Trang chủ » Tin văn và...

NGUYỄN KHẮC PHỤC Ở MÔNG CỔ

TN
Thứ sáu ngày 20 tháng 5 năm 2016 3:03 PM





Hoàng Minh Tường

MÔNG CỔ DU HÍ

Tràn ngập khắp các ngõ ngách, đường phố, quảng trường là tên gọi và hình ảnh của Chinggis Khan, tức Trêmudin, Thiết Mộc Chân, Thành Cát Tư Hãn (1162-1227), người anh hùng vĩ đại của người Mông Cổ mọi thời đại : Hãng hàng không mang tên Chinggis Khan, nhà hát Chinggis Khan, Hottel Chinggis Khan, rượu Chinggis Khan, túi da Chinggis Khan...


Chiếc máy bay Boeing của hãng MIAT Mongonlian Airlines, có biểu tượng đầu ngựa phi, đáp xuống thủ đô Ulanbato lúc một giờ sáng.


Tượng khổng lồ Chinggis Khan

Trên đồng cỏ pó -tực vị dậy hương

Đợi trước cửa nhà ga trong tiết se lạnh và mưa lắc rắc là một người cao to, tuổi ngoại sáu mươi nhưng vẫn trẻ trung, cường tráng, gương mặt tròn, mắt một mí đặc trưng Mông Cổ.

Đó là tiến sỹ S.Dashtsevel, chủ tịch Hội hữu nghị Mông Cổ -Việt Nam. Trước chuyến du Mông, Toàn Đại Nhân đã cho các thành viên đọc email của S.Dashtsevel và giới thiệu về ông.

Ông đã học khoa tiếng Việt, Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm 1964 -1968. Từng là con rể Việt Nam, từng gặp gỡ, quen thân với nhiều nhà văn như Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Thúy Toàn...

- Các bạn Việt Nam đem mưa đến. Quí lắm đấy. Mấy tháng nay đại hạn, giờ mới có một cơn mưa bạn bè...

Tiến sỹ Dashtsevel nói tiếng Việt khá chuẩn. Ông ôm Toàn Đại Nhân hồi lâu, rồi bắt tay từng người. Cử chỉ thân mật, gần gũi xoá nhoà ranh giới chủ khách, khiến ngay từ giây phút gặp gỡ chúng tôi đã kết nạp ông là thành viên thứ sáu của đoàn. Phục Bạch Đầu bảo đó là Lục tặc trong kinh Phật. Chúng tôi đặt cho Dashtsevel tên Việt Nam là Viên, biệt danh là Viên Công Công.

Sau này, khi đã quen thân, chúng tôi biết anh lái xe cao to, hiền lành có tên Basha là người rất gắn bó và chung thủy với Việt Nam. Bố anh đã từng lái xe cho Đại sứ quán Việt Nam mấy chục năm, khi nghỉ hưu lại “bàn giao” chức đó cho anh.

Đêm đầu tiên ngủ ở nhà khách Đại Sứ quán như ngủ ở nhà mình. Phần vì chặng đường hơn 10.000 cây số và 20 giờ, vừa bay vừa đợi quá mệt mỏi, phần vì trời mát và mưa, lại có thêm chất “nhân sâm” Long Tỉnh..., cả năm quái đều ngủ một mạch đến sáng bạch.

Thủ đô Ulanbato thoáng rộng và sạch đẹp. Sáng ra khi trời tạnh mưa mới thấy Đại sứ quán ta ở một đại lộ lớn, tên gọi Hoà Bình, có đường xe buýt, xe điện bánh hơi chạy qua trước cổng.

Cứ ngỡ mình đang ở nước Nga vì các biển hiệu, tên đường phố đều ghi mẫu tự Slavơ, giống chữ Nga. Nhưng không phải. Tiếng Mông Cổ dùng chữ cái Slavơ để ghi âm tiết.

Không thấy trên đường phố một bóng xe máy, xe đạp. Ô tô nối đuôi nhau hàng bốn, hàng tám. Phương tiện công cộng là taxi, xe buýt, xe điện bánh hơi.

Phố nào cũng có vườn hoa, hàng cây ngăn cách giữa đường xe cơ giới và đường đi bộ, vì thế không có cảnh hàng quán, xe đạp xe máy chen lấn xuống lòng đường. Những dòng người đi bộ dọc hè phố ai nấy đều mải miết, hối hả. Đó chính là tác phong công nghiệp và lối sống quảng du trên đồng cỏ.

Nhương Tác Nghiệp nhận xét:

- Nhìn đường phố, biết đời sống thành thị Mông Cổ là khá cao...

Viên Công Công bảo :

- Thủ đô có hơn triệu dân, chiếm một nửa dân số cả nước, cứ khoảng ba gia đình lại có một xe ô tô.

