Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HẢI PHÒNG RƯỚC "SÁT THỦ" VỀ SÔNG CHUNG

Tô Văn Trường
Thứ hai ngày 9 tháng 7 năm 2018 3:42 PM


Dự án nhà máy giấy và bột giấy này của một tập đoàn Trung Quốc, dự kiến triển khai tại KCN Nam Đình Vũ (Hải Phòng). Độc tố thải ra trong quá trình sản xuất sẽ "giết" môi trường rất nhanh
Trong khi mới đây, hôm 24-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường đã khẳng định trước toàn dân rất mạnh mẽ "kiên quyết không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường" thì thật ngạc nhiên và khó hiểu, chiều 5-7, lãnh đạo TP Hải Phòng tuyên bố sẽ ủng hộ Tập đoàn Giấy Cửu Long (Quảng Đông, Trung Quốc) đầu tư nhà máy giấy và bột giấy tại KCN Nam Đình Vũ. Việc xúc tiến đầu tư này chỉ còn chờ kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.
Người ta cấm, mình lại cho phép
Chúng ta đều đã biết dự án Nhà máy Giấy Lee & Man (Hồng Kông) ngay từ khi mới có chủ trương đầu tư ở tỉnh Hậu Giang đã được nhiều nhà khoa học cảnh báo về các tác hại đến môi trường nhưng do lúc đó, các thủ tục về báo cáo ĐTM chưa chặt chẽ nên người ta vẫn lách được qua khung cửa hẹp, không làm báo cáo ĐTM mà chỉ làm bản cam kết bảo vệ môi trường! Nhưng chỉ sau 1 năm, nhà máy này chính thức đi vào hoạt động, đến ngày 4-7-2018, ông Chung Waifu, Tổng Giám đốc Công ty Lee & Man, đã phải tuyên bố từ bỏ nhà máy sản xuất bột giấy để bảo vệ môi trường.
Về dự án nhà máy giấy và bột giấy của nhà đầu tư Cửu Long (Trung Quốc), rất đáng lo khi Đình Vũ (Hải Phòng) là cửa ngõ ra biển lớn nhất ở miền Bắc, báo động về ô nhiễm môi trường là nhãn tiền. Bài học nóng hổi nói trên của Nhà máy Giấy Lee & Man ở Hậu Giang có thể lãnh đạo TP Hải Phòng chưa kịp học thuộc và cũng quên luôn cả chỉ đạo nói trên của Thủ tướng.
Hải Phòng rước sát thủ về sống chung! - Ảnh 1.
Khu Công nghiệp Nam Đình Vũ - nơi dự kiến xây dựng nhà máy giấy và bột giấy của Trung Quốc Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Giấy là ngành công nghiệp đứng đầu bảng về gây ô nhiễm (theo xếp loại của CCCP). Từ ngày 1-1-2018, Trung Quốc đã cấm nhập 24 loại "phế liệu", trong đó có một số loại nhựa phế thải và giấy chưa phân loại. Sau nhiều năm cho phép nhập khẩu nhiều loại phế thải để tái chế, Trung Quốc nhận thấy rằng lợi ích kinh tế mang lại chỉ là một phần nhỏ, không đủ bù đắp cho thiệt hại môi trường. Sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm, các doanh nghiệp nước này rất muốn đầu tư tại các nước khác ở lĩnh vực công nghiệp tái chế, trong đó có nhà máy giấy và nhựa.
Điều đáng lo ngại nhất ở đây là bột giấy, như vậy họ sẽ được nhập phế liệu giấy (theo quy định của Việt Nam, phải đáp ứng QCVN 33 đối với phế liệu giấy nhập khẩu), xử lý sơ bộ rồi xuất trở lại Trung Quốc hoặc xuất đi các nước với giá cao. Nếu được như thế là đúng với mục đích của các doanh nghiệp tái chế Trung Quốc tìm mọi cách có lợi nhuận, còn hậu quả về môi trường thì Việt Nam phải gánh chịu. Trớ trêu là Trung Quốc tìm cách hoạt động ở các nước khác, còn hậu quả là chất thải gây ô nhiễm ở lại nơi "tái chế", là cái điều mà chính ngay tại Trung Quốc đã ra lệnh cấm.
