Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“NGƯỜI LÁI ĐÒ TRÊN SÔNG PÔ-KÔ”

Trần Huy Thuận
Thứ năm ngày 18 tháng 2 năm 2010 9:59 PM
 
Nhưng tuổi trẻ chúng tôi
Không ít người đang lỡ thì, mai một.
Theo năm tháng cuộc đời
(Phạm Thị Xuân Khải)
 
Trong buổi họp mặt đồng môn kỷ niệm 50 năm ra trường, Ban tổ chức có chương trình ghi hình và tiếng nói tâm sự của tất cả các bạn. Người dẫn chương trình cho biết như thế, và nói: Nửa thế kỷ là một đời người, với biết bao bể dâu, bao kỷ niệm vui buồn. Địa điểm trường cũ thì vẫn đấy, nhưng mái trường Trung học Nguyễn Khuyến xa xưa, không còn nữa! Thành phố Nam Định thân thương vẫn mang tên cũ, nhưng địa giới, cảnh vật, con người... thảy đều đã đổi thay.
Chị ngồi đấy, im lặng lắng nghe tâm sự của từng người một. Đúng là mỗi người một số phận: có người tiếp tục học lên cao, có người phải rẽ ngang tìm nghề kiếm sống. Có bạn còn ở trong nước, nhưng cũng không ít bạn phải long đong nơi đất khách quê người. Có người cầm bút và có người cầm súng. Có người thành danh, có người là dân thường. Có người là tỉ phú, có người đến nay vẫn lận đận chuyện áo cơm. Giọng người dẫn chương trình làm chị cảm thấy trong lòng như đang dâng lên một nỗi buồn vu vơ...
***
 Đến lượt ghi hình người ngồi cạnh chị: một chị bạn đã ở tuổi gần bảy mươi, sống độc thân cũng ngần ấy năm như chị:
- Tôi là... sau khi học xong cấp II, cấp III ở quê nhà, rồi được sang học ở Liên Xô. Sau này, khi về công tác ở Nhà xuất bản Ngoại văn, tôi lại được sang Pháp học một năm. Tôi có hai cái yếu, một là không biết làm giàu; hai là cái mà mọi người làm được, thậm chí có người làm đi làm lại đến mấy lần, thì tôi lại không làm được(!).
Mọi người cười ồ, nhưng hẳn là ai cũng đều nước mắt chảy trong tim[1]!
Rồi cũng đến lượt chị thổ lộ tâm sự cùng bè bạn:
- Tôi là Nguyễn Thị Ngọc Oanh... không có biệt hiệu gì cả! Học xong lớp bảy, tôi đi học Trung cấp Nông Lâm. Ra trường có về công tác ở quê hương và được cử đi học Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 1968 vô Nam và từ đấy trở đi sang hẳn nghề nhà báo! Hai chữ nhà báo chị nói rất nhẹ, vừa như muốn nói, vừa như không. Có người nhắc chị:
- Là tác giả phần lời bài hát...?
Chị im lặng! Người đó lại nhắc lại: “Chị phải nói cái chỗ đó...!”. Nhưng chị kiên quyết:
- Không! Không! Không! Không!
Bốn lần khẳng định một chữ “Không”!
Tôi tìm thấy trên một trang web:
 “...Thời gian cao điểm từ mùa khô năm 1965 đến mùa mưa năm 1968, có đêm Puih San chở hơn 30 chuyến đò với hàng trăm lượt bộ đội và hàng hóa qua sông an toàn phục vụ bộ đội ta mở chiến dịch đánh trận Plei Me ở huyện Chư Prông. Tám mùa rẫy cầm chèo, dưới mưa bom, bão đạn, Puih San đã được hai niềm vui lớn: được vinh dự đứng trong hàng ngũ vinh quang của Đảng (ngày 21-1-1965) và đi dự báo cáo điển hình tại Đại hội chiến sĩ thi đua Mặt trận B3 và của Miền. Chiến công hiển hách của Puih San đã mang lại nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ-chiến sĩ. Nhà thơ Mai Trang sáng tác bài thơ: “Người lái đò trên sông Pô Kô” và nhạc sĩ Cẩm Phong phổ nhạc bài thơ này... “.
Trước đây, từ lâu rồi, tôi đã mang máng biết, chị chính là Mai Trang, cho đến một ngày, không biết ai đó đã đưa cho tôi bài báo viết khá chi tiết về tác giả cùng hoàn cảnh ra đời bài hát, trên đó có in bức ảnh của chị, khi chị sang Liên Xô, thì điều mang máng ấy đã được khẳng định! Vẫn trên trang web:
 “Bài hát ấy thường xuyên được truyền đi trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt thời kỳ đánh Mỹ như tiếng kèn xung trận giục giã, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước noi gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm của A Sanh (bí danh của Puih San) xông lên phía trước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào...”.
Định mít đọc thấy đoạn viết này, bảo: Chính tao đã hành quân ngang qua dòng sông Pôkô và khi đêm đêm nghe bài hát đó từ chiếc máy thu thanh bỏ túi, bọn lính chúng tao được cổ súy rất hăng! Tao lúc ấy đâu có ngờ, lời bài hát lại là của Oanh, cô bạn cùng lớp! Mai Trang đã thực sự trở thành “Người lái đò tinh thần” đưa bộ đội ta vượt qua không chỉ con sông Pô Kô cụ thể, mà là tất cả các sông suối Trường Sơn hùng vĩ!
Nhà văn Trung Trung Đỉnh viết:
“Lời ca giản dị, nét nhạc thiết tha trong sáng đậm chất dân ca Tây Nguyên ấy đã quấn quýt với tâm hồn người lính trẻ chúng tôi. A Sanh, ấy là cái tên được nhà thơ, nhà báo Mai Trang sáng tác dựa trên một nguyên mẫu có thật. Ngay cả nhà thơ cũng không biết rằng, tên nhân vật của mình ngay sau khi ra đời liền trở thành biểu tượng, thành cái tên chung cho những người lái đò trên các dòng sông ở Trường Sơn”. “Câu chuyện vừa giản dị vừa khá ly kỳ về sự tích bài hát Người lái đò trên sông Pô- Cô suốt hai mươi năm qua cho tới hôm nay nó vẫn còn nguyên vẹn vẻ giản dị và sự lạ kỳ”.
 Đoạn văn trên cho ta thấy, Trung Trung Đỉnh rất biết ai là tác giả lời bài hát, thậm chí còn biết khá rõ! Nhưng ta hãy đọc tiếp đoạn sau, cũng chính của anh:
 “Tôi nhớ hồi năm 1998, sau khi nghe tin Puih San được Nhà nước phong Anh hùng Lực lượng vũ trang, có lần tới nhà nhạc sĩ Cẩm Phong chơi, tôi kể về ngôi làng có tên Plei Nú ở xã IakRai huyện IagLai, tỉnh Gia Lai có ông Puih San trung úy về hưu, ngày chống Mỹ là chiến sĩ lái đò, là nhân vật chính, tức chàng A Sanh trong bài hát của ông, sắp ra Hà Nội tham quan. Ông mừng khôn xiết. Nhưng đúng là cái số của hai bác thế nào mà mấy ngày ở Hà Nội, Puih San vì tính quen với kỷ luật nên không thể tách đoàn, lại bị cánh nhà báo quây dữ quá, không cách gì thu xếp được thời gian thăm ông nhạc sĩ, người đã khai sinh ra cái tên A Sanh cho mình.” (Nguồn đã dẫn).
Thế là ngay đến đồng nghiệp văn thơ, cũng chỉ nhớ thoảng qua tác giả phần lời bài hát, còn bao nhiêu tình cảm, anh đều dành cho tác giả phần nhạc; thậm chí còn gán cả cho nhạc sĩ là “người đã khai sinh ra cái tên A Sanh”! Anh đã tự phủ nhận ngay chính điều anh vừa viết ở đoạn trên: “A Sanh, ấy là cái tên được nhà thơ, nhà báo Mai Trang sáng tác dựa trên một nguyên mẫu có thật”.
Không trách trang web chính thức của Hội Nhạc sĩ Việt Nam: vnmusic.com.vn cũng cho chạy cái tít:
Người lái đò trên sông Pôkô
Nhạc sĩ: Ns. Cẩm Phong
Thể hiện:Đăng Dương - Lan Anh
Album: Đăng Dương- Lan Anh
Thể loại nhạc: Nhạc trữ tình
 
