Lần về Thanh mới đây, ghé ông giáo Lê Xuân Kỳ ở thị trấn Thọ Xuân. Thày Kỳ nguyên là Phó chủ tịch huyện Thọ Xuân phụ trách văn xã. Trước đó thày dạy học. Phùng Gia Lộc là một trong những đông đúc các học trò của thày. Nghỉ hưu, thày đi làm báo. Từng hơn mười năm là phóng viên Báo Người Cao tuổi. Thày đi nhiều, viết cũng lắm. Cuốn phóng sự Mực đen phấn trắng của thày bắt mắt người đọc cũng được hoàn thành ngay trong thời gian làm báo. Quá bát tuần, thày về trí sĩ ở quê nhà. Nhưng thành viên Hội sử học Thanh Hóa Lê Xuân Kỳ là người luôn chăm chút sử làng cùng sử nước. Mấy cuốn biên khảo của thày về sử huyện sử tỉnh đọc khá thú vị.
Nhà giáo, nhà quản lý kiêm nhà báo Lê Xuân Kỳ thân gần, liên tài với học trò Phùng Gia Lộc như một sự tất yếu, tự nhiên. Chính thày Kỳ, đầu năm 1987 khi đương là Phó chủ tịch huyện đã dẫn tôi đi gặp anh Phùng Gia Lộc tại một địa điểm bí mật ở Thọ Xuân…
Nhoáng cái đã 30 năm Cái đêm hôm ấy đêm gì… Cuộc ngồi chúng tôi cứ dài mãi ra về những việc gần, chuyện xa. Rồi thày Kỳ lục trong cái cặp cũ mèm. Một bức thư đánh máy.
“Hà Nội ngày 8-9-1992
Chị Hoa quý mến
Nhận thư chị gửi từ tháng 7 nhưng vì bận bịu nhiều thứ nên nay mới viết thư cho chị được. Mong chị thông cảm.
Và cũng mong chị hiểu rằng dù ít viết thư vào Thanh tình cảm của gia đình tôi cũng như các bạn bè khác của anh Lộc luôn chân thành. Tôi mong muốn chị và các cháu dần ổn định đời sống vượt qua được nỗi buồn mất mát. Nhất là chị càng cần phải vững vàng cố trụ cho vững, chăm lo các cháu lớn khôn nên người. Tiếc rằng điều kiện cách trở, chúng tôi chả thể ở gần để đỡ đần chị và các cháu phần nào. Tuy vậy một khi gia đình có khó khăn gì mong chị báo tin cho chúng tôi. Một mình gia đình tôi có thể chưa đủ nhưng nhiều bạn bè khác nữa chắc chắn có thể đỡ đần giúp chị và các cháu vượt qua khó khăn. Và như lần váo thăm trước, tôi có nói nay xin nhắc lại chúng tôi nhất định không để các cháu phải nhịn đói. Nếu khi nào xảy ra chuyện trong nhà hết gạo chị lập tức báo ngay cho tôi biết. Tôi sẽ có mặt ngay lập tức để giải quyết. Đó là lời nói chân thành.
Tôi mong rằng chị viết thư thường xuyên cho chúng tôi và qua những lá thư ấy chị cho biết cụ thể về đời sống của chị và các cháu cho biết cả cách lo toan thu xếp kinh tế cụ thể tình hình làm ăn thế nào. Có nhận ruộng không chăn nuôi ra sao? v v… Và việc học hành của các cháu. Nhất thiết chị phải lo cho các cháu được đi học và học hành tới nơi tới chốn. Đó là gia tài lớn nhất mà chị cần mang lại cho các cháu. Đó cũng là điều anh Lộc mong muốn.
Còn về gia đình tôi mọi việc vẫn được bình thường. Các cháu chăm học và ngoan. Đời sống thì cũng lo làm một số việc. Nhưng dù sao cũng đỡ khó khăn hơn của chị.
Chị Hoa quý mến.
Tôi biết rằng trên vai chị giờ này là một cái gánh quá nặng nề. Mong chị có đủ sức để gánh vác. Hương hồn anh Lộc chắc chắn sẽ trợ giúp chị. Và luôn có rất nhiều người tốt, nhiều bạn bè tốt bên cạnh chị.
Chị cho tôi gửi lời thăm các anh ở xã huyện. Anh Kỳ anh San và các anh khác.
Chúc chị và các cháu khỏe mạnh. May mắn.
Thân tình.
