Máy bay cất cánh được một lát, trời đột ngột tạnh mưa. Nắng chiều thêm một lần bừng sáng. Phía dưới cánh máy bay những bậng mây như khói thuốc ùn ùn kéo lên từ các hẽm núi. “Không phải mây đâu, khí núi đấy!” . Ông bạn đồng hành luống tuổi, quê Hà nội vào lập nghiệp ở Sài gòn, như đóan được ý nghĩ của tôi bỗng cất tiếng: “ Cậu đã bao giờ ở rừng chưa ?Vào đận trời đang mưa bỗng chuyển nắng như thế này cơn sốt rét kinh niên dễ quật lại lắm. Ngòai bãi đạn, những trái cối thường bị kích nổ vô nguyên cớ. Những thân cây hai, ba người vòng tay ôm không xuể bỗng đổ kềnh như cái chết bất thần đến với các gã khổng lồ. Và những con suối lũ dữ dằn, thâm hiểm ào về bất chợt khiến người ta không kịp trở tay..”. Thì ra ông bạn đồng hành ngồi bên có cả chục năm sống trên tuyến đường mòn nổi tiếng. . Như chìm lút vào mạch cảm xúc, ông kể cho tôi nghe những năm sau chiến tranh, ông đã từng cưỡi máy bay Concorde, ngồi xe Mercedes, đã ở khách sạn bốn, năm sao tại Paris, NewYork…Ấy thế mà trong những giấc mơ lúc đêm chuyển về sáng ông vẫn nhìn thấy rõ mồn một từng hẻm núi, từng vạt rừng săng lẻ, từng khu bải đổ hàng…Vào một đêm ở Roma-ông bạn đồng hành khẳng định với tôi như vậy-ông đã gặp lại người bạn gái cùng phố Hàng Cót năm nào. Gần một phần tư thế kỷ trôi qua rồi, cô ấy chẳng thay đổi gì. Vẫn cặp mắt hay cười thay cho cái miệng , vẫn mớ tóc dày bện thành hai lọn buông thả bên bờ vai, vẫn chiếc áo quân phục bạc màu có một miếng vá bên vai phải…hệt như vào buổi chiều cô theo chị em cắm cọc tiêu dẫn đường cho xe qua ngầm Bạc. Ông nói, sau lần đến Roma ấy ông cảm thấy sức lực trong người như bay biến đi đâu hết, ông trở nên bấy bớt, run rẩy. . Cuối năm, ông nộp đơn xin nghỉ hưu. “Tôi nói điều này, cậu đừng cười tôi lẩn thẩn. Nếu năm đó cô bạn gái của tôi không bị nước lũ trên sông Bạc cuốn trôi, chắc chắn bây giờ cố ấy cũng được làm bà nội, bà ngọai rồi. Tôi cứ khỏe mạnh , cứ ham hố công việc mãi , không phải là trái ý cô ấy sao ?”
MÁY BAY NÉM BOM TỌA ĐỘ
Thuở chiến tranh, mỗi chiến trường Mỹ sử dụng những loại ( kiểu ? ) máy bay khác nhau. Ở ngoài Bắc là những " Thần Sấm", " Con ma", " Vỉ ruồi"..Ở Nam Bộ, cũng nhiều kiểu, nhiều loại, nhưng nổi lên có lẽ là trực thăng và " Ông Kễnh B.52".Tại Quảng Bình, Vĩnh Linh, Bắc Đường Chín, trên đường Trường Sơn cũng rất nhiều chủng loại. Nhưng có 1 loại không thấy đặt tên mà lính ta gọi gọn gàng là " Máy bay ném bom tọa độ"
Đang hành quân trên đường, đêm hay ngày, giữa trảng cỏ rộng hay trong rừng, không hề nghe thấy tiếng ì ầm từ tít trên cao ; kể cả lúc trong trời, không mây che cũng không nhìn thấy máy bay..Nhưng bỗng nhiên từng trùm bom reo réo trút xuống. Nếu loạt bom ấy rơi trúng đội hình thì ..." Ôi xương tan, máu rơi, lòng hận thù ngất trời...". Xương thịt, quân trang, vũ khi tan tác thành ngàn mảnh, văng xa, bay vọt lên cao, tung tóe xuống ven đồi, ven suối, treo móc lên ngọn cỏ, cành cây..
