VNTN – Cuối năm 2017, khi Quốc hội thảo luận lần đầu về dự án Luật An ninh mạng, Thiếu tướng Phan Văn Tường, Phó tư lệnh Quân Khu 1, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên đã không “ngại” làm thiểu số khi cho rằng nội dung của dự thảo luật này nên ghép vào Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.
Tại kỳ họp này, sau khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, đại diện Văn nghệ Thái Nguyên đã tìm gặp Tướng Phan Văn Tường bên hành lang Quốc hội.
Thưa ông, tại kỳ họp trước ông đã thể hiện quan điểm rất thẳng thắn về dự thảo Luật An ninh mạng. Kỳ này, dù Quốc hội đã thông qua với số phiếu thuận rất cao nhưng dư luận vẫn đang có quan điểm trái chiều về sự cần thiết ban hành luật. Quan điểm cá nhân ông với tư cách người đại diện cho nhân dân thế nào?
Dư luận trái chiều là đương nhiên, vì từng điều luật phải nghiên cứu rất kỹ mới có thể tham gia góp ý được.
Thảo luận tại kỳ họp trước của Quốc hội thì một số đại biểu trong đó có cá nhân tôi không đồng tình vì nhiều nội dung của dự thảo Luật An ninh mạng trùng với Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh Quốc gia.
Dự thảo trình Quốc hội kỳ họp này cũng đã có một số vấn đề được tiếp thu. Chẳng hạn quy định về mạng thông tin quan trọng quốc gia đã thu hẹp, phạm vi về biện pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng cũng đã được giới hạn nên được nhiều đại biểu chấp nhận.
Nhưng tôi chưa yên tâm về tác động khi tổ chức thực hiện, trước mắt ít nhiều cũng sẽ tác động đến hoạt động của các cơ quan liên quan, nhất là hoạt động của các doanh nghiệp.
Vì thế nên ông lại thêm một lần không ngại làm thiểu số, là một trong 15 vị nhấn nút không tán thành khi Quốc hội bấm nút thông qua?
Đúng, tôi là một trong số ít người chưa đồng ý ban hành Luật An ninh mạng.
Hiện nay Quốc hội biểu quyết bằng cách bấm nút điện tử, chỉ hiện tỷ lệ tán thành/không tán thành/không biểu quyết mà không rõ chính kiến của từng người. Trong khi nhiều ý kiến cử tri cho rằng nên công khai danh tính đại biểu nào đồng ý/không đồng ý trước mỗi vấn đề được đưa ra biểu quyết. Quan điểm của ông thì sao?
Cái này cũng có đại biểu đề xuất từ những khoá trước, nếu về mặt kỹ thuật thì làm được việc đó cũng không khó. Tôi thì tôi không ngại công khai chính kiến. Nếu cử tri yêu cầu thì tôi hoàn toàn đồng tình.
Ngoài An ninh mạng thì dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cũng được dư luận hết sức quan tâm. Quốc hội cũng đã quyết định lùi đến kỳ họp sau tiếp tục xem xét. Cũng có ý kiến cho rằng sở dĩ phải lùi là do chưa đánh giá đầy đủ tác động và chưa tổ chức tốt việc lấy ý kiến của nhân dân, ông có đồng tình không?
Theo tôi thì lùi thông qua là quyết định cần thiết để có thêm thời gian tiếp thu ý kiến nhân dân, các nhà khoa học và kinh nghiệm quốc tế.
Đặc khu là vấn đề rất mới ở Việt Nam, nhưng quá trình hoàn thiện dự thảo luật có thể cách thức tiếp thu của cơ quan soạn thảo và thẩm tra chưa được toàn diện.Quá trình xây dựng luật cũng chưa lường hết các yếu tố mà người dân quan tâm, nhất là chính sách đất đai. Qua thực tế quan hệ về đất đai, có những trường hợp chỉ là cho cá nhân, tổ chức khác mượn đất ngay trong làng, xã của mình thôi đòi lại đã khó khăn, chứ chưa nói đến việc cho thuê đất có thể lên đến 99 năm như quy định tại dự thảo luật. Cho thuê lâu như thế sau này thu lại thế nào? nếu có vấn đề thì giải quyết ra sao? Dân lo cũng là đương nhiên và lẽ ra cơ quan chức năng cần giải thích kịp thời hơn về các tác động của luật này để dân hiểu.
Về mặt thời gian thì kỳ họp này được coi là ngắn kỷ lục (20,5 ngày làm việc) so với nhiều kỳ họp trước. Các dự án luật được thông qua và cho ý kiến cũng ít hơn nhiều. Thế nhưng có đến hai luật khiến dư luận “dậy sóng” và ngay trong chính Quốc hội cũng còn quan điểm rất trái chiều. Vậy có “bài học” nào được rút ra, thưa ông?
Theo tôi thì tranh luận trong xây dựng luật là việc bình thường, đó là quá trình thống nhất về nhận thức. Còn nguyên tắc khi biểu quyết là thiểu số phục tùng đa số, trách nhiệm của đại biểu là khi thông qua rồi thì phải tuyên truyền đến nhân dân chứ không giữ mãi ý kiến của mình được.
Vừa qua như phóng viên nói có những dự án luật trong dư luận còn nhiều ý kiến chưa đồng tình một phần cũng do thông tin đến dân chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa kịp thời khiến cử tri hiểu chưa toàn diện. Và cũng có cả nguyên nhân từ việc đánh giá tác động, tiếp thu ý kiến nhân dân nữa, đây là điều cần rút kinh nghiệm trong công tác lập pháp.
Sự quan tâm, bao gồm cả phản ứng từ dư luận với những vấn đề được bàn thảo tại nghị trường có khiến đại biểu Quốc hội cảm thấy áp lực hơn khi bấm nút quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nói chung và các dự thảo luật nói riêng không, thưa ông?
Để làm tròn vai đại diện cho nhân dân ở cơ quan quyền lực cao nhất thì chắc là đại biểu nào cũng áp lực ít nhiều.
Nói riêng về xây dựng pháp luật thì ngay như Luật Công an nhân dân mới có hiệu lực ba năm đã sửa, một số luật khác cũng chỉ 3-4 năm đã sửa, điều này không chỉ lãng phí về nhân lực vật lực mà còn tác động đến tâm trạng của cử tri. Và đây cũng là áp lực với đại biểu Quốc hội.
Đặc thù của Quốc hội Việt Nam là đa số đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm (tức là không thể dành 100 phần trăm thời gian làm việc cho công việc làm đại biểu). Theo ông đó có phải một trong những nguyên nhân dẫn đến “tuổi thọ” của nhiều đạo luật không cao, như ông nói là 3-4 năm đã phải sửa đổi?
Đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm đều có lợi thế riêng. Đại biểu chuyên trách thì có kỹ năng lập pháp tốt hơn, còn đại biểu kiêm nhiệm, nhất là đại biểu công tác ở địa phương thì có kinh nghiệm nhiều hơn trong tổ chức thực hiện, kết hợp được hai thế mạnh này trong xây dựng luật theo tôi là tốt.
Còn nếu có ý kiến cho rằng đại biểu kiêm nhiệm không có đủ thời gian làm nhiệm vụ của mình thì không hoàn toàn đúng. Theo tôi được biết thì hầu hết các cơ quan, đơn vị có người tham gia Quốc hội đều dành thời gian và tạo điều kiện mọi mặt để đại biểu có thể làm tròn nhiệm vụ của mình.
Vĩnh An