong lúc chờ đợi các kết luận của các nhà nghiên cứu, chúng ta nên ghi nhớ một ý kiến thật độc đáo của tác giả Dương Đình Minh Sơn về phả hệ Thần đồng Việt Nam là bắt nguồn từ Thần đồng ngọc Lũ.
Tôi không nghĩ các đề mục trong cuốn sách Giải mã biểu tượng văn hóa Nỏ Nường của Dương Đình Minh Sơn là một bản liệt kê các biểu tượng và sự giải mã chúng một cách rời rạc, mà ở đây chúng được trình bày có hệ thốngvề con người và vì con người từ thuở “hồng hoang”, lúc chế tạo ra công cụ đầu tiên, mà anh gọi là thỏi đá “trí khôn” xuất hiện, cho đến chày đá xát bàn nghiền là nhận thức về “cặp”, rồi “nhận thức” về sức mạnh gắn kết của vợ chồng và hợp lực, đoàn kết của cộng đồng được biểu tượng bằng Đôi rắn quấn nhau nuốt voi ở thời đại đồng thau, và cuối cùng là giải mã hoa văn Thần Đồng Ngọc Lũ - bản Sử thi biểu đạt về vòng đời của con người. Không chỉ cổ vật khảo cổ, tác giả còn đi sâu vào một số hiện tượng văn hóa cổ truyền, mà tưởng chừng ai cũng biết, ai cũng được lý giải đầy đủ. Chỉ qua tập sách này, tôi và chúng ta mới có được lời giải đáp hoặc hiểu biết khác lạ, có thể chấp nhận được về những ông Đùng, bà Đà, những hòn Trống Mái, những ông Mốc, bà Banh và cả những dây tơ hồng, đôi đũa bông trên bát cơm cúng người quá cố.
Có thể nói, công trình Giải mã biểu tượng văn hóa Nỏ Nường của nhà văn hóa Dương Đình Minh Sơn đã xem xét một cách cụ thể, đa chiều đến nhiều khía cạnh khác nhau của văn hóa dân tộc. Trong lĩnh vực khảo cổ học còn vô vàn các di vật, các motif hoa văn mà chúng ta chưa đọc được ý nghĩa biểu tượng thật của chúng. Đây là những thông điệp sống mà tổ tiên muốn gửi lại cho thế hệ chúng ta. Do vậy, công trình của nhà văn hóa Dương Đình Minh Sơn thật có ý nghĩa đối với chúng ta. Và chúng ta hy vọng nhiều cổ vật tiếp tục được anh giải mã, cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quí giá về các nền văn minh đã tắt.
Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2017.PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử
Nghiên cứu viên cao cấp Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam