Có nhiều người chuyên môn viết truyện ngắn Tiểu thuyết bỗng nhảy qua làm thơ hay ngược lại người sở trường là thơ lại bắt qua viết truyện. Chợt nhớ truyện Kim Dung có nhân vật già mà hồn nhiên thiên hạ gọi là lão Ngoan Đồng ngồi buồn lấy tay trái đánh tay mặt đỡ để chơi không ngờ trò chơi ấy trở thành thế võ vi diệu trở thành một người kỳ tài. Hình như chưa có ai viết về những ai viết văn còn làm thơ nó có gì lạ so với người làm thơ thông thường. Một vài trường hợp như Nguyễn Bình Phương rồi tới Nguyễn Ngọc Tư theo tôi là hiện tượng. Hiện tượng vì lâu nay bạn đọc quen với thơ đọc lên thấy rung động cảm xúc làn da rờn rợn, rồi cảm xúc lần vô da thịt, lần vô trái tim… Người như chưa quen, lâu lắm mới quen cái gọi là thơ đương đại tự do không vần điệu, câu dài câu ngắn chữ đẻ chữ mang hình ảnh đuổi theo nhau. Hình ảnh nó vừa dẫn bạn đọc đi cũng vừa đánh đố không hiểu tác giả muốn nói lên điều gì không có chỗ kết nối mà kín bưng như xem phim (phim trinh thám) vậy. Thơ đương đại là thế giới nội tâm bí ẩn xa lạ với thế giới bên ngoài. Đọc không thấy cảm xúc, nếu có chạm được tim thì đó là tim đen xì xì. Vì vậy thơ đương đại nó hành hạ bạn đọc, thơ không còn là chuyện viết để mua vui. Năm trước Ngọc Tư trình làng tập thơ chấm. Dân làng thơ vẫn chưa hết ngỡ ngàng cần có thời gian để mưa sâu thấm đất, Tư như mắn đẻ, không biết thai nghen từ lúc nào tiếp tục cho ra “gọi xa xôi”. Tư gọi ai. Đất của làng thơ đông kín người cứ nhìn thơ đăng báo hay, đọc mục bài vở nhận được đầy những tên tuổi thì biết. Làng thơ, vườn thơ như không còn chỗ cố lủi đầu vô gọi. Chầu xưa có thi sĩ Phạm Hầu- đưa tay ra vẫy ngoài vô tận – chẳng biết xa lòng có những ai. Nay có Nguyễn Ngọc Tư văn chưa đủ nhảy qua thơ “gọi xa xôi”. Hình như Ngọc Tư cũng biết gọi xa xôi, những gì đã mất thì nó mất nhưng cái vẫn còn lẩn khuất đâu đó. Người rất gần mà lại xa tiếng vọng về nên mở tập thơ ra ở trang đầu tiên Ngọc Tư đề tặng mình. Cho thấy đây là một người lẻ loi cô đơn. Thú thật tôi thương những người cô đơn làm thơ tặng mình, kiểu giá có thể hay là tôi nhìn tôi trên vách. Và ở ngay bài thơ đầu tiên ta được đọc bài “Thư nháp” khiêm tốn thay vì đó là thư thiệt tự bạch.
- Không sao ngăn được tiếng thở dài- bầy tính từ- trong lúc chờ ngược sáng – yếu đuối dường nào- chữ tựa vào chấm than- khoảng trống chập trùng gió thổi – thuyền nằm bãi cạn – bài hát thầm.
Ở đây cho thấy hình ảnh Ngọc Tư ngồi trước trang giấy trắng lặng lẽ cô đơn vất vả để tìm chữ. Hoàn toàn khác với một Ngọc Tư kẻ lắm chuyện và kể lại chuyện đất phương nam, tới nay vẫn là miền đất mới trong mắt một số người qua những truyện ngắn truyện dài. Hai con người trong một con người. Thư nháp tiết lộ Ngọc Tư là người của số đông nhưng cũng thuộc số ít của cái gọi là thế giới chữ. Tìm ra được một chữ trước rừng chữ cho cuộc đời đẹp hơn với cái thật của nó coi bộ khó sao trước cuộc sống cũng đang bủa vây bởi chữ nghĩa không biết cái nào là thật, đâu là giả- thí dụ như thu phí gọi là thu giá, đường ngập nước lại nói là tụ nước. Ngọc Tư chỉ đích danh qua “ví von”- họ xây nên mê lộ bằng ví von – nắng giòn như tiếng cười trẻ nhỏ – trời khuất mặt sau đám mây hình nấm- đáy vực tối như trái tim đã bạc… bạn đổi màu theo những ví von – mỗi bước mỗi nhạt nhòa hình dáng.
Ví von như không dành cho những ai đọc chữ mà không vỡ chữ. Mọi thứ bắt đầu từ lời và còn ở phía sau lời. Có lẽ bài “Hội chữ” sẽ dễ hiểu hơn “họ vừa diễn vừa xem. Mình vừa xem vừa diễn… vài bài thơ mùa hạ- sớm đã uể oải đông… chữ dấu trong gươm áo- chữ lấp ló cung tên- xập xòe khoe mặt nạ – viễn vông bôi má hồng- soi vào nhau kinh hải- tuồng hôm xưa diễn lại – soi mặt nạ tướng nhàu- sao tượng đá còn đau- có thơ hiền như bụt- gói cất một nụ cười- năm năm giở ra coi – bỗng hóa thành vụn bụi”.
