Trang chủ » Tin văn và...

DỰ THẢO ĐIỀU LỆ HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VẪN CÒN SẶC MÙI MAOIST

Phạm Viết Đào
Thứ hai ngày 28 tháng 6 năm 2010 6:19 AM
TNc: Hiến pháp nước ta sẽ chỉnh sửa vào cuối năm nay cho phù hợp với giai đoạn mới. Điều lệ HNVVN cũng cần thay đỏi để thích ứng với tinh thần hòa nhập, hòa hợp. Đọc dự thảo sửa đổi điều lệ của Hôi vẫn thấy xưa như thế kỉ trước, vẫn nhiều chất tuyên giáo. Tôi nhất trí với ý kiến của nhà văn Phạm Viết Đào. Có lẽ BCH cần xem xét lại, tu chỉnh lại để có thể thông qua tại Đại hội VIII.Riêng tít bài tôi thấy hơi bị kinh nhưng tôn trọng tác giả nên tôi giữ nguyên... 



DỰ THẢO ĐIỀU LỆ HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VẪN CÒN SẶC MÙI MAOIST
- “Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức được thành lập để tập hợp, cổ vũ, khuyến khích, phát hiện, đánh giá, ghi nhận các tìm tòi, đổi mới trong hoạt động sáng tạo văn học. Tổ chức HNVVN là tổ chức thành lập nhằm mục đích phát triển sự nghiệp sáng tạo văn học Việt Nam. Sự nghiệp văn học của các nhà văn đó là: bằng ngòi bút của mình, nhà văn nói lên tiếng nói, những khát vọng, những suy tư trăn trở có thật từ trong đáy lòng của nhân dân mình, của nhân loại… trong thời đại mà nhà văn đang sống…”
 
 
Đọc Điều lệ Hội Nhà Văn Việt Nam ( dự thảo ) ( ĐLHNVVN)  đang được gửi xin ý kiến đóng góp của các hội viên, xin có mấy đóng góp sau đây:
1/ Về cấu trúc tổng thể của Điều lệ đề nghị sửa và cô đọng từ 6 chương thành 4 chương mục chính sau đây:
-Chương 1: Tên,Tôn chỉ mục đích của Tổ chức Hội Nhà văn Việt Nam;
- Chương 2: Cơ cấu tổ chức của Hội Nhà văn Việt Nam;
-Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấp hành Hội Nhà văn VN, Ban chấp hành Chi hội nhà văn Việt Nam;
- Điều kiện để được kết nạp là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên Hội Nhà văn Việt Nam;
-Chương 3: Tài sản tài chính của Hội Nhà văn Việt Nam;
-Chương 4: Khen thưởng, kỷ luật;
Các ý kiến góp ý cụ thể:
Chương 1:
-Đề nghị chương 1 là chương xác định danh xưng và tôn chỉ mục đích của Tổ chức Hội Nhà văn VN:
- Đồng ý xác định danh xưng của tổ chức là: Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN)
- Sau phần duy danh, đề nghị sửa, thay Điều 2 của ĐLHNVVN đã ghi: Tính chất, mục đích của Hội  đổi thành Tôn chỉ mục đích của Tổ chức Hội Nhà văn Việt Nam;
Phần Tôn chỉ mục đích của Tổ chức Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị trình bày theo các nội dung sau:
1/ HNVVN là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp tự nguyện của các nhà văn Việt Nam ( bao gồm những người sáng tác trong các lĩnh vực: thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, dịch thuật văn học )…
-Đề nghị bỏ phần kịch bản trong dự thảo vì: kịch bản sân khấu đã chuyển qua Hội nghệ sĩ sân khấu;
- Đề nghị bỏ nội dung của mục 1, Điều 2: lấy hoạt động văn học là nghề nghiệp của mình…trong dự thảo vì nội dung này vừa chung chung vừa không chính xác. Rất nhiều nhà văn hiện nay viết văn, viết lý luận phê bình, dịch thuật văn học là việc làm thêm, tay trái… chứ không phải là nghề để lập thân hay để kiếm sống;
-Đề nghị sửa nội dung đã viết tại mục 2 của Điều 2, đó là nội dung xác định Tôn chỉ mục đích của Tổ chức Hội Nhà văn VN, đề nghị sửa lại như sau:
-“HNVVN là tổ chức được thành lập để tập hợp, cổ vũ, khuyến khích, phát hiện, đánh giá, ghi nhận các tìm tòi, đổi mới trong hoạt động sáng tạo văn học. Tổ chức HNVVN là tổ chức thành lập nhằm mục đích phát triển sự nghiệp sáng tạo văn học Việt Nam. Sự nghiệp văn học của các nhà văn đó là: bằng ngòi bút của mình, nhà văn nói lên tiếng nói, những khát vọng, những suy tư trăn trở có thật từ trong đáy lòng của nhân dân mình, của nhân loại… trong thời đại mà nhà văn đang sống…”
Đề nghị sửa đổi như trên, bởi một số ý trong dự thảo không chuẩn xác, ví như: “ Hội tập hợp và đoàn kết các nhà văn trong sự nghiệp xây dựng nền văn học Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”…
Không cần thành lập ra một cái tổ chức để làm cái nhiệm vụ ngăn các nhà văn khỏi đánh nhau; đoàn kết là tôn chỉ mục đích của tổ chức Mặt trận Tổ quốc? Còn ý kiến: “đậm đà bản sắc dân tộc”… nghe mùi mẫn, sến theo kiểu cải lương.
 
