Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ VIẾT VỀ MÙA XUÂN Ở XỨ ANH ĐÀO

Lê Hoài Nam
Thứ tư ngày 3 tháng 2 năm 2010 8:59 PM
Lê Hoài Nam
Tôi đang có trong tay cuốn Thơ cho bốn mùa, tuyển tập những bài thơ viết về xuân - hạ - thu - đông từ xưa đến nay của các nhà thơ Nhật Bản. Người dịch nghĩa là tiến sĩ khoa học, chủ tịch hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản Nghiêm Vũ Khải; dịch thơ là hai nhà giáo, đồng thời cũng là tác giả thơ Đặng Tương Như và Trần Trung.
 Các nhà thơ Nhật Bản viết về mùa nào cũng có những bài hay. Có khi chỉ một bài Haiku Tanka của nhà thơ thiền sư Dogen ở thế kỷ XIII cũng khái quát sắc thái cả bốn mùa:
  Mùa xuân hoa nở trắng ngần
 Mùa hè quyên hót xa gần gọi nhau
  Trăng thu vàng rực một màu
 Nhẹ nhàng hoa tuyết trắng bầu trời đông.
Cho dù thế, công bằng mà nói, thơ viết về mùa xuân của các nhà thơ Nhật Bản vẫn đáng để ta chú ý nhiều hơn cả. Là cũng bởi mùa xuân của xứ sở này có những điều thật kỳ thú. Gần giống như thời tiết Việt Nam, khí hậu Nhật Bản cũng chia ra làm bốn mùa rõ rệt, nhưng xứ sở mặt trời mọc hơi chếch lên vành đai ôn đới một chút, bốn bề là biển nên sự hiện diện của bốn mùa có những biến thiên kỳ vĩ không giống nơi nào, tạo nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca.
  Chim nghiêng cánh biếc sang xuân
 Cỏ non đồi núi tần ngần sắc xanh
  Lòng em riêng nghĩ về anh
 Tình xuân như kẻ lữ hành bơ vơ
    (Tình xuân – Kasa no Iratsume)
Những bài thơ mô tả mùa xuân đậm đà, ấn tượng như bài thơ trên trong kho tàng thi ca Nhật Bản không phải là hiếm. Nhưng nổi trội hơn vẫn là những thi phẩm mô tả mùa xuân gắn với một loài hoa: hoa anh đào.
Ở Việt Nam, nói đến mùa xuân ta thường nói đến hoa đào, nhưng hoa đào cũng chỉ hiện diện nơi xứ Bắc, không thuận với cái nắng gió phương Nam; trái lại, hoa mai vàng mang đặc trưng của mùa xuân phương Nam thì lại không sao bén duyên được với khung trời mưa bụi như rắc phấn xứ Bắc. Bởi vậy, đã có một hội nghị nhằm bình chọn ra một loài hoa làm Quốc hoa của xứ ta mà vẫn chưa có hồi kết. Người thì bảo nên chọn hoa đào, người thì muốn hoa mai, người thì chọn hoa sen...nhưng xem ra những loài hoa ấy đều không thật là biểu trưng đắc địa. Còn ở Nhật Bản, Quốc hoa đích thị là hoa anh đào. Loài hoa này rất xứng đáng mang quốc hồn quốc túy của xứ sở mặt trời mọc, xứ sở của những hiệp sĩ lừng danh samurai. Hoa anh đào có mặt ở khắp mọi miền đất nước đảo quốc, từ bắc xuống nam, chạy dài hàng ngàn cây số. Nó có mặt trong các công viên thành phố, trong những sân biệt thự sang trọng; lại có nơi anh đào đứng thành hàng ở những lề đường, bờ kênh. Hoa anh đào nở theo sự vần vũ luân chuyển của thời tiết. Dưới miền Nam tiết trời ấm áp, hoa anh đào nở vào cuối tháng giêng. Trên miền Bắc, tiết trời giá rét, hoa nở vào cuối tháng ba. Từ lúc hoa nở cho đến lúc hoa tàn chỉ kéo dài khoảng mười ngày. Người dân Nhật Bản có thể đi dự lễ hội hoa anh đào từ Nam ra Bắc trong suốt thời gian của mùa xuân.
Xin được điểm qua mấy bài thơ viết về mùa xuân Nhật Bản có bóng dáng hoa anh đào.
  Tấm thân hạt bụi không cầu nguyện
  Chẳng ước hẹn gì với kiếp sau
  Trần gian khi giã biệt nhau
  Trinh nguyên muôn cánh anh đào trong tim.
