Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRÌNH ĐỘ SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT CÒN THẤP

Minh Phương (thực hiện)
Thứ hai ngày 22 tháng 10 năm 2018 10:10 AM


"



"Bạo lực nằm sâu trong di sản văn hoá cộng đồng. Người Việt chúng ta không có niềm tin đủ mạnh vào cái thiện, đủ để làm cho họ tránh phạm điều ác. Bạo lực chứng tỏ trình độ làm người thấp của cả cộng đồng. Chúng ta còn phải phấn đấu nhiều để vượt lên một trình độ sống khác".


Vụ clip bạo lực của nữ sinh Trần Nhân Tông chưa kịp nguội trong dư luận, thì liên tiếp nhiều vụ bạo lực học đường và tội ác xã hội với cấp độ còn cao hơn... Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn tiếp tục chia sẻ sâu hơn xung quanh chủ đề về mầm mống bạo lực trong xã hội Việt.

Bạo lực nằm sâu trong văn hóa Việt

Ông đặt vấn đề suy nghĩ về gốc rễ của bạo lực trong đời sống. Vậy thì, nhìn xa hơn những biểu hiện mà ta đã nói đến, thì mầm mống của bạo lực trong đời sống Việt nằm ở đâu?

Ở ngay trong di sản văn hoá của cộng đồng. Ngay trong ca dao, tục ngữ… có những câu báo động về cách cư xử của người xưa. Nhiều câu tôi nghe từ lâu Cả vú lấp miệng em, Lấy thịt đè người, Già đòn non nhẽ…

Gần đây trong những dịp đọc linh tinh, tôi lại nhặt thêm được một câu Cả bè to hơn văn tự. Câu này đại khái có nghĩa thế mạnh vật chất là nhất, vượt lên trên mọi cam kết, mọi lẽ phải, mọi luật pháp.

Cổ tích của chúng ta cũng có không ít truyện cho thấy ẩn ức bạo lực của con người. Trong “Tấm Cám”, cô Tấm trả thù mẹ con nhà Cám rất tàn bạo. Trong ngụ ngôn “Trí khôn của ta đây”, con người lừa trói con hổ, châm lửa đốt… chỉ để khẳng định bản thân.

Đó là những biểu hiện tâm lý của thời kỳ xa xưa, có thể hiểu là thời chưa văn minh. Trên hành trình phát triển của dân tộc, những yếu tố gì khác nuôi dưỡng mầm mống bạo lực này, thưa ông?

Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước ta trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh. Hoàn cảnh chiến tranh khiến người ta coi nhẹ cái chết, coi nhẹ bạo lực. Đã đổ máu nhiều tự nhiên người ta sinh ra coi thường sự đổ máu.

Đi qua chiến tranh, chúng ta tưởng rằng mình sẽ khác, nhưng thực tế lại bước vào cuộc cạnh tranh khác. Những tiền đề bạo lực ấy hàng ngày đang được dung dưỡng, tha thứ.

Ngoài ra, tôi cho một trong những yếu tố quan trọng là người Việt chúng ta không có một thứ tôn giáo đủ mạnh, đủ để làm cho họ sợ mà tránh phạm điều ác. Cảm giác hướng thiện, cảm giác về một cuộc sống khác trong mỗi người thường rất mong manh.

Dân ta đâu có tin nhiều thần thánh! Người ta nô nức đi chùa, đi đền, không gì khác là để hối lộ thần thánh, mặc cả với thần thánh. Còn lòng nhân từ mà tôn giáo nào cũng khuyến khích lại không bắt rễ sâu sắc trong ta.


Trình độ sống của người Việt còn thấp

Quay trở lại các hiện tượng bạo lực hiện nay. Thực ra, có không ít sự vụ tương tự… chỉ có điều không “lộ sáng” dưới hình thức dễ tác động tới công chúng. Tức là, sự xuất hiện của những clip mà cả xã hội đang xôn xao kia chỉ là sự bộc lộ một tình trạng mà chúng ta chưa ý thức đầy đủ?