Trên đường phố, ngàn ngạt ô tô, đủ chủng loại, xuất xứ, ô tô tay lái thuận và ô tô tay lái nghịch cùng được lưu hành. Một chiếc xe con bốn chỗ second hand của Nhật chỉ khoảng 2.000 USD...

Tràn ngập khắp các ngõ ngách, đường phố, quảng trường là tên gọi và hình ảnh của Chinggis Khan, tức Trêmudin, Thiết Mộc Chân, Thành Cát Tư Hãn (1162-1227), người anh hùng vĩ đại của người Mông Cổ mọi thời đại : Hãng hàng không mang tên Chinggis Khan, nhà hát Chinggis Khan, Hottel Chinggis Khan, rượu Chinggis Khan, túi da Chinggis Khan...

Quảng trường Sukhêbato, nơi đặt tên và dựng tượng người anh hùng thời cận đại của Mông Cổ, nay đang hoàn thiện một khán đài cao bằng dãy nhà bẩy tầng, kéo dài hết bề ngang mấy trăm mét, chính giữa là tượng Chinggis Khan bằng đồng đen, ngồi như một khối núi hùng vĩ.

Biểu tượng Chinggis Khan đang là quốc hiệu, tổ hiệu, thương hiệu, thời đại hiệu của Mông Cổ. Đủ loại souvenir bằng tem thư, đồ da, đồ dệt len, đồ đồng, bạc... có hình Chinggis Khan bày bán khắp nơi, làm mê hoặc và cuốn hút nhà sưu tầm Toàn Đại Nhân, đến mức ông quên phắt mình đang cương vị trưởng đoàn.

Chính tôi đã vài lần phải mặc cả hộ và rất ái ngại khi ông chưa mua được một huy hiệu có hình Khan bằng bạc, chỉ vì một Khan giá đắt gấp bốn năm lần một thi sỹ Nga danh tiếng.

Cơn sốt Chinhggis Khan được bắt đầu từ khi đất nước Mông Cổ theo chế độ dân chủ nghị viện. Từ năm 1990, do ảnh hưởng từ sự sụp đổ của Liên Xô, đất nước Mông Cổ rộng lớn tới hơn 1,5 triệu cây số vuông, quay về chủ nghĩa dân tộc, bắt đầu tiến trình dân chủ hoá.

Chính Chinggis Khan giờ đây mới là sức mạnh, sức gắn kết và cuốn hút hơn 2,5 triệu người trên đất nước thảo nguyên mênh mông trên đường phát triển.





Phục Bạch Đầu (phải) và Tường Tiểu Tử trong hành trình du Mông

Thăm Viện bảo tàng Lịch sử Mông Cổ, càng thấy tầm vóc của Chinggis Khan và Đế chế Nguyên Mông thế kỷ XIII có vị trí đặc biệt trong lịch sử hình thành và phát triển của đất nước thảo nguyên này.

Bản đồ đế chế màu đỏ rực chiếm diện tích lớn nhất thế giới hồi đó, kéo dài từ vùng viễn đông của Nga, Mãn Châu, Triều Tiên, qua hồ Bai Can, ôm hết đại lục Trung Hoa, kéo đến dãy Anpơ, vòng qua Địa Trung Hải, xuống Tây Á, và chỉ dừng lại ở nam dãy đại sơn thạch Hymalaya và biên giới Việt Nam.

Điều lý thú là trên bản đồ Đại Nguyên Mông hồi ấy ghi ba mũi tên hướng xuống Đại Việt vào các năm 1257, 1283, 1288, nhưng đều bị dừng lại. Nghe nói các nhà sử học Mông Cổ, cho mãi gần đây vẫn giải thích rằng sở dĩ quân Nguyên Mông không tiến xuống Đại Việt được, vì giống như cuộc tiến quân sang Nhật Bản, do bị mưa bão, đại quân phải rút về.

- Ông Chinggis Khan này cùng thời với cụ Trần Thủ Độ nhà ta đấy - Phục Bạch Đầu, người đang viết tiếp bộ tiểu thuyết lịch sử Thăng Long ký mấy ngàn trang, trước chuyến đi đã nghiền ngẫm kỹ về thời kỳ này, giảng giải - Khi đất nước Mông Cổ sản sinh ra Thành Cát Tư Hãn, cũng là khi nước Việt sinh ra thái sư Trần Thủ Độ.

Sự tương thích của lịch sử đã sắp đặt cho hai nhân vật này hiện hữu ở hai phương trời. Để rồi khi Hốt Tất Liệt, con cháu của Thành Cát Tư Hãn tràn từ phương bắc xuống, thì nước Nam đã có sẵn Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông... và kiệt liệt nhất là Trần Hưng Đạo...

