Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÂN TRIỂN LÃM TRANH THI HỨNG III CỦA HỌA SĨ TRẦN NHƯƠNG: MỘT NGƯỜI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC NHIỀU VIỆC, QUAN TÂM ĐẾN NHIỀU NGƯỜI ĐẾN THẾ!

Nguyễn Thị Hồng
Thứ tư ngày 2 tháng 5 năm 2018 9:27 PM





 

Trong buổi khai mạc triển lãm tranh THI HỨNG III của nhà văn, họa sĩ Trần Nhương, có đại diện của Hội Mỹ thuật , Hội Nhà văn, theo tôi còn thiếu đại diện của Hội Nhà báo, bởi anh đang là chủ một trang báo mạng của hàng nghìn độc giả trong và ngoài nước mà số lượt người vào truy cập đã lên đến hàng chục triệu.

Một lần vào F của Trần lão cách đây khoảng dăm năm, tôi thấy một bức tranh vừa ra lò của anh. Bức tranh lập tức thu hút sự chú ý của tôi và tôi thực sự thích nó. Những cành cây màu nâu đen nổi bật trên nền tranh đang là nơi nương tựa của những lá cây loáng thoáng đã ngả màu tàn úa, đa số còn rực lên gam đỏ sẫm như đang níu giữ ánh nắng và sức nóng chói chang của mùa hè. Và mong manh hơn là cái màu xanh mỏng tang của vài chiếc lá như chút kỷ niệm còn rớt lại của mùa xuân đã xa lắc xa lơ. Tất cả buông trùm, rủ xuống , cuộn lại, như bao bọc thứ gì bên trong. Nó mơ hồ giống như một chiếc tổ mà trong đó, là những chú chim hay là những kiếp người đã trải qua bao ấm lạnh cuộc đời, đang tìm về đây một nơi trú ngụ… Tôi không biết nữa, chỉ biết bức tranh rất gợi và cho tôi một cảm giác ấm áp. Và tôi đã “còm” vào F của Trần lão rằng tôi là người thích nhất trong những người thích bức tranh này của anh. Thế là mấy hôm sau, anh thuê người đóng khung bức tranh thật đẹp và đích thân anh chở đến nói rằng anh tặng tác giả “Gọi thu”. Tôi gọi tên bức tranh của anh là “Thu muộn”. Từ năm đó, bức tranh của anh được treo ở phòng khách nhà tôi suốt bốn mùa. Cũng có khi vào mùa hè, tôi thay bức tranh của anh bằng một bức hoa sen, hoa hồng nào đó cho mát mẻ, hợp mùa, nhưng có lẽ cái hồn vía bức tranh “Thu muộn” rất hợp với không gian phòng khách hay tâm thế chủ nhà rồi, nên chỉ một vài tháng bị thay thế, bức “Thu muộn” đương nhiên lại trở lại vị trí của mình trong phòng khách nhà tôi.

Lần này, dự buổi khai mạc phòng tranh THI HỨNG III của anh, tôi thấy một cảm giác ngộp thở. Ngộp thở vì người nhiều, hoa nhiều và tranh nữa. Tranh nhiều và ngồn ngộn sắc màu, ngồn ngộn sức sống, sức cảm thể hiện ra từng mảng màu sắc, từng nét vẽ, từng tác phẩm của anh. Tôi cũng định trở lại phòng tranh một lần để cảm nhận trong tĩnh lặng…

Nhưng trước hết, tôi cảm nhận được lòng yêu đời, yêu mình, yêu người và sức làm việc của anh thật đáng nể.

Về hội họa, ngoài những triển lãm chung, đến nay anh đã tự mình triển lãm tranh lần thứ ba. Đã có biết bao ý tưởng, công sức và sự tài hoa trong đó.

Trong trang mạng của anh, ta thấy được anh rất cập nhật, nhạy bén với thời cuộc, với bạn bè. Với thời cuộc, dường như trang mạng của anh không bỏ sót một sự kiện nào diễn ra ngoài xã hội và trong đời sống văn chương. Anh đưa tin, đưa bài của “ Bầu bạn góp cổ phần” hoặc chính anh thể hiện quan điểm của mình bằng những bài thơ, bài vè , những mẩu chuyện châm biếm, hài hước. Mọi vui buồn của bạn bè văn chương anh đều chia sẻ không chỉ trên trang mạng mà anh dành nhiều thời gian thăm hỏi, chăm sóc tới những người bạn anh quen biết, thân thiết, mà những người đó hình như không phải là số ít. Ngay trong họ hàng , gia đình, anh cũng bận rộn với chức “thứ trưởng” ( chả là ông anh ruột của anh mới là trưởng họ nhưng ông đã mất rồi, vậy nên tuy là thứ mà bây giờ anh là “thứ trưởng”, anh luôn làm tròn trách nhiệm mọi chuyện hiếu hỉ của họ tộc

… Bề dày sáng tác trong lĩnh vực văn thơ của anh cũng khiến bạn văn và bạn đọc nể trọng. Văn thì đủ loại tiểu thuyết, truyện ngắn, giải thưởng quốc tế, quốc gia… Thơ thì có bài giới trẻ, giới già đọc truyền miệng hoặc truyền điện thoại cho nhau xem hoặc đọc lên cho nhau nghe như bài “ Vừa đủ” ( tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh đó ở một nhóm các bạn trẻ). Bài thơ “Vừa đủ” của anh cũng có thể gọi là một bài thơ kinh điển về tiêu chuẩn chọn người yêu, hình như cái sự “Vừa đủ” ấy như một giấy bảo hành thời hạn dài dài cho nhãn mác “ tình yêu”…. Có lần anh kể cho chúng tôi nghe lần anh sang Mỹ, tình cờ thế nào lại gặp đúng một nữ độc giả vẫn còn thuộc một bài thơ thời chiến tranh của anh. Với nhà thơ, chẳng còn mong gì hơn là độc giả yêu thích và thuộc thơ mình. Đó là giải thưởng lớn nhất.

Vào dịp kỷ niệm con Web tròn 10 tuổi của anh, nhà báo Xuân Ba đã có bài viết về anh trong đó có đoạn: “Cứ lẩn thẩn nghĩ, nếu những cuộc tụ hội của giới văn bút Việt mà vắng đi một Trần Nhương thì sẽ thưa vắng đi những xôm tụ này khác? Mà cũng chả phải mình có tý tình riêng mới nói thế. Ối người cũng đều có cái tí thiện cảm yêu mến với Trần Nhương đều nghĩ vậy.”

Tôi thì ngoài sự quí mến dành cho một người như anh, lại cứ lăn tăn rằng sao anh có thể làm được nhiều việc, dành sự quan tâm đến cho nhiều người làm vậy. Nhưng có thể chính sự “ hơi quá” đó của anh ( chứ không phải “vừa đủ”) lại là nguồn năng lượng dồi dào cho anh vượt lên sự có hạn của tuổi tác. Và trên hết, để làm được điều đó, như lời đầu tiên anh phát biểu trong buổi khai trương triển lãm THI HỨNG III: “ Trước hết, tôi cám ơn gia đình tôi…” . Chúng tôi cũng cám ơn gia đình anh, cám ơn chị Chắt, người bạn đời của anh, là chỗ dựa cho một Trần Nhương như lâu nay: một Trần Nhương ấm áp, chia sẻ của bạn bè, một Trần Nhương đa tài của nghệ thuật và một Trần Nhương.com của các nhà văn, của hàng triệu bạn đọc, ngoài là một người thân yêu quí của gia đình.

Hà Nội mùng 2 tháng 5 năm 2018

Nguyễn Thị Hồng