Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÔI ĐIỀU VỀ “ NHỮNG MẢNH RỒNG”.

Hoàng Minh Tường
Thứ tư ngày 25 tháng 7 năm 2018 3:04 PM




Hoàng Minh Tường

Tiểu thuyết NHỮNG MẢNH RỒNG đang nằm trên giá sách đâu đó, đang trong tay một ai đó. Tiếc rằng còn quá ít người biết.

Những nhà lý luận phê bình kinh viện sẽ thất vọng hoặc phẫn nộ, bởi không thấy ở đây phương pháp sáng tác Xã hội chủ nghĩa nghiếc gì, cũng chẳng có Hậu hiện đại điếc gì. Người viết chỉ biết có trái tim Việt mách bảo. Viết có thể không hay hơn, nhưng khác, khác chính mình.

Lẽ ra NHỮNG MẢNH RỒNG nên được một nhà xuất bản nào đó ở trong nước chuyển đến tay bạn đọc. Nó cần được đối xử bình đẳng, nếu không với phương diện sản phảm của người viết văn, thì cũng nên được tiếp đón như một kênh đối thoại văn chương. Nhưng tiếc thay, điều ấy còn khó hơn bắc thang lên Trời. Chắc chắn bản thảo NHỮNG MẢNH RỒNG sẽ bị gạt ngay từ “cửa gửi xe”, trước khi đến tay các biên tập viên. Bây giờ, không còn một lãnh đạo nhà xuất bản nào có con mắt xanh và dũng khí tầm cỡ như nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Tổng biên tập, Phó Giám đốc NXB Hội Nhà văn, người từng bảo lãnh cho in tiểu thuyết Thời của Thánh Thần, cũng của cùng tác giả, năm 2008.

Mười năm qua là một bước thụt lùi của nền xuất bản .

Huống chi, NHỮNG MẢNH RỒNG , với tính đa nguyên và tranh biện không khoan nhượng của nó, từng được một nhà xuất bản có uy tín ở California, Hoa Kỳ, ban đầu đón nhận bản thảo nồng nhiệt, nhưng sau nhận ra mối nguy hiểm từ nhiều phía đã khéo léo khước từ.

Cả tác giả và tác phẩm đều bị lọt giữa hai làn đạn.

May thay, nhà xuất bản Vipen ở Đức, đã cho in và phát hành NHỮNG MẢNH RỒNG trên toàn châu Âu, vào tháng 5/2018.

Sách vừa ra, đã được nhà văn Đỗ Trường (CHLB Đức) và tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng (Viện Hàn lâm KHTNVN) viết bài giới thiệu (trên báo mạng, lề trái, tất nhiên) với rất nhiều ưu ái, khiến tác giả không thể không bày tỏ tri ân.

Và vừa đây, sau cuộc chơi dài World Cup, nhà văn Đặng Văn Sinh, một tiểu thuyết gia vừa cho ra đời tiểu thuyết “Ký ức làng Cùa” bên California, một nhà giáo uyên thâm, nhà phê bình đích thực, lại đăng trên trang Facebook cá nhân bài giới thiệu công phu cho NHỮNG MẢNH RỒNG, bài viết ông ấp ủ ngay từ khi ông đọc bản thảo.

Thời buổi văn mạng, đọc một cuốn sách trăm trang đã là một cuộc tra tấn. Hầu hết người châu Á, trừ người Nhật, bây giờ chỉ thích đọc iphone, lướt Web. Văn hóa đọc của người Việt vốn khiêm tốn vào bậc nhất thế giới (61 quốc gia có người đọc sách nhiều nhất trên thế giới không có tên Việt Nam. Theo một đánh giá xã hội học, trung bình một người Việt một năm đọc 0,8 đầu sách. Người Trung Quốc là 0,7. người Nhật 11, người Pháp, Đức… là 40, cao nhất là Hunggari, Israel trên 50 đầu sách người/năm…) Tuy vậy, vẫn có những ngoại lệ. Chắc chắn vẫn còn nhiều người Việt không từ bỏ thói quen đọc sách, vốn là một thứ văn hóa bậc cao, dù có nhiều thứ cám dỗ khác, vẫn không làm mất đi hứng thú tìm kiếm cái đẹp và giá trị nhân sinh trong văn chương quốc ngữ. Tác giả chờ mong ở những thức giả này những lời chỉ giáo.

Sách in đẹp, nhưng mà đắt. 21,9 Euro, nhìn giá bìa những muốn kêu trời. Ngoài 10 cuốn bản quyền, tất nhiên không có nhuận bút, tác giả muốn thêm một cuốn cũng xin bỏ tiền túi. NXB Vipen nghèo, in cho tác giả trong nước tức là vinh danh văn hóa Việt rồi. Rất may, có những nhà yêu sách đã tìm cách đưa được NHỮNG MẢNH RỒNG tới bạn đọc ( còn gian nan, bí hiểm hơn cả cách đưa Trịnh Xuân Thanh về nước, hi hi…) Và bạn đọc có thể tiếp nhận được NHỮNG MẢNH RỒNG, nếu bạn quan tâm và để lại thông tin cá nhân trên inbook.

Từ thuở vào nghiệp văn chương, hơn bốn mươi năm, đây là lần đầu tiên tác giả tự quảng cáo và ra mắt sách của mình. Một cuộc PR trên trang lề trái có phần lúi xùi, áo gấm đi đêm. Một cuộc chơi muộn mằn, trái khoáy.

NHỮNG MẢNH RỒNG sẽ được trích đăng trên Văn Việt, Trannhuong.com và một vài trang Website văn chương.

Rất mong được đón đọc.

HMT

NHỮNGMẢNHRỒNG

TIỂU THUYẾT

“Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ

Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.”

HUỲNH VĂN NGHỆ

1

Đạo diễn, kiêm nhà sản xuất phim Phạm Hải Hành, là một trong những đại diện ưu tú của Việt kiều Mỹ. Ở tuổi ngoài bốn mươi, đỉnh điểm của mọi sung mãn, anh đang nổi lên như một biểu tượng của người Việt tinh hoa. Bộ phim “THUYỀN NHÂN” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhân Mục, đoạt giải GALAXY, một giải tương đương Oscar do các nhà điện ảnh trẻ toàn cầu mới lập ra, đưa tên tuổi anh trở thành người Việt đầu tiên bước vào lâu đài điện ảnh thế giới.

Từ cuối những năm 2010, báo chí trong nước và hải ngoại đã tốn không ít giấy mực về một tài năng người Việt của nền nghệ thuật thứ bẩy. Liên tiếp hai bộ phim “Dòng sông hoa đào” và “Chàng Trương Chi” do Phạm Hải Hành đạo diễn giành giải Grand Prix liên hoan phim Cannes và Sư tử vàng liên hoan phim Venice, mở đường cho kiệt tác điện ảnh “Thuyền nhân” mấy năm sau đó.

Với cư dân Việt Nam ở Mỹ, nhiều người còn biết Phạm Hải Hành sớm hơn. Ngay từ năm đầu của thế kỷ XXI, năm 2001, tên tuổi chàng sinh viên đại học US Berkeley này đã quá quen thuộc, quen thuộc không phải vì sự nổi trội về tài năng, mà vì một vụ scandale có liên quan đến chính trị, gây xôn xao toàn thể cộng đồng.

Sự việc diễn ra đúng ngày 30 tháng 4, một mốc thời gian biểu tượng tính từ năm 1975, ngày khởi đầu cho một nghịch lý bi đát, một tiến trình tương phản phức tạp, một phía là vinh quang, nhưng một bên là tủi nhục. Bên nào thắng, thì nhân dân đều bại, nhà thơ Nguyễn Duy viết thế. Và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khóc trên cây đàn: Gia tài Mẹ, một nước Việt buồn.

Ngày này ở trong nước, vắt từ một phần tư thế kỷ này sang thế kỷ kia là một điệp khúc: Chiến thắng vĩ đại; Đánh cho Mỹ cút đánh cho Nguỵ nhào; Giải phóng đất nước; Thu giang sơn về một mối… Ở hải ngoại, các đại sứ quán, các toà lãnh sự, các hội người Việt thân Cộng sản cũng một chế bản như thế. Nhưng đa số người Việt di tản ở Mỹ, Canada, ở Australia… vì không có và không thể chia sẻ quá khứ chung của lịch sử Việt cận đại, đã tụ tập nhau để kỷ niệm tháng Tư đen, ngày Quốc hận, ngày đại bại của toàn dân tộc. Cờ vàng ba sọc đỏ của chính thể Việt Nam Cộng Hoà, được người Việt tị nạn tôn phong là lá cờ tự do và di sản, được nhiều tiểu bang và thành phố ở Mỹ công nhận là đại diện chính thức của cộng đồng người Việt, tung bay rợp trời. Băng rôn, biểu ngữ với đủ loại lời lẽ chống cộng, dù mấy thế hệ đã qua vẫn ngùn ngụt hận thù, và kêu gọi cuộc thánh chiến trở về. Người già ôm nhau khóc, cười. Tuổi trẻ gào thét, chõ loa vào các toà đại sứ, các toà lãnh sự. Hàng ngàn người đứng lặng, đầm đìa nước mắt tưởng niệm những chiến binh tử thủ vì nền Cộng hoà, những nạn nhân vô tội đã chết giữa hai làn đạn, đã làm mồi cho cá trong những cuộc vượt biển… Tất cả cùng nuối tiếc một chính thể đã tiêu vong.

Không ít lần trong ngày 30 tháng 4 đó, tại một số nơi ở Mỹ, ở Australia, ở Canada, Pháp, Đức…, hai nhóm người Việt cờ vàng và cờ đỏ, đụng độ nhau, xung đột nhau dữ dội, khiến cảnh sát phải can thiệp. Người Việt đã tha hương mà vẫn phân hai chiến tuyến, kình địch nhau, hận thù nhau, tưởng như một mất một còn.

Lần đó, ở Little Saigon, quận Cam, sau lễ mitting ở quảng trường lớn, đoàn người ngập trong cờ và băng rôn biểu ngữ, sát khí đằng đằng, kéo ra phố Bolsa diễu hành, như con rồng vàng khổng lồ nhe nanh múa vuốt, sẵn sàng cuốn đi tất cả. Bỗng từ trong một ngách phố, phía cuối đường Brookhurst, hay đường Bushard, đột nhiên xuất hiện hai lá cờ lạ do hai chàng trai, da trắng và da vàng vừa giương cao, vừa chạy túa ra. Chàng trai da trắng vác lá cờ hình chữ nhật, ghép hai lá cờ đối nghịch, nửa trong là một hình vuông nền đỏ sao vàng, nửa ngoài là hình vuông nền vàng với ba sọc ngang đỏ, chạy suốt hai mép cờ là hai đường viền màu xanh dương gợi nhớ màu cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam một thời. Thoáng nhìn ai cũng biết đó là một phép cộng ba màu xanh, đỏ, vàng, đơn giản, nhưng nói được nhiều điều về lịch sử, hiện tại và tương lai nước Việt. Lá cờ thứ hai do chàng trai da vàng vác lại là một phép cộng khác, đầy sáng tạo. Đó là một lá cờ ba màu xanh đỏ vàng hình chữ nhật, mảng đỏ ở giữa chạy suốt chiều dài lá cờ, có độ rộng bằng một nửa chiều ngang lá cờ, chính giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Hai bên là hai dải vàng, mỗi bên bằng một phần tư chiều ngang lá cờ, có hai vạch đỏ mảnh chạy giữa. Từ phần cán lá cờ, một mảng hình tam giác cân màu xanh dương lan ra, một đỉnh hướng tới ngôi sao vàng năm cánh. Lá cờ thể hiện ý tưởng về một nước Việt Nam hòa hợp, có ba miền Bắc Trung Nam, có máu đỏ da vàng, có biển Đông bát ngát. Lá cờ kế thừa từ di sản quá khứ, sừng sững thành quả hiện tại và phới phới đi tới tương lai. Rõ ràng đây là một phức thể hai, hoặc ba, trong một đầy sáng tạo và tài hoa, một sự hài hòa và thấu tình đạt lý mà lịch sử không thể chối bỏ.

- To unify North and South of Vietnam! Nước Việt Nam thống nhất muôn năm! - Cả hai chàng trai vừa chạy vừa phất cao hai lá cờ, hô vang bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Con rồng vàng say máu bỗng nhiên đứng khựng lại. Cả đoàn người bị tê liệt trong khoảnh khắc. Dường như hai lá cờ lạ bỗng ùa vào tâm hồn họ, thổi một luồng ấm nóng vào từng li ti huyết quản mỗi người, đánh thức một niềm khắc khoải chờ mong vẫn tàng chứa trong đáy sâu mấy chục năm trời. Dường như trong mỗi người đều thức dậy cái hình ảnh lặp đi lặp lại bao ngày những buổi hoàng hôn, đứng ngẩn nhìn vừng dương chìm dần xuống biển mà buồn tê tái, mà đau thổn thức nỗi nhớ cố hương…

Có cảm giác, chỉ nột tích tắc nữa thôi, hoặc là đoàn người sẽ khuỵu xuống, rũ xuống, không thể bước tiếp được nữa, hoặc sẽ ùa theo hai lá cờ lắp ghép kia và hô vang: Nước Việt Nam thống nhất muôn năm!

Bỗng từ giữa rừng người, một bóng áo vàng chạy vọt lên, tay xua, giọng hét khản đặc:

- Việt cộng, Việt cộng! Bọn Việt cộng gài bẫy. Giết chết bọn cộng sản đi, các chiến hữu cộng hòa ơi!

