Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÂN NGÀY 17/2 BÀN VỀ VIẾT SÁCH-CÁCH DẠY-KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ MÔN LỊCH SỬ.

Trần Quốc Thường
Thứ năm ngày 18 tháng 2 năm 2016 7:17 PM


1. Sách giáo khoa:



Theo tôi, caí "Trinh" của lịch sử là sự trung thực, khách quan khi nêu sự vật hiện tượng lịch sử và nhận xét đánh giá về nó. Sách giáo khoa lịch sử phải nêu ra sự vật hiện tượng, phản ánh khách quan, trung thực lịch sử, đúng tên gọi, đúng bản chất, hiện tượng, nhân vật lịch sử; không được xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Tuyệt đối không được có Văn học minh hoạ cũng như Lịch sử minh hoạ cho chính trị.
Ở nước ta hiện đã có một số nhân vật, sự kiện lịch sử đang có vấn đề, các nhà sử học cần công tâm, trung thực làm sáng tỏ. Nên giải quyết như thế nào về vấn đề này? Để lịch sử ngủ yên, hay cần làm rõ sự thực, trả lại bản chất cho sự vật hiện tượng lịch sử? ( Trường hợp em bé đuốc sống Lê Văn Tám mà GS Phan Huy Lê nêu ra) hay chúng ta nên tạm cất, sẽ đưa ra ở một thời điểm thích hợp hơn? ( Ngày mất của Hồ chủ tịch ngày 3/9 sau 20 năm ngày bác mất mới được đính chính là 2/9),...
Thời gian qua, báo chí đưa tin: Sách giáo khoa Lịch sử - lớp 9, lớp 12 - không hề có một câu từ nào nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ký giả Kathrynls, người Mỹ, viết: "Khi nghiên cứu lịch sử quân sự Pháp và Mỹ người ta không thể bỏ qua tên tuổi Võ Nguyên Giáp... Tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của ông cũng chính là tìm hiểu về một phần lịch sử Việt Nam". Chẳng lẽ chúng ta lại quên Đại tướng? Nhân vật gắn với sự kiện lịch sử, ai xứng đáng hơn Bác Hồ và Bác Giáp khi nhắc đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ " lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu"?
Rồi các sự kiện trên biển Đông các năm 1974, 1988, 2014, đặc biệt là cuộc xâm lược của Trung Quốc trên biên giới phía bắc 2/1979 cần được đưa vào sách giáo khoa. Trung Quốc là kẻ gây nên các sự kiện trên, họ đã đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh từ lâu. Ở nước ta nhiều người đã đặt vấn đề này ra từ 1988, tiếc rằng chúng ta làm chậm quá.
Nhà giáo Nguyễn Đức Thạch -Trường THPT Chuyên Ninh Thuận cho biết, chỉ có 5 câu, 11 dòng, 140 chữ ngắn ngủi trong SGK Lịch sử 12 viết về cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, tháng 2/1979. Nhưng 5 câu lịch sử ngắn ngủi đó lại được đưa vào phần giảm tải, thầy không dạy, trò không học, lấy gì để tưởng nhớ hơn 6 vạn đồng bào, chiến sĩ đã hi sinh trong cuộc Vệ quốc vĩ đại này?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng khuyên ngành giáo dục: “Ngành giáo dục nên kiến nghị đưa sự kiện này vào sách giáo khoa lịch sử. Thực tế cho thấy, phần lớn học sinh tiểu học, trung học, thậm chí đa số trong 1,4 triệu sinh viên hầu như không biết gì về cuộc chiến tranh này…
Hàng vạn người con ưu tú của chúng ta đã bỏ mình để bảo vệ từng tấc đất biên giới phía bắc của Tổ quốc, tại sao không có một dòng nào nhắc đến họ? Bây giờ đã quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không”.
Năm học 2013-2014 nhiều trường không có hoặc rất ít học sinh tham gia thi môn lịch sử. Trong kì thi tốt nghiệp THPT trường THPT Quang Trung ( Hà Nội), THPT Thái Lão (Hưng Nguyên- Nghệ An) mỗi trường chỉ có 1 em đăng kí thi môn Lịch sử. Năm 2014-2015, ở Hà Nội có 12%, ở Hải Dương chỉ 1%... đăng kí thi môn lịch sử. Chất lượng môn lịch sử thi vào đại học quá thấp, có tới 62% bị điểm 2. Đây là một nỗi đau không chỉ của riêng ngành giáo dục.
Văn học minh họa đã là một sai lầm, còn lịch sử minh họa cho chính trị là đại sai lầm, 1 việc làm phản khoa học, có tội lớn với hậu thế, với dân tộc. Giáo viên không muốn dạy lịch sử, học sinh không thích học môn lịch sử phải chăng một phần là do cách biên soạn sách lịch sử vừa qua có vấn đề?