Ngọc Tư còn cho thấy ở “chương ba”sự nhọc nhằn trước chữ sực nhớ lại bài thơ quán bên đường của ông già Trang Thế Hy thẳng thừng với câu hỏi “Anh viết chi… ngòi bút có phải là chiếc cần câu cơm”. Ở đây người đàn bà trẻ đang viết gì đến “chương ba”- người đổ xuống thành sông- người gục đầu thành núi – và em nghĩ đến cuộc bỏ đi – và chữ bốc hơi”. Chữ nghĩa cũng như tiền bạc của mình mà nguồn gốc nó là của đời cho mình. Một khi nó bốc hơi trở về với đời là dấu hiệu cho người viết điều gì đó người viết nên tự biết… Nói bỏ đi nhưng đã mang nghiệp vào thân không dễ buông bỏ. Qua Chấm rồi đến gọi xa xôi nhiều bài cho thấy Ngọc Tư đã bỏ nhà lang thang đi nhiều nơi, lăn lóc ngủ bụi dọc đường để tìm chữ. Kéo chữ về đúng chỗ đời sống thật đang diễn ra mắt người nhìn thấy. Rất nhiều bài thơ viết về đảo xa, kể những bài thơ được trao giải thưởng. Ngọc Tư đi và viết bài Đảo, phải nói không hay lắm những thú vị ở chỗ bài thơ sâu lắng chữ nghĩa chân thật mang thông tín cho thấy đâu là tâm của một người. Đảo – Nắng cháy giòn xương – thân thể ước đầm gió muối – Không mùa cốm xanh chẳng ngày sen nở – chỉ gió miên man miết vào da sóng… Bạn đảo đáy sóng gửi xương – hồn bạc đầu trong chừng biển – mẹ già ngẩn ngơ bên mộ gió – mẹ và mộ đều còng. Và sói gầm gừ phương Bắc. Và bảo vắt vơ rơ – và ngọn triều khỏa mất chân trời. Đảo tựa vào thương nhớ đầu môi. Câu cuối bất ngờ cho thấy Ngọc Tư có phải gọi xa xôi và cũng lắng hồn nghe từ xa xôi vọng về.
Đi bằng đôi chân, bằng đôi mắt ghi nhận nghiền ngẫm rồi biến nó thành chữ. “Gọi xa xôi” cũng như các tập thơ của người khác thôi đâu phải bài nào cũng hay mà bài hay xen lẫn bài vừa, bài dở. Ở “gọi xa xôi” của Nguyễn Ngọc Tư cũng không ra ngoài ngoại lệ. Nhiều bài thơ được viết ra sau những chuyến đi thay vì mở ra đem cảm xúc tới cho người, ở đây lại khép kín những điều nhìn thấy vào thế giới nội tâm sâu lắng riêng mình. Quan niệm thông thường có thể cho đây là những bài thơ dở. Dở vì nó không hay. Với quan niệm cõi đời rộng mở theo thuyết thế giới bất toàn nhất là khi đứng trước biển đời bao la trước chữ, không hiểu không thể cho đó là dở. Với nhà Phật cũng vậy, tu hành chân chính điều nào không hiểu không lên tiếng chê để rồi không thấy bụt bên trong. Phải chăng ta thường gặp lắm thứ đọc không hiểu, xếp lại rồi mở ra, thời gian sau mới thấy người, đời sống chữ vô cùng phong phú. Thú vị ở chỗ, đọc lướt qua không thấy bóng chữ, hồn vía của chữ đâu, nghiền ngẫm mới thấy nó hiện ra phía sau lời, sau chữ rồi nó đẻ ra trường phái chữ đẻ chữ, trường phái ấn tượng, ẩn dụ, hiện thực huyền ảo, tân hình thức v.v…
Chữ còn là chất liệu để mỗi người viết có kiểu tu từ riêng. Tăng cường sự biểu cảm để chữ tạo ra dấu ấn để bạn đọc nhận ra người viết là ai. Nhà thơ Lê Đạt gọi đó là bầu chữ vào thơ, cho mình là phu chữ. Với Nguyễn Ngọc Tư, có thể nói gọi xa xôi ta không thấy tỉnh từ, động từ nào mới lung linh, bóng bẩy. Chữ của Nguyễn Ngọc Tư mộc mạc như là lượm ra từ dân gian của người phương nam tạo ra sức sống mạnh mẽ. Thí dụ- “dấu chấm rơi phịch lên giấy- phố rền đầu gậy người mù” - “giấc ngủ ướp muối em”. Thay vì mật nắng tươm vàng “nắng lại tươm ròng bảy ngã”– “nắng chưa thôi tầm tả bên ngoài” nắng mà lại như mưa. Có thể nói thế giới chữ của Nguyễn Ngọc Tư rất gần gủi với người đọc nhưng nó lại gợi cho người những gì xa xôi. Áo con đứt chỉ- áo con dệt bằng sợi trắng nhất của mây – chỉ lại đục may vào đâu cũng ngượng – kim lảo đảo theo đường may cũ- tựa như viền lại chiêm bao – cắt lìa lại sợi chỉ đau – dùng dằng ngồi nhìn chỗ rối- vá víu vết đan áo trẻ- mẹ xiên kim vào tay mình.
Gọi xa xôi như tiếng hót của một loài chim lạ chợt xen vô dàn đồng ca.
Ngô Khắc Tài