Nhiều người nhận ra tiếng của Lê Sa Biền, Tổng biên tập báo Phục Quốc, người từng tuyên bố chống cộng đến hơi thở cuối cùng. Lập tức hàng trăm giọng cùng gào lên: “ Bắt lấy chúng”. “Không mắc bẫy cộng sản”…

Trong chớp mắt, hai chàng trai bị vây kín. Hai lá cờ ghép biểu tượng của sự hoà hợp bị xé đôi, giậm nát, tả tơi nhiều mảnh. Không khí náo loạn biến thành cuộc vây đánh hội đồng. Mấy lão già ngúc ngắc bộ mặt đỏ gay xua bọn choai choai tóc màu, khuyên tai, xích bạc quấn cổ. Các bà nạ dòng, hoặc chồng bị tử trận trên các chiến trường đẫm máu, hoặc còn ngồi bóc lịch trong các trại cải tạo, nhảy thách lên. Tiếng la hét. Tiếng chửi rủa. Những cánh tay vung lên, loạn xạ. Đấm. Đạp. Xô đẩy. Đè lên nhau. Đòn hội chợ bỗng biến thành cuộc loạn đả.

Từ trong ngách phố, gần ngôi chùa đang xây, một người đàn ông và một thiếu nữ chạy bổ ra. Họ chạy muốn đứt hơi, kiệt sức. Vừa chạy vừa vẫy tay như người chết đuối xin cầu cứu, miệng la:

- Dừng lại… Bà con ơi, cùng người Việt mình… Dừng lại, không được đánh người… ười… ười... Cảnh sát đến kia rồi.

Sự xuất hiện đúng lúc của Vũ Bảo Huy và Ngô Đoan Diễm, và ngay sau đó là tiếng hú còi của xe cảnh sát đã khiến bọn người đang say máu vội lủi vào đám đông.

Hai chàng trẻ tuổi nằm như hai đống rẻ rách. Quần áo tơi tả, bết máu. Anh chàng Mỹ lai bị mất hai răng cửa, gãy tay trái. Chàng trai Việt bị một vật sắc kim loại đâm thủng đầu, máu chảy thành vũng trên mặt đường.

***

Xe cứu thương chở hai nạn nhân đến bệnh viện. Chàng trai Việt hôn mê sâu, tính mạng rất nguy kịch. Qua giấy tờ tuỳ thân, người ta biết anh là Phạm Hải Hành, đang là sinh viên Viện đại học US Berkeley. Bạn Hành, đúng hơn là bạn vong niên, vì hơn anh bẩy tuổi, tên gốc hồi ở Việt Nam là Bùi Lai. Tên Mỹ là David Bùi.

Hai vị cứu tinh theo xe cùng vào bệnh viện, tưởng là thân nhân, hoá ra chỉ là những du khách đi đường. Vũ Bảo Huy, chạc bốn mươi, có gương mặt xương gầy khắc khổ. Cô bé Ngô Đoan Diễm đi cùng, cao mảnh, duyên dáng, dễ bị lầm tưởng như con gái đi với cha, bởi khuôn mặt non choẹt dù có sầu não đau đớn thì cũng không thể vượt qua nổi tuổi thiếu nữ dậy thì.

- Hai lá cờ đỏ và vàng của hai chiến tuyến ghép với nhau, lại thêm màu xanh lá cờ Mặt trận giải phóng, tạo thành hai lá cờ hòa hợp để mọi người lựa chọn. Những ý tưởng trên cả tuyệt vời, chú Huy nhỉ? - Đoan Diễm ngước đôi mắt bồ câu hỏi người đàn ông, khi ngồi chờ ngoài phòng cấp cứu - Nếu cho chú Huy chọn, chú sẽ chọn lá cờ nào?

- Lá cờ nào cũng có vẻ đẹp riêng - Huy nói nước đôi. Cho tới giờ anh vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì sự xuất hiện đột ngột của hai lá cờ hòa hợp. Anh và Diễm dường như là người đầu tiên nhìn thấy hai lá cờ lạ nhô ra từ một góc phố. Không, đúng hơn là anh đã thấy thấp thoáng trong chiếc Acuara của hai chàng trai lúc họ đưa xe vào gửi trong khuôn viên chùa Quan Thế Âm. Lúc ấy anh đã suýt reo lên, kéo Diễm chạy tới. Nhưng hai chàng trai nhanh quá. Họ mở cửa xe, trương cờ trên chiếc cán gỗ rồi vụt chạy đi.

Cho tới lúc hai lá cờ như hai cánh buồm cuốn hai chàng trai trên đại lộ để hòa với đoàn cờ vàng đang như cơn bão ào tới thì Huy không thể đứng yên được. Diễm ơi, cả hai lá cờ đều tuyệt vời, một ý tưởng hoà hợp tuyệt vời. Đơn giản chỉ là một phép cộng, vậy mà bao năm nay không ai nghĩ ra. Màu sắc lá cờ hoà hợp, phối trí tài tình làm sao. Đây không phải ngẫu nhiên, nó chính là khát vọng của thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt hải ngoại mà chính Huy cũng không ngờ tới. Đây là kết tinh cả trăm năm truyền thống, từ thời khai mở một nước Việt Nam thống nhất từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau của các vua chúa nhà Nguyễn; một dải đất hình chữ S sừng sững bên bờ biển Đông từ nghìn năm; một dòng chảy yêu nước từ cờ quẻ ly tới cờ vàng và cờ đỏ... Nào, chúng mình nhanh chân lên. Chúng ta hãy hoà nhập với hai chàng trai kia, với hai lá cờ hoà hợp hai dòng ý thức hệ, hai niềm thù hận tưởng như không bao giờ dung hoà. Hai lá cờ chỉ là sự lắp ghép ba màu đơn giản mà toát lên vẻ đẹp lộng lẫy của sự bao dung, xoá bỏ mọi toan tính vị kỷ, đưa người ta lên một tầm cao mới, thậm chí bỗng muốn thăng hoa, hoà cùng vũ trụ.

Huy muốn cùng Diễm bay tới để cùng hai chàng trai giương cao hai lá cờ, hai phương án lựa chọn cho mọi người Việt. Nhưng rồi sự cố xảy ra nhanh và tàn nhẫn quá, đến mức Huy và Diễm càng cố chạy, chân họ càng như chực khuỵu xuống. Và rồi, khi họ gần đến nơi, khi Diễm lấy máy liên lạc được với cảnh sát thì hai chàng trai và hai lá cờ của họ đã bị chín nhừ như trong một nồi lẩu.

- Cháu thích lá cờ tam giác xanh, nền đỏ ở giữa hai dải vàng. Không phải là phép cộng số học như lá cờ kia, mà là sự hóa thân từ ba lá cờ thành một sinh thể mới. Ý tưởng vừa nhân văn vừa có tính kế thừa sâu sắc…

- Chú thích cả hai lá cờ. Nhưng nếu chọn, chú cũng thống nhất với cháu. Lá cờ có mảng xanh biển Đông, Trường Sơn, nền đỏ ở giữa với ngôi sao vàng, được bao bọc bởi nền vàng rộng lớn, mang tính phổ quát và vĩnh hằng hơn. Nhưng cháu có biết chú vừa phát hiện điều mới mẻ nhất của hai lá cờ hòa hợp là gì không?

Đoan Diễm nhướng đôi mày, không kìm nén được:

- Điều gì hả chú?

Huy ghé tai Diễm, nhưng giọng vẫn vút lên:

- Cả hai lá cờ đều khác hẳn cờ nước Tàu, thoát ly khỏi cờ Trung Quốc… đều không còn đỏ chói sắc máu, lại có thêm màu xanh hòa bình.

Diễm đưa bàn tay lên, đụng vào bàn tay Huy:

- Oke. Hai tư tưởng lớn gặp nhau. Cháu cũng thấy lá cờ đỏ của mình sắc máu quá. Lại gần như phiên bản của cờ Trung Quốc. Ngày trước cờ búa liềm của Liên Xô cũng thế. Đỏ chói chang, rừng rực, nhức nhối…

- Đấy cũng là một cách thoát Trung - Huy lẩm nhẩm như nói với chính mình.

- Đã đến lúc phải thay đổi lá cờ, chú Huy nhỉ? Thay đổi để mọi thế hệ người Việt khắp trái đất đều hướng về một Tổ quốc Việt Nam thống nhất. Cháu không thể hiểu tại sao người ta lại thù hận hai lá cờ hòa hợp vừa mới nhen nhóm kia? - Đoan Diễm tự nhiên cáu bẳn, nhìn Huy đợi câu trả lời.

Nét nhíu mày của Huy, như một thói quen cố hữu, mỗi khi gặp tình huống nan giải.

- Hình như đó là bản tính của người Việt. Nó có nguồn cội gốc gác từ đời tổ tiên mình, và gần chúng ta nhất là cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, nồi da nấu thịt suốt hai trăm năm…

Diễm vốn thông minh và nhạy cảm. Thoáng gợi của Huy như đôi cánh mỏng đưa cô đi rất xa, như cánh buồm lớn chở cô lướt trôi trên dòng sông hồi tưởng. Tháng bẩy năm ngoái, kỳ nghỉ hè về quê ngoại trước khi du học, Diễm từng có những buổi sáng lang thang ở cửa biển Nhật Lệ, đi tìm những dấu tích cuối cùng của Luỹ Thầy, phòng tuyến vĩ đại của Đào Duy Từ ngăn quân Trịnh từ phương Bắc. Diễm cũng từng ngồi thuyền nan, hình như là chiếc thuyền sót lại của đội vận tải thuyền nan Thanh Hoá - Quảng Bình thời chống chiến tranh phá hoại Mỹ, từ làng biển Cảnh Dương, lên tới tận ngã ba sông Son rẽ vào động Phong Nha. Ngồi trên thuyền, Diễm cứ nghe văng vẳng câu thơ: “Đây sông Gianh đây con sông máu lửa. Đây sa trường đây nấm mộ trời Nam…”. Suốt mấy cây số đường sông, hết căng mắt nhìn ngắm cảnh trí tuyệt đẹp hai bờ, lại đăm đắm nhìn xuống dòng nước trong xanh, cố tìm xem có còn một bộ hài cốt, một khúc xương nào của những chiến binh xưa sót lại… Cuộc nội chiến hai trăm năm ấy, xét cho cùng là một cuộc mở đất. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và tám đời chúa Nguyễn tiếp theo, nếu không bị nguy cơ của chúa Trịnh đàng ngoài tiêu diệt, thì làm sao có thể hùng mạnh tới mức, vừa chặn đứng quân Trịnh ở bắc sông Gianh, vừa mở đất về phương Nam, vừa vươn ra trấn ngự biển Đông? Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt, cuối cùng cũng mở ra một kết cục có hậu là sự lớn mạnh của Đại Việt, là sự hoàn thiện một bức dư đồ Việt Nam, mà cho tới đầu thế kỷ XIX, tức triều đại Gia Long, đã thực sự hoàn thành…

Dòng suy tưởng của Diễm bỗng bị Huy cắt ngang:

- Gần hơn nữa là cuộc chiến mà người Việt vừa đi qua. Người miền Bắc gọi là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc… Diễm này, cháu hãy tưởng tượng nhé. Ví dụ một lần nổi hứng như hôm nay, chú cháu mình bỗng vác lá cờ hòa hợp ba màu xanh, đỏ, vàng kia chạy quanh bờ hồ Hoàn Kiếm …

Diễm bỗng bật cười. Nụ cười như mếu.

- Thế thì, thưa ngài Vũ Bảo Huy… Hoặc là chúng ta sẽ nhừ đòn vì các ông dân phòng. Hoặc sẽ bị các đồng chí công an hốt ngay về trại Lộc Hà…

- Chính xác. Công an và dân phòng, chứ không phải dân chúng, đúng không? - Huy nhìn thẳng vào mắt Diễm, đưa một ngón tay lên - Có một điều khác cơ bản này mà cháu phải phân biệt. Đó là cùng một hiện tượng xuất hiện lá cờ hoà hợp kia, nhưng nếu diễn ra ở hồ Hoàn Kiếm, sẽ khác hẳn diễn ra ở quận Cam này. Một bên thì dân chúng sẽ ngấm ngầm hoặc hân hoan mở lòng đón nhận, còn công an, dân phòng sẽ sôi lên như chính quyền sắp bị lật đổ, tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa sắp bị xoá sổ như các nước Đông Âu. Một bên cảnh sát trân trọng, ôn hoà bảo vệ người biểu tình, còn dân chúng thì sục sôi, căm phẫn, thù hận, bắt nhà chức trách phải ra tay trấn áp. Ngay ở giữa nước Mỹ, một đất nước tự do, có nền dân chủ từ ngày lập quốc, mà riêng người Mỹ gốc Việt vẫn chưa học được tinh thần dân chủ. Cháu có biết, ở đất Cali này, sau năm 1995, khi bang giao Việt - Mỹ đã nối lại, cờ đỏ công khai xuất hiện, thì cộng đồng người Việt phản ứng thế nào không?

Diễm như sực nhớ ra.

