Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NV Nguyễn Tiến Lộc: NẾU KHÔNG BIẾT LÀM THƠ LỤC BÁT THÌ CHƯA PHẢI NHÀ THƠ!

Thuỷ Hướng Dương (thực hiện)
Thứ năm ngày 18 tháng 2 năm 2010 9:42 PM
 

 

vspace=3Nhà văn Nguyễn Tiến Lộc – một Việt kiều định cư tại Canada đã 30 năm. Ông về thăm quê hương theo lời mời của Hội Nhà văn Việt Nam, để dự Hội nghị quảng bá văn học. Rồi quyết định ở lại ăn Tết cổ truyền với người thân và bạn văn tại quê nhà…

Một ngày đầu Xuân Canh Dần, tại một quán cà phê nhỏ ở đầu phố Hai Bà Trưng - Hà Nội, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện khá thú vị với NV. Nguyễn Tiến Lộc xung quanh chủ đề Văn hóa Việt và Thơ Lục Bát…

 

Phóng viên (PV): Được biết ông về thăm quê hương lần này theo lời mời của Hội Nhà văn Việt Nam, ông có thể cho độc giả biết tại sao lại có lời mời đặc biệt này?

 

NV Nguyễn Tiến Lộc: Tôi trở về Việt Nam lần này vừa tròn 30 năm tôi rời xa quê hương. Sở dĩ tôi được Hội Nhà văn VN mời là vì tôi là Chủ nhiệm của Tạp chí Người Việt Hải ngoại, phát hành tại Canada...

 

PV: Thưa ông, tiêu chí của Tạp chí Người Việt Hải ngoại là gì? Cộng tác viên với tạp chí là những đối tượng nào?

 

NV. Nguyễn Tiến Lộc: Tạp chí Người Việt ở Hải ngoại có từ năm 1999. Nội dung Tạp chí của chúng tôi chủ yếu cố gắng giới thiệu những tác phẩm chọn lọc, mang hơi thở thời đại của văn học Việt Nam đương đại đến với độc giả. Đó là một diễn đàn văn học nghệ thuật không chỉ của cộng đồng người Việt ở Canada mà còn ở các nước khác hội nhập với văn học nghệ thuật trong nước. Tiêu chí chính của chúng tôi là đưa yêu thương và tự hào dân tộc đến với nhau. Dùng văn chương làm cầu nối giữa độc giả với tác giả, giữa tác giả với tác giả trong và ngoài nước hiểu biết về nhau. Chúng tôi đã có những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong nước cộng tác thường xuyên như: Từ Nguyên Tĩnh, Huy Trụ, Hữu Loan, Nguyễn Trọng Tạo, Vi Thùy Linh, Trần Nhương... Và gần đây có cả Vũ Quần Phương, Tô Nhuận Vỹ, Bão Vũ v.v...

 

PV: Ông quan niệm thế nào về văn hóa dân tộc nói chung và Thơ Lục Bát nói riêng?

 

NV. Nguyễn Tiến Lộc: Như các cụ ngày xưa đã nói, văn chương trước hết phải đúng nghĩa là văn chương cái đã. Văn chương phải bao gồm cả tính nghệ thuật và hơi thở thời đại. Không nên buông tuồng, dễ dãi quá trong câu chữ, hay hời hợt về nội dung. Đã nói đến văn chương thì văn chương phải có tính văn hóa, những từ ngữ có tính chất thô kệch, thô bỉ, hay những ý tưởng có tính chất thể xác, kích dục (thiên về sex) quá thì không nên sử dụng.

Riêng đối với Thơ Lục Bát, là một thể thơ “quốc hồn, quốc túy”, thiêng liêng, mà đã là người Việt Nam, không ai là không biết thể thơ này từ thuở còn nằm nôi. Đối với tạp chí chúng tôi, Thơ Lục Bát luôn được đề cao với một niềm tôn trọng tuyệt đối. Tuy nhiên, tôi nhận thấy đời sống văn học nước ta trong thời gian gần đây, có vẻ như Thơ Lục Bát đã bị mai một đi khá nhiều. Những câu ca dao, dân ca, rồi truyện Kiều, Lục Vân Tiên… mang trong mình nét cơ bản nền tảng đạo đức của cha ông ta, dường như không còn được giới trẻ quan tâm nhiều nữa.

