Trang chủ » Tin văn và...

ĐIẾU VĂN CỦA BCH HỘI NHÀ VĂN VN TẠI LỄ TANG NHÀ VĂN NGUYỄN KHẮC PHỤC

NTH
Chủ nhật ngày 22 tháng 5 năm 2016 9:53 PM






Kính thưa,....

 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tác giả của những tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu nổi tiếng đã vĩnh biệt chúng ta. Vào hồi 3h40p ngày 20 tháng 5 năm 2016, tức ngày 14 tháng 4 năm Bính Thân, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại Quân y viện 103 trong sự chăm sóc đau đớn và tuyệt vọng của gia đình, sự lo lắng thấp thỏm của bạn bè đồng nghiệp. Một tài năng, một trí tuệ luôn luôn phát sáng đã vụt tắt. Ông đã bước đến cái giới hạn cuối cùng của một kiếp người. Sự ra đi của ông làm thức dậy trong mỗi chúng ta những kỷ niệm, ký ức về ông, về một con người, một khả năng lao động phi thường trong hành trình 70 năm sống và hơn 50 năm tìm kiếm, sáng tạo văn học.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục sinh ngày 24 tháng 8 năm 1947 tại Sài Gòn. Nhưng tuổi thơ của ông lại được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường nông thôn, quê ông: Thôn Hương Cát, xã Trực Thành (nay là thị trấn Cát Thành) huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).

Học xong chương trình tiểu học ở quê, ông theo vợ chồng người chị gái ra Hồng Gai học cấp 2, cấp 3 ở đó. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, ông thi đậu vào trường trung cấp hàng hải Hải Phòng. Để rồi 3 năm sau ông trở thành thợ máy tàu của đội tàu giải phóng, công ty 103 vận tải biển Hải Phòng.

Chính tại môi trường gắn bó với sông nước, biển cả đã làm nảy sinh một tài năng văn học. Năm 1968, bài thơ Trên cửa sông và các truyện ngắn Tiếng nói của biển in trên báo Văn nghệ. Năm 1969 với Hoa cúc biển, Ngã ba vô tình, Cô kỹ sư nông hoá của tôi in trên tạp chí Văn nghệ quân đội đã định vị ông, một trong những cây bút triển vọng xuất hiện nửa sau cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Thời gian này ông đã thử sức trong lĩnh vực sân khấu với kịch bản đầu tay Người từ giã cuối cùng. Sau này kịch bản của ông được đạo diễn điện ảnh nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh chuyển thể thành bộ phim truyện nhựa Những ngôi sao biển. Với một hành trang ban đầu như vậy, năm 1971, ông tình nguyện vào chiến trường khu 5, sau khi tham dự khoá học ngắn hạn do Ban Thống nhất Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Vốn là người yêu thích cái mới, cái lạ, luôn luôn tìm đến với cuộc sống rộng lớn dị biệt, địa bàn ông chọn đi thực tế là chiến trường Tây Nguyên, nơi còn lưu giữ nhiều tập tục, văn hoá cội nguồn, nguyên thuỷ của con người. Và ở địa bàn vừa hùng vĩ vừa hoang dã này, ông đã hoàn tất hàng chục bài thơ và bản trường ca: "Khan xa măc kchăm" (Kể chuyện ăn cốm giữa sân), một bản trường ca viết về con người Tây Nguyên bất khuất và mã thượng. Những bài thơ của ông cũng thấm đẫm tình yêu với mảnh đất mà ông đang sống.

Năm 1975, đất nước thống nhất, ông lập gia đình, sinh con gái đầu lòng và định cư tại Nhà Trang, nhưng lại đầu quân về xí nghiệp phim truyện Việt Nam ở Hà Nội. Thời gian này ông hoàn thành kịch bản phim truyện nhựa đầu tiên Tự thú trước bình minh khẳng định thành phố Nha trang được giải phóng chứ không phải bị chiếm đóng như luận điệu của báo chí phương tây thời đó.

Do gia đình và cơ quan công tác ở cách xa nhau, ông như con thoi đi về giữa Nha Trang và Hà Nội. Sau các chuyên đi ấy là các tác phẩm sân khấu, điện ảnh, văn học liên tục xuất hiện vừa để khẳng định một tên tuổi vừa để mưu sinh. Năm 1982 hai tập tiểu thuyết Học phí trả bằng máu viết về phong trào học sinh sinh viên ở đô thị miền Trung được công bố, xảy ra phản ứng trái chiều, ngộ nhận của một số cán bộ lãnh đạo cho rằng, cuốn sách đề cao thành phố này nhưng lại hạ thấp phong trào thành phố kia và cuốn sách của ông bị tổ chức thu hồi, đốt tại Huế...