- Hồi mới sang, dì Mỹ Hằng có kể , ở Little Sài Gòn có một ông chủ tiệm treo cờ đỏ và ảnh Hồ Chủ tịch trong nhà hàng, lập tức 15.000 người Việt nhà mình xuống đường biểu tình suốt 53 ngày đêm, cho đến khi lá cờ và tấm ảnh phải hạ xuống…

Huy quá rành rẽ câu chuyện bi kịch từng là tư liệu cho chuyên luận mà anh cần thu thập để hoàn thành đề tài nghiên cứu mà lâu nay anh nghiền ngẫm. Cái ông Tạ Văn Tư, chủ tiệm café Sông Hồng, hoặc là do chính quyền Hà Nội cài cắm, hoặc là nuốt phải cả một chiếc mật gấu bự, dám cả gan đem trứng chọi với đá, dám vuốt râu hùm, dám thiết lập một cứ điểm Điện Biên Phủ trong cái thung lũng Little Sài Gòn lúc nào cũng sôi sục như một Hoả Diệm Sơn. Cờ đỏ và ảnh lãnh tụ cộng sản vừa treo lên, lập tức hàng nghìn người dao búa, gậy gộc ập tới đòi đập phá nhà hàng, muốn ăn sống nuốt tươi chủ tiệm. May mà có cảnh sát và luật pháp Hoa Kỳ bảo trợ. Nhưng bất chấp luật pháp, đoàn người gào thét vây chặt dãy phố, hàng ngàn người xuống đường biểu tình phản đối. Tràn ngập hình ảnh và bài viết về chủ tiệm Tư trên các phương tiện truyền thông ở California và các tiểu bang hàng mấy tháng trời. Người ta ví chiến dịch chống Cộng này ngang với chiến dịch Điện Biên Phủ về độ dài thời gian và quy mô bao vây tiêu diệt. Cuối cùng, đến ngày thứ 53, cờ và ảnh phải hạ xuống. Rồi các cuộc biểu tình phát triển thành chiến dịch cờ vàng ở khắp các thành phố, các tiểu bang có người Việt sinh sống, đòi chính phủ Mỹ phải công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ di sản, lá cờ đại diện của cộng đồng người Việt ở Mỹ, Canada, Australia...

- Nếu trường hợp ngược lại diễn ra tại Hà Nội hay Sài Gòn, hay bất kỳ một nơi chốn nào trên đất nước hình chữ S của chúng ta, thì chẳng cần 53 ngày đêm biểu tình, mà ngay lập tức, chủ quán sẽ ngồi bóc lịch, hoặc biến khỏi mặt đất…

Diễm đọc thấy trong đôi mắt u buồn và nụ cười gượng gạo trên môi Huy một nỗi cay đắng cố nén mà vẫn không thể giấu nổi.

- Nhưng cháu vẫn không thể tha thứ cho những hooligan chính trị vừa rồi. Nếu cháu và chú không đến kịp, có thể hai chàng trai kia khó bảo toàn tính mạng. Chúng ta phải đòi cảnh sát Mỹ tóm cổ bọn hành hung và cho chúng ra toà.

Huy an ủi Diễm:

- Tât nhiên cảnh sát Mỹ sẽ không bỏ qua chuyện này… Nhưng kìa, hình như người nhà của họ đã đến.

Hai người Việt, người đàn ông tóc hoa râm, chừng bẩy mươi, nhưng còn tráng kiện và nhanh nhẹn, cùng người đàn bà không còn trẻ, nhưng vẫn nhiều nét ưa nhìn, vừa ra khỏi xe đã chạy bổ về phía phòng cấp cứu.

- Trời ơi, con tôi có làm sao không? Hành ơi… đừng làm mẹ sợ…

Tiếng người mẹ Việt kêu giữa đất Mỹ làm cả Huy và Diễm nhói tim. Dường như đó là tiếng dội từ phía bên kia bán cầu, vượt qua ngàn trùng sóng vỗ, đến đây bỗng bị chặn lại đột ngột và òa vào hai người, vây bọc lấy Diễm và Huy trong một khoảng khắc đủ làm họ mềm nhão ra.

- Cám ơn các vị đã cứu sống con chúng tôi - Từ văn phòng bệnh viện bước ra, người đàn ông dắt tay vợ đi lại phía hai ân nhân, chắp tay cung kính - Dạ thưa, chúng tôi là ba mẹ của cháu Phạm Hải Hành. Tôi tên Nhân, còn đây là vợ tôi, tên Nhạn.

Người đàn bà, như đã thân quen Diễm từ lâu lắm, vừa khóc vừa ôm chầm lấy nàng.

- Có gì đâu bác. Chúng tôi chỉ là khách qua đường… - Huy nói.

- Thấy hai anh bị đánh, cháu cũng muốn ngất xỉu. May mà cảnh sát đến kịp - Giọng Đoan Diễm vẫn chưa hết run. - Chỉ vì hai lá cờ mà các anh suýt mất mạng.

Họ lại kéo nhau đến phòng cấp cứu. Nhưng căn phòng với lớp kính dày và rèm ngăn bịt bùng vẫn không hé lộ cho họ biết gì về nạn nhân.

Bà Nhạn ngồi rũ trên ghế đợi, khóc dấm dứt. Ông chồng an ủi:

- Bình tĩnh đi em… Con vẫn còn hôn mê. Anh đã hỏi kỹ bác sĩ, họ nói, con có thể qua được…

Tâm trạng người mẹ lây sang Diễm rất nhanh. Nàng sụt sịt khóc. Dường như chính nàng cũng không thể chịu nổi nỗi mất mát có thể ập đến.

Chất giọng Hà Nội gốc của người đàn ông khiến ngay từ câu chuyện làm quen, Huy đã thấy ông thân thiết tự bao giờ.

- Thưa bác, bác là người Hà Nội ? - Huy hỏi mà như muốn khảng định.

- Vâng. Tôi là dân Bắc 54 chú ạ. Làng Mọc quê tôi bên sông Tô Lịch...

Huy thừ người giây lát, rồi như chợt nghĩ ra:

- Làng Mọc, có tên chữ là Nhân Mục… Có phải bác là nhà văn?

Làm sao Huy có thể quên những trang viết về Hà Nội đằm thắm ấy, về cái làng nhỏ bên bờ sông Tô Lịch với một giọng văn xa xót như vĩnh viễn mất đi một mối tình đầu. Cái tựa sách thật lạ, đập vào tiềm thức anh ngay khi nhìn thấy nó nằm lẫn lộn với hàng trăm cuốn sách cũ, mà rất may chưa bị đốt bởi những chiến dịch thanh trừng văn hoá, trên vỉa hè một phố nhỏ Sài Gòn. Ấy là buổi sáng Huy chia tay Thuỳ để sang Cao Miên trước chiến dịch mùa khô. Thuỳ đã mua cho anh món ăn tinh thần quý giá đó. Và đó là người bạn đồng hành và hành trang duy nhất nằm trong đáy ba lô theo anh suốt ba năm gian khổ và khốc liệt trên đất nước tử thần có tượng cười bốn mặt. Sau này, khi về Sài Gòn, Huy tiếp tục tìm trong các hiệu sách cũ để đọc sách của nhà văn Nhân Mục. Và anh đã có trong tay bộ ba tiểu thuyết của ông: “Tha hương”,“Dọc đường số Một”,“ Trông sao Bắc Đẩu”, viết về thân phận của những người trí thức miền Bắc lưu lạc phương Nam với nỗi nhớ thương đau đáu quê nhà.

- Xin lỗi, tôi nhớ không nhầm, hình như bác là tác giả tập bút ký “Nhớ Cũ” và bộ ba tiểu thuyết “Tha hương”…?

Đến lượt nhà văn Nhân Mục ngỡ ngàng. Không ngờ, giữa đất Mỹ xa xôi này lại có người nhớ đến những đứa con tinh thần của ông, đứa con mà chính ông khi trốn chạy khỏi quê hương cũng không mang theo được. Nó đã bị vứt lại, bị lãng quên, bị nghiền thành bột giấy, bị đốt cháy trong các chiến dịch thanh trừng văn hoá.

- Hân hạnh. Rất hân hạnh. – Nhà văn chắp hai tay như người mộ đạo – Tôi rất cảm động khi có người còn nhớ đến tác phẩm của mình. “Nhớ Cũ” là tình yêu, nỗi khắc khoải của một người con lang bạt nhớ về Hà Nội cố hương ...

- Tôi đọc nhiều lần nhà văn Vũ Bằng. “Thương nhớ 12” của ông da diết, khắc khoải. Nhưng “Nhớ Cũ” của nhà văn Nhân Mục lại khiến người ta nôn nao, bồn chồn, tưởng như yêu xa, một ngày không được soi bóng Hồ Gươm, đón gió Hồ Tây là trong lòng trống vắng, không yên… Trong “Nhớ Cũ” tác giả có nhắc đến đám cưới và đám tang nhà văn tài danh Vũ Trọng Phụng. Mỗi lần đọc lại không cầm nổi nước mắt…

- Nhà ông bà ngoại tôi ở cạnh nhà cụ Cửu Tích, có cô con gái út là Vũ Mỹ Lương. Năm lên sáu tuổi, tôi có được đi xem đám cưới của nhà văn Vũ Trọng Phụng và chị Vũ Mỹ Lương …

- Cách đây vài năm, tôi có được đến dự ngày giỗ của nhà văn Vũ Trọng Phụng tại làng Mọc Giáp Nhất. Thưa bác, bác có còn nhớ cái cổng làng Giáp Nhất?

- Quên làm sao được hả chú. Cổng làng tôi có ba chữ đại tự “ Tiểu Cao Đại”, không biết bây giờ có còn?

- Vẫn còn bác ạ. Ba chữ đơn giản ấy, ai cũng đọc được, mà không mấy người hiểu nghĩa. Một anh bạn nhà thơ dắt tôi đến thăm cụ Đạm, một nhà văn hoá người làng Mọc, từng là bạn của nhà văn Nguyễn Tuân và hoạ sỹ Bùi Xuân Phái. Cụ Đạm giảng giải, tôi mới hiểu thâm ý của cổ nhân. Cái bé nhỏ, khiêm nhường, chính là gốc của cái vĩ đại, cái cao cả…

- Trời ơi, có phải cụ Nguyễn Bá Đạm… Người cao lớn, có cái mũi khoằm… Ông anh họ tôi đấy… - Mắt nhà văn ngấn ướt.

Câu chuyện sơ kiến của Vũ Bảo Huy và nhà văn Nhân Mục báo trước một tình bạn vong niên mà suốt những năm tháng sau này sẽ còn nhiều gắn bó. Buổi chiều ấy, khi có thêm bà Bé Bẩy, mẹ đẻ của David Bùi và ông bố dượng Tám Út đến, Huy và Đoan Diễm nghiễm nhiên trở thành người thân, như cùng trong gia đình.

Vừa gặp bà Bé Bẩy, Đoan Diễm đã thực sự ấn tượng. Tưởng như bà vừa từ vựa rau quả chợ Bến Thành, hay tiệm phở đầu chợ Bà Chiểu, Sài Gòn đến đây. Gương mặt tròn căng rám màu bánh mật, vóc người đậm với bộ mông nở và cặp chân voi bề thế. Bao nhiêu năm sống trên đất Mỹ vẫn không mảy may suy xuyển một nét Nam Bộ nào.

- Bác ơi, cho con hỏi riêng bác nhé… – Đoan Diễm ghé sát tai bà Bẩy.

- Chuyện chi ? Tao biết mày mới ở Việt Nam sang. Muốn làm con dâu bác phải hôn? Thằng David chưa có ai đâu. Bác chấm mày đó.

- Không phải… - Diễm đỏ bừng mặt – Con muốn hỏi ba của anh David cơ. Bác yêu một người Mỹ chính hiệu nên mới đẻ được một anh chàng Mỹ lai như David. Sang bên này, mẹ con bác đã gặp người Mỹ chính hiệu ấy chưa?

Bà Bẩy ngẩn người một lát, khi hiểu ra câu chuyện thì lúng túng, ngượng ngùng:

- Còn đâu mà tìm… Ổng chết rồi… Chết từ trước năm bẩy nhăm. Bây giờ thằng David chỉ có một người cha là ông Tám Út kia kìa…

Nghe nhắc đến tên mình, ông Tám vội chạy lại.

- Nè, thằng Bùi nhà mình có khi phải cưa tay…

- Ông nói cái chi? - Bà Bẩy trừng mắt, dữ tợn như một con hổ cái - Phủi phui cái mồm ông đi. Hễ mở mồm ra là nói gở…

- Thì tôi nghe người ta nói thế - ông Tám chống chế.

- Nghe làm chi bọn thúi mồm… Kìa, ông ra xem người ta làm gì mà kéo nhau đến rần rần? Hay là bọn du côn lại định hành hung thằng Bùi nhà mình?

Tám Út giơ cẳng tay bắp chuối lên:

- Tôi thách. Trong bệnh viện này, ai dám hành hung? Tui nhận ra rồi… Bọn thúi mồm… Ký giả của mấy tờ báo chuyên săn tin đó mà…

***

Những ngày đó, báo chí người Việt ở Mỹ như vớ được vàng. Một loạt các tờ báo ở California, New York, Texas… đã đăng tin, bài và hình ảnh về sự kiện này: “Lá cờ mới của nước Việt Nam thống nhất “, “Giải pháp hoà giải, hay là chiếc bẫy của Hà Nội?”, “Đứa con của nước Việt và nước Mỹ”, “Hai Việt cộng nằm vùng đã bị vạch mặt ”… Có một vài kiến giải thấu tình đạt lý, đầy ý thức xây dựng. Có bài viết phân tích việc đưa mảng màu xanh ghép với màu vàng, đỏ chính là biểu tượng của biển Đông, là khát vọng hòa bình của toàn dân tộc. Màu xanh hiếm hoi này chính là một phần lá cờ xanh đỏ của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, từng tồn tại hợp pháp ở miền Nam từ năm 1960 đến 1975, sau đó bỗng nhiên biến mất, như một sự biển lận lịch sử, nay phải được khôi phục lại.

