Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XUÂN VỀ NÓI CHUYỆN CÁI MÂM và CÁI DUYÊN CỦA CON NGƯỜI

Phạm Minh Giang
Thứ tư ngày 3 tháng 2 năm 2010 9:06 PM
             
Tuỳ bút
Có thể nói không ngoa rằng : Lịch sử loài người là lịch sử của những cái mâm. Lịch sử loài người là sự nối tiếp của những cái mâm. Cái mâm của thời nguyên thuỷ có thể là một bãi đất trống mà trên đó để những chùm hoa quả hái lượm được, những muông thú ném bắt được, xung quanh là bầy người nhai gặm nhồm nhoàm. Cái mâm thời ấy cũng có thể là một phiến đá nhẵn, một tàu lá to...
Khi gia đình ra đời thì mâm tre, mâm gỗ xuất hiện. Mâm tre ban đầu là những thanh tre ghép lại thành tấm hình chữ nhật, có thể có bốn chân. Thế rồi mâm tròn bằng gỗ xuất hiện. Phương thức sản xuất càng phát triển, công cụ càng được cải tiến, bàn tay con người càng khéo léo thì những cái mâm gỗ mít, gỗ sung càng tròn hơn, đẹp hơn. Những nhà khá giả không dùng mâm gỗ mộc mà dùng mâm son (mâm sơn đỏ). Những đôi đũa mộc nhà nghèo không dám “chòi mâm son” là vì thế. ở những nhà nghèo, cái mâm có thể là cái dần, cái sàng, cái mẹt. Đến thời đại đồ đồng thì mâm đồng ra đời. Nhưng bà con ta vẫn thường dùng mâm gỗ vì mâm gỗ vừa nhẹ, vừa rẻ lại vừa lành, tiện dụng cho mọi gia đình. Từ thời kháng chiến chống Mỹ tới giờ là thời
đại mâm nhôm. Mâm nhôm ra đời nhanh chóng có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Mâm nhôm rẻ hơn, tiện dụng hơn mâm gỗ . Mâm nhôm cũng lành, cũng đảm bảo được an toàn thực phẩm. ở các nhà hàng  khách sạn, mâm tiệc không phải là mâm tre, mâm gỗ, mâm nhôm nho nhỏ mà là cả một cái bàn ăn to hình tròn, hình chữ nhật hoặc bầu dục mà trên đó có thể sắp được nhiều món ăn theo yêu cầu của khách.
ở các gia đình thì cái mâm đời ông bà nối cái mâm đời cụ, cái mâm đời cha nối cái mâm đời ông, mâm đời con nối mâm đời bố... Mâm cũng như người, càng ngày càng phấn đấu để đẹp hơn lên. Đặc biệt là những món ăn đựng trong mâm đời sau ngon hơn, phong phú hơn những món ăn đựng trong mâm đời trước. Hình thức của cái mâm có thể không khác nhiều nhưng nội dung trong lòng cái mâm thì phát triển theo thời đại. Mâm cơm của con cháu người Việt bây giờ có nhiều món ngon hơn món ngon thời cha ông. Ví như món thịt lợn hộp, thịt gà hộp, món nấm rơm, ngô bao tử, món tôm hùm, cá ba sa chế biến theo phương pháp công nghiệp. Mâm cơm của thời đại nào cũng mang nét đặc trưng của thời đại ấy.
Mâm cơm của người Việt ta dù nghìn đời vẫn đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Mâm cơm của người Việt ta hẳn không có món bánh mì và pho mát, hẳn không có nhiều món ngon của các nước Tây, Tàu. Nhưng mâm cơm người Việt có canh cua mồng tơi, có cà nén dòn chấm mắm tôm thơm phức, có món “muối vừng thơm lừng hảo hạng” - những món ăn ngon lành tuyệt diệu mà bất cứ người nước ngoài nào cũng ước ao được thưởng thức một lần.
Cái mâm gắn liền với đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người. Không có cái mâm thì con người biết cúng lễ làm sao? Dù quanh năm chân lấm tay bùn, cuốc bẫm cày sâu nơi đất quê hay tha hương nơi đất khách, dù có bát ăn bát để hay nghèo rớt mồng tơi thì những ngày giáp tết, nhà nào mà chẳng lo sắm một mâm ngũ quả, nhà nào mà chẳng phải lo sắp sửa mâm xôi con gà cúng giao thừa mời các cụ về ăn tết ?