Còn nội dung “ phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…” thì nghe sặc mùi maoist: Văn nghệ phục vụ công, nông binh…
Hiện nay đất nước đã chuyển qua cơ chế thị trường, do vậy tất cả các hoạt động trong xã hội đã chuyển từ cơ chế phục vụ sang cơ chế dịch vụ: từ ma chay, cưới hỏi, đến các lĩnh vực văn hóa tinh thần. Không lý do gì tổ chức Hội lại bắt các nhà văn tiếp tục dùng ngòi bút để phục vụ như là một trong các tiêu chí hoạt động trong thời kỳ quan liêu, bao cấp là thời kỳ các nhà văn được cấp tem phiếu để mua gạo, thực phẩm…

Hiện nay không có một điều luật nào trong Hiến pháp, trong Luật Lao động, Luật Công chức quy định thành quả lao động của nhà văn là sản phẩm được sử dụng để phục vụ công ích cả...Nhà văn viết sách để nói hộ những tâm nguyện của nhân dân thì nhân dân sẽ bỏ tiền ra mua sách của nhà văn; Đảng, Chính phủ muốn nhà văn viết sách để ủng hộ cho một chính sách nào đó thì phải bỏ tiền ra đặt hàng, tài trợ hoặc dưới dạng đầu tư cho các dự án văn học...
-Đề nghị sửa lại nội dung của mục 3 Điều 2 dự thảo:”Hội Nhà văn Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội hoạt động theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, chịu sự quản lý của nhà nước và tuân thủ theo quy định của Pháp luật Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”…
Viết như trên vừa thừa, vừa lại chưa đúng, chưa đủ đứng về phương diện luật pháp của một văn bản Điều lệ quy định các hoạt động của hội sáng tạo như Hội Nhà văn…
Nội dung này cần chỉnh sửa như sau để vừa đúng các quy định của một văn bản điều lệ của một hội đoàn thể, vừa đúng với văn phong của luật pháp hiện hành:
-“ Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”
Bởi vì Điều 4 của Hiến pháp 1992 đã ghi: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
Đến tổ chức Đảng còn ghi là hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật thì Hội Nhà văn ghi theo như vậy là đúng chuẩn pháp lý. Khi đã ghi trong Điều lệ: HNVVN hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, tức là mặc nhiên thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam rồi còn gì. Do đó ghi thêm nữa là thừa.
Nội dung viết như trong điều lệ vừa lủng củng mà lại không chuẩn xác về văn phong pháp lý.
Thứ nhất, “Đã là đường lối văn nghệ” của Đảng thì thường là chung chung, trong khi  sứ mệnh, tôn chỉ mục đích của văn học là phải nói cho được “cái riêng”, “cái tôi” mang dấu ấn của các số phận đơn lẻ thì mới là văn học, mới có giá trị nhân văn, mới có sức truyền cảm.
Một tác phẩm văn học chưa được coi là văn học nếu chỉ dừng lại là các ý niệm, các khái niệm tuyên giáo, không được xây dựng lên bằng hệ thống hình tượng được dệt lên bởi các số phận đơn lẻ.
Nếu Điều lệ Hội Nhà văn lại quy định, yêu cầu viết như đường lối của Đảng thì còn gì là văn học, là vô hình chung thủ tiêu tiếng nói đặc thù của văn học tức là không nhằm mục đích xây dựng văn học.
Mục 1, Ðiều 41 Điều lệ Đảng Cộng sản VN quy định về vai trò lãnh đạo các tổ chức đoàn thể xã hội của tổ chức Đảng như sau:” Ðảng lãnh đạo Nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện…” Điều này có nghĩa Đảng không hề cầm tay nhà văn yêu cầu viết thế nọ thế kia.
