Chấm nhỏ là tập thơ đầu tay của cô giáo dạy văn Lê Nguyễn Yên Phong (chị nguyên là giáo viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội). Dù chị xuất bản sách muộn, nhưng bạn bè quen biết đều biết Yên Phong (tên thật là Lê Hồng Phong) làm thơ từ lâu và chị đã từng đoạt giải trong cuộc thi thơ của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1997...
Cần nói ngay với bạn đọc rằng dù lần đầu xuất hiện nhưng tập thơ Chấm nhỏ với vẻ đẹp lặng thầm mà lấp lánh của nó sẽ thu hút bạn bằng những bài thơ tự do, không vần điệu nhưng có ngữ điệu - một thứ ngữ điệu làm cho ta nhớ đến những tiếng thở dài. Lạ thế. Và từ lúc nào những tiếng thở dài ấy găm vào ta:
Thôi anh đừng đưa em qua cầu
Lũ đổ về ngầu nước đỏ
Em sợ không còn dấu cũ
Lối cát mờ hun hút triền đê.
Thôi anh đừng đưa em qua cầu
Con sông đến được biển mặn
Sẽ không còn bờ đâu
(Bài Thôi anh đừng đưa em qua cầu)
Cảm xúc mới lạ và những câu thơ tự do phóng khoáng, trĩu nặng suy tư tự nhiên, như nhiên là điểm nổi bật của cây bút này. Trong chúng ta, nhiều người đã đến Chợ tình và nghe nhiều thơ viết về Chợ tình nhưng hãy nghe Yên Phong tả Chợ tình của chị: Đợi đêm giấu núi giấu bản/ Đợi trâu cột chặt dưới sàn/ Đợi xong váy áo thêu đẹp/ Thêu cả tháng cả năm/ Nhuộm lá rừng nhiều lần/ Tua rua sặc sỡ tay vòng/ Băng rừng bằng đôi mắt sáng/ Ta đi tìm người đàn ông của ta.... Rồi Như cha mẹ, như ông bà/ Những người tới sớm nhất chợ/ Sớm xa xưa là ngọn núi/ Tự xe dịch chuyển dời/ Để được bên nhau trọn đời..../ Con thú để lại tiếng hú/ Hú dài bầy sói chưa xa/ Thắng cố rượu cần ta say/ Say người ta yêu, say luôn trời đất/ Để có cái thích/ Không cần phải nghĩ/ Để có lời yêu /Thôi không kỳ kèo ...(Bài Chợ tình). Chao ôi thật lạ - người đàn bà yêu đem trái tim yêu đến với Chợ tình mà tưởng tượng ra rằng ngọn núi cũng tự xê dịch, chuyển dời vì yêu và con thú cũng phải để lại tiếng hú đi tìm người tình thì thật là ... yêu một cách" man rợ"! Nhưng thế mới đúng là tình yêu, gọi đúng tên tình yêu ...
Bài thơ này cho tôi ấn tượng về sự “lạ” của thơ Lê Nguyễn Yên Phong. Ở một bài khác - bài Quê nội, 28 tháng giêng, chị viết: Nhớ bố nhiều lắm/ Thời gian như một lò nung/ Cho con những viên gạch đỏ/ Mang về vá lại đường thôn/ Mang về sửa mái đình cong/ Mang về nối bậc giếng làng .... Cũng là tình yêu quê hương, nhưng tình yêu của người con gái này biến thành những viên gạch đỏ để mang về “sửa mái đình cong” - tình thì vẫn cũ mà ý thì mới lạ, hấp dẫn, như lôi kéo người ta cùng về góp phần gìn giữ mảnh hồn quê...
