Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGHIÊM THỊ HẰNG, NHÀ THƠ TÀI NĂNG, NHÀ BÁO KIÊN CƯỜNG

Trần Mỹ
Thứ tư ngày 9 tháng 5 năm 2018 2:27 PM
Thời tuổi trẻ, Nghiêm Thị Hằng từng là chiến sỹ trong đoàn quân “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”. Hết chiến tranh, chị đi học rồi làm thơ, học trường viết văn Nguyễn Du, làm phóng viên báo Nông nghiệp. Khi nhà báo Kim Quốc Hoa làm Tổng biên tập Báo Người cao tuổi, do biết trọng hiền tài nên ngôi nhà 12 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội đã tụ họp được nhiều văn nghệ sĩ và các nhà báo có tiếng. Nổi danh trong làng văn nghệ ở 12 Lê Hồng Phong phải kể đến cựu Trung tá, nhà văn, nhà báo Trần Nhương, biên tập viên cao cấp, từng là trưởng Ban biên tập Nhà xuất bản Quân đội. Ông không chỉ là nhà văn lão làng mà còn là họa sỹ có tiếng và là chủ trang mạng trannhương.com có cả triệu người “ghé thăm”. Tiếp đó là cựu Đại tá nghệ sĩ Ưu tú, nhà văn Chi Phan, từng là Trưởng Ban truyền hình Quân đội, sau khi nghỉ hưu, ông làm Phó Tổng biên tập báo Cựu chiến binh. Mến danh tiếng Báo Người cao tuổi ông sang mái nhà này làm biên tập viên cao cấp, phụ trách đặc san của Báo. Dưới mái nhà của Báo Người cao tuổi thời anh Kim Quốc Hoa, có tới 3 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là Trần Nhương, Chi Phan và Nguyễn Thanh Cao. Còn cánh phóng viên chúng tôi, nhiều người đã làm báo lâu năm ở nhiều tờ báo Trung ương và địa phương. Trong số đó phải kể đến Xuân Đương, Hoàng Linh, Nghiêm Thị Hằng, Mạc Hồng Kỳ, Quang Sơn và tôi, Trần Mỹ. Tòa soạn có nhiều phóng viên nữ, nhưng phòng Pháp luật và Bạn đọc chỉ có Nghiêm Thị Hằng là nữ và là Trưởng phòng của chúng tôi. Hằng đã hài hước gọi Xuân Đương và tôi là “Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận”. Còn chúng tôi gọi Hằng là “nhà báo Mùa hoa cải” (tên một bài thơ nổi tiếng của chị). Không chỉ cánh phóng viên mà bạn bè văn nghệ sĩ đều gọi chị theo tên bài thơ này. Hằng là người có tiếng trong làng thơ. Đặc biệt, chị có gần 200 bài thơ được phổ nhạc với những nhạc sỹ tên tuổi lớn như Trần Hoàn, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến …Có thể nói đó là một kỷ lục không phải ai cũng đạt được? Nhiều nhà thơ có tiếng nhưng suốt một đời làm thơ, ước có một hai bài được phổ nhạc cũng không được. Nghiêm Thị Hằng chưa phải là nhà thơ lớn nhưng gần 200 bài thơ được phổ nhạc chứng tỏ thơ chị không tồi, giàu nhạc điệu và có duyên với nhạc.
