Trang chủ » Tin văn và...

NHỮNG CON SỐ QUA BẢY KÌ ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Hà Anh (tổng hợp)
Thứ sáu ngày 25 tháng 6 năm 2010 8:03 PM

TNc: Trần tôi được dự đại hội Hội Nhà văn Việt Nam từ Đại hội 4 (1989),5,6,7 cũng đều có mặt. Nhưng nhớ nhất là Đại hội 5, đại hội xong rồi còn được Ban Tư tưởng Văn hóa mời họp thêm 3 ngày nữa, Đảng bao hết. Lần ấy TBT Đỗ Mười gặp các nhà văn và hứa sẽ cho các nhà văn đi nước ngoài khắp lượt. Phấn khởi quá. Có một đôi vợ chồng đều là nhà văn cãi nhau về chuyện này. Số là cô vợ sướng quá nói với chồng nên đi nước nào anh ơi. Ông chồng từng trải hơn bảo Hãy đợi đấy. Cô vợ lu loa anh không tin cấp trên...Thế là họ cãi nhau một trận. Quả nhiên cô vợ chờ mãi mà vẫn chưa được đi đâu...



- Đại Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ ngày 3-8/8/2010. Trước thềm Đại hội, nhìn lại một chặng đường đã hơn 50 năm, báo điện tử Tổ Quốc xin tổng hợp và làm phép so sánh cho 7 nhiệm kỳ đã qua. Hy vọng những số liệu cụ thể sẽ phần nào cung cấp cho độc giả thông tin hữu ích.
- Đại hội có số lượng Hội viên tham dự ít nhất là Đại Hội Nhà văn lần thứ nhất (từ 1/4-4/4/1957) với 165 Hội viên.
- Nhiệm kỳ Đại hội kéo dài nhất trong lịch sử văn học Việt Nam lên tới 20 năm, từ 1963-1983 là Đại Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 2.
- Nhiệm kỳ bầu được đông đảo thành viên Ban chấp hành nhất là Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 3, với số lượng 44. Trong đó Đại hội lần thứ nhất bầu được 32 Nhà văn. Nhưng trong hội nghị Ban chấp hành tháng 3 năm 1958 hai nhà văn Hoàng Cầm và Hoàng Tích Linh rút khỏi Ban chấp hành nên chỉ còn lại 30 nhà văn trong Ban chấp hành của nhiệm kỳ 1957-1963. Đại hội lần thứ 2, Ban chấp hành được bầu là 33 nhà văn. Tuy nhiên, sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 2 được bổ sung thêm 10 nhà văn. Như vậy hết nhiệm kỳ khoá 2, Ban chấp hành có 43 uỷ viên, kém 1 uỷ viên so với Ban chấp hành Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 3.
- Đối lập với số lượng thành viên Ban chấp hành của Đại hội lần thứ 3 là Đại hội lần thứ 7, có số lượng thành viên Ban chấp hành ít nhất: 6 người.
- Tất cả 7 kỳ Đại hội đều được tổ chức tại Hà Nội, trong đó 2 lần (lần thứ nhất và thứ 2), Câu lạc bộ Đoàn Kết được chọn làm nơi tổ chức. 5 lần Đại hội còn lại đều được tổ chức tại Hội trường Ba Đình.
- Đại hội có thời gian tổ chức ngắn nhất, chỉ trong hai ngày 17-18/4/2000, là Đại hội Nhà văn lần thứ 6. Các Đại hội còn lại đều được tổ chức từ 3 – 4 ngày.
- Tháng 4 là thời gian được chọn làm Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiều nhất: 3 lần. Đó là Đại hội lần thứ nhất (từ 1-4/4/1957), Đại hội lần thứ 6 (từ 17-18/4/2000) và Đại hội lần thứ 7 (từ 23-25/4/2005).
- Đại hội toàn thể đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam là Đại hội lần thứ 4 (1989-1995) với 396 Hội viên. Tiếp đó, Đại hội lần thứ 5 (1995-2000) cũng là Đại hội toàn thể. Đại hội lần thứ 8 sắp tới (2010-2015) sẽ tiếp tục là Đại hội toàn thể. Như vậy, sau 8 kỳ Đại hội, chỉ có 3 kỳ là Đại hội toàn thể, còn các kỳ khác đều là Đại hội Đại biểu.
- Chức danh Chủ tịch và Tổng thư ký đều có trong cơ cấu của Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ nhất. Chủ tịch là Nhà văn Nguyễn Công Hoan và Tổng thư ký là Nhà văn Tô Hoài.
- Đến Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 2, 3, 4, 5, 6 chức danh Chủ tịch không còn nữa mà chỉ tồn tại chức danh Tổng thư ký.
- Nhưng sang đến Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 7 thì chức danh Tổng thư ký lại không còn nữa, chỉ tồn tại chức danh Chủ tịch.
- Hai nhà văn, nhà thơ từng 2 lần giữ chức vụ cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là Nguyễn Đình Thi và Hữu Thỉnh. Đại hội lần thứ 2 và 3 Nguyễn Đình Thi đều giữ chức danh Tổng thư ký. Nhà thơ Hữu Thỉnh 2 lần giữ chức vụ cao nhất ở Đại hội 6 và 7. Tính đến nay Hữu Thỉnh cũng là nhà thơ duy nhất vừa giữ chức danh Tổng thư ký vừa giữ chức danh Chủ tịch.
- Nhà thơ được bầu vào Ban chấp hành nhiều nhất đến nay là nhà thơ Hữu Thỉnh với 5 nhiệm kỳ liên tiếp, bắt đầu từ Đại hội lần thứ 3 (1983-1989). Trong đó nhà văn Vũ Tú Nam được bầu trong Ban chấp hành 4 nhiệm kỳ; Nguyễn Đình Thi, Bùi Hiển, Đoàn Giỏi, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyễn Trí Huân… được bầu trong Ban chấp hành 3 nhiệm kỳ.
- Các nhà văn dân tộc thiểu số được bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam còn khá khiêm tốn. Mới chỉ có các nhà văn, nhà thơ: Nông Quốc Chấn, Y Điêng, Lò Ngân Sủn, Y Phương.
 
Hà Anh (tổng hợp)
Nguồn: Văn Học Quê Nhà