Trang chủ » Tin văn và...

HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM TỌA ĐÀM VỀ TRUYỆN NGẮN BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC

PV
Thứ hai ngày 22 tháng 1 năm 2018 7:32 AM






Kết quả hình ảnh cho Bắt đầu và kết thúc

TNc: Trước khi đưa bài này lên, tôi điện thoại với mấy vị có mặt trong tọa đàm để kiểm chứng. Đều được trả lời chuẩn và nhẹ hơn chút. Hội Nhà văn đã có động thái tích cực để có chính kiến là việc làm tốt..

Chiều 19-1-2018, đúng ngày kỷ niệm 44 năm Trung Cộng dùng vũ lực để cướp Hoàng Sa, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam số 9 Nguyễn Đình Chiểu, HN, Ban Sáng tác của Hội đã tổ chức một cuộc tọa đàm ở phạm vi hẹp về truyện ngắn “Bắt đầu và Kết thúc” của tác giả Trần Quỳnh Nga.


Chủ trì tọa đàm là Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban Sáng tác, kiêm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Một số nhà văn, chuyên gia về lý luận văn học đã có mặt: Hoàng Quốc Hải, Trần Đình Hiến, Trần Đình Sử, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh, Văn Chinh, Nguyễn Văn Thọ, Lê Minh Khuê, Trịnh Bá Đĩnh, Trần Bảo Hưng, Khuất Quang Thụy, Khuất Bình Nguyên. Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM cũng có mặt tại tọa đàm…. Được biết, báo Văn Nghệ có ghi chép tại chỗ và đăng số tới (tuần sau).

Truyện ngắn “Bắt đầu và Kết thúc” đăng trên báo Văn Nghệ số 50 ra ngày 16 - 12 - 2017. Truyện ngắn này đã gây bão dư luận trên mạng xã hội từ suốt hơn một tuần qua, làm bùng nổ các trao đổi trong và ngoài học thuật. Vì vậy, cuộc tọa đàm là một động thái cần thiết, thể hiện rõ trách nhiệm và sự khách quan của Hội Nhà văn Việt Nam trước lịch sử dân tộc và trước bạn đọc. Việc chỉ đạo Ban Sáng tác chủ trì tổ chức tọa đàm là vừa vặn, đúng tầm mức.

Mở đầu là phát biểu của Ban tổ chức về việc cần thiết của cuộc tọa đàm. Sau đó nhà văn Hoàng Quốc Hải phát biểu về vấn đề sáng tác về đề tài lịch sử, về hư cấu văn học trong thể tài lịch sử và nhấn vào trường hợp truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga.

Tiếp theo là các phát biểu của hầu hết các khách mời và BCH Hội Nhà văn. Ý kiến của các nhà văn xoay quanh việc:

- Làm rõ sự khác nhau giữa văn và sử. Những góc khuất của lịch sử được văn học tái hiện bằng nghệ thuật ngôn từ. Về văn học viết về đề tài lịch sử thì hư cấu như thế nào, mức độ nào là chấp nhận được.

- Truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc" của Trần Quỳnh Nga viết về Trần Ích Tắc đã tái hiện một Trần Ích Tắc vượt ra ngoài tâm thức dân tộc và lịch sử. Ca ngợi một kẻ bán nước, và thi vị hóa "tình yêu" của An Tư công chúa và Thoát Hoan là điều khó có thể chấp nhận.

Không có ai quy chụp chính trị cho tác giả trẻ Trần Quỳnh Nga, cũng không ai mạt sát nhau và mạt sát tác giả. Không có không khí đấu tố xảy ra trong hội trường tọa đàm. Nhưng hầu hết các phát biểu đều rất nghiêm khắc và thẳng thắn.