Sau này được biết, máy bay trinh sát Mỹ thường chụp ảnh nơi chúng nghi là chỗ tập kết quân, bãi khách trạm giao liên, bến qua sông, ngã ba ngã tư bộ đội hay hành quân qua... Tọa độ ấy được trao cho bọn phi công để làm công việc mà bây giờ ta quen gọi là " Lập trình". Và không cần lượn vòng vèo, không cần hạ thấp độ cao, không cần nghiêng ngó, cứ đến đúng tọa độ ấy là automatique bấm nút ..
Chiến tranh đã qua đi hơn 42 năm. Công cuộc lùng kiếm hài cốt liệt sỹ vẫn tiếp tục. Vẫn là những đêm trăn trở, thao thức trong niềm hy vọng mong manh.Tại các khu nghĩa trang vẫn nhiều ngôi mộ dành đợi các chiến sỹ vô danh...
Liệu đã đến lúc nên nói ra hay chưa, nếu những người đồng đội bất hạnh hứng trọn loạt bom tọa độ như thế, hỏi làm sao tìm ra được hài cốt và cái "gia tài" lính tráng nghèo nàn, ít ỏi anh còn để lại trên cõi đời này?
Mẹ ơi, chị ơi, các em ơi ! Một nắm xương cốt cũng chẳng nghĩa lý gì…Mẹ, chị, các em thôi đừng mong đợi ngày đón con trở về…
THUỞ ĐẠN BOM ẤY DỄ THỞ HƠN BÂY GIỜ..
Thuở chiến tranh, hàm Đại tá hai vạch, bốn sao là oách xà lách lắm. Phải đảm trách Tư lệnh phó, Phó Chính ủy, Tham mưu trưởng Mặt trận hoặc một hướng chiến dịch. Chứ không nhan nhản như ruồi bu phản thịt bây giờ. Thượng tá, Trung tá thì được giao chức Chính ủy, Chủ nhiệm chính trị, Trung đoàn trưởng Sư đoàn hoặc Trung đoàn..
Các vị cấp “côi” ( trên )ấy thường có 1 chú lính công vụ phục vụ. Công việc của chiến sỹ công vụ là gì? Giải thích đâm dông dài. Vắn gọn na ná như Osin bây giờ. Lo ba bữa cho thủ trưởng. Lo việc tắm giặt, phơi gấp quần áo; đèo bòng giúp thủ trưởng trong các đợt “ đi tiền phương”.
Các thủ trưởng thường thích chọn công vụ trong đám lính là người Tày, người Mèo, người Nùng..ngoài Bắc. Lý do ư? Leo dốc, mang vác không ai bằng. Không sốt rét. Rất thực thà. Không biết ăn vụng. Càng không hóng hớt rồi đưa chuyện. Và dĩ nhiên phải là đảng viên..
Mối quan hệ giũa thủ trưởng và lính công vụ đảng viên, người Tày, người Nùng.. này rất nhiều chuyện hay. Xin kể lại đôi chuyện.
CHUYỆN THỨ NHẤT
Mùa mưa, trở về “ cứ ”, những đêm mưa rơi tầm tã ngoài rừng, ngồi bên đống lửa, thủ trưởng,cùng công vụ và đám chiến sỹ thích nhất là trò xúm nhau chơi bài “Tiến lên” . Xoong, chảo nhiều lọ nghệ ( nhọ nồi ) bày sẵn ra. Anh nào thua là bị vẽ râu nhọ nồi lên mặt. Còn nhớ Tư lệnh hướng Đông chiến dịch năm ấy là Đại Tá Tư Bốn, nổi tiếng vì thói quen đi “ địa hình “ với cánh trinh sát bao giờ cũng đòi bò cùng anh em vào tận hàng rào cuối mới yên tâm lên sa đồ tác chiến. Tư Lệnh còn nổi tiếng vì có cả một “ thung lũng” chuyện tiếu lâm rất lính, rất là “ trần văn truồng”. Công vụ của Tư Lệnh là chú lính Tày Vùa A Phử.