Tôi đặc biệt cảm động khi nhận ra Lê Nguyễn Yên Phong nói lên được tâm thế của thế hệ chúng tôi - thế hệ “nằm trọn” trong cuộc chiến tranh chống Mỹ - thế hệ sinh khoảng trong những năm cuối thập kỷ 40 đến những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX. Ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường những năm tháng ấy và có dịp ghé thăm các nghĩa trang liệt sĩ lớn như Trường Sơn, Đường 9, Quảng Trị ... sẽ thấm thía điều này: Trên ngàn ngàn bia mộ, hầu hết các liệt sĩ đều sinh các năm từ 1945 đến 1953. Trước đó, từng đợt, hàng loạt thanh niên rời lũy tre làng và "xếp bút nghiên” lên đường ra mặt trận, bỏ lại những làng quê quạnh vắng những hàng ghế chỏng chơ. Những người con gái của thế hệ ấy, hầu hết đều nếm trải hoặc lãnh trọn nỗi cô đơn, mất mát vì thiếu vắng những người bạn trai, người tình, người chồng vì chiến tranh cướp mất. Không ai thấm thía nỗi đau chiến tranh hơn họ ...
Hãy nghe Lê Nguyễn Yên Phong diễn tả hộ thế hệ mình những nỗi đau ấy: Lũ lớn nhất lịch sử/Cướp biển số nhà 15 phố Hàng Bông Thợ Nhuộm/ Về nghĩa trang Hồ Xá .../ Con tàu đưa anh xa mẹ/ Từng đêm hú dài/ ... Đất nước có chiến tranh/ Cả thế hệ đã trả lời/ Sáng 4.4.1972/ Cả quả đồi không ai trả lời .... Đây là bài Mùng bốn tháng bốn hai ngàn không trăm mười bẩy, chị viết tặng một liệt sĩ có tên Cao Tường (tôi đoán là bạn trai của chị, một người bạn trai chưa kịp nói lời tỏ tình). Trong một bài thơ khác - bài Anh Tường, chị đã kể về điều ấy: Ta thường chuyện trò không chán/ Ta thường dặn dò không ít/ Cái lo, cái thương, đêm dài/ Thư anh gửi rồi/ Đợi anh viết ngay thư tiếp/ ...Chỉ có một từ anh em né tránh/ Chỉ có một lời nói trong im lặng/ Chỉ có một điều Tổ quốc đối mặt/ Gồng lên: chiến tranh!. Dù chị không nói rõ, nhưng câu chuyện tình bi thương ấy còn ghi dấu ấn trong thơ:
Giờ, những lá thư vàng ố
Đắp lên ngực đau
(Bài Anh Tường)
Những tiếng nấc khắc khoải ghi dấu ấn về sự hy sinh của cả một thế hệ biết sống và biết hy sinh: Và gió vẫn thổi/ và sông không kể/ Người người ngã xuống/ Vùi trong đất vùi .../ Đi qua sống chết/ Máu đổ một thời/ Làm nên thành trì/ xây bằng xương máu.../ Tổ quốc quá lớn lao/ Hi sinh thành bé nhỏ/ Lứa đôi cần lùi nữa/ Cuối- tận cùng niềm đau ... (Bài thơ Và gió vẫn thổi này chị viết tại Quảng Trị năm 2008). Qua thơ chúng ta còn biết Lê Nguyễn Yên Phong có một người anh trai hy sinh ở miền tây Quảng Bình: Tuổi thơ anh gửi lại túp lều của mẹ/ Túp lều rạ nát/ Bóng xê dịch như tấm chiếu rách.../ Tuổi thơ anh gửi trong sự lẫn lộn của mẹ .../ Anh gửi lại vườn ổi tươi xanh trong ký ức/ Con đê làng màu lam/ Cánh chim xanh đời mình/ Năm tháng hào hùng/ Thư anh không kịp kể/ Mộ không tên lặng im .... Hình ảnh sự hy sinh được đẩy lên tận cùng Anh chỉ còn tuổi thơ cho mẹ/ Khi chiếc ba lô theo tàu về một mình... Thật tình, tôi rợn người với hình ảnh Chiếc ba lô theo tàu về một mình của Yên Phong. Ở đó ta thấy bao nhiêu bàng hoàng, hụt hẫng, đớn đau, tan nát của người thân liệt sĩ đã hy sinh.