Về bản chất, về chức năng của các tổ chức lãnh đạo Nhà nước cũng rất cần qua kênh văn học để kiểm chứng, kiểm tra xem những chủ trương, chính sách pháp luật do mình đề ra, những cán bộ do mình cử ra có đáp ứng được yêu cầu, có ngang tầm với nhiệm vụ không. Muốn biết được điều đó thì các tổ chức quản lý phải thông qua kênh văn học để hiểu nhân dân, đối tượng quản lý đang nghĩ gì, đang yêu cái gì, đang ghét cái gì, đang đau khổ vì cài gì, đang khao khát cái gì? Những cái đang được dân yêu thì gia cố, bổ sung, những cái đang bị dân ghét thì hạn chế, loại bỏ, những kiểu người bị văn học lên án thì tốt nhất Đảng không nên lựa chọn, cử vào các vị trí trọng yếu trong bộ máy nhà nước, những điều mà nhân dân đang khao khát thì tìm cách hiện thực hóa. Nếu các tổ chức lãnh đạo, quản lý xã hội lại thấy chỉ đọc và nghe loại hình văn học a dua, ăn theo, nói leo, nói những điều y như mình nghĩ, mình phán thì có ích gì; nếu không muốn nói cái loại văn học ru em đó làm mù lòa nhận thức, tri thức và không kích thích tầm nhìn cũng như sự sáng suốt, sáng tạo của các tổ chức, cơ quan tự nhận mình là lực lượng lãnh đạo, quản lý. Nếu sa vào tình cảnh này thì tất yếu sẽ dẫn tới những quyết sách sai đường, lác lối, không sát hợp với cuộc sống...
Trong dự thảo ghi “Hội Nhà văn chịu sự quản lý của Nhà nước…” nghe rất buồn cười. Viết như thế vô hình chung mặc định Hội Nhà văn bao gồm những phần tử bất hảo, còn chưa đủ khả năng làm chủ bản thân giống như trẻ vị thành niên.. Do đó bên cạnh mỗi ông nhà văn luôn có người kè kẻ bên cạnh để quản chế... Điều lệ ghi điều này phải chăng để nhắc nhở để các nhà văn phải biết chịu ai, không quá đà, quá trớn …
Khi một tổ chức nhà văn bao gồm những con người mà không đủ khả năng tự chịu trách nhiệm về các hành vi viết lách của mình mà lại phải nhờ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm hộ các hành vi của mình thì còn gì là sáng tạo, còn gì là nhà văn, kỹ sư tâm hồn làm sao nổi.
Tóm lại, đối với phần tôn chỉ, mục đích của Tổ chức Hội Nhà văn Việt Nam, Điều lệ cần là phải làm rõ: phạm vi hoạt động nghề nghiệp của nhà văn được giới hạn đến đâu và khẳng định vị trí, thiên chức cũng như đặc trưng nghề nghiệp của nhà văn, của nghề văn, một đối tượng quản lý của Nhà nước, của luật pháp...
Có làm rõ được những nét đặc trưng đặc thù thì các cơ quan chức năng nhà nước mới đề ra các chính sách, biện pháp quản lý, đầu tư thích hợp, sát hợp. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng xác định chức năng của văn học, của nhà văn là: Hiểu biết, khám phá và sáng tạo. Sản phẩm văn học của nhà văn là sản phẩm đơn chiếc, có tính sáng tạo của cá nhân, cá thể; do vậy quản lý hoạt động sáng tạo văn học, quản lý tổ chức Hội Nhà văn là loại quản lý đặc thù, theo phương thức từng người một, từng sản phẩm một, nó khác hoàn toàn với quản lý người nuôi cá basa hay nuôi tôm hùm xuất khẩu…
Đề nghị chuyển Điều 3: Phạm vi hoạt động; Điều 4: Nguyên tắc tổ chức hoạt động; Điều 5: Mối quan hệ với các Hội của Chương 1 sang Chương 2. Chỉ giữ lại Điều 6 đổi thành Điều 3: Trụ sở, tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản.
    P.V.Đ