“ phải có Luật Biểu tình thì người dân mới thực hiện quyền này. Chưa có luật là nhà nước nợ nhân dân quyền này” - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến tại diễn đàn Quốc hội (tin trên NLD Online)
Những gì vừa diễn ra trong thực tế, cho thấy giờ đây nhu cầu phản biện xã hội của người dân đã ở thời “thế giới phẳng 4.0”. Việc tổ chức để người dân sử dụng mạng xã hội một cách tỉnh táo, lành mạnh là một xu thế tự nhiên. Có như vậy xã hội mới an lành, và có thể tránh được những điều đáng tiếc không mong muốn.
Suốt hơn tuần lễ không chỉ mạng xã hội và cả ngoài đời, tất cả cứ căng lên như dây đàn vì mối quan tâm dành cho Dự Luật Đặc khu đang được Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn ở kỳ họp lần này. Nếu theo dõi trên mạng, chúng ta sẽ thấy những ý kiến của xã hội tập trung vào hai khía cạnh chính của vấn đề: thứ nhất là tính tiến bộ hay lạc hậu của Đặc khu hành chính kinh tế và thứ hai là việc dư luận hướng vào đối tượng – quốc gia sẽ thuê đất là Trung Quốc với thời hạn rất dài: đến 99 năm.
Từ khía cạnh thứ nhất, chúng ta thấy không ít những “trạng thái”(status) xây dựng là những bài viết nghiêm túc thực sự có tính nghiên cứu và phản biện nghiêm túc, chuyên môn cao. Những bài dạng như thế này thường phân tích ưu điểm, nhược điểm của mô hình thu hút đầu tư kiểu Đặc khu. Đây là những bài viết có chất lượng và rất nên được các cơ quan chức năng, các nhà làm luật trong bộ máy Nhà nước, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách và các vị Đại biểu Quốc hội tham khảo.
Còn từ khía cạnh thứ hai, thật lòng mà nói ngay từ đầu khi theo dõi “làn sóng” phản đối – tôi viết là phản đối chứ không phải là phản biện, trên mạng xã hội, tôi đã nhận ra có điều gì đó không hợp logic. Tôi đã thử đọc Dự thảo Luật này trên mạng internet và không có căn cứ nào cho thấy, rằng Luật này được xây dựng nên chỉ nhằm thu hút một nước duy nhất nào đó, mà “cộng đồng mạng” chỉ mặt đặt tên là Trung Quốc, với lý luận “cho thuê đến 99 năm nào có khác gì bán đất cho Trung Quốc!” Nhiều ý kiến viện dẫn ra những tiêu cực đang trở nên phổ biến trong xã hội và nhận định ngay rằng sau khi luật này ra đời, thì dựa vào tình trạng tiêu cực sẵn có đó, nước láng giềng kia sẽ nhanh chóng “mua” ngay hết cả đất trong các Đặc khu.
Những tư duy và lý luận kiểu này bỏ qua phần lớn các đặc điểm và yếu tố cấu thành nên một đơn vị hành chính – kinh tế – lãnh thổ đặc biệt là Đặc khu; như quy chế quản lý về kinh tế xã hội và dân cư, nhưng quan trọng nhất là cơ chế xét duyệt cho các cá nhân, tổ chức có thể được đầu tư vào Đặc khu. Về lý thuyết, Đặc khu sẽ bằng Luật đưa ra những điều kiện cực kỳ ưu đãi về kinh tế, tài chính, thuế, đơn giản hóa đến mức tối đa các thủ tục hành chính… cho các doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong đó. Nhưng riêng về “các thủ tục hành chính” thì việc đơn giản hóa tối đa không đồng nghĩa với việc thả lỏng, buông lỏng “đầu vào” nghĩa là khâu xét duyệt càng phải chặt chẽ về điều kiện. “Đơn giản thủ tục” nhưng vẫn phải chặt chẽ về điều kiện, điều đó gần như là một logic đương nhiên ai cũng nên hiểu.
Mà đã một khi “chặt chẽ về điều kiện đầu tư” thì không phải cứ muốn là được đầu tư vào Đặc khu. Một trong những nguyên tắc của thu hút đầu tư là cần phải tạo ra được sân chơi công bằng giữa các nhà đầu tư từ những nước và vùng lãnh thổ khác nhau; và một điều mà chúng ta chưa làm được tốt là công bằng giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Về góc độ các nhà đầu tư nước ngoài, không thể vin vào vị trí địa lý mà cho rằng Đặc khu này sẽ ưu tiên một số quốc gia và vùng lãnh thổ này hơn nước khác. Thế nên nếu cứ khăng khăng như vậy, không khác gì việc xét duyệt một bản thiết kế xây nhà, mà luôn luôn giữ một thành kiến rằng, các kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà đó lên chỉ cho những mục đích xấu, và viện dẫn rằng những người xét duyệt không có chút lòng tin nào vào các nhà thiết kế.
Đó không phải là cách phản biện khoa học và nghiêm túc – vì một khi đã phản biện nghiêm túc phải xuất phát từ nguyên tắc khách quan và công bằng, không được thiên lệch và để lý trí bị con tim dẫn dắt. Còn áp đặt chủ quan thiên lệch, sẽ không thể gọi là phản biện mà sẽ dẫn đến gây nhiễu loạn, thậm chí trong một số trường hợp là cực đoan, kích động. Tiếc rằng điều này đã ngày càng trở nên phổ biến trên mạng xã hội, khi mà những hành động kiểu “chia sẻ” quá dễ dàng và nhanh chóng, tốc độ hiện lên và biến mất của thông tin quá nhanh làm cho con người trở nên dễ dãi hơn. Lúc đó thì chẳng còn suy xét đúng sai gì nữa, cứ thấy người khác bảo vậy thì mình tin vậy thôi.
Yếu tố tích cực của câu chuyện “Luật Đặc khu” lần này, chính là việc Chính phủ đã lắng nghe những phản hồi từ nhân dân, mà không còn nghi ngờ gì, mạng xã hội là một kênh mạnh mẽ đưa thông tin từ người dân lên lãnh đạo. Đơn cử, ý kiến “99 năm quá dài, bằng vài thế hệ… và chúng ta không thể quyết định những điều sẽ kết thúc hoặc có hậu quả vào vài thế hệ sau chúng ta…” Chính phủ đã quyết định hoãn chưa trình Luật đặc khu để xem xét thêm, và chắc chắn “nó” (Luật Đặc khu) đang rất cần những ý kiến phản biện nghiêm túc, khoa học và chân thành để hoàn thiện hơn.
Cá nhân tôi luôn mong mỏi có được một phương án thí điểm cho việc đơn giản hóa thủ tục xét duyệt dự án đầu tư, song song với tăng cường tính nghiêm minh, nghiêm cẩn trong thi hành pháp luật khi xét duyệt không để lọt những dự án xấu, thiếu tính khả thi… và chặt chẽ không buông lỏng trong quản lý ở giai đoạn hậu cấp phép.
Những gì vừa diễn ra trong thực tế, cho thấy giờ đây nhu cầu phản biện xã hội của người dân đã ở thời “thế giới phẳng 4.0”. Việc tổ chức để người dân sử dụng mạng xã hội một cách tỉnh táo, lành mạnh là một xu thế tự nhiên. Có như vậy xã hội mới an lành, và có thể tránh được những điều đáng tiếc không mong muốn.
Phúc Lai
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/blog/nhu-cau-phan-bien-xa-hoi-dung-dan-456066.html