Cái mâm còn để đáp ứng nhu cầu tiếp khách, đãi khách của các gia đình. Những ngày giỗ chạp, đám cưới, đám tang, cất nhà, tân gia, liên hoan, mừng thọ, người ta phải huy động họ hàng nhà mâm vào cuộc. ít là vài chục mâm. Nhiều là hàng trăm mâm, có khi hàng nghìn mâm nữa... Mâm được dùng để đo quy mô bữa tiệc, quy mô của đám. Mâm còn được dùng để đánh giá độ rộng hẹp mối quan hệ của gia chủ. Việc tổ chức một đám cưới, đám tang, đám cất nhà, tân gia, liên hoan, mừng thọ... chung quy lại là bao nhiêu mâm. Bao nhiêu mâm tức là bấy nhiêu tiền, bấy nhiêu trâu, bò, lợn, gà, ngỗng, ngan, cá, tôm, cua, ốc, ếch...Còn chất lượng của mâm cỗ thì lại phụ thuộc vào mấy bát, mấy đĩa. Bát để đựng các món nấu, hầm, om, ninh, mọc. Đĩa để đựng
các món giò, chả, nem, luộc, rán, xào. Ngoài ra còn các món gia vị, hành, tỏi, ớt, chanh, hạt tiêu, dấm, mắm tôm, xì dầu, ma di, nước mắm phù hợp với các món luộc, rán, xào, nấu, om, ninh, mọc kia...
Cái mâm là bạn của mọi gia đình. Có thể nói rằng một gia đình được bắt đầu từ hai trái tim vàng và một cái mâm. Cái mâm là chứng nhân của sự sum họp gia đình. Cái mâm chứng kiến biết bao những vui buồn, ngọt bùi, cay đắng của một gia đình, của một đời người, một số phận. Có những số phận cả đời chỉ ngậm ngùi bên cái mâm với bát cơm hẩm, quả cà thiu. Có những gia đình mâm cơm đầy chất ngất những sơn hào hải vị, những loại giò, chả, nem, bóng, mực... đắt tiền nhưng người ăn “nhai như bò nhai rơm”, mỗi miếng cơm là một miếng đắng chát trong cổ họng. Nhưng có những người chỉ chan cơm với nước cua, nước cáy mà họ ăn ngon lành rồi lăn ra manh chiếu thâm thâm và khai khai mùi nước đái trẻ con – pho pho ngáy. Có những gia đình
quây quần bên mâm cơm chỉ vẻn vẹn có “râu tôm nấu với ruột bầu”, chỉ vẻn vẹn có mồng tơi, rau dền luộc đánh dấm, thế mà chồng chan, vợ húp, con cái sì sà sì sụp, ai cũng thấy ngon.. Có những gia đình chỉ có rau đay, rau lang, con cua, con rạm, có thể cái mâm chỉ là cái mẹt, cái sàng, thế mà cả nhà ăn uống ngon lành. Thật là bữa cơm gia đình đầm ấm.
Dẫu là “nồi tròn, vung tròn” hay “nồi méo, vung méo”, dấu là “cơm dẻo canh ngọt” hay “bát mẻ đũa vênh” thì tất cả cuộc đời con người đều được diễn ra bên cái mâm tròn tròn, chữ nhật hay bầu dục thân quen ấy.
Không chỉ là chứng nhân của sự sum họp gia đình, cái mâm còn là chứng nhân của sự hội ngộ anh em, của sự kết giao bạn bè, chiến hữu... Cái mâm là chứng nhân của bao nhiêu cuộc gặp gỡ bất ngờ thú vị, là chứng nhân của bao nhiêu cuộc hội ngộ cảm động thân tình.
Đáng buồn thay, cái mâm cũng là chứng nhân của bao cuộc thề non hẹn biển để rồi chẳng được bao lâu, câu thề, lời hẹn ấy theo gió bay xa. Đáng buồn thay, cái mâm cũng là chứng nhân của bao nhiêu cuộc đổi trao mua bán mọi thứ phi pháp trên đời. Bao nhiêu cuộc “ký kết ma quỷ” nhẹ nhàng chóng vánh đã được diễn ra bên cái mâm tròn tròn, chữ nhật hay bầu dục kia. Bao nhiêu cuộc ký kết buôn bán phi pháp từ hạ cám đến thượng vàng, từ mớ rau con cá đến sắt, thép, xi măng, nhà lầu, xe hơi, cầu cống, đất đai... đến cả dòng sông, cánh đồng, cánh rừng, vùng trời, vùng biển, từ hoa quả ngon lành đến các loại hoá chất đặc biệt, những viên kẹo siêu độc bọc đường hê-rô-in, thuốc lắc .... cũng có thể được mua bán đổi trao một cách phi pháp
nhưng dễ dàng bên cái mâm tròn tròn, chữ nhật hay bầu dục kia. Không biết rằng có bao nhiêu mưu mô toan tính, có bao nhiêu thủ đoạn lọc lừa xuất phát từ những dục vọng thấp hèn, từ lòng đố kỵ nhỏ nhen, thù hằn ganh ghét, ích kỷ hại người đã ra đời bên những cái mâm tròn tròn, chữ nhật hay bầu dục kia ?