Bế Kiến Quốc”
Như một cuốn phim quay chậm. Như hiển hiện trước mắt những xen những cảnh của một thời gian khó. Và cả thương mến. Phùng Gia Lộc đương đêm nhỏ thó lập cập quăng mình lên chuyến tàu chậm dừng ở ga Bỉm Sơn. Phùng không dám lên ga chính Thanh Hóa. Thu lu trong xó tối góc toa. Không có điện. Càng hay. Đỡ đi những ánh nhìn tọc mạch, soi mói. Biết đâu lại chả thoáng nhỡn lực của một chỉ điểm. À cái thằng Phùng Gia Lộc đang trốn khỏi xứ Thanh kia kìa… Cái chết của người anh ruột chưa lâu từng ám ảnh Phùng lắm lắm.
Tàu rập rình dần rời mảnh đất xứ Thanh khi đó đói cơm một nhưng khát dân chủ mười. Có hẹn trước, Lộc tìm đến nhà Bế Kiến Quốc-Đỗ Bạch Mai. Nhưng chỉ ít ngày sau, vợ chồng Mai, Quốc thấy không ổn. Đã đành chật chội. Thêm một miệng ăn vào cái thời khốn khó ấy là một vấn đề. Nhưng sự khó không phải chuyện ấy. Vấn đề là Phùng có phải cái kim đâu để dễ giấu? Bàn đi tính lại, Tổng biên tập Nguyên Ngọc thống nhất với phương án để Phùng ở ngay 17 Trần Quốc Toản. Đỗ Bạch Mai phụ với Quốc lo việc cơm nước, sinh hoạt cho Phùng. Trong cái rét cắt da đêm cuối đông Hà thành, trên cái bàn làm việc chút nữa giành làm nơi ngủ, Phùng phủ phục khó nhọc nhả những con chữ cuối trong một bài bút ký. Cũng chưa biết đặt cái tên gì. Anh Nguyên Ngọc, rồi vợ chồng Mai, Quốc dặn cứ viết được gì thì viết. Về những ngày đã qua ở quê nhà xứ Thanh. Sáng sau, Phùng hăm hở đưa cho Bế Kiến Quốc tập mỏng bản thảo.
Chưa có tên? Phải chưa biết đặt là chi? Quốc lặng lẽ kéo những hơi dài gần hết nửa điếu thuốc, giọng rầu rĩ.
Chao ôi. Nửa đêm nửa hôm thu sản. Có câu gì nhỉ? Nửa đêm thuế thúc trống dồn… Bài anh viết không có tiếng trống nhưng có âm thanh gào thét của bọn cường hào chức dịch mới. Hay thế này? Phải là tôi thì bài ký này có tên Cái đêm hôm ấy đêm gì…
Phùng Gia Lộc mặt võ vàng phút chốc sáng rỡ, vồ lấy hai tay Bế Kiến Quốc mà lắc!
Ngay trưa đó, Phùng cũng để bàn tay mình lọt thỏm trong lòng tay tin cậy của Tổng Biên tập sau khi ông lướt nhanh bản thảo bài ký.
Và bài bút ký có cái tên Cái đêm hôm ấy đêm gì trên số Tết Báo Văn nghệ ra ngày 23 tháng Giêng năm 1988 (gộp số 3,4,5) đã ra đời như vậy đấy!
Tôi nhớ mình trước đó đã được anh Bế Kiến Quốc dẫn cho gặp lại Phùng Gia Lộc sau quả bom Cái đêm… bùng phát trên Văn nghệ.
Phùng Gia Lộc và Bế Kiến Quốc đầu năm 1988!
Nơi tá túc của Phùng ở 17 Trần Quốc Toản đã không còn là bí mật nữa. Cũng có có thể vì tờ báo thời điểm đó quá nổi tiếng nhiều bạn đọc tới hỏi han, thăm viếng. Họ dễ dàng phát hiện ra Phùng. Cánh viết lách đã rỉ tai nhau tác giả Cái đêm hôm ấy… đương ở ngay Báo Văn chứ có phải trong Thanh đâu?
Thế là Phùng lộ diện.
Mà không chỉ sau thời điểm Cái đêm… Một số nhà văn do quen biết tin cẩn, Bế Kiến Quốc đã cho họ được gặp Phùng. Tiếp theo là các cuộc gặp gỡ thăm thú do bạn bè cũ hoặc mới tổ chức. Và nữa, chắc có sự ưu ái giúp đỡ của Tổng Biên tập báo Văn nghệ kiêm Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khi đó, cùng nhiều người khác nữa, Phùng Gia Lộc được gửi đi Trại sáng tác Đại Lải.
… Trong cái cặp cũ mèm của thày Lê Xuân Kỳ còn 2 lá thư nữa đã ngả màu vàng xuộm. Thoáng qua biết ngay tuồng chữ từng quen của Phùng Gia Lộc. Thư gửi cùng cho một người tên là Hoàng Hùng.