Ở một bài khác, chị đặc tả nỗi đau không nói thành lời của người em gái khi đi thăm nghĩa trang với Những hàng mộ không tên anh nằm trong đó: Tha lỗi cho em/ Quá muộn cho cuộc kiếm tìm/Hàng mộ không tên anh nằm trong đó/ Sau hy sinh anh tiếp tục hy sinh lần nữa/ Im lặng mộ/ Im lặng cỏ cây/ Anh nhận của em nước mắt/ Thay cho mẹ không tới được/ Ngày mai em xa rồi/ Nước mắt của đời những hạt sương rơi/ ... Chiều chẳng nỡ/ Nắng bừng chới với/ Anh ở lại và miền Tây ở lại ...(Bài Anh ở lại và miền Tây ở lại). Hình ảnh “chới với” và một nhịp điệu ngắt quãng của những câu thơ cho ta cảm tháy không chỉ nước mắt mà cả những tiếng nấc nghẹn ngào của người con gái đi tìm mộ anh trai trong một buổi chiều miền Tây Quảng Bình giữa một nghĩa trang ngút ngàn bia mộ ....
Ai đó nói rằng khi cuộc chiến tranh đi qua, sự mất mát lớn nhất sẽ thuộc về những người đàn bà, nhất là những người mẹ. Tôi xin cảm ơn nhận xét tinh tế này. Ở đây Lê Nguyễn Yên Phong cũng dành những câu thơ day dứt nhất viết cho mẹ Tưởng chẳng có gì phải kể/ Chiếc cối giã trầu làm từ mảnh máy bay rơi/ Bên hiên mẹ nhai trầu cùng nắng móm mém/ Tưởng còn đêm/ Mà đã sang ngày của mẹ... Chiến tranh đi qua đời mẹ/ Cướp những đứa con của mẹ/ Chầm chậm mẹ già .../ Chiếc cối giã trầu nằm đâu đó giữa nhân gian (bài Mẹ). Ở một bài khác, bài Mẹ đi, chị viết: Một thế kỷ thăng trầm/ Người đàn bà ven cầu lối ngoại ô vào phố/ Người đàn bà tảo tần chợ/ Một thế kỷ chiến tranh mất mát/ Kham khổ, đói nghèo .../ Một thế kỷ không lùi bước/ ...Giây phút mẹ về trời/ nhẹ tênh... . Hình ảnh mẹ là hình ảnh người anh hùng không tên giữa bao mất mát cuộc đời dù mẹ chỉ là Hạt cát tuột khỏi cuộc đời
Từ sự mất mát của gia đình, của bản thân và của mẹ, tác giả liên tưởng và “nghĩ rộng” ra những mất mát của làng quê, đồng loại. Bài thơ Chuyện của tằm viết về điều này một cách thật cảm động: Lẽ ra tằm nhả tơ óng/ Để không có thứ tơ lỗi/ Người đàn bà tảo tần/ Dệt mảnh vải thô sần/ Lẽ ra không ăn thứ lá héo úa thừa thãi/ Lá dâu xanh non tằm tranh không nổi/ Lẽ ra bờ sông gió thổi/ Đừng ươm tằm trong khắc khoải/ Lẽ ra con sông cứ hiền .../ Rồi cuộc đời lật giở nhiều trang/ Chỉ có một thứ còn nguyên như cũ/ Mảnh vải tằm gói tấm ảnh người lính trẻ ... (Bài Chuyện của tằm). Viết về sự mất mát ở hậu phương và lên án chiến tranh như Yên Phong đã viết thật sự ấn tượng. Cả một làng tằm với bao mất mát, hy sinh, cuối cùng vẫn còn mảnh vải tơ tằm ôm ấp hình ảnh người lính trẻ - Đau buồn nhưng ngập tràn nhân ái!
Còn nhiều điều để viết về Chấm nhỏ của Lê Nguyễn Yên Phong, cả mặt được và mặt cần bàn của nó. Nhưng trước hết cảm ơn và chúc mừng nữ tác giả - chỉ với một Chấm nhỏ - tập thơ đầu tay, chị đã cho chúng ta rất nhiều ấn tượng về những vẻ đẹp của trái tim con người. Và chính thơ chị cho chúng ta thêm niềm tin: thơ hay trước hết là những câu chuyện cảm động của trái tim, viết từ trái tim. Hy vọng sẽ được đọc nhiều tập thơ nữa của chị, đón nhận những câu thơ kiểu như: Yêu như khói chiều nhen nhóm rạ rơm (Bài Đoạn cuối khúc bi hùng ca, thiên tình ca).
Tháng 7 - 2018
Phạm Hồ Thu