ước làm sao, khi ngồi bên cái mâm tròn tròn, chữ nhật hay bầu dục thân quen ấy, tất cả mọi người ai cũng cảm thấy thư thái, ai cũng cảm thấy được bình yên hạnh phúc, không ai phải buồn đau, không ai phải ăn năn hối hận, không ai phải toan tính một điều gì...
PHẠM MINH GIANG
(
phamminhgiangtb@yah oo.com.vn)
 

CÁI DUYÊN
của con người
 
Tuỳ bút
Không phải bất cứ người nào trên đời này cũng có duyên đâu nhé ! Người có duyên làm cho ta quý, ta yêu khi ở gần và làm cho ta nhớ mãi khi phải xa người ấy. Đừng nghĩ rằng đó là tình yêu nam nữ. Sự hấp dẫn của cái duyên không phải là sự hấp dẫn của người khác giới. Cái duyên của con người làm mê mẩn cả người khác giới và người cùng giới. Người có duyên thì người khác giới cũng quý, cũng yêu mà người cùng giới cũng yêu, cũng quý.
Vậy thì cái duyên của con người là cái gì nhỉ? Quả thật khó mà định nghĩa thế nào là cái duyên của con người. Chỉ biết rằng cái duyên là nét đẹp của một con người, ta có thể dễ dàng nhận thấy ở bên ngoài qua lời ăn tiếng nói, qua cách ứng xử, cũng có thể ẩn chìm ở bên trong tính cách của con người, gây ấn tượng khó quên cho người tiếp xúc. Như thế là có hai loại duyên: duyên nổi và duyên chìm. Duyên nổi là cái duyên thể hiện bằng ngoại hình. Duyên chìm là cái duyên thể hiện bằng tính cách, đạo đức.
Một đôi mắt sáng như có lửa của một chàng trai, một đôi mắt lúng la lúng liếng của một cô gái. Một nụ cười tươi rói để lộ hàm răng có chiếc răng khểnh dễ thương. Một mái tóc dài như suối mây. Một lời nói trầm ấm. Một lời nói dịu dàng tha thiết. Một cái bắt tay nắm chặt với nụ cười đầy thiện cảm. Vâng, cái duyên đấy !
Nhưng không phải cái duyên lúc nào cũng lộ ra ngoài. Có những người khi ta mới gặp, ta không phát hiện thấy cái duyên của họ. Nhưng nếu ta ở lâu với người ấy thì cái duyên của họ sẽ quyến rũ ta lúc nào không biết.
Vâng, cái duyên lộ ra ngoài ấy là cái duyên nổi. Còn cái duyên ở lâu mới biết đó là duyên chìm. Các cụ ta xưa có câu “Người xấu duyên lặn vào trong / Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài”. Nói như thế là để đề cao cái duyên chìm của con người. Trong thực tế không phải người nào cứ đẹp là “duyên bong ra ngoài” hết. Có bao nhiêu người đẹp người lại đẹp cả nết nữa đấy thôi.
Còn người xấu ư? Đã có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã từng nói rằng : Không có người phụ nữ xấu, không có người đàn ông xấu. Chỉ có những người không biết làm đẹp cho mình mà thôi. Vâng, con người chúng ta không có ai xấu cả. Mỗi người chúng ta hãy tự làm đẹp cho mình bằng cách không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ mọi mặt, phấn đấu hoàn thiện mình cả về đức, trí, thể, mỹ, dục, phấn đấu cho cuộc đời của chúng ta ngày càng giàu có hơn lên cả về của cải vật chất, cả về trí tuệ và tâm hồn tình cảm. Làm được những việc như thế tức là ta đã làm tăng sức quyến rũ của ta đối với người khác, đối với vợ con (hay chồng con), đối với anh em họ mạc, đối với bạn bè… Và như thế, ta sẽ là người có duyên…
PHẠM MINH GIANG
số 19, tổ 50, phường Quang Trung
thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình