Nhà thơ Hồ Xuân Hương ( HXH) luôn được sự chú ý của dư luận, nhất là từ khi tập thơ Lưu Hương kí ( LHK) của bà được phát hiện từ những năm 60 của thế kỉ trước. Tập thơ ( bản gốc), chỉ có duy nhất 1 bản, bị thất lạc nhiều năm, rất may, theo một nguồn tin mà tôi được biết, Viện Văn học Việt Nam đã tìm lại được. Theo nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại, thì chữ Lưu có bộ ngọc ở bên, chỉ quê hương Quỳnh Lưu, không phải là lưu biệt hay lưu truyền, còn Hương là tên tác giả: Hồ Xuân Hương. Vậy đây là thơ của người Quỳnh Lưu tên là Xuân Hương, đã được ký (ghi lại). Đặc biệt, nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại khẳng định:, “LHK là một tài liệu chân chính, đáng tin cậy, và trong trường hợp này, không thể có vấn đề, có kẻ nào đó muốn chơi khăm, làm ra tài liệu giả mạo để đánh lạc hướng nghiên cứu của chúng ta”. (LHK và lai lịch phát hiện nó - Trần Thanh Mại, toàn tập, tập III, Nhà xuất bản Văn học, 2004 ).
Gần đây, báo Văn Nghệ số ra ngày 26/ 5/ 2018, có đăng bài của nhà thơ Thạch Quỳ: “Về bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường của Hồ Xuân Hương”. Trong bài này, ông Thạch Quỳ đã có một nhận xét rất đúng và rất đáng chú ý: “ Rõ ràng là đang có vấn đề khúc mắc và chưa hợp lí ở đây!”. Ông nhận ra như thế, nhưng cách lí giải của ông trong việc tìm ra ngọn nguồn bài thơ lại có tính suy đoán. Mà ông cũng nói rõ ràng là ông chỉ suy đoán có thể là như vậy thôi. Vì ông được coi là ông phủ Vĩnh Tường đã chết vì án tử hình năm 1819, mà 3 năm sau, năm 1822, mới có tên phủ Vĩnh Tường. Hay là bà HXH trở về nơi có tên mới là phủ Vĩnh Tường sau năm 1822?
Ông Thạch Quỳ thấy trong tập thơ LHK của HXH không có bài thơ Khóc ông phủ Vĩnh Tường, thực ra, toàn bộ thơ Nôm được truyền tụng và được coi là của HXH, số này theo các tài liệu biên khảo là non 200 bài, sau thu lại còn khoảng 50 – 60 bài, với khoảng 130 dị bản - vì là thơ dân gian, mỗi nơi, mỗi người, chép mỗi khác, rồi cứ thế mà đem in, do bán rất chạy- trong đó có khoảng 20-30 bài được in đi in lại nhiều lần, coi là “bản chính thức của thơ Nôm truyền tụng HXH”. Tất cả đều có một nét chung là nói về “cái ấy” và “chuyện ấy”…. và đều không có trong LHK. Và những dấu ấn đó được coi là “độc đáo, kì lạ”, mà trong công trình nghiên cứu của nhà thơ Xuân Diệu, viết và sửa trong 22 năm ( 1958 – 1980) HXH bà chúa thơ Nôm có đoạn, Xuân Diệu viết “ hiện tượng độc đáo kì lạ, có thể nói là có một không hai trong văn học Việt Nam, có lẽ trong văn học thế giới. Đó là một kĩ nữ .” ( trang 377- 378, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Nxb Văn học, 1988 – tác phẩm đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, đợt 1 năm 1996 ). Sách Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Trung tâm Từ điển học và Nhà xuất bản Đà Nẵng, in năm 2002, do GS Hoàng Phê chủ biên, có bút tích của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, giải nghĩa: Kĩ nữ là gái mại dâm ( là làm đĩ). Còn nhà thơ họ Hồ Quỳnh Đôi không phải là “kỹ nữ” thì đã rõ, không cần phải bàn. Trong bài Tựa của Tốn Phong in ở đầu tập LHK, HXH nói với Tốn Phong rằng: “ Đây là toàn bộ thơ của cuộc đời tôi từ trước đến nay, nhờ ông viết cho một bài tựa” Vậy theo lời của chính HXH thì bài thơ Khóc ông phủ Vĩnh Tường và tất cả các bài thơ Nôm truyền tụng đã nói trên, vẫn gán cho bà - những bài hoàn toàn không có trong tập LHK - là không phải thơ của bà vậy. Đánh giá thơ bà mà lại cứ tự ý và đơn phương gạt bỏ ý kiến xác nhận bản quyền của chính tác giả là rất buồn cười và hoàn toàn không khoa học. Đây cũng chính là việc chúng ta cần làm, để trả lại giá trị đích thực cho bà, minh oan cho bà là bà không từng là kĩ nữ, ở trong các “nhà chứa”, trong các “lầu xanh”, như một số sách giai thoại và biên khảo trước đó đã in ra, từ trước và sau năm 1913, mà Xuân Diệu căn cứ vào đó để viết đoạn văn đã dẫn trên.