Còn làm báo thì khỏi nói! Hằng bảo chúng tôi là “hảo hớn, đáng mặt mày râu”, chị là phận “nữ nhi, bếp núc”. Ấy vậy mà cuộc đời làm báo của “Ma” Bình Thuận, từng phá các vụ án lớn như “Rừng Tánh Linh”, “Vụ án Vườn Điều”, “Vụ án Huỳnh Văn Nén” vụ Nước mắt người mở đất v.v… cũng phải nể phục tác giả “Mùa hoa cải”, bởi nhiều lẽ. Là nam nhi làm báo thì chuyện “phá sơn lâm, đâm hà bá” “vào hang bắt cọp” là thường. Nhưng với Nghiêm Thị Hằng, chuyện “vào hang bắt cọp” cũng không phải là cái gì xa vời cả? Nếu chị không có bài thơ “Mùa hoa cải” nổi tiếng thì chắc chúng tôi đã gọi chị là nữ tướng - thi sỹ - nhà báo Nghiêm Thị Hằng rồi. Tôi rất tự hào, rất hãnh diện là được sát cánh với Tổng biên tập Kim Quốc Hoa suốt tám năm trời, được là đồng nghiệp, là anh em của những tài năng như Trần Nhương, Chi Phan, Nghiêm Thị Hằng Hoàng Linh…
Phải nói Nghiêm Thị Hằng là một hiện tượng rất đặc biệt, làm thơ thì tài hoa, nhân hậu, trữ tình và đằm thắm nhưng khi viết báo phá án thì ngòi bút của chị rực lửa chiến đấu. Nhiều người nghĩ, tác giả “Mùa hoa cải” là nhà thơ thì… lơ mơ, tâm hồn phải “lả lướt như cành đào, ngọn liễu”. Đúng! Nghiêm Thị Hằng là con người như thế. Khi nói chuyện văn chương thơ phú thì thấy ở chị một tâm hồn nhân hậu, mềm yếu. Nhưng trước kẻ thù, khi đọc những bài điều tra phá án của chị, ta lại thấy một Nghiêm Thị Hằng khác hẳn, từng trải, sâu sắc, can trường, không kém phần giữ dội và không khoan nhượng kẻ ác. Có lần tôi hỏi chị, giữa nghề báo, nghiệp thơ, có hay lấn sân nhau? Chị cười hồn hậu nói: Lúc làm thơ thì đúng là lơ mơ thật, thế mới có câu “Biển tan trong muối mặn” chứ ngoài đời phải nói là muối tan trong biển mới đúng. Nhưng mà nhà thơ thì bao giờ cũng nhân hậu, chẳng đao to búa lớn gì trong thơ, mà chỉ ước mơ, chỉ yêu thương… ấy là lúc làm thơ, còn khi viết báo, nhất là phóng sự điều tra, thì không thể lơ mơ, để tâm hồn treo ngược trên cành cây được, mà phải đối mặt với sự thật, đối mặt với trắng đen, thiện ác và những vòng kim cô, những bùa yểm từ những con dấu đỏ. Bây giờ đen trắng, nhờ nhờ, phải trái không phân ranh giới. Chân trời cũng như chân lí có đấy, nhưng xa tắp mù khơi, biết bao giờ đến được? Mình nhiều khi làm phúc lại múc phải tội, muốn tránh cũng không xong, sinh nghiệp, tử nghiệp là thế. Cho nên chị có bài thơ Nợ trần gian “Ngỡ là hết nợ trần gian/ Tìm trong thanh thoát hạt tràng áo nâu/ Lòng tu xa lánh bể sầu/ Ngờ đâu chưa hết nỗi đau nhân tình”? Đúng thế! Chị giãi bày: “Bài thơ này tôi viết năm 2006, như một điều dự báo và tiên đoán. Sau khi nghỉ hưu ở Báo Nông nghiệp Việt Nam năm 2011, tôi lại về đầu quân cho báo Người cao tuổi, bởi vì trong tôi chưa hết nỗi đau nhân tình, chưa hết nợ trần gian”. Có lần tôi hỏi: có khi nào chị để tâm hồn thơ lấn sân sang các bài báo không? Hằng đáp: “Có chứ, giọng thơ mềm yếu đôi khi lại là cảm xúc của một bài báo, làm giảm đi độ căng thẳng của chính luận. Đôi khi cũng cứu nguy cho tôi trong lúc đấu khẩu với đối phương và đôi khi cũng nhờ thơ phú, công việc điều tra của tôi lại xoay chiều được đối phương. Ngay cả trong quan hệ gia đình, cái tính của người tử vi có lưỡng tướng “Thiên tướng và Vũ tướng”, “một mình một ngựa một cây thương”, cũng đã làm dịu đi tính khí lưỡng tướng của phận nữ nhi…” Nghe chị trò chuyện hóa ra chị cũng hiểu được cả tử vi, tướng số. Chị nhìn tướng tôi và bảo: “Trên trán anh có bớt chàm xanh ở vị trí giống như bớt chàm của ông Gobatrop (Tổng Bí thư ĐCS Liên xô cũ), hai dái tai to và dài như tai phật, đặc biệt có 2 răng nanh nhọn như răng hổ. Đường phúc đức, anh có con trai chết trẻ rất thiêng theo phù hộ anh, thế nên anh phá nhiều án liên quan đến tâm linh, bị quan trần hành sự nhưng cuối cùng anh sẽ thắng, những kẻ xấu chẳng thể làm hại