Đáng chú ý hơn cả là bài: “Phạm Hải Hành và David Bùi, con bài của cộng sản”, đăng trên tờ Phục Quốc có số lượng phát hành lớn ở tiểu bang, do đích thân tổng biên tập Lê Sa Biền viết, nhưng lại ký dưới một bút danh đầy tính biểu tượng hai mặt: Hoài Quốc (nhớ Nước hay phí Nước?). Bằng nhỡn quan nhà báo và tay nghề điêu luyện, Hoài Quốc đã bóc trần thân phận của hai kẻ đốt đền. David Bùi, hay Bùi Lai, sinh năm 1975, bố là lính Mỹ tại căn cứ Bến Cát, không rõ họ tên, về nước từ cuối năm 1974, mẹ là Bùi Thị Bé Bẩy, vốn là gái bán bar. Hai mẹ con cùng bố dượng Trần Út, tức Tám Út, sang Mỹ năm 1989, theo diện con lai. Phạm Hải Hành là con riêng của bà Dương Thị Nhạn, có chồng là Lương Vĩnh Nhân, tức nhà văn Nhân Mục, tác giả nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975, hiện là cây bút chủ lực các chuyên trang văn học của hai tờ báo hải ngoại Quê ViệtCố Hương.

“… Nếu không có chủ mưu của Nhân Mục, hai anh chàng ham chơi và non nớt kia làm sao nghĩ ra được ý tưởng sâu sa để thể hiện ra hai lá cờ hòa hợp? – Hoài Quốc viết – Và không phải ngẫu nhiên, càng không phải vì tình yêu nước nồng cháy mà nhà văn Nhân Mục xui trẻ bốc cứt gà. Chúng ta từng biết, Nhân Mục có một dạo lớn tiếng kêu gào cho cái gọi là “hoà hợp dân tộc”, “xoá bỏ hận thù”, ông ta hô hào Hoa Kỳ hãy sớm xoá bỏ cấm vận cho chính quyền cộng sản Hà Nội, sớm thiết lập quan hệ ngoại giao, bình thường hoá giữa hai nước. Ngay từ khi vừa thoát khỏi nhà tù cộng sản, đặt chân đến Cali, Nhân Mục đã là cộng tác viên đắc lực của tờ Văn Nghệ Tiền Phong, là bạn tâm giao của phóng viên Lê Triết, bút hiệu Tú Rua, một cây bút thân cộng sản. Lê Triết cùng vợ là Đặng Trần Thị Tuyết bị sát hại tại bãi đậu xe đầu nhà tháng 9 năm 1990. Nguyên nhân cái chết chưa được làm rõ, nhưng có nhiều nghi ngờ do những người trong Hội Phục quốc thanh trừng. Người từng đứng sau vụ treo cờ đỏ và ảnh lãnh tụ cộng sản tại quán Sông Hồng không phải ai khác, chính là tay chân của Nhân Mục. Ông bạn người Hoa nối khố của ông ta, Thái Đàm, mới chính là kẻ treo cờ và ảnh lãnh tụ cộng sản chứ không phải Tạ Văn Tư. (Thái Đàm là ai, xin được hầu chuyện bạn đọc trong những số báo tới). Để tưởng thưởng cho những hành động mẫn cán ấy, năm 2000, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã ban tặng Nhân Mục một chuyến lên Washington DC để gặp mặt lãnh tụ cộng sản vừa từ Hà Nội sang, với lý do cuộc gặp mặt Việt kiều yêu nước…”

“ Chuyến lên Washington DC ấy, nhà văn Nhân Mục của chúng ta đã gặt hái được gì? - Tổng biên tập Lê Sa Biền truy kích đến cùng - Hãy đọc lại một loạt bài viết của ông ta sau đó trên các tờ Quê Việt, Cố hương, các tạp chí Văn nghệ Tiền phong, Tha nhân… Toàn một giọng điệu kêu gọi hoà hợp một chiều của cộng sản. Hãy xoá bỏ hận thù. Hãy nhìn về tương lai. Hãy chung tay xây dựng đất nước… Điếm và hoạt đầu còn hơn cả tuyên giáo Việt cộng. Một nhà văn được chính quyền Hà Nội xếp vào danh sách chống cộng cỡ như Nhân Mục, giờ phải như thế nào mới quay ngoắt một trăm tám mươi độ như thế chứ ? Hẳn ông ta muốn lấy điểm để chính quyền Hà Nội thí cho một suất về thăm cố hương? Hẳn là ông ta đã được cộng sản Hà Nội cho ăn bánh vẽ, rồi sẽ tiếp bước tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ và đại nhạc sĩ Phạm Duy, quá hám lợi mà đã phản bội lý tưởng quốc gia, vì thế khi về Mỹ, họ càng ra rả tuyên truyền không công cho giọng điệu hoà hợp dân tộc giả dối và bỉ ổi. Nhân Mục thực sự đã lộ mặt nạ là một Việt cộng nằm vùng. Và hôm nay, thưa bạn đọc, ông bố dượng tinh quái và thâm độc đã huấn luyện cậu con riêng đi theo con đường bán mình cho quỉ…”

Lê Sa Biền đã mở đầu chiến dịch triệt hạ cha con Nhân Mục - Phạm Hải Hành bằng một trái bom không kém gì Mỹ ném xuống Hirosima cuối thế chiến thứ hai.

Không hẹn mà gặp nhau, ở chiến tuyến đối lập, tờ báo “Ánh Dương”, một tờ báo sặc mùi tuyên huấn có trụ sở tại Hà Nội đã đăng bài bình luận dưới tựa đề: “Cờ hòa hợp hay là âm mưu xóa nhòa ranh giới địch - ta”, đã kịch liệt lên án hành động của Phạm Hải Hành và David Bùi. Bài báo viết:

“Hai thanh niên trẻ Phạm Hải Hành và David Bùi chỉ là con rối trong tay những kẻ muốn phủ nhận thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, muốn xóa nhòa thành quả của cách mạng, do Bác Hồ và Đảng ta lãnh đạo. Không thể và không bao giờ có bóng dáng của lá cờ vàng trên một lá cờ nào đại diện cho dân tộc. Chính quyền tay sai Sài Gòn mãi mãi bị lịch sử đào thải, loại bỏ khỏi dòng chảy của tổ quốc Việt Nam XHCN…”

Ba ngày sau, lập tức trên tờ “Phục Quốc” của Lê Sa Biền có bài phản pháo lại:

“Nên nhớ, nếu không có Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, không có chín chúa và mười ba vua triều Nguyễn, cùng toàn thể những lưu dân đi mở cõi, thì làm gì có mảnh đất miền Nam để cho cộng sản giải phóng? Lại nữa, nếu không có những trí thức đối lập nhẹ dạ cả tin của miền Nam yêu dấu, thì làm gì có lá cờ nửa đỏ nửa xanh của lực lượng thứ ba cho cộng sản núp bóng? Lá cờ vàng, chính là nối tiếp lá cờ vàng quẻ ly của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Đó là lá cờ của dân máu đỏ da vàng Việt Nam với ba miền Bắc - Trung - Nam được hun đúc bằng máu, nước mắt, mồ hôi của hàng chục các thế hệ người Việt suốt từ mấy thế kỷ… Hẳn những người cộng sản Hà Nội thừa biết điều này. Chính vì thế mà họ, chứ không phải ai khác đã xúi giục Phạm Hải Hành và David Bùi dựng lên lá cờ hòa hợp để hòng xóa bỏ lá cờ di sản…”

Luận điệu của Lê Sa Biền quả là thâm độc.

Nhưng, ngón đòn ấy chỉ là miếng hồi đao, một ngón đòn lãng xẹt của anh chàng mãi võ để bán dầu cù là và thuốc hôi nách ở các chợ quê Nam Bộ thế kỷ trước..

So với thảm hoạ đầu đời mà chàng trai Mỹ gốc Việt Phạm Hải Hành phải hứng chịu, thì miếng hồi đao ấy, chẳng thấm tháp gì.

2

Tiếng chào đời của Phạm Hải Hành là chuỗi âm thanh đau xé giữa Biển Đông.

Trong khoang tàu như một hầm mộ chứa bẩy mươi hai con người, đúng hơn là những đống rẻ rách im lìm, thoi thóp, tiếng gào đầu đời của sinh vật mang bộ mặt người át hẳn tiếng sóng. Vào lúc khác, ở một hoàn cảnh khác, tiếng khóc ấy đủ dựng tóc gáy hết thẩy mọi người, vậy mà lúc này, chẳng làm ai động lòng, thậm chí họ không hề hay biết. Chỉ duy nhất nữ bác sỹ sản khoa Tôn Nữ Hương Giang nằm cạnh người mẹ khốn khổ đang đau đớn vật vã không còn phát ra hơi, bằng trải nghiệm nghề nghiệp của mình, biết rằng, một sinh linh khốn khổ, qua tay bà, đã được ra đời.

Theo ghi chép của bác sỹ Giang, bà đỡ của đứa trẻ kì dị sinh ra giữa Biển Đông, lúc ấy là khoảng mờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1982.

Vâng. Sinh linh đặc biệt này sinh đúng ngày 30 tháng Tư. Cách mốc lịch sử 30 tháng Tư năm 1975 đúng bẩy năm.

Lúc ấy, cả con tàu như chết. Như một con tàu ma, rách nát, tơi tả, vừa thoát khỏi cuộc cướp giết tàn bạo của bọn hải tặc, bị chết máy thả trôi giữa biển cả. Cơn lốc xoáy khủng khiếp cách đó tám ngày đã cuốn mất hai đứa trẻ và một ông già. Nửa đêm hôm qua, bọn cướp biển lại làm một cuộc tàn sát dã man hơn cả thời trung cổ.

Sau này, khi những người chứng kiến sự việc chắp mối lại, họ mới phần nào tái dựng bức tranh toàn cảnh cuộc cướp giết kinh hồn táng đởm của bọn cướp biển. Đến như Robert Louis Stevenson, cha đẻ của tiểu thuyết “Đảo giấu vàng”, có sống lại để viết tiếp về cuộc cướp giết này, thì cũng không đủ ngôn từ để miêu tả về sự tàn ác và độ phi nhân của chúng.

Bác sỹ Tôn Nữ Hương Giang nhớ lại, năm ngày trước đó là những ngày sung sướng hiếm hoi của chuyến hành trình vượt biển. Vụ cướp phá hãm hiếp dã man của bọn hải tặc ngay sau mấy ngày tàu quẩn quanh giữa hải phận quốc tế đã tưởng như xa lắc. Đến nỗi nhiều phụ nữ đã quên đi mình bị bọn cướp biển lùa sang tàu chúng, lột trần truồng để khám xét cả vùng kín xem có giấu vàng, tư trang, rồi bọn chúng còn dở trò đồi bại đầy thú tính. Tiếp đến một tuần máy tàu bị hỏng, con tàu GC 2459 trôi dạt trên biển. Rồi trận cuồng phong với vòi rồng đen kịt như muốn lật biển úp xuống. Chiếc vòi rồng khủng khiếp cùng cơn mưa giông thuở hồng hoang khiến ba người bị văng khỏi tàu, bị sóng biển cuốn đi…

Như con thuyền Noe trong Kinh Thánh, đúng lúc tuyệt vọng nhất thì phép lạ đã xui khiến một dòng biển ngầm cuốn con tàu đầy thương tích vào một hoang đảo. Khi cả tàu tỉnh ra, thì họ đã thấy con tàu GC 2459 được một tàu hải quân Mã Lai kéo vào một cửa biển. Họ bị lục soát, thẩm vấn, chị em phụ nữ bị đưa vào bốt, bị khám và “giữ hộ”tư trang, hạt xoàn trong người, nhưng rồi tất cả được quây giữa một bãi dừa, trong những lều bạt dựng tạm, xung quanh rào vội bằng dây kẽm gai, có lính gác ngày đêm. Tuy mất tự do, mất của cải, nhưng đó thực sự là bốn ngày thần tiên. Nhà chức trách nước bạn đối đãi như thực khách, cho ăn uống, băng vết thương, phát thuốc phòng ngừa và cả vitamin các loại. Hải quân bạn điều thợ giỏi đến sửa chữa tàu, hứa sẽ đưa đến trại tị nạn để chờ đi Mỹ. Ai cũng tưởng giấc mơ tới miền đất hứa đang ở trước mặt.

Đêm cuối cùng trên đất Mã là một đại dạ tiệc. Mọi người được ăn hải sản, được uống bia, trẻ em được uống coca. Mấy gia đình có người bị sóng cuốn trên biển cũng nguôi ngoai, cho rằng những người thân xấu số đã gánh cho mình tai hoạ. Sáng hôm sau, một cuộc đưa tiễn tưng bừng diễn ra trên cửa sông, nơi một doi cát nhô dài như một lưỡi dao nhọn. Những người Mã nhảy múa như một nghi thức tiễn khách quí. Đoàn khách Việt được chở trên ba chiếc canô ra khỏi cửa lạch. Ngoài kia, con tàu GC 2459 của họ được nhà chức trách cho sửa chữa ngon lành, cộng với nước ngọt và lương thực đủ dùng năm ngày, thả neo đợi sẵn. Xa nữa là một tàu hải quân Mã, có dây kéo dài, buộc với tàu vượt biên, sẵn sàng ra khơi. Khi đoàn thuyền nhân từ ba canô lên hết tàu GC 2459, một hồi còi từ tàu hải quân Mã cất lên, ầm vang vịnh biển. Trên bờ mọi người giơ tay vẫy với lời đồng thanh bằng tiếng Anh: Good bye Vietnam!