Vậy ông “phủ Vĩnh Tường” là ai? Là ông Trần Phúc Hiển, chồng bà HXH, từng làm quan Tham hiệp trấn Yên Quảng ( tỉnh Quảng Ninh hiện nay) bị tử hình năm 1819 vì tội ăn hối lộ 700 quan tiền, trong việc giải quyết đất đai tại châu Hải Ninh, thuộc trấn / tỉnh này. Năm 1822 phủ Tam Đái ( nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) mà ông Hiển từng làm quan ở đó 10 năm trước, mới đổi tên là phủ Vĩnh Tường. Vậy ông Hiển “ không liên quan gì đến hai chữ Vĩnh Tường”, ông Thạch Quỳ nói đúng. Xin lưu ý, năm 1822, cũng chính là năm bà HXH mất ( theo bia đá dựng ở đầu làng bà ở Nghệ An, ghi rõ bà mất năm 1822 ) thì rất có thể, chính bà HXH cũng không hề biết có phủ tên là phủ Vĩnh Tường. Và như thế, bà HXH cũng “không liên quan gì đến hai chữ Vĩnh Tường”.
Ông Tốn Phong nhận xét: Thơ HXH "xuất phát từ cảm hứng nhưng biết dừng lại ở phạm vi lễ nghĩa. Vui mà không đến nỗi buông tuồng ..." Đọc lời Tựa LHK mới thấy Tốn Phong nhận xét thơ HXH, tháng 3 năm 1814, như thế là rất chuẩn xác. Xin hãy đọc toàn bộ LHK để thấy HXH “ học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép tắc mà văn hoa, thực là một bậc tài nữ”, như nhận xét rất đúng của Tốn Phong. Tuyệt đối không có bất cứ một câu nào, một chữ nào, hay một “ý tại ngôn ngoại” nào… ngay cả kẻ gian dâm có đọc thơ bà trong tập đúng là của bà này, cũng không bao giờ thấy váng vất “cái ấy” và “chuyện ấy”, với nhiều góc nhìn cận cảnh và các động tác cụ thể chỉ có ở “cánh mày râu “… Thơ thật của bà, đúng như ông Tốn Phong đã khẳng định giá trị, hoàn toàn không phải thế. Đẳng cấp xã hội ( phải là quí tộc) và phẩm chất thơ của bà phải như thế nào ( có văn hoá cao, hào hoa trang nhã) – đúng như nó đã có trong LHK - mới được Tùng Thiện vương Miên Thẩm, con trai thứ 10 của vua Minh Mạng, em ruột vua Thiệu Trị, cháu nội vua Gia Long nhà Nguyễn, chú ý, đọc và viết về bà những dòng thơ rất trân trọng và đồng cảm như trong bài Long Biên trúc chi từ ( 1842) mà nhiều người đã biết. Và tôi tin, tác giả LHK ( nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại đã khẳng định “ LHK là một tài liệu chân chính” - đã dẫn ở trên), dứt khoát không thể viết những câu rất mất vệ sinh: “Chành ra ba góc, da còn thiếu” / “Trưa trật nào ai móc kẽ rêu“/ “Dưới khe nước rỉ mó lam nham…” vân vân và vân vân …, vì 2 loại thơ này, trái ngược nhau như nước với lửa. Đây là thơ Nôm dân gian đầu thế kỉ XX, sớm nhất cũng là cuối thế kỉ XIX - nghĩa là sau khi bà đã mất từ 50 – 60 năm đến non 100 năm, mới có ( năm 1842, khi Tùng Thiện vương viết Long Biên trúc chi từ, chắc chắn chưa có ) - với ngụ ý chống mọi lề thói phong kiến cổ hủ ràng buộc con người và thói đạo đức giả “ Ban ngày quan lớn như thần / Ban đêm quan lớn lần mần như ma” mà có người cho là thơ của Nguyễn Công Trứ, thời Nguyễn. Bài thơ Khóc ông phủ Vĩnh Tường… nằm trong số ấy. Tôi rất tin là không bao giờ có một bà vợ, dù ngu độn hoặc dở người đến mấy, lại khóc chồng ( chưa kể chồng chết vì tội phải tự hình ) mà khóc là cái “ cán cân tạo hóa” của ông đã rơi mất, và cái “miệng túi càn khôn” của tôi đã khép lại từ lúc ông chết rồi… rất thiếu văn hóa và vô cùng phản cảm… ( chúng ta đều biết hai cái đó là cái gì rồi); bây giờ trong gia đình của bất cứ ai, nếu có một bà vợ khóc chồng chết mà khóc như thế, liệu anh em con cháu nhà chồng có để cho bà ta yên không? Gán bài thơ này cho bà, vô hình chung, chúng ta đã xúc phạm bà. Còn thơ dân gian thì lại khác, hoàn toàn khác. Nhưng ta không bàn điều đó tại đây.
Do đó tôi nghĩ, đây là thơ dân gian như nhà nghiên cứu rất đáng kính Trần Thanh Mại đã viết, đó là thơ “ nhảm nhí” của “đám mày râu chúng ta”, làm ra cho vui, qua sự nhuận sắc và truyền bá của các ông đồ, rồi cứ thế mà gán cho bà . Tất nhiên, về ý thức phản phong và giá trị nghệ thuật, nó phải thật sự có giá trị thì mới tồn tại được cùng với Truyện Trạng Quỳnh và Truyện Trạng Lợn… Bây giờ đã ở thế kỉ XXI, với tầm trí tuệ của ngày hôm nay, cái điều “uẩn khúc và chưa hợp lí” này, đã có thể làm rõ và kết thúc được rồi. Vấn đề chỉ còn ở chỗ, ta có “dám” kết thúc nó hay không mà thôi, bởi nó đã được giáo sư Lê Tâm đưa vào sách giáo khoa từ năm 1950 và từ đó tồn tại đến nay, đã trải qua rất nhiều thế hệ. Nhưng tôi rất tin, vấn đề này, sẽ được giải quyết dứt điểm và sòng phẳng trên tinh thần khoa học, chỉ còn là thời gian, sớm hơn hay muộn hơn mà thôi....