Hoàng Hùng? Thấy tôi băn khoăn, thày Kỳ cười: Thì cái ông vẫn viết chung với tớ mấy cuốn sách sử đấy…
Rồi thày thực hiện một động thái là bấm máy gọi cho ai đó… Lát sau thày quay lại khoảng độ hai tiếng nữa Hoàng Hùng tới.
…
“Hoàng Hùng ơi
Viết thư cho Hùng vào lúc mình vừa đi xem vở kịch Hoàng hậu Ba Tư ở Nhà Hát lớn Thành Phố về. Xem không mất tiền anh em lo mà. Ngoài này vào mùa rét nhưng mình cảm thấy được sống giữa vòng tay nóng ấm tình đời. Không nói những bè bạn thân quen từ trước, ngay những người xa lạ mình được tiếp xúc. Ôi những cái xiết tay rõ đau, những nụ cười ái mộ và ánh mắt mến yêu. Ngày chủ nhật, bạn bè lại lôi mình khỏi thành phố hầu như có ý bù lại những thua thiệt mà bạn biết mình phải gánh chịu. Đi Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Côn Sơn, Hòa Bình, Đường số 6 vv…
Anh Nguyên Ngọc nói Saigon in lại cái Đêm hôm ấy… Lại còn rộ cái tin tác giả bị sát hại ai cũng ngậm ngùi! Tai hại chưa? Hôm đến chơi với anh Chu Thành ở Nhà xuất bản Thanh Niên tình cờ lại gặp Hữu Loan ở đó. Hữu Loan râu tóc như cụ Nguyễn Tuân già như cụ Chừng trong ta. Cụ Hữu Loan ra Hà Nội chơi 3 tháng rồi. Cụ cũng đi đổi không khí một thời gian như mình thôi. Nghe giới thiệu cụ ôm chầm lấy hỏi thăm tíu tít.
Còn mình sống ra sao giữa Thủ đô hoa lệ đắt đỏ kinh người. Giá cả ngoài này dễ sợ. Thịt quay 1800 đồng/kg. Thịt lợn 1000đồng/kg. Rau cải 20 đồng/bó. Gạo nếp 200 đồng/bò.
Hôm có giấy mời đi xem Hà Nội trong mắt ai tập 2 có tên là Điều tử tế do chính tác giả nhà văn Trần Văn Thủy chiêu đãi bạn bè thân quen chiếu ở Cung Thiếu Nhi. Nếu mình vui lòng nhượng lại cái giấy mời ấy sẽ có ngay 1000 đồng để uống bia. Nhưng không! Ngoài bạn bè anh em nuôi mình cũng có khối việc. Việc gì a? Đi nhận sách báo các nhà in nhà xuất bản ngồi xích lô chở đến các đại lý cũng có tiền ăn phở!
Đóng dấu giá mới nhất vào các bìa 4 sách sắp đem phát hành (ví dụ giá lúc in 30 đồng nay đóng chặn giá mới lên là 50 đồng hoặc 70, có khi 100 đồng) cũng có tiền đi Phú Gia kia đấy!
Viết các bài ngắn cho một số tờ báo để có tiền ăn sáng (cố nhiên là đề tên khác Mã Hữu Giác chẳng hạn) vì các báo quen cả rồi mà.
Mã Hữu Giác là ngựa có sừng. Chữ MÃ (trong thư Phùng Gia Lộc viết bằng chữ Hán-XB) có bộ GIÁC (cũng bằng chữ Hán-XB) ghép vào chữ MÃ thành chữ GIÁC. Hoàng Hùng còn lạ chi? Nhưng nói Hoàng Hùng biết thôi nhà, cấm tiết lộ đó! Vì cái tên Ngựa có sừng sẽ tiếp sau những cái dữ dội mới.
Mình yêu cầu các chiến hữu tìm việc cho thế đấy. Bởi vì.
Thủ đô bầu bạn cố bao/ Riêng mình tránh để lâm vào báo cô.
Đầu óc thoải mái, ăn uống có tí chất dạo này mình có tí da tí thịt chứ không gầy như hôm vừa ra. Thư này mình gửi cho Hoàng Hùng cái ảnh chụp với Bế Kiến Quốc ở gác 2 Tuần Báo Văn nghệ.