được anh…”. Tôi đã từng nghe Nghiêm Thị Hằng kể chuyện tìm thầy tử vi để phá vụ án lâm linh liên quan đến kẻ giết người là Hoàng Kim Đồng, giết thiếu nữ 16 tuổi là Bùi Thị Phương Lan, ở thị trấn Gò Công Đông, Tiền Giang năm 1980. Nghiêm Thị Hằng không quen biết gì với người con gái xấu số kia, nhưng duyên tiền định, kiếp trước hai người thân thiết nhau và kiếp này, chị phải là người giải án oan cho người con gái đó. Bắt đầu từ câu chuyện báo chí liên quan đến dự án số 2 - 4 Đội Nhân, quận Ba Đình, Hà Nội, do kẻ giết người Hoàng Kim Đồng là chủ đầu tư, được UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất của Công ty Lương thực, giao cho Công ty ICC (công ty tư nhân của Hoàng Kim Đồng). Từ duyên cớ này chị viết loạt bài chỉ rõ UBND thành phố Hà Nội vi phạm pháp luật giao đất không đấu giá làm thất thoát hàng nghìn tỉ đồng ngân sách, nhưng quan trọng hơn là đã “giao trứng cho ác”, vì Công ty ICC thực sự không có vốn cổ đông như đã man khai. Để trả thù phóng viên Nghiêm Thị Hằng, người đã vạch rõ chân tướng Công ty ICC không phải là bình phong của Tổng cục II Quân đội, Giám đốc Hoàng Kim Đồng là kẻ giết người! … Nghiêm Thị Hằng đã bị Công ty ICC và Tổng giám đốc Hoàng Kim Đồng, kiện ra tòa đòi bồi thường 24,1 tỉ đồng, trở thành vụ kiện lớn nhất trong làng báo. Không chỉ bị kiện, Báo Nông nghiệp Việt Nam còn bị một số phóng viên của những tờ báo khác viết theo ICC, làm trắng đen lẫn lộn. Cũng từ vụ án ấy, về sau Nghiêm Thị Hằng mới biết đó là án… tâm linh. Khởi đầu từ vụ kiện, Công ty ICC và Hoàng Kim Đồng nộp cho tòa bản xác nhận của Công an thành phố Hà Nội, xác minh nhân thân Hoàng Kim Đồng không có tiền án? Nghiêm Thị Hằng buộc phải điều tra xác minh những tiền án, tiền sự của Tổng giám đốc ICC Hoàng Kim Đồng. Nhờ tâm linh, chị đã được vong linh người con gái xấu số Bùi Thị Phương Lan chỉ dẫn, lấy được bản án 147/HS2 của Tòa án Quân khu 7 xét xử năm 1982. Hoàng Kim Đồng bị phạt 10 năm tù về tội đảo ngũ, cướp của, giết người. Vụ án này khởi nguồn từ năm 2005, khi Nghiêm Thị Hằng viết về dự án 2 - 4 Đội Nhân của Công ty ICC. Năm 2013, sau 8 năm vào Nam ra Bắc, nhờ tâm linh mách bảo, Hằng đã phá án thành công, buộc kẻ giết người phải bồi thường 250 triệu đồng cho gia đình nạn nhân. Chị kể với chúng tôi, nếu đã tin tâm linh thì phá án dễ thành công, còn án trần, thời nay nhũng nhiễu, thay đen đổi trắng, kẻ xấu núp bóng quan to, đồng tiền trở thành lô cốt che chắn tội phạm. Nhà báo không thể nói muốn phá án là thành công, mà phải biết tử vi, biết năm xung tháng hạn của địch thủ, mới tìm ra gót chân “A sin” mà phá án. Nhờ tâm linh mách bảo, Nghiêm Thị Hằng đã kì công suốt 8 năm trời, phá vụ án, giải oan cho gia đình nạn nhân Bùi Thị Phương Lan. Nhưng đấu tranh đòi lại đất đai cho Nhà nước ở 3 dự án tại số 2 - 4 Đội Nhân quận Ba Đình năm 2002; 317 phố Trường Chinh quận Thanh Xuân năm 2004 và Dự án ở xã Cổ Nhuế huyện Từ Liêm năm 2009 (cả 3 dự án gần 17.000 m2 đất vàng) của Công ty ICC do các Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội là Lê Quý Đôn, Vũ Hồng Khánh kí cấp thì chị không chỉ phải đấu tranh với Công ty ICC mà còn phải đấu tranh với đường dây quan tham từ chính quyền, Thanh tra, Công an và Tòa án. Đến nay đã 13 năm, chị vẫn kiên trì theo đuổi. Ít có nhà báo nào kiên tâm được như vậy? Công ty ICC đã kiện chị, đòi bồi thường 24,1 tỉ đồng. Không phải phóng viên nào cũng đủ dũng khí đứng vững, đối mặt với khoản tiền khổng lồ như vậy? Cuối cùng thì chị đã thắng. Dân làm báo biết chị, biết chuyện này đều thán phục, còn đối thủ của chị, phải kiềng nể. Nhóm lợi ích tưởng sẽ được bình yên, sau khi chị nghỉ hưu, không ngờ nghỉ hưu rồi, chị lại đầu quân cho Báo Người cao tuổi, tiếp tục truy sát đường dây tham nhũng.
