Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CUỐN SÁCH KHÔNG CHỈ LẠ VÀ VUI

Nguyễn Khắc Phê
Thứ hai ngày 24 tháng 4 năm 2017 9:30 AM


(Đọc “Kim Kổ Kì Kuặc Ký”, tiểu thuyết của Trần Nhương,

Kết quả hình ảnh cho Kim kổ kỳ kuặc ký

 

NXB Hội Nhà văn và Công ty CP sách Bách Việt, 2016)


Cuốn sách báo hiệu cái sự “lạ” từ nhan đề với 5 chữ “K”; và đã ghi rõ là “Ký”, nhưng “chính danh” lại xác định thể loại là “tiểu thuyết”! Sách gồm 21 chương thì 3 chương đầu lại của một tác giả khác - nhà văn Bão Vũ; mỗi chương đều có hai câu thơ “mào đầu” theo kiểu tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa (như Tam quốc chí); ví như Chương 1 được dẫn bằng 2 câu: “Mao Tôn Úc bị đòn hàng thịt / Hành phương Nam, Trưởng Thượng ra tay”; hay Chương 13 là “Mao Tôn Úc ngẩn ngơ bị lạc / Tiểu Đàm Linh bất chợt thoát y”…

Quả là lâu rồi, trên văn đàn mới có một cuốn sách lạ và vui như thế! Qua 4 câu thơ “dẫn chuyện”, đã rõ Mao Tôn Úc là một nhân vật chính của tiểu thuyết. Theo tác giả thì ông ta là chít nội của Mao Tôn Cương - người có tài bình luận văn chương từ đời nhà Thanh, vì “không giữ được mồm miệng, chê văn người ta” nên có lần bị đánh liệt giường, phải lánh sang thành Thăng Long, đất Đại Việt… Thế là rành rành “chuyện Kổ”, nhưng ngay trong Chương 1, Mao Tôn Úc đang giả làm hành khất kiếm ăn lại thấy quán “Trần Nhương chấm com”! Chủ quán chính là tác giả cuốn tiểu thuyết này, tháng 12/2016 vừa kỷ niệm tròn 10 năm lập “Con Web” với 25 triệu lượt người truy cập; “lão ta” không cần thay tên đổi họ kiểu “hư cấu”, tự xưng là “Nhương tác nghiệp, vốn là văn nhân có tài thi họa…”, nên cũng rành rành là “chuyện Kim” hôm nay. Chỉ một chi tiết Mao Tôn Úc đói mờ mắt, không biết tiếng Việt, đọc thành quán “Trần Dương chấm cơm”, nghĩ quán này bán món tái dê ăn với cơm, nên mò vào, đã vui rồi!...

Cuốn tiểu thuyết “5 K” (tên NKP gọi tắt!) cứ nửa “Kổ” nửa “Kim” vui vẻ như thế, nên tuy đụng chạm không ít chuyện “nhạy cảm” trong làng văn, nhưng chẳng ai bắt bẻ, không bị “huýt còi” - thì chẳng qua nhà văn “hư cấu” bịa chuyện viết giải trí thôi mà!

Bạn đọc được giải trí, nhưng Mao Tôn Úc “chạy trời không khỏi nắng”, sang đất Thăng Long lánh nạn, lại vẫn thói nào tật ấy, vừa gặp Trưởng Thượng Văn Hào “mặc áo tía nghênh ngang… trạc thất tuần, râu tóc bạc phơ nhưng tráng kiện, ra vẻ người quyền uy thế lực”, đã “xỏ lá” bình bài thơ 4 câu của “cao nhân” Văn Hào mở đầu với 4 chữ “CHI” rằng: “…Tứ Chi, vậy là sa vào cửa Tử, nếu thêm một Chi phụ nữa giữ hai hạ Chi sẽ thành ra ngũ Chi…” Họ Mao tán quá giỏi, Văn Hào khoái với bài thơ được “chuyển sang cửa Sinh”, sai mang bạc, rượu thưởng cho họ Mao!...