Tối ấy chơi bài, Vùa A Phử ngồi bên Tư Lệnh và đi cùng “ cặp “. Đã 4, 5 lần Tư Lệnh thua và Vùa A Phử cùng chịu quẹt nhọ nồi bôi râu lên mặt với Tư lệnh. Đến ván khác, “‘cặp” Tư Lệnh và chiến sỹ công vụ thua tiếp. Vùa A Phử hồn nhiên, chỉ tay vào mặt Tư Lệnh hét to: “ Chơi gì mà ngu thế ! “. Anh em chúng tôi đưa xanh mắt nhìn nhau. Tư Lệnh Tư Bốn bình thản cười lớn “ Không sao cả! Ngồi vào chiếu bài quân tướng phải bình đẳng như nhau mới được! Chơi tiếp! Chơi tiếp! ”
Vào một đêm, Tư lệnh tiếp khách từ trên Mặt trận Bộ xuống bàn bạc, quán triệt gì đến tận lúc gà rừng te te gáy sáng vẫn chưa xong. Cuộc họp sắp tan, Đại tá Tư Bốn vẫy tay gọi công vụ Vùa A Phử tới gần thì thầm: “ Này có món gì ngon ngon ta chiêu đãi cấp trên không? Ví như bánh cuốn nóng chẳng hạn? “.
Đó là nghe Vừa A Phử kể lại.
Tưởng mọi chuyện bỏ đó. Đến cuộc họp chi bộ cuối tháng, Vùa A Phử không quên :
-…Đồng chí Tư Bốn là quan liêu lắm, dốt nhiều đấy! Đêm đó gần 2 giờ sáng rồi còn bảo mình làm bánh cuốn chiêu đãi các thủ trưởng cấp trên. Muốn có bánh cuốn ăn, phải ngâm gạo từ trưa hôm trước, phải xay gạo thành bột…Đồng chí Tư Lệnh phải học tập thực tế thêm nhiều.
Lại một dịp chúng tôi nhìn nhau xanh mắt mèo
Tư Lệnh Tư Bốn bình thản, xoa râu cười, tiếng cười quen thuộc:
-Tôi xin tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí Vùa A Phử. Có phải cứ là Tư Lệnh thì việc gì cũng thông tỏ đâu.Bao giờ hòa bình, thống nhất tôi xin hứa sẽ học thêm nghề làm bánh cuốn!
CHUYỆN THỨ HAI.
Không biết ai đó, từ dưới đồng bằng gửi lên biếu Đại tá, Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận tên Khung một con chó bự, đúng nòi bec -gie Úc hay Tân tây lan gì đó. Dĩ nhiên là Chủ nhiệm Khung rất cưng con chó. Lính công vụ của Chủ nhiệm Khung tên Xín Tờ, dân Sán Chỉ. Dĩ nhiên con bẹc- giê phải ăn cơm. Xin Tờ còn bận rộn, vất vả hơn mỗi khi nghe đơn vị nào săn được chú nai, chú hoẵng là phải vác gùi leo núi cả ngày trời để xin phèo phổi về chế biến thành đồ ăn để “‘bồi dưỡng” chú béc- giê.
Họp chi bộ cuối tháng. Xin Tờ giơ thẳng tay phát biểu:
-Xin hỏi Chủ nhiệm Khung một câu, được không? Mặt trận chúng ta đang thực hiện chế độ ăn mỗi ngày 1 lượng gạo, còn độn sắn, độn thêm búng báng, tàu bay cho no bụng. Để đỡ phải ăn gạo của hậu phương miền Bắc. Xin hỏi, sao Chủ nhiệm Khung được phép cho con chó ăn toàn cơm gạo trắng. Mà ăn thật no! Tôi nhìn con chó ăn mà thèm cơm trắng quá ! Yêu cầu Thủ trưởng phải đuổi ngay con chó này ra rừng cho hổ nó ăn..
Mới nghe đến đó, Chủ nhiệm Khung đứng lên, nghiêm sắc mặt:
-Tôi sẽ sửa chữa khuyết điểm đồng chí Xin Tờ vừa nêu. Nhưng tôi cũng phê phán đồng chí Xin Tờ hay để ý tới cái lặt vặt, tiểu tiết mà không biết tới cái đại cục. Vậy là thiếu thục tế. Tôi đề nghị ngay sau buổi họp này, đồng chí Xin Tờ sang ban Quân lực nhận quyết định về đơn vị chiến đấu !
