Chuyện rằng, nhà nọ bỗng dưng xuất hiện rất nhiều chuột. Chuột đủ loại: Chuột Cống – Chuột Đồng – Chuột Chù – Chuột Nhắt… Chúng quá thể lắm, chẳng coi ai ra gì. Thế là anh chồng nghĩ ra keo dính chuột. Rồi lợi bất cập hại! Chuột chẳng dính lại dính ngay người. Nghĩ đủ cách nhưng mỗi cách chỉ được một thời gian, trong đó có cả phương pháp diệt chuột theo binh pháp Tôn Tử! Cách kể chuyện ngụ ngôn hài hước (humour), giọng văn trào lộng không lẫn vào đâu, chỉ có ở Lê Mai! Vì vậy câu chuyện càng thêm hấp dẫn, mang tính thời sự cao! Bà vợ bèn nghĩ ra cách nuôi mèo, nhưng cũng không ổn. Mèo (đại diện chống tham nhũng) lại thông đồng với chuột (kẻ tham nhũng). Thỉnh thoảng mèo mới vồ được con chuột nhắt mà cứ chờn vờn ra oai với thiên hạ, theo kiểu “thùng rỗng kêu to”, công lao của ta cũng rất lớn:
“Năm thì mười họa mới vồ được con chuột nhắt mà cứ ra vẻ ta đây, quăng con mồi chỗ này, quẳng con mồi chỗ kia, dền dền dứ dứ… sốt ruột. Gặp con chuột to, chuốt cống thì lỉnh. Lại còn lươn lẹo, thông đồng cả với lũ chuột mới kinh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đồng dao có câu:
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đồng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.”
Cuối cùng anh ta nghĩ đến chuyện nuôi chó. Ngay cả cái chuyện vợ chồng đặt tên cho chó cũng thật khôi hài rất “Lê Mai”! Tên ta hay Tây? Hiện đại hay truyền thống? Làm sao phải xóa bỏ hận thù hướng tới tương lai!
“Anh đặt cho nó là Cún. Cún có được không em? Cún! Nghe vừa thuần Việt, thuần chủng vừa tình cảm. Vợ anh buột miệng khen: tên hay, được lắm. Không như cái tên Bíp. Chẳng biết có bíp được ai không, hay chỉ bíp chính mình. Cún! Giỏi lắm. Các cụ mình từ ngàn xưa thường vẫn gọi cháu chắt yêu dấu của mình là Cún con anh nhỉ. Cún. Hay, hay tuyệt. Vừa tình cảm vừa truyền thống. Anh vui với niềm vui của vợ. Cún mừng với niềm vui của chủ.”
Nhưng kết cục thật thảm hại!
Chuột (tham nhũng) càng leo lên cao thì cún (chống tham nhũng) càng bất lực. Vì ở cùng một nhà nên đành phải thỏa hiệp “ chung sống hòa bình” như dân chúng ở vùng thiên tai phải sống chung với lũ – cún ta tự an ủi bằng cái lý luận cù lần “ thôi, anh em cùng một nhà không thể ta chống ta được!”. Không tìm ra giải pháp, cún ta cứ luẩn quẩn bế tắc, đến nỗi cún phải …khóc, ngẩng mặt nhìn lũ chuột hoành hành. Từ nay có lẽ phải “cấm cửa” không cho lũ chuột xuống tầng một!
Nhà văn Lê Mai (Hà Nội) vốn là một thương binh chống Mỹ, sống một mình ẩn dật, cô đơn. Ông lặng lẽ quan sát, chiêm nghiệm thời cuộc, viết lên những trang văn sống động đầy tính hiện thực mang tính phúng dụ. Ông không đi theo lối mòn của một số nhà văn trại lính, viết theo kiểu “minh họa” - như nhà văn đại tá Nguyễn Minh Châu đã cáo chung. Nhà thơ Nguyễn Khôi nói rằng, với các tác phẩm như: “Tẩu hỏa nhập ma”, “Quyền được rên”, “Cún khóc”, “ Thời gian xuẩn ngốc” Lê Mai đã vượt trên cả Nam Cao, Bùi Ngọc Tấn (Hậu sinh khả úy!)
Đọc “Cún khóc” của Lê Mai người đọc lại nghĩ đến bài thơ “Hội đồng Chuột” (Conseil tenu par les rats) của nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng người Pháp La Phông ten (La Fontaine) , đầy tính phúng dụ.
Hải Đường, Hải Hậu, 12/11/2016