Hoàng Hùng có thì giờ ra Hà Nội chơi với nhau thì hay quá. Lại nhà vợ chồng Bế Kiến Quốc ở 17 Trần Quốc Toản là gặp mình. Ngày gặp lại hẳn có nhiều chuyện vui,
Giữa đô thành chen lấn, vẫn nhớ làng vắng teo/ Bàn tiệc say vô tận/ Nhớ khoai vùi tép riêu
Hôn Hùng tha thiết
Mã Giác”
Thư thứ hai.
“Chú Hùng thân quý và nhớ.
Viết thư cho Hùng tại Lâu Đài Đại Lải huyện Mê Linh Ngoại thành Hà Nội. Lâu đài đây không phải là nơi nghỉ mát, không phải là nơi an dưỡng. Sáng mỗi người được một đĩa xôi lạc (hoặc đậu xanh)có thịt hoặc một bát phở. Hai bữa chính lúc 11 giờ và 18 giờ thịnh soạn. Niềm hạnh phúc lớn lao với các nàng tiên phục vụ là khách phải ăn hết tiêu chuẩn.
Biệt thự này của các nghệ sĩ lão thành tiền bối hoặc các đàn anh đã từng ở. Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải, Chính Hữu, Chu Văn, Hồng Phi, Lưu Quang Vũ vv… Mình mở cuốn sổ cảm tưởng truyền thống của lâu đài ra xem thấy chữ ký và bút tích của các vị ấy đủ cả. Khó tính như cụ Nguyễn Tuân mà còn ghi mấy dòng thật xúc động!
Mùa này rét mà mình lại đâm xiêng tắm vì nước nóng sẵn.
Hiện ở đây chỉ có mình với nhà văn Sao Mai, Nguyễn Quang Thân và Hoàng Hạc.
Được lên đây mà đâm lo chứ có vui gì. Không viết được cái gì ra hồn thì phụ đời quá.
Hùng có thể xin phép cơ quan 5 ngày ra đây với mình không? Đó mình xem như là một đặc ân Hùng giành cho mình vậy. Hùng đem hơi ấm của quê hương đến động viên mình những ngày này mình đang trở dạ sinh nở. Hùng cứ ra với mình không cần gì cả. Mình có tiêu chuẩn khách và cũng có đủ tiền anh em Hà Nội cho để nằm mà viết mà.
Trong thư Phùng Gia Lộc ghi cụ thể các địa chỉ cho bạn nếu phải dừng ở Hà Nội. Còn đi lên Nhà sáng tác Đại Lải thì tỉ mẩn, chi tiết.
Ngày 1-1-88 có anh Bảo hẹn mình về Hà Nội ăn Tết Dương lịch với các trí thức lớn. Nếu Hùng ra đúng ngày ấymình đưa lên Đại Lải chơi luôn thì tuyệt. Nếu không đúng dịp ấy (trước hoặc sau) thì lấy vé ô tô ở Bến Nứa đi Phúc Yên 150 đồng. Đến Phúc Yên đi xe lam đến thị trấn Xuân Hòa 6 km hết 30 đồng nữa rồi từ Xuân Hòa đi về lâu đài Đại Lải hơn 1 km.
Hùng sang nhà báo tin cho gia đình mình hộ..
Biên thư ra Hùng nói tình hình quê hương gia đình cho mình biết với.
Cho mình gửi lời hỏi thăm 2 cụ, thím Tân bác Hoàng Thư và gia đình bác ấy.
Hùng đừng quên chuyển lời mình về thăm những anh em văn nghệ Thọ Xuân cùng bạn bè thân thuộc.
Nóng lòng mong thư Hùng
Ngựa có sừng
Địa chỉ gửi thư
Phùng Gia Lộc Nhà viết Đại Lải Ủy Ban TƯ Hội LHVHNT Việt Nam huyện Mê Linh, Hà Nội”.
Nhân vật Hoàng Hùng trong thư của Phùng đã tới bằng xe máy. Nhà cũng ở Thọ Xuân đây. Anh Hoàng Hùng kém tuổi thày Kỳ và cả Phùng. Hoàng Hùng thân thiết cùng Phùng Gia Lộc đã lâu trước cả thời điểm hai người cùng công tác ở Phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân. Có lẽ vào một dịp khác người viết bài này sẽ kê biên thêm những chuyện về một thời thương mến của đôi bạn này.
Cái cặp của thày Kỳ còn phát lộ ra lắm thứ lạ. Đó là những bút tích trên thư, trên giấy.
Trân trọng và quý mến văn tài Phùng Gia Lộc. Một đóa hoa nở sau nhưng đã lây hương đến người lớp trước.
Hà Nội 6-4-88 78 tuổi
(Thanh Tịnh Nhà thơ)
27-4-1988
Kỷ niệm gặp nhau sau những đêm hôm ấy đêm gì.