Cũng vừa nghe tới đó Xin Tờ đứng thẳng dậy, mặt đỏ tía, nhìn trừng trừng Chủ nhiệm Khung, quát to:
-Xin tuân lệnh Thủ trưởng. Đừng nghĩ thằng này sợ chết nhé! Cái gan người Sán Chỉ chúng tao không nhỏ đâu !
Cánh báo chí chúng tôi ngầm theo dõi những ngày tiếp sau của Xin Tờ. Trong một trân đánh lên cứ điểm vỏ cứng trên các đỉnh Ngọc Rinh Rua, Ngọc Bay, Ngọc Tinh Tong..ngay đầu mùa khô năm ấy, anh chiến sỹ Sán Chỉ là người liên tiếp đánh bộc phá, mở tung 4 lớp hàng rào cho xung kích tiến vào trung tâm. Khi trực thăng Sài gòn hạ cánh thả quân tiếp viện, Xin Tờ còn dùng B.40 bắn cháy 1 chiếc. Anh được tặng Huân chương chiến công Hạng hai.
Chuyện này, đương nhiên chúng tôi không kể với Chủ nhiệm Khung làm gì !
CHƯA AI NÓI THÌ TÔI NÓI...
Đêm trước giờ G. xuất kích, thật nặng nề, căng thẳng. Sau khi đã xung phong ( hoặc phân công ) ai đánh bộc phá 1, bộc phá 2 mở hàng rào; ai trong đội hình "mũi dao nhọn", phân đội nào đánh chiếm mục tiêu nào.. là tới lúc chính trị viên phó công bố ký hiệu đơn vị và số lính của từng chiến sỹ..
Một bếp đốt củi giữa lán. Những cái đầu cúi thấp hơn. Những cặp mắt loang loáng vẻ buồn bã, sợ hãi thoáng nhìn nhau...
Mỗi anh được phát ( hoặc tự làm lấy ) một miếng sắt cắt từ vỏ hộp thịt, hộp cá . Rủ nhau ra bờ suối, soi đèn pin, lấy 1 cục đá gõ lên chiếc đinh, đột ký hiệu đơn vị, số lính của mình lên miếng sắt . Để luồn giây đeo vào cổ..
Đêm rừng già ắng ngắt. Chỉ nghe tiếng đinh đột vào sắt vang lên, vang lên, cạch cạch, cạch cạch..
Để địch không thể lu loa " quân Cộng sản từ Miền Bắc xâm nhập miền Nam " một quy định đã có từ lâu đời: Trước khi vào trận, tất cả quân, tư trang ( kể cả thư từ, ảnh, nhật ký, sổ chép thơ, chép bài hát ..) đều phải gửi ở một hang động nào đó. Anh vào trận, ngoài súng đạn, chỉ được mang theo một tấm võng, phòng khi anh bị thương hoặc hy sinh có cái để khiêng võng anh ra...
Xưa kia ký hiệu và số lính thường được lính thêu ( hoặc dùng lá rừng viết ) lên nắp túi áo. Nhưng cũng thấy bất tiện. Dùng mảnh sắt đột số là tiện hơn cả.
Ký hiệu đơn vị, số lính của anh đã ghi vào 1cuốn sổ cán bộ quân lực đại đội, tiểu đoàn..Sẽ từ miếng sắt hộp thịt, hộp cá kia mà truy ra.
Dòng chữ mang ký hiệu đơn vị , tên tuổi, quê quán của anh được ghi bằng bút mực, bút bi. Cuốn sổ ấy sẽ được truyền qua bao nhiêu bàn tay người, qua bao trạm giao liên trên Trường Sơn, qua mưa rừng gió núi, qua bao nhiêu khúc sông con suối khi lũ về, thuyền mảng bị lật..Nhòe nhoẹt, ẩm mốc, lẫn lộn, thất thoát..Chiến tranh mà !
Anh thành CHIẾN SỸ VÔ DANH, anh yên nghỉ với ngôi mộ KHÔNG TÊN, anh đâu có tội, khi anh phải chấp hành một quy định nghiêm ngặt: KHÔNG ĐƯỢC ĐỂ LỘ QUÊ CHA, ĐẤT MẸ Ở MIỀN BẮC..