Có 4 nhà văn lên tiếng bênh vực và ca tụng tác giả Trần Quỳnh Nga và truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc". Văn Chinh ào đến phòng họp như một cơn gió. Vội vàng phát biểu hết lời ca tụng truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc' và cho đây là truyện ngắn sáng giá về đề tài tình yêu, Văn Chinh nói xong vội thoát ra khỏi phòng họp "như một hơi rượu". Hai phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa là những người khéo ăn nói đã khen tác giả Trần Quỳnh Nga là có văn tài. Nhưng cả hai ông này đều không dám bênh vực cho Trần Ích Tắc và Trần Quỳnh Nga, cũng như truyện ngắn "Bắt đầu và Kết thúc". Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Thọ Muối) khen cô nhà văn này có tài, nhưng ông cũng nói nếu là biên tập viên, ông cũng sẽ gác lại chưa đăng truyện ngắn này, mà dành để đến dịp ...8/3. (!?).

Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập báo Văn Nghệ cũng có mặt. Ông đứng lên phát biểu, ngơ ngác và xa lạ đến tội nghiệp, dường như ông vẫn không hiểu sự việc ra làm sao mà để đến nỗi Hội Nhà văn Việt Nam phải mở cuộc tọa đàm này.
.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN xuất hiện khi cuộc họp đã diễn ra được một lúc. Ông đến, ông ngồi xuống, ông đọc tài liệu (ông có đủ bài của Chu Mộng Long, Trần Bảo Hưng và Trịnh Thu Tuyết) và lắng tai nghe các phát biểu.

Cuối cùng, ông Hữu Thỉnh đứng lên nói mấy lời dường như để tổng kết cuộc tọa đàm. Điều gây sửng sốt đã đến, khi vừa đứng dậy ông đã cầm ngay văn bản bài viết của TS. Chu Mộng Long in từ blog Tễu và dõng dạc trích đọc bài viết, bài viết mà họ Chu cho biết là viết là để "coi như giúp cho tờ báo mình thích một thời sống thêm". Ông đọc cả câu này trong bài của Chu Mộng Long: "Đọc đi đọc lại Bắt đầu và kết thúc, tôi thấy không có gì đáng viết. Tốt nhất hãy để tờ báo văn nghệ này chết hẳn trong lòng bạn đọc sau những vụ lùm xùm đấu đá, những nợ nần và những cầu cứu các nguồn tài trợ trong lẫn ngoài nước. Nhưng đã lỡ hứa với cụ Hoàng Quốc Hải nên đành phải viết, coi như giúp cho tờ báo mình thích một thời sống thêm".

Ông Hữu Thỉnh nói: Bạn đọc họ thông minh và hiểu biết lắm. Họ thông minh hơn chúng ta, và hơn chúng ta tưởng. Đây, những bài viết ấy đây. Tờ báo Văn Nghệ của chúng ta không thể quay lưng với bạn đọc, không thể vô trách nhiệm với bạn đọc và với lịch sử được. Chúng ta không thể nào và không bao giờ có thể ủng hộ những khuynh hướng sáng tác như truyện ngắn của Trần Quỳnh Nga. Phải làm rõ đúng sai. Không hy sinh chân lý được! Không hy sinh lịch sử được. Có gì quý hơn dân tộc, có gì quý hơn sự thật mà phải hy sinh?!. Chúng ta không quy chụp vội vã tác giả, nhưng phải chuyển đến tác giả về những nhận thức sai sót của mình về lịch sử.

Ông Hữu Thỉnh yêu cầu phải có cuộc họp giữa Ban chấp hành Hội Nhà văn VN với BBT Báo Văn Nghệ để kiểm điểm, để đăng tải các ý kiến, và để có một lời cáo lỗi chân thành với bạn đọc.

Cuộc tọa đàm bắt đầu lúc 14h và kết thúc lúc 18h ngày 19 tháng 1 năm 2018 khi thành phố đã lên đèn. Lúc ấy, dư luận còn đang chộn rộn cảm xúc: Đau buồn tưởng niệm 74 chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa ngày này 44 năm trước; và cảm xúc phẫn nộ khi Bộ Văn hóa VN đã để cho đoàn nghệ thuật Nội Mông của Tàu múa hát tại Nhà hát lớn vào đêm 19.1.2018 và hồi hộp theo dõi xem đêm diễn có bị hủy như Bộ Văn hóa đã nói với báo chí không.

P.V