Tập đoàn này sử dụng nguyên liệu là giấy phế liệu. Dù có "sử dụng giấy phế liệu đạt chuẩn môi trường" như thế nào đi chăng nữa thì vẫn cần có công đoạn tẩy mực in trên giấy phế liệu, nước thải chắc chắn sẽ có hàm lượng POPs (chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy). Tiềm ẩn nguy cơ lớn về ô nhiễm môi trường và Việt Nam trở thành bãi rác thải của thế giới.
Phải "tuýt còi" ngay lập tức
Các nhà máy sản xuất giấy, hóa chất, thép... được xếp vào loại báo động vì chất xả thải độc hại ra môi trường. Công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm còn hơn cả công nghiệp khai khoáng, bởi vì phải khai thác các nguồn xenlulo tự nhiên (rừng), sử dụng nhiều chất tẩy (độc hại) trong quá trình sản xuất ("xeo") và đặc biệt việc tái chế giấy càng thải ra nhiều chất độc hại, rất nguy hiểm.
Tùy theo loại hình sản xuất, nếu nhà máy có hệ thống nấu sản xuất bột giấy thì ô nhiễm môi trường lớn nhất là dung dịch đen (black liquor) thải ra môi trường dưới dạng nước thải. Dịch đen chứa nhiều hóa chất độc hại. Thường thì các nhà máy lớn phải có lò hơi đốt dịch đen để thu hồi hóa chất. Cái này cũng cần kiểm soát kỹ vì nhiều trường hợp nồi hơi trục trặc là nhà máy thải ngay dịch đen ra môi trường bởi không có chỗ chứa. Dịch đen có mùi hôi đặc trưng gây ô nhiễm mùi cho môi trường xung quanh, nếu thải ra nguồn nước thì gây ô nhiễm nước, tổn hại đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Còn quá trình sản xuất giấy thì công đoạn tẩy trắng cũng dùng nhiều hóa chất độc hại cần xử lý trước khi thải ra môi trường nước. Ngoài ra, còn phải kiểm soát thêm môi trường khí thải của lò hơi. Nhà máy lớn thì lò hơi lớn nên cũng phải kiểm soát chặt chẽ, không thì môi trường lãnh đủ.
Với những nhà máy giấy, hóa chất, đáng lo ngại nhất là phát thải dioxin và các chất giống dioxin. Quản lý dioxin và các chất giống dioxin ở Việt Nam còn rất yếu kém. Báo cáo ĐTM của những nhà máy này cần phải làm rất cẩn thận. Trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã có những quy định mới về trách nhiệm của hội đồng thẩm định và người ký duyệt ĐTM.
Bộ Công Thương mới có dự án "Áp dụng Hóa học Xanh tại Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm sử dụng, phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs)/hóa chất độc hại" do UNDP tài trợ. Theo tinh thần của dự án này thì việc đầu tư dự án sản xuất bột giấy từ giấy phế liệu nhập khẩu cần phải bị "tuýt còi" ngay lập tức, không cần chờ xem xét về báo cáo ĐTM.
Mong rằng các chính quyền địa phương, cụ thể ở đây là Hải Phòng và các cơ quan "gác cổng" của Chính phủ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phải nghiêm túc quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kiên quyết không cho nhập phế liệu giấy và nhà máy sản xuất bột giấy, đặc biệt là từ công nghệ của Trung Quốc vì hậu quả đã rõ.
"Không được thu hút đầu tư bằng mọi giá, kiên quyết không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường, không cho phép đầu tư các dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và hoan nghênh một số địa phương đã từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường." Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
TÔ VĂN TRƯỜNG