..Anh tên gì, hỡi anh yêu quý ?
LỜI THỀ CỦA LÍNH
Kontum lắm dốc, nhiều đèo, ăn đói vác nặng đã thành chuyện cơm bữa đối với cánh lính pháo chúng tôi. Nhưng quả là chưa bao giờ xẩy ra nỗi cơ cực nhớ đời như lần vượt qua đỉnh Chưmomray mùa mưa năm ấy. Dốc cao trơn nhẫy đã đành, những quả đạn pháo cứ để nguyên đai nguyên kiện trong hòm gỗ dài thuột nằm trên lưng, hệt như cây thập tự giá. Gai góc, dây nhợ ngoắc đằng trước, níu đằng sau. Đã ở trần, vận độc cái quần xà lỏn, mặc gai rạch, nhưng nào có cất bước được mau hơn. Mỗi lần vấp ngã , cái hòm đạn nặng trên năm, sáu chục ký ép chặt lưng xuống bùn đất, phải ơi ới gọi ai khác vực dậy mới đứng lên được.
Quá trưa, những hình hài lấm láp, phờ phạc kia mới lên tới đỉnh dốc. Vừa đặt hòm đạn xuống, Hào cậu pháo thủ số 3 trẻ nhất khẩu đội bỗng òa lên khóc tức tưởi. Khẩu đội trưởng Khánh- một chàng trai Hà nội tính khí nóng nẩy nhưng hết sức thông minh, luôn nhận cái khó cái khổ về mình , bỗng nhẩy sấn tới siết lấy cổ Hào thét đến lạc giọng:
-Đồ hèn, đồ rệp ! Hãy lau ngay những giọt nước mắt quần thâm của mày đi ! Nhìn anh mày đây, một công tử Hà nội chính tông mà có rên la, sướt mướt như mày đâu?
- Anh sỉ vả , mắng mỏ em, em xin chịu, nhưng em nói thật, em hết chịu nổi rồi!- Hào nói trong tiếng thút thít- Nếu trời còn để sống, đến ngày hòa bình thống nhất , được về quê , em chỉ có mỗi nguyện vọng thôi: Em sẽ đi bộ 10 cây số trên đường bằng cho nó sướng !
Vừa nghe đến đâý, khẩu đội trưởng Khánh bỗng ra khẩu lệnh bắt khẩu đội xếp một hàng dọc. Và quay mặt về hướng Bắc. Chưa hiểu ý định khẩu đội trưởng ra sao , bỗng nghe anh gào lên phẫn khích: “Đến ngày hòa bình thống nhất, không thèm gì hết, chỉ xin được đi bộ 10 cây số thôi . Xin thề ! Xin thề !”
Chúng tôi nhẩy cẫng lên sung sướng như hóa rồ, múa tay vung vít trên đầu hưởng ứng:
-Xin thề ! Xin thề ! Xin thề !
Bẩy đứa có mặt trong lần tuyên thệ ấy bây giờ còn sống ba . Một cậu chết trong cánh rừng ven sông Poco . Một cậu nữa chết vì cây đổ khi đi phát nương. Hào trúng đạn của thám báo Mỹ trong lần vượt đèo Phượng hòang tìm đường xuống đồng bằng lấy gạo. Khẩu đội trưởng Khánh “ vấp “ mìn trước hôm Hiệp nghị Paris ký kết đúng một ngày.
Yên hàn, thanh bình rồi, tàu xe thuận tiện, nhưng cũng phải hai, ba năm những đứa sống sót mới tụ họp nhau một lần. Chúng tôi kéo về Hà nội, lần tới ngõ Khâm thiên, thắp hương trên bàn thờ của khẩu đội trưởng Khánh. Và cứ mỗi lần như thế , nhắc lại lời thề trên đỉnh Chưmomray năm nào, chúng tôi sượng sùng không dám nhìn mặt nhau. Hóa ra, càng sống, càng về già, càng nhiều ham muốn, thèm thuồng. Chỉ có những thằng bạn chết trẻ của chúng tôi là mãi mãi giữ trọn lời thề năm xưa…