Tháng 4 năm 2018, gặp chị tại Hội nghị Cộng tác viên của Báo Người cao tuổi, chị khoe với tôi rằng năm nay năm Tuất là năm “xung” của những người tuổi “Canh Tí”. Chị kể: “Cuối năm 2017, ông Đinh La Thăng (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông, Bí Thư thành phố Hồ Chí Minh) “ngã ngựa” với trách nhiệm khi còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị PetroVietnam. Ông này sinh năm Canh Tý, 1960, đối mặt với tòa từ năm 2017-2018, đã lĩnh án chung thân qua 2 phiên tòa. Một người khác nữa chưa đến lúc kể họ tên đầy đủ, chỉ biết ông ta cũng sinh năm 1960 Canh Tý. Đường quan lộ đã đến chức Bộ Trưởng, kì này tử vi ông dính tới “Phủ Khai phong”, khó mà tránh khỏi bị khởi tố và truy tố trước toà. Cho dù ông ta có xin khắc phục hậu quả, nộp lại tiền bạc tới cả nghìn tỉ đồng thì lại có bản án khác là khối tài sản này ông có từ đâu? Tử vi đã định, xem ra khó cưỡng lại mệnh trời. Nhớ lại 2 năm trước, ông này định dùng quyền lực hại tôi, nhưng trời xanh có mắt, tử vi của tôi không có số tù tội chỉ vì giúp người mà vạ vào thân. Nhớ lại những tháng năm ấy tôi đã từng nói với một số người có liên quan có chức trách rằng ở đời đừng ai gắp lửa bỏ tay người. Chúng tôi là người dân chẳng làm được gì, nhưng trời xanh có mắt. Và hôm nay thì đúng là trời xanh có mắt. Con đường quan lộ của ông đã cuối đường rẽ sang hoạn lộ”.
Nhân chuyện mới toanh này, tôi lại nhớ đến câu chuyện Hằng đi tìm mộ liệt sĩ Trần Văn Đính. Chị kể: “Viên Trung tá quen ngồi đút chân gầm bàn không chịu giúp tôi tra cứu thông tin. Bạn bè liệt sĩ Đính ra về, tôi chửi đổng: không giúp cho liệt sĩ thì bố… mày chết. Một tuần sau tôi trở lại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc để thông tin đồng đội liệt sĩ Trần Văn Đính, thì hay tin hôm đó cả phòng này đi viếng bố viên Trung tá nọ qua đời…”. Trở lại câu chuyện những người tuổi Canh Tí năm nay, Nghiêm Thị Hằng nói tiếp: “Giám đốc Công ty ICC Hoàng Kim Đồng kẻ giết Bùi Thị Phương Lan năm 1980 ấy, cũng sinh năm Canh Tý. Năm nay Đồng đang đối mặt với ngân hàng vì cả 2 thửa đất số 2 - 4 Đội Nhân và 317 Trường Chinh đều có sổ đỏ, đã thế chấp ngân hàng vay trên 190 tỉ đồng, bị liệt vào sổ đen không có khả năng trả nợ. Hiện Tòa án quận Ba Đình đang thụ lí đơn khởi kiện của Công ty Tân Hồng Hà. Công ty này góp vốn 146 tỉ đồng để thực hiện dự án 317 Trường Chinh, bị Công ty ICC âm mưu chiếm đoạt, nói là không có số tiền góp vốn này? Rồi đây không xa nữa, chính quyền thành phố Hà Nội sẽ phải ra quyết định thu hồi 3 dự án giao đất cho Công ty ICC mà tôi kiên trì theo đuổi vụ án này đã hơn 13 năm, sẽ minh chứng việc làm của tôi là đúng. Từ năm 2005 tôi đã cảnh báo là Ủy ban Nhân dân thành phố đã gửi trứng cho ác”.