Ai đó trong số bạn bè đồng môn chúng tôi, khe khẽ cất lên tiếng hát:
“Qua tháng ngày hỏi sông ơi có biết - Anh lái đò tên gọi A Sanh?”
Còn tôi, tôi muốn hát thật to lên cùng bạn bè:
“Qua tháng ngày, hỏi ai ơi có biết - Cô lái đò tên gọi Mai Trang!”.
 
Và tôi tưởng như nghe thấy, tiếng vọng xa xăm từ ngọn núi Ngăm quê hương yêu dấu, nơi đồng môn chúng tôi chọn làm nơi gặp mặt sau 50 năm ra trường:
Qua tháng ngày, hỏi ai ơi có biết!
Qua tháng ngày, hỏi ai ơi có biết![2].
 
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Sau này, khi đọc bài viết này, chị có gửi thư cho tôi, có đoạn: “Tại sao mọi người lại cứ thích nhắc đến sự cô đơn và cho rằng những người lựa chọn cách sống như cách sống của mình là cô đơn, là đáng thương? Lẽ nào con người ta không phải là khi sinh ra đã cô đơn và cả khi chết đi, cũng chỉ có một mình?” (Nguyễn Thị Thìn- thư gửi Tr.H.Thuận mấy ngày trước Tết Kỷ sửu).
[2] Mãi tới mấy năm sau, khi gặp được Vũ Lộc Thành, em rể Mai Trang, tôi mới được biết thêm: Ngay với anh chị em trong nhà, Mai Trang cũng rất ít khi thổ lộ tâm sự. Rồi một lần tình cờ khác, tôi đọc được câu chuyện: năm 1972, Mai Trang được Ban Tuyên huấn trung ương “đánh” vào nội thành Sài Gòn; với nhiệm vụ cụ thể là trực tiếp hoạt động trong phong trào báo chí công khai chống chế độ Mỹ- Thiệu. Để có điều kiện hoạt động hợp pháp, Mai Trang phải đóng vai vú em chăm nuôi con cho một cặp vợ chồng lính Cộng Hòa (Đặc san Thời báo Tài chính Việt Nam số 4-2009).