Do đó, theo tôi Bộ Giáo dục và Đào tạo VN nên đưa chương trình giảng dạy và bảo tồn Thơ Lục Bát vào sách giáo khoa cho học sinh học tập.

Ngay kể cả các nhà thơ chuyên nghiệp, tôi nghĩ, Hội Nhà văn Việt Nam nên đưa ra một tiêu chí: Nếu chưa từng làm Thơ Lục Bát thì chưa phải nhà thơ Việt Nam. Vì nếu làm thơ tiếng Việt, chữ Việt mà không biết thi pháp cơ bản (base) của Lục Bát thì làm sao có thể làm thơ hay được? Tôi đã có lần vô cùng thất vọng nói với nhà thơ trẻ V.T.L: Nếu cô cho rằng không cần thiết phải biết làm Thơ Lục Bát thì vẫn có thể là nhà thơ thành công thì đó là một sai lầm lớn.

 

vspace=3

Từ phải qua: TS. Nguyễn Tiến Lộc (thứ 3), nhà thơ Đặng Vương Hưng (thứ 5)

cùng một số Liền anh, Liền chị Quan họ tại Bắc Ninh, Xuân Canh Dần - 2010.

 

PV: Vậy thưa ông, với cách nhìn của Tổng Biên tập Tạp chí Người Việt Hải ngoại, ông có thể cho biết cái gì làm nên sự tồn tại lâu dài của Thi Ca nói chung và Thơ Lục Bát nói riêng?

 

NV. Nguyễn Tiến Lộc: Văn thơ là tiếng lòng để đưa con người ta từ tim tới tim, từ óc tới óc. Văn chương không thể là sự đánh đố, dùng những từ ngữ bí hiểm để bắt người đọc phải mất công tìm hiểu. Hơn nữa, cuộc sống hiện đại bây giờ người ta không có nhiều thời gian để mắt tới tất cả những gì đập vào mắt. Độc giả họ cần văn chương cô đọng súc tích, đưa ra nhiều thông điệp. Do vậy, văn chương phải là sự gần gũi và luôn gắn liền với cuộc sống kể cả về hình thức lẫn nội dung. Gần đây có một số nhà thơ trẻ, dùng cách làm thơ viết không dấu chấm phảy, hay cố tình không viết hoa, ngắt dòng tùy tiện. Đó chỉ là cách gây sự chú ý, tạo thành một hiện tượng. Nhưng đừng cho rằng cứ nói đến “hiện tượng” thì tất cả đều hay. Có những hiện tượng hay và cũng có những hiện tượng dở. Nếu muốn cách tân thơ lục bát, anh có thể dùng những từ ngữ mới (mới không có nghĩa là phải dùng từ khó hiểu, hay từ ngữ sex), có thể ngắt dòng (ngắt nhịp thơ hợp lý). Nhưng rồi tất cả những điều đó rồi lại trở về hình thức Thơ Lục Bát như vốn căn bản đã có. Bởi mấy trăm năm qua, không phải là không có những phong trào làm mới thơ lục bát. Rồi cuối cùng Thơ Lục Bát vẫn là những thông điệp đầy tính nhân văn về tình yêu, cuộc sống, vẫn là thể thơ giữ Hồn Việt.

 

PV: Ông suy nghĩ thế nào về ý tưởng đưa Thơ Lục Bát thành Di sản Văn hóa thế giới, do website lucbat.com khời xướng và vận động?

 

 Nguyễn Tiến Lộc: Tôi cho rằng đó là một ý tưởng hay, dễ thành hiện thực. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta nên mở rộng phong trào Thơ Lục Bát, cần sự ủng hộ của nhiều người, nhiều tổ chức. Hãy coi đó như là sứ mệnh của những người Việt Nam yêu nước. Hãy cùng nhau thành lập thêm nhiều những Câu lạc bộ yêu Thơ Lục Bát ở trong nước cũng như ở nước ngoài; hoạt động vì một tôn chỉ, mục đích chung: Tôn vinh Thơ Lục Bát và văn hóa Việt Nam! Nếu được “gia đình lucbat.com” chấp nhận, tôi xin tình nguyện hết lòng vì việc này và làm Đại diện của lucbat.com tại Canada!

 

Thuỷ Hướng Dương (thực hiện)