2. Phương pháp dạy.
Giáo viên dạy học Lịch sử cần cung cấp sự kiện, nhân vật rồi yêu cầu học sinh đánh giá, nhân vật, sự kiện đã nêu rút ra bài học lịch sử. Họ dạy và học tinh giản, nắm kiến thức trọng tâm, phát huy tư duy tích cực, tự học của học sinh. Học sinh phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu để bổ sung cho quan điểm của mình. Giáo viên không áp đặt, không bắt buộc ghi nhớ máy móc ngày tháng sự kiện mà tôn trọng học sinh, khích lệ, yêu cầu các em có chính kiến khi đánh giá nhân vật, sự kiện.

Thời gian làm việc trên lớp của GV cần nêu vấn đề và hướng dẫn, tổ chức cho học sinh làm việc. Trong buổi học, tiết học các em học sinh phải nổ lực làm việc tích cực, tự giác huy động kiến thức đã có, tài liệu tham khảo để hoàn thành yêu cầu do giáo viên đặt ra. GV sáng tạo khi thảo luận tổ nhóm làm tăng tính phản biện, bảo vệ quan điểm, ý kiến của mình,...
Cách dạy của giáo viên ta thiên về học thuộc, ghi nhớ máy móc, nói lại sách giáo khoa, thiếu cho học sinh thảo luận, đánh giá nhân vật, sự kiện, làm các bài luận... đã góp phần làm cho học sinh chán học sử.

3. Kiểm tra đánh giá.

Kiểm tra đánh giá của giáo viên đối với học sinh không phải là sự ghi nhớ, thuộc vẹt kiến thức mà là ở sự sáng tạo, tư duy tích cực ở người học. Ở ta thiếu câu hỏi nêu vấn đề, kích thích tư duy sáng tạo ở học sinh mà có quá nhiều câu hỏi tái hiện, ghi nhớ máy móc như: Ai giữ chức vụ … ? Ai là … ? Sự kiện .... xẩy ra lúc nào, …? A thành lập ngày tháng năm nào? Ai là chủ tịch ...? …Hãy nêu diễn biến của …. Qua theo dõi tôi biết là dạng câu hỏi đang rất phổ biến hiện nay.
Dạy lịch sử phần kiến thức của các em, bài làm của các em có thể lấy ở ngoài sách giáo khoa, miễn là các em có lập luận lo gic, chặt chẽ, trung thực, có sức thuyết phục và có cái mới trong bài viết. GV tôn trọng chính kiến của cá thể từng học sinh, kích thích tư duy sáng tạo ở các em, dạy các em yêu lẽ phải, làm người hữu ích cho xã hội. Đây là cái chúng ta cần ở người học, là mục tiêu của dạy học.

Nếu chúng ta mạnh dạn đổi mới cách dạy, cách học của GV- học sinh thì cả thầy và trò nước ta sẽ rất hứng thú khi dạy-học môn này, hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn. Các em học sinh sẽ rất thích học môn lịch sử. Giáo viên cũng thoải mái, nhẹ nhàng, không vất vả như GV hiện nay lên lớp bộ môn này.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Cơ nguyên phó chủ nhiệm khoa lịch sử trường đại học sư phạm Hà Nội cho rằng việc làm này là có tội với tổ tiên, đất nước. Nhà văn Đắc Trung yêu cầu: Phải đối xử với tư cách lịch sử là một ngành khoa học không thể thiếu. Không được coi nhẹ. Không thể ghép lịch sử vào bộ môn khác trong học tập và giảng dạy. Như thế là xóa bỏ lịch sử. Là phản khoa học. Là vô trách nhiệm, thậm chí có tội với Tổ quốc và dân tộc. Giáo sư Phan Huy Lê gọi đó là thủ tiêu môn lịch sử, còn sử gia Dương Trung Quốc bày tỏ nhẹ nhàng hơn rằng ông thất vọng khi bỏ môn lịch sử.
Riêng tôi, tôi cho rằng việc biên soạn sách giáo khoa lịch sử, cách dạy và kiểm tra đánh giá của chúng ta có vấn đề cần phải xem xét lại. Đây là nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Còn việc xóa môn học lịch sử trong chương trình phổ thông để tích hợp với môn GDCD và GDQP là không nên, cái lợi không bằng cái hại, cần bỏ ngay ý định này.
P/S- May thay:
Sáng (30/11), tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự và chỉ đạo đại hội: Môn lịch sử, nhất là Quốc sử phải cùng vị thế với môn Quốc ngữ-Quốc văn và môn Toán học, phải là những môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc trong các trường trung học cơ sở và phổ thông.
Trong Nghị quyết phiên họp bế mạc của Quốc hội khóa XIII ngày 27-11-2015 xác định “tiếp tục giữ môn lịch sử trong chương trình và sách giáo khoa mới”.
Hôm nay (17/2), tiếp tục chuyến công tác đến các tỉnh biên giới phía Bắc, tại Nghĩa trang huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn cán bộ Trung ương đã đến dâng hương viếng các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Tín hiệu vui đã đến cho người dạy và học môn lịch sử.
Nhưng xin thưa, nên giữ là giữ cái gì, bỏ cái gì và thêm cái gì cho đúng, để thầy thích dạy, trò thích học còn người chỉ đạo và biên soạn không là kẻ tội đồ của dân tộc?