Đó là bài Trái tim hoa anh đào của nhà thơ nữ Tomiko, đầu thế kỷ XX. Đây là một trong những tác phẩm được coi là kinh điển viết về mùa xuân của xứ sở này. Nhà thơ nữ tự nhủ: khi giã biệt cõi trần sẽ để lại tất cả, chỉ mang theo xuống tuyền đài những cánh hoa anh đào thôi. Như thế đủ thấy hoa anh đào có một vị trí quan thiết, mệnh hệ đến thế nào đối với người dân Nhật Bản. Nó là cốt cách, là tâm hồn của họ. Tuy vòng đời của hoa anh đào rất ngắn, nhưng không ngắn theo kiểu “đoản mệnh”. Rễ hoa tích hương đất, cành hoa tích khí trời cả năm để rồi chỉ có mười ngày thăng hoa phát tiết. Khi hoa nở là dâng hiến hết mình, ban phát vẻ đẹp tưng bừng cho trần thế. Khi hoa tàn cũng tàn một cách trang trọng, những cánh hoa lìa khỏi cành bay la đà theo gió, huyền ảo như bay về chốn thiên thai.
Cốt cách hoa anh đào có gì đó thật gần gặn, đồng điệu với tinh thần samurai, tinh thần người Nhật. Tinh thần samurai tạo thành một phong cách sống của người Nhật không thể lẫn với xứ sở nào: đã sinh ra ở trên cõi đời là sống hết mình, dâng hiến hết mình cho đời, và đến khi cần nhường chỗ cho người khác hoặc hóa thân vào cát bụi để cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn thì tiến trình ấy phải diễn ra đẹp đẽ, thanh thoát, trang trọng như sự ra đi của những cánh hoa anh đào.
Từ hoa anh đào và phong cách của các samurai mà đôi lúc tôi suy nghiệm sang những vấn đề rất trọng đại của nội các Nhật Bản; nghĩ về cái văn hóa nhậm chức và văn hóa từ chức của họ. Chỉ trong vòng dăm bảy năm gần đây mà nội các Nhật đã thay tới ba vị thủ tướng. Có vị mới chỉ làm thủ tướng được khoảng một năm, xét thấy mình không đáp ứng được những điều mà người dân trông đợi, đã tự nguyện xin từ chức, nhường ngôi. Khi họ nhậm chức đương nhiên là vui vẻ. Nhưng khi từ chức, họ cũng rất thiện chí, trang nghiêm. Thậm chí khi phải chết cũng chết rất đẹp. Hãy đọc bài thơ Mãn nguyện của Saigyo Hoshi ta thấy phần nào phản ánh cái văn hóa “sống hay, chết đẹp” này:
  Viên tịch mơ cõi niết bàn
 Rằng xuân trăng tỏ, bàn hoàn ai hay
  Lòng thiền còn ước nguyện này
 Tháng hai xin chết dưới cây anh đào...
Cũng có khi thơ xuân của các nhà thơ Nhật Bản không viết rõ về hoa anh đào nhưng khi đọc bài thơ ta vẫn thấy kiếp người và đời hoa đồng điệu trong đó:
  Nửa chừng xuân hãy còn tươi
 Hoa kia sao nỡ rụng rời sắc hương
  Đời người sắc sắc không không
 Qua sườn núi mộng ngoái trông cõi trần
  Chẳng còn say khướt bầu xuân
 Chẳng còn giấc mộng phù vân thủa nào
   (Vô thường – tác giả: Vô danh)
Hoặc:
  Nghênh xuân trên đỉnh lâu đài
 Rượu nồng cùng nhắp – ơi người thưởng hoa
  Đầy vơi xuân mộng la đà
 Nghiêng nghiêng chén rượu ngỡ là chén trăng
   (Sự đổ nát của lâu đài dưới ánh trăng – Doi Bansui)
Có thể nói, thơ của các nhà thơ Nhật Bản dù viết về những điều lớn lao hay những điều “nhỏ nhặt” cũng thấm đậm ý nghĩa và triết lý nhân sinh. Và cái ý nghĩa nhân sinh dễ lay thức tâm hồn ta hơn cả ấy là khi nhà thơ tắm mình trong những gì làm nên quốc hồn quốc túy của quê hương, xứ sở. Các
dịch giả Nghiêm Vũ Khải, Trần Trung, Đặng Tương Như đã cho ra mắt tập thơ tuyển bốn mùa vào dịp tết đến – xuân về, ứng với thời đoạn đang mất mùa thơ ở xứ ta,  thật có ý nghĩa.
     Cổ Nhuế - Hà Nôi cuối năm 2009.