Tàu hải quân Mã dắt tàu GC 2459 ra khơi. Gần đến phao số không, bỗng từ loa phóng thanh trên tàu bạn vang lên một giọng Việt lơ lớ, tuy không lưu loát, nhưng vẫn nghe rõ từng lời:

- Các người Việt nghe đây. Nước chúng tôi đối với các người những ngày vừa qua là đã hết lòng. Bây giờ chúng tôi muốn nhìn thấy những tấm lưng của khách. Người Mã chúng tôi ngày trước còn nghèo hơn nước các người. Chúng tôi hạnh phúc vì chúng tôi sống yên bình, không thích đánh nhau. Bây giờ chúng tôi cũng không muốn các người mang mầm mống cộng sản sang đây. Hãy trở về và cam chịu sống với chế độ ưu việt nhất thế giới của các người. Đất nước chúng tôi ghê sợ Việt cộng lắm rồi… Chúc thượng lộ bình an!

Sau những lời giễu nhại khinh miệt, một loạt súng tiễn chào, rồi tàu hải quân Mã bỗng tăng tốc chóng mặt, tạo thành những đợt sóng dữ dội, khiến con tàu phía sau lảo đảo muốn lật. Thình lình dây kéo bị cắt, con tàu GC 2459 bị nhấc bổng lên, xoáy trong không trung, bị cuốn văng theo chiều li tâm, rơi hẫng giữa xoáy nước trắng xoá.

Thì ra mấy ngày qua là giới hạn nhân đạo cuối cùng. Người ta đãi đằng khách, chứa chấp những kẻ trốn chạy, cưu mang những người thất cơ lỡ vận, không phải vì quí mến, thương xót mà là để khỏi cắn rứt lương tâm và để mau chóng tống khứ những kẻ không mời ra khỏi lãnh thổ của họ.

Không thể trách nước bạn láng giềng. Hôm nay chứa chấp một con tàu, ngày mai sẽ có hàng nghìn con tàu khác lũ lượt kéo đến. Đang có hàng nghìn vạn cuộc móc nối bí mật và công khai, kín đáo và trắng trợn, chỉ cần nộp tiền, vàng, hoặc sang tên nhà, đất… là được bố trí xuống một con tàu, được bảo kê ra phao số không. Một cuộc xua đuổi và trốn chạy chưa từng có trong lịch sử người Việt. Các nước láng giềng quá hiểu điều ấy. Lòng xót thương, trắc ẩn ở họ không thể thắng nổi nỗi ghê sợ và sự khinh bỉ.

Là bác sỹ sản khoa duy nhất có mặt trên con tàu di tản, bà Giang ái ngại vô cùng cho cảnh ngộ cô giáo Dương Thị Nhạn. Đúng như cái tên Hương Giang, người thầy thuốc này có tâm hồn trong trẻo và đầy trắc ẩn của dòng sông xứ Huế. Buổi tối đầu tiên gặp nhau trong bãi sú vẹt cửa biển Gò Công, mặc dù đã quen biết trước với Phạm Hoài Bắc, chồng Nhạn, nhưng khi nhìn thấy Nhạn, một tay dắt đứa con gái bốn tuổi, tay kia đỡ chiếc bụng thây lẩy hơn bẩy tháng, trèo lên cầu tàu, bác sỹ Giang đã khuyên vợ chồng Bắc nên ở lại, chờ chuyến đi khác.

- Mạo hiểm lắm em ơi. Người bình thường đã không chịu được sóng gió. Nhạn lại mang thai thế kia, chịu sao thấu. Ở lại đi. Anh nhà chị nếu được ra tù có thể sẽ cùng đi với các em…

- Sao nghe nói, chị đã nộp đơn li dị anh rồi?

- Đành phải đóng kịch vậy thôi em ạ. Đau đớn lắm, nhưng không còn cách nào khác. Để cho mẹ con chị được đi chót lọt. Và cho anh ấy chóng được ra tù. Chị nói với anh, để chị và các cháu đi trước, chuẩn bị nơi ở rồi sẽ đón anh sang… Hay là em cũng bàn với Nhạn vậy đi. Hai ba con em đi trước. Đợi cho Nhạn ở lại sinh nở, khi nào con cứng cáp rồi em đón sang sau…

Bắc nói như khóc:

- Em đã nói với vợ em hết nước rồi, nhưng Nhạn nhất quyết không chịu. Em nhờ chị quan tâm đến cổ. Cũng đành phó mặc cho số phận thôi chị ạ.

Mặc cho số phận. Đó cũng là lời nguyền mà cả hai vợ chồng Bắc đã thề nguyện trước Chúa đêm Giáng sinh năm ngoái. Phạm Hoài Bắc vốn là y sĩ quân y, nên chỉ phải đi cải tạo ba năm. Năm 1978, ra tù, vợ sinh con, phải nghỉ dạy học, hai vợ chồng lang bạt kiếm sống nhiều nơi, tương lai mù mịt, khi gom nhặt được ít vàng, liền móc nối di tản. Hai lần đi hụt. Bị lừa, mất sạch vàng đặt cọc. Vẫn quyết ra đi. Cho nên lần này, vợ chửa vượt mặt, cũng đành đánh đổi với số phận.

Bác sỹ Giang coi những điều Phạm Hoài Bắc thổ lộ với bà như một lời ký thác, như một thiên mệnh được trao giữa biển cả. Suốt những ngày khủng khiếp vừa qua, ngoài thằng Toản, con Mai Hương, hai đứa con đi cùng, người được bác sĩ Giang đặc biệt quan tâm là mẹ con Nhạn.

Sau khi bị cắt khỏi tàu hải quân Mã, thoát khỏi cú văng li tâm nhấn chìm, con tàu GC 2459 đi về hướng đông, hưởng trọn một nửa ngày yên bình.

Buổi tối mù sương, không thấy ranh giới giữa trời và biển. Sóng bỗng lặng bất ngờ, tưởng như con tàu đang trôi trong cõi mơ. Nếu là một chuyến viễn du bình thường thì lúc này sẽ là những giờ phút thần tiên để du khách kéo nhau lên boong tàu, ngắm trăng suông, hứng gió mặn và nhâm nhi ly rượu, tách cà phê, rồi se sẽ theo nhịp đàn cất lên bản tình ca. Nhưng bây giờ thì con tàu GC 2459, như chiếc bách giữa dòng, phiêu du tiếp tục cuộc hành trình vô định. Chính lúc đó, phía trước, trong dày đặc sương mù, lù lù xuất hiện một con tàu ma đen màu hắc ín. Trừ thuyền trưởng và hoa tiêu, không ai biết mình đang đối mặt với bọn quỉ biển. Con tàu ma bỗng lên hết đèn pha chói rực, áp sát tàu di tản rất nhanh. Một tiếng va đập mạnh, rồi như chớp, hàng chục chiếc móc sắt phóng ra từ tàu cướp, mười bẩy bóng đen, súng M79, dáo mác cầm tay nhất tề nhảy lên tàu di tản. Thuyền trưởng và hoa tiêu bị đánh gục ngay buồng lái. Đèn pin rọi vào từng ngóc ngách. Một người đàn ông cao lớn trong cơn hoảng loạn vừa hét, vừa cầm gậy nhảy vụt lên từ khoang tàu, liền bị một băng đạn, nằm gục giữa lối đi. Bọn cướp dồn mọi người lên boong tàu, bắt cởi quần áo lục soát, tìm vàng và đồ tư trang còn lại. Một số tên dùng búa nậy ván sàn tàu để tìm vàng cất giấu. Trong một góc hầm tàu, hai tên cướp đang lột truồng một phụ nữ cưỡng hiếp. Ở một góc khuất, ánh đèn pin của gã râu xồm tay cầm khẩu Pạc-hoọc chĩa thẳng vào mặt Nhạn. Một giọng Việt lơ lớ, giống như cái giọng trên con tàu hải quân hôm qua, reo lên: “Hơ hơ… Đ. cái l. chửa sướng nửa tháng giời, chúng bay ơi…” Cô giáo Nhạn rú lên, lủi sâu vào trong góc, hai tay ôm lấy bụng. Bé Yến từ đâu đó lao ra, gào xé giọng: “ Má… Cứu má, ba ơi...” Một tiếng thét kinh hồn của Bắc, kèm theo là một cú đá song phi vào thẳng mặt tên râu xồm khi hắn vừa xé toạc váy của Nhạn. Ngay sau đó là hai phát súng làm cả tàu chết lặng. Bắc và con gái nằm vật, ôm lấy người đàn bà ngã ngửa, quần áo bị xé toang, lồ lộ một vùng tròn căng trắng mờ…

Vụ cướp giết hiếp chỉ diễn ra không đầy ba mươi phút.

Phải gần tiếng sau, khi bọn hải tặc bỏ đi, mọi người mới hoàn hồn. Phạm Hoài Bắc và con gái Phạm Thị Hải Yến, cùng người đàn ông xấu số được bó trong những mảnh chăn đưa lên boong tàu. Trong khói hương, sau những nghi lễ đưa tiễn, xác họ được dòng xuống biển, rồi mất hút sau thân tàu.

Mọi người cố tình không cho cô giáo Nhạn chứng kiến đám tang. Chị được mẹ con bà Giang dìu vào một góc khoang, cách hẳn chỗ gia đình chị vẫn nằm, nơi đó có ô cửa sổ kính, mờ mờ ánh trăng. Hầu như Nhạn không hay biết những gì tiếp diễn sau khi chồng và con gái bị giết. Bác sĩ Giang, bằng lương tâm thầy thuốc và kinh nghiệm từng trải, đã làm tất cả những gì cần phải làm. Bà nằm bên Nhạn, cố chống lại giấc ngủ để canh chừng một ca đẻ non rất có thể xảy ra. Nhất định phải cứu lấy người mẹ, nếu như không cứu được cả hai.

Vào lúc mờ sáng, bác sỹ Giang đang thiếp đi cùng một cơn mơ kỳ quái, thì một cú đạp mạnh bỗng làm bà bật dậy. Rõ ràng người chồng bị giam biền biệt bẩy năm trong tù đang đứng sau song sắt nhìn bà như van vỉ và bảo: “Đừng giết con chuột. Nó là bạn thân thiết của bọn anh đấy…” Chưa kịp giải mã giấc mơ nói điều gì, thì Nhạn bỗng quờ tay chới với và kêu ú ớ. Bà Giang luồn bàn tay dưới đũng váy người đàn bà. Máu hay nước? Cả hai. Kinh nghiệm của người từng đỡ hàng trăm ca đẻ, người bác sĩ sản khoa biết rằng Nhạn đang vỡ ối. Trong trường hợp này, không còn sức để rặn, chắc chắn đứa bé sẽ chết ngạt.

- Mai Hương ơi, dậy mau. Giúp mẹ một tay - Bà Giang lay đứa con gái nằm cạnh. Cô bé lồm cồm trở dậy. Biết ý mẹ, Hương lấy chai nước giấu trong góc, rồi cùng đỡ Nhạn lên, cho chị uống. Làm xong cử chỉ của một người hộ lý nghĩa hiệp, chỉ lát sau, cô bé lại đổ gục xuống vì không chống đỡ nổi cơn buồn ngủ.

- Nhạn ơi, cố lên em. Mở chân ra. Rặn đi… Em bé sắp ra rồi...

Dường như Nhạn không còn sức. Chị mặc cho bác sĩ Giang hết dỗ dành lại ra lệnh. Sức bà cũng đuối lắm rồi. Tiếng nói thều thào, không ra hơi.

Bác sĩ Giang lùa bàn tay vào cửa mình sản phụ. Đã sờ thấy một chỏm tóc mềm. Ngôi thuận rồi đây. Nếu Nhạn rặn mạnh, chắc đứa bé sẽ ra được.

Thời gian như ngừng trôi. Con tàu như cũng quá mệt, lắc lư trên sóng. Ngoài kia hình như trăng suông. Và biển chừng ngái ngủ.

Cô giáo Nhạn bỗng cựa mình, hơi dướn lên. Đôi tay bác sỹ Giang chợt run khẽ. Bà căng mắt nhòm sâu vào cửa mình sản phụ. Trời ơi, không thể tin được. Như từ trong một ống cống, một sinh vật với chỏm đầu mềm ướt lông tơ, giống như một con chuột cống, bỗng cựa quậy toài ra. Xoà cả hai tay, người bác sỹ run rẩy đỡ lấy đứa trẻ mà bà biết chắc là thằng bé, rồi bằng một động tác nhanh nhẹn, cực kỳ khéo léo, bà nhấc nhẹ thằng bé lên.

Tiếng khóc đầu đời như xé nát con tàu lúc ấy đang lịm chết giữa biển.

***

Không chỉ bác sỹ Tôn Nữ Hương Giang, mà cả con tàu GC 2459, cùng không thể hiểu nổi, bằng cách nào hai mẹ con cô giáo Nhạn sống sót, và cả con tàu của họ, lúc ấy còn sót lại bẩy mươi hai người, đều sống sót. Chỉ có thể lý giải rằng, hồng phúc của họ quá lớn và cung mệnh của thằng bé quá vững. Mọi người cùng thống nhất đặt tên nó là Thuyền Nhân.

- Còn một lon sữa, dành cho thằng Thuyền Nhân này.