Trong 13 năm ấy, ngân sách bị thất thu từ khối tài sản này là không thể tính toán được? Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Hội đã gửi trứng cho ác, giao tài sản Nhà nước cho Hoàng Kim Đồng, bị Đồng thế chấp Ngân hàng rồi không có khả năng thanh toán, làm Nhà nước mất một khối tài sản khổng lồ. Không chỉ có thế, thành phố Hà Nội còn mất hàng loạt cán bộ vì dính líu trong đường dây này? Ngân hàng bỏ ra hàng trăm tỉ đồng không thu hồi được nhưng đã có hàng ngàn mét vuông đất mà Hoàng Kim Đồng Thế chấp? Đó là việc nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã tiên đoán, đã cảnh báo trước mà không được ngăn chặn?
Những vụ án mà tác giả “Mùa hoa cải” tham gia ở Báo Người cao tuổi, cũng là những vụ án không thể quên trong làng báo như vụ Tập đoàn Tân Tạo kiện Báo Người cao tuổi đòi bồi thường 3.280 tỉ đồng. Vụ án này Nghiêm Thị Hằng và Hoàng Linh là đại diện của Báo, kiên quyết và bản lĩnh, chỉ ra những sai phạm của Tập đoàn Tân Tạo tại các buổi đối thoại. Nghiêm Thị Hằng còn lặn lội về tận Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, để chụp ảnh và điều tra sự thật về dự án này. Cuối cùng với những bài báo bút sắc lòng trong của Hằng đã buộc Tập đoàn này phải rút đơn khởi kiện.
Lại chuyện “nhà tòa” đổi trắng thay đen, trong vụ án tham nhũng xẩy ra tại Báo Người cao tuổi trước năm 2007, Tòa đã xử cho Nguyễn Thị Thanh Thúy, nguyên kế toán Trưởng, Phó Tổng biên tập Báo Người cao tuổi được trắng án. Hoàng Linh và Nghiêm Thị Hằng đại diện của Báo, sau nhiều phiên tòa, sự thật được sáng tỏ, công lí sát lại gần, phiên tòa sơ thẩm xử lại đã buộc phải tuyên Nguyễn Thị Thanh Thúy tham ô 350 triệu đồng của Báo Người cao tuổi… Rồi đến vụ án của Báo Người cao tuổi năm 2015 bị khởi tố vì “vi phạm quyền tự do dân chủ”? Trong vụ án này Nghiêm Thị Hằng bị buộc tội làm lộ và có dấu hiệu làm lộ bí mật Nhà nước. Đó là 5 bài liên quan đến ông Ngô Văn Khánh Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kí kết luận tập đoàn Điện lực EVN giảm từ 7,5 nghìn tỉ đồng nhưng dự thảo kết luận do ông Nguyễn Văn Sản, Phó Tổng Thanh tra kí, xuống còn 1 nghìn tỉ đồng, do ông Khánh kí và khối tài sản ông Khánh kê khai của cá nhân ông, khi được đề bạt Phó Tổng Thanh tra, chưa được làm rõ nguồn gốc.
Sắc sảo, kiên định và mạnh mẽ, nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã vượt qua âm mưu của kẻ thù địch, muốn mượn bàn tay pháp luật để hãm hại chị. Nhưng trời xanh có mắt, thương người có nhân tâm, đã cho chị nghị lực để vượt qua kiếp nạn. Nhắc lại vụ án này, chị bảo không phải chỉ có 1 đâu, 4 người có địa vị hãm hại phóng viên Báo Người cao tuổi, nhưng luật nhân quả đã rành rành, họ đã bị báo ứng. Nghiêm Thị Hằng, tác giả “Mùa hoa cải”, người đàn bà thơ, làm báo như thế đó! Chúng tôi tin yêu chị, ngay cả “Cọp Khánh Hòa”, “Ma Bình Thuận” đấng mày râu như chúng tôi cũng chịu thua nhà thơ “Mùa hoa cải”, bởi ai cũng ước mơ “Có một người con gái/ Đợi anh chưa lấy chồng” như chị ước mơ tình yêu và công lí.
Tháng 4/2018
Nhà báo Trần Mỹ