Trang chủ » Tin văn và...

50 NĂM CÁCH MẠNG VĂN HÓA

THEO dkn
Thứ sáu ngày 20 tháng 5 năm 2016 5:57 AM



Nhìn lại cảnh người ăn thịt người trong “Cách mạng Văn hóa”

Thời “Cách mạng Văn hóa” là thời “tả khuynh” điên cuồng nhất trong lịch sử ĐCSTQ, phong trào giết “giai cấp thù địch” vô cùng tàn bạo và dã man. (Ảnh: internet)
Thời “Cách mạng Văn hóa” là thời “tả khuynh” điên cuồng nhất trong lịch sử ĐCSTQ, phong trào giết “giai cấp thù địch” vô cùng tàn bạo và dã man. (Ảnh: internet)

Ngày 16/5 vừa qua là tròn 50 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động Cách mạng Văn hóa. Nhân dịp này, giới truyền thông đã nhìn lại tội ác lịch sử man rợ về thảm cảnh người ăn thịt người trong Cách mạng Văn hóa.

Người trải nghiệm ở Quảng Tây

Ngày 16/5, Apple Daily của Hồng Kông đưa tin, hôm nay là tròn 50 năm Cách mạng Văn hóa, một thôn dân ở Quảng Tây đã hồi tưởng lại cảnh nấu thịt người uống rượu trong thời Cách mạng Văn hóa.

Ông Thạch (65 tuổi, người thôn Lộc Tân, huyện Võ Tuyên, thành phố Lai Tân, tỉnh Quảng Tây) đã chia sẻ với phóng viên của Apple Daily, “Cách mạng Văn hóa dùng người đấu người, sau khi đánh chết thì xẻ thịt hầm ăn. Tôi từng chứng kiến cảnh hai người bị đánh chết, sau đó bị bọn hung ác xẻ thịt nấu ăn.”

Khi hỏi tại sao người ta lại ăn thịt đồng loại thì ông trả lời “vì người ta quá căm thù nhau”.

Theo thông tin bài viết, ngày 14/5/1968, học sinh Đàm Thủ Trân và Vệ Quốc Vinh ở thôn Lộc Tân, huyện Võ Tuyên, thành phố Lai Tân, tỉnh Quảng Tây bị bắt làm tù binh, sau khi bị đánh chết đã bị xẻ thịt ăn, bọn ác xẻ thịt moi gan còn xương cốt thì treo lên cây.

Ngày 1/7/1968, ông Hoàng, Hiệu trưởng Trường Trung học Đồng Lĩnh ở thôn Lân thuộc tỉnh Quảng Tây bị đấu tố chết, hôm sau thi thể của ông bị học sinh mổ bụng moi gan và xẻ thịt nướng ăn.

“5 đối tượng đen” bị thu gia sản và giết cả nhà

Mùa xuân hè năm 1968, các huyện tại tỉnh Quảng Tây đã thành lập Ủy ban Cách mạng Văn hóa, thống nhất việc chỉ huy giết người, “5 đối tượng đen” (địa chủ, phú nông, phần tử phản cách mạng, phần tử xấu, phái hữu) bị tịch thu gia sản và giết chết cả nhà, trẻ sơ sinh cũng không tha. Có nhiều kiểu giết người: chôn sống, chặt đầu, dội nước sôi, quấn thuốc nổ, xẻo vú cắt âm đạo, ép con giết cha, hãm hiếp tập thể.

Chúng ăn thịt người không vì đói mà vì thù hận. Vì giết người bình thường không hết hận nên phong trào “tiệc thịt người” nổi lên khắp nơi.

Tại huyện Vũ Tuyên cứ đến phiên chợ là xảy ra cảnh đấu tố giết người, và đã giết thì phải ăn thịt. Nghe nói nữ dân binh 19 tuổi Trần Văn ăn 5 bộ cơ quan sinh dục nam giới, sau được lên chức Phó Chủ nhiệm Ban Cách mạng của huyện.

Theo hồ sơ nội bộ còn lại thời Cách mạng Văn hóa ở Quảng Tây, năm 1968, chỉ tính riêng huyện Vũ Tuyên đã có 76 người bị xẻ thịt ăn.

Tính cả tỉnh Quảng Tây trong năm 1968 đã có hàng trăm người bị ăn thịt, ở huyện Vũ Minh gần tỉnh Nam Ninh có ít nhất 29 người bị ăn thịt. Anh Hứa Sinh, Hoa kiều Indonesia trốn thoát sang Hồng Kông thời “Cách mạng Văn hóa” chia sẻ với Apple Daily rằng, ở Vũ Minh người ta đấu tố và ăn thịt nhau là thường xuyên.

Cán bộ hưu trí Yến Lạc Bân từng tham gia Tổ Điều tra Trung ương cho biết, theo số liệu do cấp dưới báo cáo lên thì số người chết có ghi rõ danh tính ở Quảng Tây trong thời Cách mạng Văn hóa khoảng 89.700 người, không rõ danh tính khoảng 30.000 người, mất tích hơn 20.000 người; còn thông tin trong dân chúng kể cho nhau thì số người chết vào khoảng 20.000 – 50.000 người.