- Miếng vải này làm tã lót thì thằng Thuyền Nhân kém gì Hoàng tử. Nào, cho tôi bế con chuột nhắt một chút xíu…

- Tội nghiệp. Lẽ ra phải hơn tháng nữa mới phải làm… người… Thằng Thuyền Nhân này mới đích thực là “ không quê hương sương gió tơi bời…”

Người vừa đọc câu thơ Tố Hữu với giọng đùa thâm thuý ấy là nhà nghiên cứu Đặng Trần Nghị, vốn là giáo sư Viện đại học Vạn Hạnh, nổi tiếng tướng số tử vi, có quen biết gia đình bác sỹ Hương Giang. Suốt những ngày qua, không mấy khi ông dời cuốn sách Tử Vi mang theo, giờ ông mới đưa ra một đề xuất:

- Cậu bé này chính là Trời sai xuống cứu chúng ta. Độ này dư luận thế giới gọi người Việt vượt biên chúng ta là Boat People, tức là Thuyền Nhân, đặt tên này cho thằng bé là chí lý lắm. Nhưng mà, tục danh Thuyền Nhân thì được, chứ tên khai sinh thì không nghiêm túc. Tôi xin thưa với cô giáo Nhạn là mẹ đẻ, cùng bác sỹ Giang là mẹ đỡ đầu của cháu, cùng tất cả mọi người, chúng ta phải tìm đặt cho cháu một cái tên khai sinh thật ý nghĩa.

Đám người chết giấc, đói lả nằm rải rác từng đống, thấy ông thầy tử vi đề xuất, đều nhổm cả dậy, như cùng hồi tỉnh lại. Rất có thể cậu bé Thuyền Nhân là người nhà trời sai xuống. Giáo sư Đặng Trần Nghị đã bấm tuổi cả ba bố con rồi. Quẻ Vô chính diệu. Cơ Nguyệt Đồng Lương, Văn xương, Văn khúc trấn cung Mệnh. Cậu bé này được cả giờ, tháng, năm sinh. Năm Nhâm Tuất, tháng Thìn, giờ Dần, lại sinh ra trên thuyền, tức là thổ dưỡng mộc, là loại chó ngao dưới thuỷ cung, trời đánh không chết. Nhưng sinh phải ngày hung tinh, Tuần, Triệt tại cung Mệnh, gặp Kình dương, Lưu hà, Đẩu quân, Đà la, Thiên hư, Thiên khốc ở cung Phụ, cung Bào. Thằng con ra, thì ông bố phải chết. Đứa em ra thì con chị phải chết. Số tử vi như vậy, nhất định không phải người thường…

Giáo sư Nghị đã làm những kẻ sắp đắm tàu bỗng vớ được cọc. Như một lớp học trước cuộc sát hạch đỗ hoặc trượt, ai cũng muốn tham góp. Những cái tên Đông Hải, Hải Nhân, Việt Tiến, Đông Tiến, Mỹ Hảo, Nam Nhân, Hoài Việt… được đưa ra chọn lựa. Cuối cùng, cái tên Phạm Hải Hành - Cuộc hành trình trên biển - do bác sỹ Tôn Nữ Hương Giang và giáo sư Đặng Trần Nghị cùng đưa ra, vừa là dấu ấn riêng của đứa bé, vừa là kỷ niệm chung của cuộc vượt qua hải ngục này, được mọi người nhất trí.

Phạm Hải Hành trở thành con chung của con tàu di tản. Và, đúng như dự đoán của vị giáo sư kiêm nhà tử vi, từ khi Thuyền Nhân Phạm Hải Hành sinh ra, con tàu bỗng thuận buồm xuôi gió. Ba ngày sau, tàu GC 2459 được một tàu chở hàng mang cờ Ba Lan lai dắt cập đảo Ruồi, thuộc nhóm đảo Lee Tung, Indonesia.

3

Chỉ một đêm, mái tóc cô giáo Nhạn bạc thêm quá nửa.

Suốt hai mươi sáu tiếng đồng hồ, Phạm Hải Hành vẫn nằm bất động. Một giấc ngủ sâu, tới mức có thể là vĩnh viễn.

Đêm thật dài và yên tĩnh như trong mơ hồ, mộng mị. Căn phòng chỉ có hai mẹ con và những màn hình, những máy móc dây dợ xung quanh. Nó gợi nhớ con tàu di tản năm nào. Cả khoang tàu như chết. Chỉ duy nhất có một sinh vật đang ngọ nguậy trong bụng Nhạn, đang cố vùng thoát ra ngoài.

Cả một quá khứ dài dặc, cay đắng hai mươi năm qua ào ạt hiện về. Không ai có thể xâu chuỗi, chọn lọc, bện thắt lại một cách mạch lạc, rành rẽ, khúc chiết bằng người mẹ đang ngồi bên con trong đêm dài bệnh viện.

Rất lâu rồi, có lẽ từ cái đêm khủng khiếp chồng và con gái bị bọn cướp biển giết và ngay sau đó một ngày, Phạm Hải Hành ra đời trên con tàu rách nát giữa trùng khơi ấy, đêm nay câu chuyện tiền kiếp bỗng hiện ra, như bóng ma quá khứ đầy ám ảnh và hăm doạ. Dường như có lúc, Phạm Hoài Bắc dắt con gái Phạm Hải Yến bất chợt trở về. Hai cha con cứ đứng quẩn quanh đầu giường Hành, lúc ẩn lúc hiện, và cố tình không muốn giáp mặt Nhạn. “Anh Bắc ơi, em van anh, đừng bắt thằng bé đi. Hãy để con ở lại với em - Nhạn van vỉ - Em biết, em có tội với hai cha con. Em không thể ở vậy để nuôi thằng Thuyền Nhân. Tha hương trên đất người, tồn tại được đã không dễ, huống chi phải nuôi dạy con, hướng nó về với cội nguồn. Hãy bắt tội em chứ đừng bắt con. Hãy phù hộ cho con qua khỏi và khôn lớn. Nhất định em sẽ truyền lại cho con những điều bà nội từng ký thác…”

Nhạn nhớ ngày vợ chồng đưa con Yến về thăm bà nội lần cuối trước khi vượt biển. Chưa làm vợ Bắc, nhưng ba năm Bắc đi cải tạo, ngoài việc thăm nom anh, Nhạn luôn dành thời gian vài ba tháng về thăm bà nội Bắc một lần. Nội nuôi dưỡng anh từ khi mới lọt lòng. Bắc có cha mẹ nhưng lại là đứa trẻ bơ vơ. Vì thế bà nội là tất cả.

Cái xóm nhỏ bốn bề cồn cát gần một con lạch đổ ra biển ấy, đã hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn, tới mức căn nhà cổ của tổ phụ dòng họ Phạm để lại, giờ chỉ còn duy nhất một chiếc củng thờ, như một khối u loang lổ vôi gạch nhô ra. Trong căn nhà lá dựng lại sau chiến tranh, cũng không hiểu bằng cách nào còn sót lại hai người đàn bà, gầy gò cổ lỗ suýt soát nhau, nhưng lại là hai mẹ con. Người già chính là bà nội của Bắc, còn người nhỏ tuổi hơn là cô Út, con gái của bà cụ. Ở khu chợ Cồn ngoài cầu Đá, người ta gọi cụ là bà Hai Trầu. Suốt bao nhiêu năm bà ngồi dưới gốc cây dầu cổ thụ ở đầu chợ với một mẹt trầu cau. Người già trong vùng kể lại, thời trẻ, cả hai ông bà đều làm nghề buôn cau, vào tận vùng Phú Yên, Khánh Hoà, lên tận vùng núi Trà Bồng, Trà Mi để mua cau. Lúc phát đạt nhất họ còn có xưởng sấy cau khô để bán sang Tầu. Sau khi chồng mất, rồi chiến tranh liên miên, rồi người con trai thứ hai cũng bị chết vì bom đạn, bà cụ lại về bán trầu cau ở chợ Cồn. Cuối đời có thêm cô con gái út lỡ dở về ở cùng. Hai mẹ con suốt ngày như hai cái bóng.

Cụ Hai Trầu có hai người con trai. Người con cả tên Phạm Trọng Bửu, người em là Phạm Trọng Bối. Cả hai anh em đều được bố mẹ cho ăn học trường Nam, rồi trường Tây, đỗ tới Thành chung. Người anh bỏ học giữa chừng, tham gia Việt Minh. Năm 1954, Phạm Trọng Bửu vào Quy Nhơn xuống tàu tập kết ra Bắc, để lại người vợ trẻ với chiếc bào thai mấy tuần trong bụng. Tám tháng sau, đứa con ra đời, được ông bà nội đặt tên là Phạm Hoài Bắc, để ghi nhớ người con đang ngoài xứ Bắc. Năm sau, nghe nói có người từ trên xanh về tìm gặp người con dâu cả, rồi móc nối, đưa đi, bỏ lại đứa con mới chập chững cho ông bà nội. Từ ấy người mẹ đẻ Phạm Hoài Bắc bặt vô âm tín.

Người em Phạm Trọng Bối đã có lúc leo tới chót vót nấc thang quyền lực chính thể Việt Nam Cộng hoà. Ấy là năm 1972, ông từng đeo lon đại tá, tư lệnh mặt trận An Lộc. Nhưng rồi mùa hè đỏ lửa năm ấy, để tử thủ bảo vệ phòng tuyến tây bắc Sài Gòn, chặn đứng bước tiến của quân cộng sản miền Bắc từ Lộc Ninh theo đường 13 tràn xuống, đại tá Phạm Trọng Bối và hai cộng sự cùng bị chôn chung trong một căn hầm trong rừng cao su dưới làn hoả pháo dày đặc của đối phương.

Sau năm 1975, bà cụ Hai Trầu và cô Út quyết không dời căn nhà cũ gần chợ Cồn, Cầu Đá, chỉ với một hy vọng mong manh: Người con trai cả Phạm Trọng Bửu có thể trở về. Nhiều lần bà đã nói với vợ chồng thằng cháu đích tôn như thế. Bằng chứng là, vào những năm 1963, 1964 gì đó, khi thằng Bắc mới chừng mười tuổi, một đêm thằng Ba Bối bỗng đi xe Jeep dẫn mấy đứa ác ôn trên đồn Cầu Đá về nhà. Nó bảo, có tin mật báo, anh Hai từ miền Bắc mới đột nhập vĩ tuyến trở về. Thể nào anh Hai cũng về gặp má. Con về đây đón lõng. Nếu anh Hai về con quyết xin ông cộng sản ấy cái đầu nộp Chánh phủ quốc gia. Phục kích cả tuần liền mà không thấy bóng dáng thằng Hai, Ba Bối đành kéo lính về đồn. Vài tháng sau, Ba Bối nói: Anh Hai chết rồi. Ảnh từ trên xanh luồn xuống vùng Điện Bàn, bị pháo hạm Mỹ bắn thủng ruột, chết giữa sông Thu Bồn…

Bà cụ không tin lời Ba Bối. Nó nói thế cốt để cho bà khỏi chờ, và để vợ chồng nó đón bà vô Sài Gòn. Bà đinh ninh thằng Hai Bửu con bà không thể chết. Ngay cả sau khi đại tá Phạm Trọng Bối chết ở mặt trận An Lộc, bà cụ Hai Trầu vẫn nhất định không bỏ nhà đi theo con dâu và các cháu. Bà chờ đợi mỏi mòn gần mười năm, cho đến ngày giải phóng. Và rồi thời gian đủ cho bà hiểu rằng đứa con mà bà chờ suốt mấy mươi năm, mãi mãi không về.

- Nội chẳng còn sống được mấy nữa - Cụ Hai Trầu đã nói với vợ chồng Bắc lần họ về thăm cụ lần cuối - Các con hãy đưa nhau đi đi. Đi thật xa… Dòng họ Phạm chỉ còn mình con thôi… Phải đi thật xa. Và cố sinh lấy một đứa nối dõi… Phải đi thật xa mới mong giữ được dòng tộc…

Bà cụ bảo cô Út lấy từ trong đáy cái củng thờ, nơi có một ngách sâu, như ngách hầm bí mật, một ống quyển to chừng bắp tay, dài khoảng hai gang tay. Đó là một ống tre già, lên nước nâu bóng, một đầu là mấu tre, đầu kia có nắp cũng bằng một mấu tre, vừa khít. Bên trong, chỉ có một cuốn sách giấy bản, bìa tráng bằng thứ nhựa nâu nứt nẻ.

- Cuốn sách này viết gì, nội cũng không đọc được. Chỉ biết đó là gia phả dòng họ, thuỷ tổ từ Bắc Hà, các cụ xưa truyền lại. Còn đây – tự tay bà cụ lấy từ trong ống tre một vật bằng thứ gỗ đen bóng, như chiếc đũa, dài chừng mười lăm phân, một đầu nhọn, đầu kia gắn một viên đá màu lục thuỷ - Đây là cái trâm gia bảo, theo cụ thuỷ tổ đã nhiều đời. Cây trâm này chỉ truyền cho con dâu trưởng, cháu dâu trưởng chứ không thể truyền cho con gái. Cuốn sách này nội giao cho thằng Bắc, còn cây trâm này, con Nhạn hãy giữ bên mình…

Một ngày sau, bà nội mất. Lo đám tang cho nội xong, hai vợ chồng Bắc, Nhạn và con gái lên con tàu GC 2459 vượt biển.