"Cổ tích của chúng ta cũng có không ít truyện
cho thấy ẩn ức bạo lực của con người"


Đúng như vậy. Các clip bạo lực học đường này so với nhiều câu chuyện được đề cập trên báo chí hàng ngày đã ăn thua gì. Tôi được biết, trong những vụ tai nạn xe ô tô, nhiều khi tài xế cố cán cho người bị nạn chết luôn, chấp nhận bị đi tù vài năm so với việc chẳng may phải bồi thường và nuôi nạn nhân cả đời nếu họ bị tàn tật.

Bạo lực chứng tỏ trình độ làm người thấp của cả cộng đồng. Chúng ta còn rất nhiều phấn đấu để vượt lên một trình độ sống khác.

Báo chí hàng ngày cho thấy các hình thức bạo lực cũng đang bùng phát ở nhiều xã hội khác, được cho là văn minh hơn. Vậy, nói bạo lực phản ánh trình độ sống thấp của dân Việt là một khái quát vội vã?

Cố nhiên, dân mình không độc quyền trong chuyện này. Bạo lực đang hoành hành ở nhiều xã hội. Có điều, theo tôi hiểu, ta thuộc về khu vực của những nước bạo lực không chỉ phổ biến mà còn bị đẩy lên quá đáng, nhiều khi phải nói là dã man.

Bất cứ ở đâu phát triển bạo lực tức là nơi đó trình độ sống còn thấp. Ta cũng là một minh chứng rõ rệt cho quy luật đó.

Trong thái độ bạo lực đối với thiên nhiên mà ta đã nói đến, sở dĩ loại bạo lực này còn đến ngày nay, xét sâu xa ra vì ta chưa hiểu sâu sắc mối quan hệ con người với thiên nhiên. Trong công cuộc kiếm sống, tư duy hái lượm còn đang chi phối. Tư duy hái lượm nghĩa là chỉ biết ăn sẵn, lo tước đoạt thiên nhiên chứ không biết làm giầu cho thiên nhiên. Ở các xã hội phát triển hơn, lối kiếm sống này, lối tư duy này đã bị vượt qua từ lâu.

Bạo lực giữa người với người nảy sinh và tồn tại dai dẳng khi ngôn ngữ giao tiếp bất lực người ta không thể dùng lời nói để thuyết phục nhau, chia sẻ ý kiến với nhau, và quan trọng nhất là phân chia quyền lợi với nhau, đành dùng lối “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” vậy.

Sự thiếu vắng một ngôn ngữ chung hiệu qủa (ngôn ngữ theo nghĩa một công cụ giao tiếp) là dấu hiệu của trình độ sống còn thấp.

Phản ứng ầm ĩ nhưng kém hiệu quả

"Dân ta đâu có tin nhiều thần thánh! Người ta nô nức đi chùa, đi đền, không gì khác là để hối lộ thần thánh, mặc cả với thần thánh".


Sau mỗi vụ bạo lực, bạo hành, những cơn xúc động của dư luận bùng lên để rồi lại xẹp xuống cho đến khi lại có những vụ việc tiếp theo. Trong khi đó, xu hướng này vẫn tiếp tục. Nghĩa là những cảnh báo, báo động, kêu gọi… của chúng ta là cách phản ứng ầm ĩ nhưng lại kém hiệu quả?

Trong cách phản ứng hiện nay thấy thể hiện một khía cạnh tính cách người Việt. Chúng ta thường nông nổi, đồng bóng mà ít chịu nghĩ sâu một điều gì đó. Không riêng gì với bạo lực, cách ứng xử ấy đã bộc lộ trong nhiều trường hợp khác. Chúng ta cũng đã từng kêu ầm lên khi có hiện tượng các cô gái đi lấy chồng Hàn Quốc… Rồi có làm gì thêm đâu.

Hơn thế nữa tôi cảm thấy một xu hướng cư xử hiện nay là chúng ta thích dễ dãi với nhau bỏ qua cho nhau nhiều điều lẽ ra không thể bỏ qua. Ta không biết ngăn chặn cái ác từ lúc nó mới manh nha. Cái gốc là ta không đặt ra những yêu cầu cao với những người chung quanh, với người thân của ta, với con em ta nữa.

VnMedia