Nguyễn Khắc Viện
Phùng Gia Lộc ơi lại nhớ Thanh Hóa những năm ở Sầm Sơn làm thơ. Và cảm ơn Lộc về những bài về Thanh Hóa mà Tế Hanh đã đọc .
Ngày 3/ 5/ 88
Tế Hanh
Gặp nhau khóc khóc, cười cười/ Phút giây sáng chút tình người mà đau
Ghi nhớ chiều ngày 26 tháng Tư năm 88. Ngồi với Phùng Gia Lộc và Chu Thành.
Trần Lê Văn.
Dòng cuối trang
Người cùng cảnh
Bạc Thị Nau (vợ nhà thơ)
Hóa ra cuộc gặp có cả phu nhân nhà thơ Trần Lê Văn người dân tộc Thái quê ở Thuận Châu Sơn La.
Tôi đọc anh một số bài. Nghe bạn bè nói về anh, về hoàn cảnh gia đình anh. Tôi rất thương cảm. Mong anh khỏe để tiếp tục công việc của mình. Nhân gặp anh tôi chép tặng anh bài thơ tứ tuyệt.
Cây cỏ hôi
Cây cỏ hôi thanh mảnh mọc bên đường
Hoa phớt tím có gì đâu đẹp dáng
Ta đi qua chỉ nhìn lơ đãng
Đâu biết cỏ này cầm máu vết thương
Hà Nội 4/ 1988
Nguyễn Văn Dinh
Báo Bình Trị Thiên- Huế
Rồi những trích đoạn, những xẻ chia ấm áp của các nhà văn nhà thơ Vũ Bão, Hữu Nhuận, Chu Thành, Phạm Tiến Duật…
Qua câu chuyện thày Kỳ với anh Hoàng Hùng cũng ló ra lắm cái vui. Cậu con trai cả Phùng Gia Học, cậu con mà người cha Phùng Gia Lộc từng trút bao nhiêu những tin yêu hy vọng trong lá thư viết từ quê nhà Thọ Xuân vào thời khắc niên cùng nguyệt tận (ngày 30-12- 1988-chữ của Phùng Gia Lộc) gửi cho con khi ấy đang học tiếng Nga ở Thanh Xuân Hà Nội với lời mở thư tha thiết Học con ơi… đang trong cặp của thày Kỳ kia.
Đến đây cũng cần nói thêm, tại sao thày Lê Xuân Kỳ có được những lá thư và vài kỷ vật đáng nhớ đáng giữ ấy của Phùng Gia Lộc? Số là sau khi Phùng Gia Lộc mất, bà vợ Đỗ Thị Hoa và cả nhà văn hóa Hoàng Hùng đã nhất trí giao cho thày Kỳ giữ, thứ nhất tính thày cẩn thận. Sau nữa nếu dùng vào việc gì thì thày biết!
Phùng Gia Học sau đó đi Nga và từng làm ăn ở nước ngoài. Rồi Học về nước đưa mẹ và hai em trai vào sinh sống và làm ăn tại thành phố Hồ Chí Minh.
… Nhớ khi bệnh tình Phùng Gia Lộc ở quê trở xấu do suyễn nặng thì tôi theo nhà văn Đặng Ái về Phú Yên Thọ Xuân thăm anh. Khi ấy Phùng Gia Lộc đã phải nằm nhưng chất giọng còn vang vượng. Tưởng còn được lâu. Nhưng chỉ ít ngày sau…
Anh Hoàng Hùng, giọng ngậm ngùi, rành rọt như chuyện mới hôm qua. Khi Phùng Gia Lộc mất được hai hôm thì nhà thơ Bế Kiến Quốc và họa sĩ Thành Chương vào viếng Phùng Gia Lộc. Các anh ra tận mộ thắp hương và đem tiền vào giúp đỡ gia đình. Số tiền gần một triệu ở thời điểm năm 1992 là không nhỏ nhưng quý nhất là tấm lòng của các văn nghệ sĩ ở thủ đô. Hai nhà thơ Bế Kiến Quốc Đỗ Bạch Mai là những người cực kỳ tình nghĩa với anh Lộc và gia đình…
Tôi nhẩm lá thư nhà thơ Bế Kiến Quốc gửi cho chị Hoa khi anh Lộc mất được 8 tháng. Khoảng thời gian sau khi anh ra đi, có biết bao biến động và nhiều lắm những gian nan ập xuống căn nhà bé nhỏ có 4 mẹ con ấy? Thật kịp thời và đáng quý tấm lòng của nhà thơ họ Bế và bằng hữu.
Nguồn: Báo Văn Nghệ