Kỷ vật và lời trăng trối cuối cùng của người dâu trưởng họ Phạm, giờ đây là bí mật duy nhất mà chỉ cô giáo Nhạn giữ được. Ống tre ấy giờ ở đâu? Trong chiếc valy da còn sót lại ở trại tị nạn đảo Ruồi, hay đã bị nằm dưới đáy biển cùng với con tàu rách nát? Câu hỏi ấy bỗng xoáy trong đầu khiến cô giáo Nhạn hốt hoảng sực tỉnh. Trời ơi, suốt bao nhiêu năm, nhiều lúc tưởng đã quên, tưởng như không có vật ấy tồn tại trên đời. Vậy mà đêm nay, trước cái sống và cái chết của con trai, trong chập chờn tâm linh mách bảo, cô giáo Nhạn mới sực nhớ ra. Người cô lạnh toát, rồi nóng bừng bừng. Cô nghiêng má, ghé sát mặt con trai và chợt rùng mình kêu hốt hoảng:

- Bác sỹ. Có bác sỹ nào đó không? Con tôi…

Bà y sỹ da đen trực phòng xuất hiện như một rô bốt. Bà cúi nhìn bệnh nhân, kiểm tra ống thở, màn hình, rồi xua tay nói với người mẹ:

- You need to keep calm, do not worry. The patien is still in a comma, but show no critical condition at the moment… (Bà hãy bình tĩnh. Đừng la hét như thế. Bệnh nhân vẫn còn hôn mê. Chưa có dấu hiệu gì nguy kịch…)

Người y sỹ đi rồi, nỗi lo sợ đến với người mẹ không còn ở nơi giường bệnh con trai nữa, mà lại hướng đến những kỷ vật của người bà nội mà cho đến giờ, bà Nhạn vẫn không biết còn hay mất. Chiếc va ly ấy ở đâu? Chiếc ống quyển và cây trâm ấy còn không? Bốn tháng ở đảo Ruồi, hầu như bà Nhạn chỉ biết có thằng Thuyền Nhân. Tất cả mọi đồ dùng sinh hoạt, giấy tờ, thủ tục xin tị nạn, thậm chí bữa ăn hằng ngày cho mẹ con Nhạn, Bác sỹ Hương Giang đều lo hết. Nếu chiếc ống tre không có trong mấy thứ đồ đạc đưa tới Mỹ thì chắc đã bỏ lại đảo Ruồi?

Có một điều gì như tiền định khiến cô giáo Nhạn thấy bấn loạn. Dường như có sự trùng hợp đến ngẫu nhiên giữa những người đàn ông thuộc các thế hệ khác nhau trong dòng họ Phạm. Thuỷ tổ dòng họ Phạm ở đâu? Vào Nam từ khi nào? Với ai? Không rõ. Chỉ biết sơ qua từ đời cố tổ. Cố tổ theo vua Gia Long đánh nhau với quân Tây Sơn, bị chết trận khi cố nội còn trong bào thai. Cố nội theo hầu vua Hàm Nghi, rồi theo phong trào Cần vương chống Pháp, bị tử thương, rồi ốm chết khi cụ nội mới ba tuổi. Hai mươi ba tuổi, cụ nội có chân trong tổ chức hội kín chống đi sâu ở Trung kỳ, bị Pháp bắt đày đi Côn Lôn. Năm đó ông nội mới lẫm chẫm đi. Đến lượt Phạm Hoài Bắc ra đời cũng không biết mặt cha. Rồi Phạm Hải Hành đẻ non giữa biển một ngày sau khi cha và chị gái bị giết… Không thể có sự ngẫu nhiên. Sự xuất hiện và mất đi của các thế hệ dòng họ Phạm như có một bàn tay thần bí nào sắp đặt, như đó là định mệnh, như tiền nghiệp. Và dường như bà nội Bắc đã đoán định trước những gì của tương lai. Cả cuộc đời trầm luân khổ ải của bà đã giúp bà có khả năng tiên lượng được những gì sắp xảy ra với dòng họ. Và, lần gặp cuối cùng với vợ chồng đứa cháu đích tôn, bà chỉ một mực khăng khăng giục giã: Hãy đưa nhau đi đi… Phải đi thật xa mới giữ được dòng tộc…

Đi thật xa… Cả một đại dương mênh mông với muôn trùng sóng gió, bão giông, thuỷ quái, cướp biển, sóng thần… đã là xa chưa? Đi thật xa… Từ một bãi sú vẹt ở cửa biển Gò Công bên bờ tây Thái Bình Dương, đến một hòn đảo giữa đại dương đen đặc đầy ruồi, đen đặc người Việt tị nạn, rồi tới khu phố nhà chọc trời người tứ xứ da đen da vàng da trắng da đỏ bên bờ đông Thái Bình Dương này đã là xa chưa? Suốt hai mươi năm, không biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm, bao nhiêu mùa tuyết phủ trắng xoá trên dãy núi sau nhà, mỗi lần Tết đến lại thắp hương bái vọng về phía tây, nhớ thương đến không cùng, cô đơn, hoang vắng đến vô cùng. Không, cô giáo Nhạn đinh ninh chiếc ống quyển tre gia bảo ấy đã được bác sỹ Hương Giang đưa từ đảo Ruồi tới Cali, qua mấy cuộc chuyển nhà vẫn được cất ở đâu đó, trong nhà kho hay trong một góc kín nào đó. Giao thừa năm ngoái, cô giáo Nhạn đã dự định rằng, Tết sang năm, khi Thuyền Nhân 20 tuổi, đúng thời khắc trừ tịch, sẽ mở chiếc va ly da cũ kĩ, lấy ống quyển tre ra, để nói với con trai về cuốn sách và cây trâm gia bảo của dòng họ mà trước khi bố mẹ biệt xứ, bà nội đã dặn lại…

Nhưng bây giờ? Liệu có muộn quá không? Con ơi, liệu con trai của mẹ có vượt qua được tuổi 20 không? Cái dớp nghiệp chướng của dòng họ Phạm có chừa con ra không? Một nỗi sợ hãi bao trùm choáng ngợp khiến cô giáo Nhạn toát mồ hôi, rùng mình, choàng tay ôm lấy con, thổn thức.

Thật lạ, như thấu hiểu trái tim mẹ, người con trai sau hai mươi sáu giờ hôn mê, hai mươi sáu giờ tưởng như chết, bỗng cựa mình.

- Kìa, con… con tôi… - Những rung động rất nhỏ của con trai, lập tức truyền vào tận đáy tim người mẹ.

Cái đầu quấn băng trắng toát cử động. Những ngón tay cử động. Đôi môi khô khát mấp máy:

- Mẹ!... Mẹ… ơi…

Tiếng gọi Mẹ yếu ớt cất lên nhưng sao như vang xa, ngân rung khắp căn phòng. Một tiếng gọi thuần Việt, chứ không phải tiếng Anh, tiếng Mỹ.

- Ôi, con tôi tỉnh rồi – Cô giáo Nhạn nấc lên – Con ơi, suốt đêm qua con làm mẹ sợ…

Người y sĩ da đen, rồi hai bác sỹ cùng mở cửa, ào đến. Họ ôm lấy người mẹ. Họ muốn thay người con chia sẻ niềm hạnh phúc quá lớn với người mẹ Việt.

***

Căn nhà kho, nơi để những đồ cũ là một gian nhà ở góc vườn gần sát lối xuống hồ, cách nhà chính một khoảng sân cỏ rộng. Cạnh đó, nhà văn Nhân Mục trồng một hàng trúc và hai cây dừa, giống dừa mà ông nhờ người mang từ Bình Định sang. Từ cửa sổ phòng viết của ông, nhìn xuống, gian nhà kho và hai cây dừa, những khóm trúc, luôn tạo cảm giác như ông đang sống ở quê Việt.

Hồi mới chuyển nhà từ San Diego đến đây, những ngày hè, hai anh em Toản và Thuyền Nhân thường hay rủ nhau ngủ và học đêm dưới nhà kho cho yên tĩnh. Lâu dần, đồ thải, đồ cũ chất đầy, thậm chí có cả một chiếc Volkswagen của Toản và hai chiếc xe đạp của Mai Hương để lại khi họ đã đi làm và có gia đình riêng. Với nhà văn Nhân Mục, nơi đây giống như một bảo tàng hơn là một nhà kho. Trong đó không chỉ đơn thuần là những đồ vật, một phần không nhỏ là những vật dụng mà chính tay bác sỹ Hương Giang mang từ Việt Nam sang, tựa như chúng là những phần của quá khứ, như có tâm hồn, mang trong mình biết bao buồn vui, đau đớn, nhớ nhung, tủi cực… Rất lâu rồi ông không đặt chân tới, đúng hơn là ông không dám đặt chân tới. Ông sợ phải đụng chạm tới những vết thương cũ, sợ phải gợi nhớ những ngày xưa cũ. Có lần, cần tìm một thứ gì đó, ông lấy chìa khoá mở nhà kho. Lạ chưa, cánh cửa vừa hé mở, từ trong một góc tối lờ mờ, bỗng thấy Tôn Nữ Hương Giang hiện ra. Đôi mắt nàng u buồn, nhìn ông rất lâu, như muốn nói: Anh quên em rồi. Biết thế em chẳng mối lái Nhạn cho anh. Có mới anh đã nới cũ rồi. Đàn ông các anh bao giờ cũng chỉ muốn tìm thú vui mới… Ông hốt hoảng xua tay và nói: Không, đừng nghĩ oan cho anh. Nếu không có em dàn xếp, thì anh nào biết đến mẹ con Nhạn… Nhạn luôn kể về em, cô ấy luôn coi mình là phiên bản, là cái bóng của em thôi… Vừa định giang tay ôm, thì Hương Giang đã biến mất.

Cái nhà kho, dường như cũng là một phần đời của mấy đứa trẻ. Cả thằng Toản, con Mai Hương, thằng Thuyền Nhân, con Việt Yến đều có những góc riêng của chúng ở trong đó. Kia, chiếc võng từ thuở đảo Ruồi, mỗi lần có chuyện gì, thằng Toản thường xuống nằm một mình, rồi ngủ thiếp đi trên đó. Hình như nó nằm đó để ngóng lời ru của mẹ. Và kia, chiếc xe đạp điện của Mai Hương, mà có lần ông bảo: “Con xem chiếc xe còn dùng được thì mang về cho Alice… ” Mai Hương nhìn ông như trách móc: “ Xe của mẹ Hương Giang đấy bố ạ. Ngày mới sang mẹ luôn dùng chiếc xe này chở anh Toản và con đi học và mua đồ ở downtown. Chúng con đang dự định làm một bảo tàng mini cho mẹ. Cần phải lưu giữ lại tất cả những gì thuộc về mẹ.” Lời con gái khiến ông thấy rưng rưng trong lòng. Đúng là càng ngày sự trống vắng của Hương Giang càng trở nên không gì khỏa lấp được.

Đau đớn quá, đặt chân tới đất Mỹ ông mới biết rằng Tôn Nữ Hương Giang đã bỏ ông ra đi hơn bốn tháng rồi. Hương Giang vào hùa cùng hai con đánh lừa ông để ông yên tâm sang Mỹ. Từ sân bay LAX, Los Angeles, ông đòi được đến thẳng nghĩa trang ở Santa Ana. Cuộc gặp gỡ giữa hai vợ chồng sau chín năm ông sống trong nhà tù cộng sản và cũng ngần ấy năm bà bươn trải nuôi hai đứa con thơ, rồi ba mẹ con vượt ngàn trùng biển cả, có ai ngờ lại là ở cái nghĩa địa như một thảo nguyên mênh mông này. Hương Giang, em đâu rồi? Ông gào lên. Sao em nỡ bỏ anh và các con bơ vơ nơi xứ người? Hai đứa con, thằng Toản và con Mai Hương đứng nép vào ông. Rồi Mai Hương lặng lẽ quay lại phía sau dắt đến bên ông một thiếu phụ và một thằng bé bước đi lũn cũn. Đó là Nhạn và thằng Thuyền Nhân. Nhưng lúc ấy, ông không thấy gì cả. Ông nằm vật xuống cỏ. Tự nhiên vang lên trong ông câu thơ của Nguyễn Du: “Sè sè nấm đất bên đường. Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Ông muốn ôm lấy hình bóng khuất dưới lớp cỏ. Âm thầm tưới nước mắt xuống cỏ. Hương Giang, sao em nỡ giấu anh? Lá thư em gửi từ nước Mỹ về khi anh vừa ra khỏi nhà tù, không phải chữ của em. Anh đồ rằng đó là nét chữ của người khác, không phải chữ con Mai Hương, mà là của một phụ nữ khác. Lá thư vẫn còn trong túi áo anh đây. Em sung sướng báo tin sau khi ba mẹ con dời khu trại tị nạn Lee Tung sang Singapore, rồi sang California, và được chính quyền sở tại bố trí nơi ăn chốn ở rất chu đáo. Em khoe đã có một người bạn kết nghĩa, một người em thân thiết hơn cả chị em ruột, là cô giáo Dương Thị Nhạn. Em còn có thêm một đứa con trai rất đáng yêu, mà em nhận là mẹ đỡ đầu. Nó sẽ là con chung của ba chúng ta. Tên nó là Thuyền Nhân…

Ôi, hoá ra tất cả những điều này đã được Hương Giang trù tính, như sự sắp đặt của định mệnh. Hương Giang đã lặng lẽ thu xếp cuộc hôn nhân rổ rá cạp lại giữa ông và cô giáo Nhạn ngay từ khi biết mình trọng bệnh, thu xếp chu đáo tới mức cả ông và Nhạn đều không thể cưỡng lại. Lá huyết thư, hay chúc thư, hay di chúc, do chính tay Hương Giang viết, theo nét chữ và màu mực thì hẳn là vào nhiều thời điểm khác nhau, tâm trạng khác nhau, trong đau đớn và khó nhọc lắm, rồi trao cho con trai lớn Lương Vĩnh Toản cất giữ, chỉ được đưa tận tay ông ngay sau ngày ông đặt chân tới đất Mỹ. “ Ba ơi, đây là lời trăng trối của mẹ. Mẹ bảo con giữ để đưa cho ba.”