Nguyễn Khắc Phục là một nhà văn thông tuệ, kiến văn sâu rộng. Vì thế những tác phẩm của ông dù được viết bằng sự thôi thúc nội sinh cũng như những tác phẩm do cơ quan nhà nước đặt hàng đều xuất phát từ tâm huyết, cảm xúc, có chất lượng cao. Tiêu biểu là các tập tiểu thuyết Bay qua cõi chết, Thành phố đứng đầu gió, Ngôi đền, Cuối xuân, Châu thổ, Con nhím điện bàn phủ, Những ổ gà trên thiên đường, Những vị khách đêm, Thành phố rồng, Thăng Long ký... Thăng Long ký là bộ tiểu thuyết viết về sự hưng vong của một triều đại trong lịch sử dựng nước của dân tộc, xuất bản kịp thời vào dịp chuẩn bị Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Ngoài tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết thơ và trường ca, Nguyễn Khắc Phục còn là tác giả của hơn 100 kịch bản sân khấu, kịch bản phim nhựa, phim truyền hình và phim tài liêu. Hơn 60 kịch bản sân khấu được ông tuyển chọn, dày 1600 trang xuất bản năm 2003, biểu lộ rõ nhất sức làm việc phi thường và bền bỉ của ông. Bắt đầu với kịch bản Vườn thầy năm, Lời từ giã cuối cùng viết trước khi đi chiến trường, những tác phẩm sân khấu, điện ảnh sau này của ông đề cập tới nhiều lĩnh vực, vấn đề lớn của xã hội, đất nước trong chiến tranh cũng như thời hậu chiến. Nhiều kịch bản của ông đã được các đoàn nghệ thuật, các hãng phim giàn dựng, đoạt huy chương vàng tại các hội diễn sân khấu toàn quốc như Bông trắng, Tú Xương, Kẻ sĩ Thăng Long, Thông điệp từ Điện Biên...các liên hoan phim trong nước và quốc tế như: Bọn trẻ, Tự thú trước bình minh, Chiến trường chia nửa vầng trăng…

Ông cũng được nhận nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Bộ Quốc phòng và các tổ chức văn học khác. Năm 2007, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm sân khấu. Ở các thể loại khác văn học và điện ảnh ông cũng hoàn toàn xứng đáng được nhận giải thưởng tương tự về. Ông còn là tác giả của những kịch bản lớn, trong đó có kịch bản khai mạc và bế mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Năm 2003 ông chuyển công tác về Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam với danh vị phó giám đốc hãng, nhưng chỉ ít năm sau, ông xin nghỉ hưu sớm để thực hiện ý tưởng, dự định riêng, và trước hết là để được tự do sáng tạo, không bị ràng buộc bởi chức trách và bổn phận của một cán bộ quản lý.

Trong cuộc đời của mình, Nguyễn Khắc Phục chịu nhiều nỗi đau lớn. Năm 1980. khi đang học ngoại ngữ để đi du học, ông mất người con trai đầu khi cháu mới được sinh ra. Nỗi đau này dã dày vò ông khiến ông bỏ nước Nga chỉ sau vài ba tháng dự học tại Trường đại học Sân khấu điện ảnh của Liên bang Xô viết cũ. Và phải hơn 30 năm sau, sự mất mát lớn đó mới được bù đắp khi ông xây dựng gia đình lần thứ 2 tại Hà Nội.

Trước khi lâm bệnh, ông hoàn tất tiểu thuyết Hỗn độn, một cuốn tiểu thuyết dày hơn 600 trang, đề cập tới những vấn đề lớn của xã hội đương đại, sự đánh tráo giá trị khi cái mới đang hình thành và cái cũ chưa bị chối bỏ. Cuốn sách được phát hành khi bệnh tình của ông chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng nhất.

Ông còn hàng chục tiểu thuyết, thơ và kịch bản chưa được công bố.

10 năm cuối đời, bên cạnh chiếc máy tính như một bộ phận cấu thành cơ thể ông là cây cọ, là màu sắc. Ông say mê hội hoạ. Tranh của ông đã được tổ chức triển lãm cùng tranh của nhà thơ hoạ sĩ Trần Nhương tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông vẽ đầy sắc thái ma mị với những ý tưởng bất chợt, với những gam màu sáng tối biểu cảm tâm thức của ông trước thời cuộc mà ông đau đáu theo dõi, lo âu, hy vọng và thất vọng.

Khi Trung quốc hạ đặt giàn khoan 981 trên Biển Đông, cũng như người dân trong cả nước, ông phẫn nộ và đau đớn. Và ông đã viết một bức Huyết tâm thư gửi các nhà văn Trung quốc, đánh thức, kêu gọi họ hãy góp phần ngăn chặn sự ngang ngược mà chính phủ của họ ứng xử với Tổ quốc của ông, với biển cả mà ông đã gắn bó, khởi nghiệp thời trai trẻ. Biển luôn hiện hữu trong ông từ khi ông còn là một thợ máy trên tàu biển và sông nước Hải Phòng.

Kính thưa quý vị,

Một trái tim nồng nhiệt với cuộc sống, với văn học nghệ thuật, chu toàn với gia đình, bầu bạn đã ngừng đập. Tổn thất lớn này trước hết thuộc về gia đình ông, những người anh, người chị, những người vợ và người con của ông. Bởi trong sự trưởng thành của mình, ông đã nhận được tình yêu thương lớn từ họ. Giới văn học nghệ thuật cũng mất đi một tài năng sáng tạo, một ngòi bút luôn tìm kiếm và khám phá cái mới, một ngòi bút không ngừng tuyên chiến với cái cũ, cái quen thuộc. Thế giới văn học mà ông để lại cho người đọc, mãi mãi là một thế giới da dạng, đánh thúc cảm xúc của con người, nhân ái và độ lượng với con người.

Thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi xin chia sẻ mất mát với gia đình nhà văn Nguyễn Khắc Phục đặc biệt với bà Trang Thanh với cháu Nguyễn Trần Thiện Anh và các cháu con gái. Cầu chúc ông lên đường bình an và thanh thản, bởi những gì ông để lại sẽ sống mãi trong ký ức của chúng ta.

Xin vĩnh biệt ông và xin quý vị, một lần nữa giành một phút tưởng niệm để tiễn biệt ông, nhà văn Nguyễn Khắc Phục thân yêu của chúng ta.

Điếu văn do nhà văn Nguyễn Trí Huân, PCT Hội Nhà văn đọc tại lễ tang nhà văn NKP ngày 22-5-2016