Ngày 29 tháng 6 năm 2017, tức mồng 6 tháng 6 âm lịch, trong lễ hội thường niên Chọi trâu Đồ Sơn, một ông chủ bị chính con trâu của mình húc chết ngay ở ở vòng sơ khảo. Sự việc đã dấy lên mối quan ngại về mặt trái của một số lễ hội truyền thống như là "phản ứng phụ" bởi thứ trò chơi bạo lực vượt quá tầm kiểm soát.
Không phải bất lễ hội nào trong số hơn 8 nghìn lễ hội hàng năm đều nằm trong quỹ đạo văn hóa, lại càng phi văn hóa khi mà không ít những trò chơi mang màu sắc bạo lực có liên quan đến tính mệnh con người và động vật, nhất là con trâu, từng gắn bó với các dân tộc Việt Nam từ cả ngàn năm nay, góp phần quan trọng làm nên Văn minh Sông Hồng rực rỡ.
Lẽ nào gọi là "đậm đà bản sắc" khi cả nhóm người cầm những con dao sắc nhọn xông vào chém chú lợn hiền lành một cách dã man chỉ để mua vui cho công chúng trong Lễ hội Chém lợn làng Ném Thượng? Lẽ nào cũng là "phong tục truyền thống", khi đám đông say máu khua chiêng gióng trống kích động những con vật bạn của nhà nông lao vào quyết đấu, để rồi, cuối cùng cả bên thua cuộc cũng như bên thắng cuộc đều bị phanh thây mổ bụng? Chưa hết, chuyện cướp lộc ở Đền Gióng , hay cướp ấn ở Đền Trần dẫn đến không ít người sứt đầu mẻ trán, phải chăng cũng là một thứ "văn hóa" như ông tiến sĩ Phan Đăng Long, nguyên Phó Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội hùng hồn tuyên bố?
Để kích động bạo lực không gì hiệu quả bằng đưa những con vật lên sàn đấu từ chọi dế đến chọi gà, chọi trâu... Đừng tưởng đó chỉ là trò chơi vô thưởng vô phạt. Bạo lực thẩm thấu (chứ không phải là thấu cảm nhé) rất nhanh vào tâm lý con người, nhất là lớp trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong khi đó, các loại hình truyền thông lại cố tình đưa tin "giật gân" câu khách mà không biết rằng họ đang đầu độc các thế hệ tương lai bằng những hình ảnh, clip phi nhân bản.
Nhân loại tiến bộ, ngoài việc đối xử tử tế với gia súc, gia cầm, ngay từ đầu thế kỷ XX đã luật hóa việc bảo vệ các loài động vật hoang dã. Chính vì thế, hươu nai mới đủng đỉnh dạo bước trên đường phố Ulanbato dưới ánh đèn màu, gấu trắng ban ngày lang thang tìm thức ăn ở các nông trại Bắc Mỹ, còn báo hoa, báo đốm ban đêm thoải mái "vào thăm" khu dân cư các bang vùng núi Ấn Độ. Các nước Châu Âu thuộc khối EU, chỉ duy nhất Tây Ban Nha là còn duy trì hình thức đấu bò tót. Đây là loại trò chơi vô cùng nguy hiểm. Theo Express cho biết, từ thế kỷ XVIII đến nay, Tây Ban Nha có hơn 500 matado (đấu sĩ) thiệt mạng vì đấu bò. Trong khi đó, số phận của loài bò còn bi đát hơn bởi mỗi năm có khoảng 10.000 con bị mổ thịt trong các lễ hội. Vì thế, những người biểu tình bảo vệ quyền động vật đã gọi một cách hài hước là "nỗi nhục quốc gia và di sản văn hóa".
Ngay sau sự kiện Đồ Sơn, nhà thơ Phạm Xuân Trường gần như bị sốc. Trong giây phút xuất thần, ông viết bài lục bát đầy tâm trạng mà mỗi câu thơ đều hàm chứa một thông điệp nghệ thuật. Xin chép ra đây để bạn đọc cùng suy ngẫm về một dạng lễ hội mang tính bạo lực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng lại được những nhà quản lý văn hóa cổ xúy như một nét "đậm đà bản sắc".
KHI LOÀI TRÂU CÒN BIẾT NỔI GIẬN
PHẠM XUÂN TRƯỜNG
Hiền như đất khác gì đâu
Cỏ non xanh biếc một bầu trời mây
Sinh ra vốn để đi cày
Cày xong bỏm bẻm miệng say "bã trầu"
Cũng là máu đỏ như nhau
Khác nào bầu bí một màu đấy thôi
Con người thỏa mãn thú chơi
Đóng gióng, mang chọi để rồi phanh thây
Nghìn xưa có một hôm nay
Chủ là "vua" bị trâu giày dưới chân
Hình như nghiệp chướng xoay vần
Nhìn trâu húc đổ "vương quân" bạo quyền...
P.X.T.
Chí Linh, 3.7.2017
Đ.V.S.