Từng chữ từng lời, sao mà quên được. Chỉ đọc một lần sẽ nhớ suốt đời. Lúc nào lời Hương Giang cũng văng vẳng:

“ Anh thân yêu! Con cáo chết để da. Con người chết để tiếng. Đây là những lời cầu xin cuối cùng của em. Em không xin gì cho em, mà chính là vì anh và các con…

Anh ơi, nếu anh còn là một nhà văn, thì anh phải viết về những cuộc vượt biển của người Việt. Những cuộc trốn chạy khỏi Tổ quốc thê thảm và đau thương nhất trong lịch sử người Việt. Chính những ngày thập tử nhất sinh này, em đã sơ nhiễm căn bệnh ung thư máu, mà khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Bù lại, trong cuộc đi tìm miền đất hứa, Trời Phật đã cho em gặp một người đàn bà mà số phận nghiệt ngã tưởng đã vùi sâu đáy biển. Nghề thầy thuốc đã giúp em cứu được cả hai mẹ con, khi người đàn bà ấy vượt cạn trên con tàu rách nát vừa qua cuộc tàn sát của bọn hải tặc, trong đó chồng và con gái của cô ấy là nạn nhân. Người đó chính là Dương Thị Nhạn, một cô giáo dạy tiểu học, nhưng có phẩm chất và tâm hồn một người mẹ dịu hiền. Những ngày thiếu vắng anh, em thực sự có Nhạn làm bạn, cũng như định mệnh đã cho thằng Thuyền Nhân vào cửa nhà mình. Em coi Thuyền Nhân như con và Nhạn như em gái. Những ngày đầu đặt chân tới nước Mỹ, vô vàn khó khăn. Không có một người đàn ông để nhờ cậy, hai chị em phải dựa vào nhau, thằng Toản, con Mai Hương đều quý Nhạn như mẹ, thằng Thuyền Nhân thì như chính em vừa đẻ ra… Em nghĩ, nếu em còn sống để đón anh, em cũng sẽ làm như Thuý Kiều cầu xin Thuý Vân: “ Giữa đường đứt gánh tương tư. Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em…” Nhưng giờ thì em biết mệnh của mình. Căn bệnh di căn quá nhanh. Sự sống chỉ tính từng ngày. Không còn cơ hội để gặp anh nữa. Em không có duyên đi với anh hết chặng đường đời. Vì thế, em chỉ cầu xin anh một điều: Giữa nước Mỹ xa lạ này, anh phải có một người phụ nữ Việt. Hãy để Nhạn thay em chăm sóc anh và cùng anh nuôi dạy các con… Nhạn còn trẻ, lại xinh đẹp, dịu hiền…, một phụ nữ Việt tuyệt vời… Anh sống với Nhạn thì em yên lòng ra đi…”

Chỉ những lời ấy thôi mà hơn cả mệnh lệnh, hơn những điều luật, khế ước. Mãi rất lâu sau, ông mới đưa cho Nhạn đọc, đưa cho Toản và Mai Hương đọc. Có ai phản đối người quá cố không?

Sau này, có thêm Việt Yến, cái tên mà Nhạn muốn lấy lại của con gái đầu đã bị hải tặc giết, nhiều khi nhà văn Nhân Mục như gặp lại bóng hình của người vợ quá cố. Càng lớn, Việt Yến càng hao hao giống Hương Giang. Nhạn bảo: Chị Hương Giang muốn em sinh cho anh một đứa con gái và đặt tên là Yến. Chị Hương Giang bảo, mẹ Nhạn, con Yến, người miền Bắc còn gọi là Én, chim Én báo mùa xuân, hai mẹ con cùng một loài chim đáng yêu. Quả là Việt Yến rất đáng yêu và kỳ lạ, con bé lại giống mẹ Hương Giang lạ lùng. Có thể khi mang thai, Nhạn hay nghĩ tới bác sỹ Hương Giang, có thể những dấu ấn của bà để lại, trong hình hài, tính cách của Toản, của Mai Hương, trong những kỷ vật xung quanh, và sau cùng là cả một sinh trường luôn bao phủ xung quanh cuộc sống của gia đình. Nhiều khi, bên con gái, nhà văn Nhân Mục lại tưởng như có bóng dáng của Hương Giang.

Có lẽ được bác sỹ Tôn Nữ Hương Giang mách bảo chăng, mà ngay khi mở cửa nhà kho, Việt Yến đã lách qua chiếc xe cũ Volkswagen, qua chiếc máy khâu, chiếc xe đạp điện, xăm xăm đi tới ngăn đồ đạc trong cùng.

- Đây rồi ba ơi, có phải chiếc va ly da bò này không? Con nhớ có lần anh Hành cứ đòi mở chiếc va ly này, nhưng anh Toản không cho. Anh Toản bảo, đó là bảo bối, chỉ mẹ Nhạn mới được mở…

Việt Yến hì hục bỏ hết những đồ đạc bên trên, lôi ra chiếc va ly bẹp dúm, vàng xỉn và mốc thếch màu thời gian.

Cẩn thận dùng khăn ướt lau kỹ, vất vả lắm nhà văn Nhân Mục mới tháo được mấy chiếc khoá ngoài hoen gỉ, còn chiếc khóa kéo bằng đồng gỉ sét xanh lè thì không tài nào mở được, cuối cùng ông phải dùng dao rạch. Không có gì ngoài mấy bộ quần áo trẻ sơ sinh, những con búp bê bằng vải rách bện lại, bằng mấy khúc cây rừng gọt đẽo sơ sài. Chắc là kỷ vật của thằng Thuyền Nhân trong bốn tháng đầu đời sinh sống trên đảo Ruồi.

- Không có chiếc hộp tre hả ba? - Việt Yến hoang mang. Cô bé ngó nghiêng trong góc nhà kho, dưới những thùng gỗ hoặc giấy bìa.

Chợt Việt Yến nhìn lên. Có một túi vải treo ở đầu cột làm cô chú ý.

- Ba ơi, hình như cái túi kia - Tiếng Việt Yến reo, khiến ông Nhân Mục sực tỉnh như vừa qua một cánh rừng âm u của quá khứ.

Hai cha con cùng hồi hộp như những nhà cổ học. Trong túi vải là chiếc ống quyển bằng tre. Lau qua lớp váng trắng, màu cật tre nâu bóng ánh lên như sừng.

- Ba mở ra đi - Việt Yến lăng xăng bên cạnh và hồi hộp như cô bé đang chứng kiến một câu chuyện cổ tích - Công nhận là mẹ Nhạn bí mật thiệt đó. Suốt hai mươi năm qua mẹ vẫn giấu ba cổ vật kho tàng này…

- Phải nói là kho tàng cổ vật hoặc kho tàng báu vật - Ông Nhân Mục sửa lại ngữ pháp cho con gái - Hồi hộp quá phải không? Con thử nhắm mắt lại nào. Rất có thể khi mở nắp, sẽ có một ông thần Đèn vọt ra…

Việt Yến vừa sợ hãi, vừa thích thú lấy hai tay che mắt lại.

Chiếc nắp ống tre lâu ngày không mở, chặt quá. Ông Nhân Mục phải vặn hết sức. Cuối cùng, cuốn sách giấy bản bìa nâu quết bằng nhựa sung hiện ra. Dường như bao nhiêu năm bị ngâm trong nước biển, gặp không khí, những mép giấy bản tở ra, mủn xốp như tro.

- Một cuốn sách cổ, đúng không ba? - Việt Yến bỏ tay ra từ lúc nào, tròn mắt nhìn cuốn sách run run trong tay cha.

- Lấy cho ba chiếc đĩa lớn, mau lên.

Là một nhà cổ học, một nhà Kiều học, mỗi lần gặp một cuốn sách cổ, nhà văn Nhân Mục lại gai người như chạm đến những điều tối linh, ông kính cẩn và thận trọng, đặt cuốn sách lên đĩa sứ, để ra một bên, rồi dốc ống tre. Đúng như Nhạn nói, một cây trâm cổ bằng thứ gỗ đen như sừng, chạm hình rồng cuốn thuỷ, một đầu gắn một viên đá lục bảo, chạm hổ phù rất tinh vi và nghệ thuật.

- Đẹp quá ba ơi. Cho con nào. Có phải đó là cái tết tóc?

- Một cây trâm cổ con ạ. Còn gọi là cành kim thoa. Người phụ nữ quý tộc Việt ngày xưa thường dùng cây trâm này để cài tóc.

- Ôi, cành kim thoa… - Việt Yến vỗ vỗ nhẹ vào trán - Ba ơi, con nhớ ra rồi. “Lần theo tường gấm dạo quanh. Trên đào nhác thấy một cành kim thoa…”. Có đúng là kỷ vật của nàng Kiều mà ba vẫn giảng cho anh em con đó không?

Nhà văn Nhân Mục sững sờ nhìn con gái. Trình độ tiếng Việt của con bé khiến ông kinh ngạc. Đoạn Kim Trọng tìm gặp Thúy Kiều trong kiệt tác của thi hào Nguyễn Du mà ông từng giảng cho các con, tưởng rằng con gái ông đã quên, không ngờ…

- Anh Thuyền Nhân nhà mình đặc biệt thích thú đoạn Kim Trọng nhặt được kim thoa của Thuý Kiều đấy ba ạ. Con đọc để ba kiểm tra nè:

“ Giơ tay với lấy về nhà

Này trong khuê các đâu mà đến đây?

Gẫm âu người ấy báu này

Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm.

Liền tay ngắm nghía biếng nằm

Vẫn còn thoang thoảng hương trầm chưa phai.

Tan sương đã thấy bóng người

Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ.

Sinh đà có ý đợi chờ

Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng:

“ Thoa này bắt được hư không

Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về?”…

Nhà văn Nhân Mục ngơ ngẩn. Cô con gái mười lăm tuổi, kết tinh của tình yêu muộn màng giữa ông và cô giáo Nhạn, không ngờ là một thiên thần tuyệt vời. Bốn đứa con, ngoài Toản và Mai Hương đã được bà Hương Giang dạy dỗ từ trước, riêng Thuyền Nhân và Việt Yến lại càng được vợ chồng ông dành hết tâm huyết để nuôi dạy với ý thức chúng phải bảo tồn được nguyên vẹn bản sắc Việt. Một nguyên tắc bắt buộc: Trong mọi giao tiếp sinh hoạt gia đình đều phải dùng tiếng Việt. Cha mẹ thay nhau là những người thầy về ngôn ngữ Việt. Bài “Tình ca” của nhạc sỹ Phạm Duy: “ Tôi yêu tiếng nước tôi/ Từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À ơi, tiếng ru muôn đời… Một yêu câu hát Truyện Kiều. Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta…” là bài hợp ca cả nhà cùng hát mỗi lần tết nhất, hội hè. Ông luôn nhắc nhở các con: Sống trong một đất nước có nền công nghệ và khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới như nước Mỹ, chúng ta sẽ rất dễ bị hoà tan đến mức là con số không, thậm chí con số âm, thì điều cốt lõi của các con là phải giữ được bản sắc Việt. Mất tiếng nói và chữ viết, người Việt sẽ không là gì cả trong cộng đồng đa sắc tộc này…

Việt Yến cầm chiếc trâm ngắm nghía, rồi bỗng reo lên:

- Ba ơi, có chữ. Cây trâm khắc chữ Tàu ba ạ.

Đến lượt ông Nhân Mục ngạc nhiên, khi ông lấy kính lúp ra soi. Đúng rồi, rất mờ ở phía cán, giáp viên đá lục bảo là hai chữ Nôm, khắc hình chữ triện.

- Chữ gì hả ba? Cành kim thoa này bao nhiêu tuổi rồi hả ba? Hay đây chính là cành kim thoa của nàng Kiều?

Những câu hỏi dồn dập của con gái, như đánh đố nhà văn. Mặc dầu am tường chữ Hán, nhưng với chữ Nôm thì ông Nhân Mục đành chịu bó tay.

- Không phải chữ Tàu, mà là chữ Nôm. Chữ Nôm của thời cụ Nguyễn Trãi vẫn viết trong Quốc âm thi tập, chữ Nôm của cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều. Nhưng mờ quá. Cây trâm này gấp nhiều lần tuổi ba, tới mấy trăm năm rồi. Có thể phải nhờ đến chuyên gia con ạ…

Nhà văn Nhân Mục thoáng nghĩ đến nhà nghiên cứu Hán Nôm Đặng Trần Nghị, người đã đặt tên cho Phạm Hải Hành trên chiếc tàu di tản, nhưng tiếc thay cho tới giờ vẫn không rõ ông Nghị ở đâu. Rồi ông chợt nhớ tới người bạn nối khố Thái Đàm hiện ở Dallas. Thái Đàm đọc được chữ Nôm. Phải thỉnh bậc thầy cổ văn đất Thăng Long đến đây mới mong giải mã được những bí mật của người xưa. Trao cây trâm và sách cổ cho con gái cất lên ban thờ, nhà văn Nhân Mục ngồi ngẩn ngơ như còn vương vấn nỗi niềm khó giải. Cuộc hành trình về quá khứ của hai cha con dường như vừa mới bắt đầu.