Nhưng ở đời ai học hết chữ “ngờ”! Về nhà,Văn Hào “ngộ” ra bị “tên cẩu mao ví thơ của ta với “phụ Chi” ở giữa, cả giận, liền kéo bọn người mặt mày dữ tợn truy bắt họ Mao… Cả Nhương Tác Nghiệp cũng bị vạ lây. Thế là cuộc truy bắt diễn ra với vô vàn kịch tích và hài hước, với mấy nhân vật kiểu nửa “Kổ” nửa “Kim” vui đáo để. Ví như họ Mao chạy trốn vào nhà một lão nhân, hóa ra gặp người “đồng hương” nước Sở, cùng quê Lão Tử, lại là hậu duệ của bậc phê bình gia đại tài Kim Thánh Thán! Lão ta tên là Kim Thánh Phán, cũng bị vạ văn chương, do trong một bài văn, “nói đến tên một con ngựa, không ngờ đó lại là tên con ngựa của người em kết nghĩa với con ông chú vợ của đấng Tối Thượng…” Kinh! Chỉ vô ý trùng tên con ngựa của người có mối quan hệ xa tít mù khơi với “sếp”, rồi mấy lần tương tự thế mà bị Hình Bộ phát vãng hai mươi lăm năm cắt cỏ chăn ngựa…! Quả là kinh khủng cái chế độ phong kiến độc tài thối nát! Thế là hậu duệ họ Kim phải làm cái nghề xưa nay chưa từng có là viết những lời của các bậc tiền bối Kim Thánh Thán, Mao Tôn Cương… - không phải để truyền bá (vì “viết thế nào cũng phạm vào điều cấm kỵ”!) - mà để bán cho Hàng Mã làm đồ cúng tế, do giấy trắng khó mua, chỉ dành cho thư sinh văn nhân…!

Cũng có chuyện vui theo kiểu “sex”. Ấy là khi họ Mao lạc đến chùa Đồng, gặp tiểu nữ Đàm Linh, chẳng biết ai quyễn rũ ai mà nàng hiến thân cho Mao Tôn Úc, rồi chuyện Trưởng Thượng Văn Hào trúng phong… Nhưng thôi, để bạn đọc còn tìm sách xem, chỉ dẫn thêm một “vụ” nửa “Kổ” nửa “Kim”, thậm chí rất “thời sự” để thấy tiểu thuyết “5 K” rất chi là “lắm chuyện”. Ấy là vụ họ Mao lần mò đến vùng biển Anh Kỳ vẽ họa đồ dãy Hoành Sơn và vùng duyên hải Vũng Âm, rồi bị bắt, khiến sứ giả nhà Thanh phải sang Tràng An can thiệp… nhưng kết cục thì họ Mao đã trẫm mình tại hồ Dâm Đàm…

Đã đành, đây là “hư cấu” của nhà tiểu thuyết, nhưng chuyện họ Mao thành kẻ do thám khiến tôi bỗng giật mình. Trong thế giới này, chớ có cả tin. Trí thức, văn nhân hay mang “danh hiệu” nọ kia cũng vẫn có thể là kẻ gian!...

Đến cuối truyện, đọc câu lão chủ hiệu thuốc bắc mang vàng bạc, thuốc quý, mỹ nữ đút lót “ông cai phụ trách” để giải cứu cho họ Mao với giọng ngọng líu, thì lại khó mà nhịn cười: “Ngọ bít mà, cái nuật Hìn ló như cao su, kéo ra thu vào tùy tay đại ca lớ…Ngộ chờ kít quả của thày cai đó. Ngừi Trung Nguyên của ngộ trọng chữ tín. Chai chen chai chen.”

Viết đến dòng này, tôi bỗng nhớ lần cuối cùng tôi gặp bác Nguyễn Tuân 30 năm trước, để xin bác một bài cho Tạp chí “Sông Hương”; sau khi ghi phác đại ý bài viết và cả đề nghị của tôi là nếu bận quá, bác “viết ngắn, vui, ngồ ngộ” càng hay lên một tờ giấy, bác chúm chím cười và nói: “Ừ, mình sẽ cố viết cho vui, ngồ ngộ. Không biết ông nghĩ thế nào, chứ mình thấy văn chương của ta gần đây nghiêm quá. Dân tộc mình có cả kho tiếu lâm, giai thoại. Trong văn chương, có khi nói vui, chơi chơi thôi mà hiệu quả hơn một anh nghiêm chỉnh…”

Cuốn tiểu thuyết “5 K” có đạt yêu cầu “viết chơi chơi mà hiệu quả” như mong ước ba thập kỷ trước của cụ Nguyễn hay không, xin dành quyền bạn đọc và… thời gian! Riêng nhà văn Ma Văn Kháng thì đã công khai ý kiến của mình trên bìa 4 và sách: “…Đọc Kim Kổ Kì Kuặc Ký vừa tủm tỉm cười thú vị vừa sảng khoái sung sướng vì cái nhìn thông minh đầy chất trí tuệ, với các kiểu tu từ chữ nghĩa biến huyền và cái ngồ ngộ đầy tình thân ái của nhà văn; thì ra hóm hỉnh hài hước là một trong những hình thức sống động, thực chất, đáng tin cậy để nhận thức cuộc sống, để yêu thêm cuộc đời của mỗi con người…”

_____________