Tháng 7 – 8/1968, tại Nam Ninh đã xảy ra màn “tàn sát hàng loạt”. Cùng thời gian, cảnh này cũng xảy ra ở các huyện Quế Lâm, Liễu Châu, chỉ trong thời gian ngắn đã chết gần 50.000 người. Thời đó thịnh hành những cách nói như “trồng đậu phộng” chỉ việc giết người, “trồng khoai môn” chỉ việc dùng đá ném chết, “trồng mía” chỉ việc dùng gậy đánh chết.

Theo tờ CNA đưa tin ngày 15/5, từ năm 1967 – 1968 có khoảng 60.000 – 80.000 người thuộc 73 huyện của tỉnh Quảng Tây bị giết chết, có nơi còn tổ chức “tiệc ăn thịt người” (tập thể), thỉnh thoảng lại có cảnh đấu tố và “đã đấu phải chết, đã chết phải ăn”.

Đại tàn sát tại huyện Đạo tỉnh Hồ Nam

Ngày 13/8/1967 đã nổi lên phong trào giết người huyện Đạo cùng vài huyện lân cận của khu Linh Lăng tỉnh Hồ Nam, giết liên tục đến ngày 17/10 mới tạm ngưng, thời gian người tắm máu người kéo dài liên tục 66 ngày làm 9093 người chết.

Vào tháng Tám năm đó tại sông Tiêu Thủy huyện Đạo đã xuất hiện cảnh hàng loạt xác trôi sông, có người làm thống kê trong một tiếng đếm được gần 100 thi thể trôi qua, bình quân mỗi phút có 1,6 thi thể. Có lần xuất hiện hơn chục thi thể nối với nhau bằng sợi thép xuyên qua vai, trong đó có người mẹ đang ôm hài nhi.

Vài năm sau lại xảy ra trận tàn sát tại khu Linh Lăng, điều tra tại huyện Đạo cùng 11 huyện khác có 7696 người bị giết chết, 1379 người bị ép tự sát, 2146 người bị tàn phế. Trong đó riêng huyện Đạo có 4193 người bị giết, 326 người bị ép tự sát, chiếm 1,17% nhân khẩu của huyện; người bị giết chết nhiều tuổi nhất là 78, nhỏ nhất chỉ 10 tuổi.

Trước ngày kỷ niệm tròn 50 năm Cách mạng Văn hóa, tờ CNA đã phỏng vấn ông Đàm Hợp Thành, tác giả sách “Tắm máu trong Cách mạng Văn hóa tại huyện Đạo năm 1967”. Ông Đàm Hợp Thành cho biết, nguyên nhân xảy ra đại tàn sát ở huyện Đạo là nằm trong kế sách “dùng bần nông đánh trung nông” của cán bộ cơ sở.

Bài toán số người chết trong Cách mạng Văn hóa còn nan giải

Phong trào chính trị “đấu tố giai cấp” từ tháng 5/1966 – 10/1976 được gọi là “Đại Cách mạng Văn hóa”, sau này lịch sử Trung Quốc gọi là “Đại họa 10 năm Cách mạng Văn hóa”.

Trong phong trào này, hàng triệu công dân Trung Quốc đã bị bức hại, cưỡng bức lao động hoặc bị hành quyết, gây ra vô số vụ án oan (đặc biệt là phần tử tri thức và quan chức cấp cao trong Đảng); cao nhất lên đến cả Chủ tịch nước, thấp thì đến những quan viên bình thường, nhiều người mất mạng vì bị bức hại, con số người chết cụ thể cho đến nay khó biết rõ được.

Ngày 13/12/1978, nguyên lão ĐCSTQ Diệp Kiếp Anh đã tiết lộ trong Hội nghị Công tác Trung ương rằng, số người chết trong Cách mạng Văn hóa là 20 triệu người, cả trăm triệu người bị bức hại.

Theo sách “Các phong trào chính trị trong lịch sử dựng nước của ĐCSTQ” do Phòng Nghiên cứu Lịch sử Trung ương Đảng Trung Quốc thực hiện, qua đợt thống kê lại vào tháng 5/1984 cho thấy: hơn 4,2 triệu người bị bắt giam điều tra; 1,728 triệu người chết bất thường; 135.000 người bị xử tử hình vì tội phản cách mạng; hơn 71.200 gia đình nhà tan cửa nát.

Còn theo thống kê của Huyện chí Trung Quốc, số người chết bất thường trong Cách mạng Văn hóa ít nhất là 7,73 triệu người.

Vào lúc khởi đầu Cách mạng Văn hóa cũng là thời đỉnh cao của thảm cảnh tự sát, nhiều nhà trí thức nổi tiếng như Lão Xá, Bác Lôi, Tiễn Bác Tán, Ngô Hàm, Trữ An Bình… đều rơi vào đường cùng.

Thời “Cách mạng Văn hóa” là thời “tả khuynh” điên cuồng nhất trong lịch sử ĐCSTQ, phong trào giết “giai cấp thù địch” vô cùng tàn bạo và dã man.

“Cách mạng Văn hóa” còn hủy hoại nền văn hóa truyền thống hàng năm của Trung Quốc, mầm độc của nó đối với người dân Trung Quốc Đại Lục vẫn còn kéo dài đến ngày nay.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tinh Vệ biên dịch