* * *

Tại cung Hòa Bình và Hữu Nghị, ngũ quái đã được giáo sư tiến sĩ Bilegt, Tổng thư ký UPFM, và tiến sĩ Dashtsevsl, chủ tịch Hội hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam tiếp đón trọng thị.

Hầu hết các trí thức, các quan chức trong cơ quan nhà nước Mông Cổ đều đã qua các trường học ở Nga trước đây, giáo sư Bilegt cũng vậy, nên ông nói tiếng Nga với Toàn Đại Nhân không cần phiên dịch.

Khi biết ông đã từng là đảng viên Đảng NDCMMC trước đây, nay là đảng viên Đảng NDCMMC mới, chúng tôi gọi đùa ông là “tavaritsơ” (đồng chí, tiếng Nga), ông liền xua tay: “Bây giờ chúng tôi không gọi như thế ”. Biết ý, chúng tôi không nhắc đến từ ấy nữa.

Buổi trưa, tại khách sạn ba sao Edel, bạn chiêu đãi một bữa ẩm thực đậm đặc chất dân tộc. Viên Công Công bảo : Khách đặc biệt quí và thân thiết, bạn mới mời món pó-tực này.

Hai bọc lớn, choán đầy hai mâm đại, ngùn ngụt khói, được bưng ra. Không ai đoán được là thứ gì. Nhìn kỹ mới biết đó là hai chiếc dạ dày dê cực lớn được buộc kín.

Đích thân người bếp trưởng và nữ nhân viên phục vụ bàn mời một vị khách lên chứng kiến phút mở bọc. Rồi bằng một cử chỉ diệu nghệ, tay kéo tay dao, người bếp trưởng xọc mũi kéo vào giữa bọc, mở một đường. Hơi khói và mùi thơm ngậy mù mịt, sực nức.

Lẫn trong những tảng thịt và các dẻ xương sườn cừu nục nạc là những củ khoai tay vàng nuột, những hòn đá xanh bằng nắm tay nhẵn bóng và bốc hơi nghi ngút.

Chúng tôi tưởng mình đang chứng kiến một nghi lễ ăn mừng chiến thắng của Chinggis Khan hơn bẩy trăm năm trước, giữa thảo nguyên mênh mông, chung quanh là bạt ngàn lều bạt, cờ xí, cung tên, gươm giáo và tiếng ngựa hí vang trời...

Mỗi vị khách được đặt trước mặt một đĩa pó-tực bốc hơi ngùn ngụt, được cầm một hòn đá đen bóng vừa trở giữa hai bàn tay, vừa xuýt xoa vì nóng và khoái cảm.

- Cha ông chúng tôi xưa thường sống ở những nơi thiếu nước - Giáo sư Bilegt giải thích về món đặc sản dân tộc - Cho nên các món ăn thường hầm cách thủy. Muốn thức ăn chín , phải nung đá thật nóng để nhồi vào trong thịt đã được ướp tẩm gia vị.

Vậy là trong nóng ra, ngoài nóng vào, thịt chín đều và giữ nguyên được vị ngon bổ . Để có món pó - tực ngon nhất, phải dùng dạ dày dê bao lấy thịt cừu. Vậy là cùng một lúc được thưởng thức cả hai món dê cừu, dạ dày dê được thái lên đĩa sau cùng. Nhắm với rượu rất tuyệt...

Rượu Chinggis Khan được rót tràn ra các ly. Trăm phần trăm. Bạn nâng cốc mời. Năm nhà văn không ai đọ nổi tửu lượng với hậu duệ các Khan. Chưa cụng ly đã say mèm. Vì hạnh phúc và tình người.

Đang cụng ly, tôi bỗng sững người liếc nhìn Chiêu Kỳ Hiệp. Hình như ông đang bị cảm hay đau bụng gì đó. Tôi ghé tai hỏi: “Bác làm sao? Uống một tợp rượu có khi hết đau bụng”. “Tôi bị choáng. Tôi phải ra ngoài ông ạ...”.

Trời ơi, đến lúc này tôi mới nhớ ra cái căn bệnh cố hữu dị ứng với thịt cá của Chiêu Kỳ Hiệp. Chỉ nhìn thấy thịt dê , cừu, ngựa, hổ, báo là ông nôn nao không thể chịu được. Tôi gạt đĩa bánh mì đen và đĩa rau hiếm hoi trên mâm về phía ông. Nhưng Chiêu Kỳ Hiệp xua tay, lả ra phía sau, như đang bắt đầu chứng hoảng loạn.

Thế mới hay:

Vạn dặm đường xa thử sức ngựa

Nói lớn ăn to đoán tầm người.


(Còn nữa)

Bút ký của Hoàng Minh Tường