Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SƯ BỐ ÔNG TÍCH SỰ

Vũ Hữu Trác
Thứ năm ngày 4 tháng 2 năm 2010 1:14 PM
 
Đèn đường sáng lúc nào không biết. Bữa nhậu vỉa hè chưa xỉn thật, chưa dứt được.
Mấy bạn tôi quay sang chuyện tao đàn, văn đàn, hào hứng hớn lên.
-  Văn ngắn, văn dài kỳ qua, có chỗ nào thừa, chỗ nào thiếu không?
-  Ồ thừa thì cứ vặt ra, ấn vào thiếu thế là tròn.
-  Cái vị này, cái gì cũng vặt ra được thì đã tốt, cái thiếu cho vào vừa thì có nói đến sáng mai!
-  Có đấy, in ra đây rồi, đọc nghe nhé. Tội cái, Báo điện tử của Hội kỳ này lắm vi rút quá, méo hết cả con chữ, hỏng hết cả máy tính.
-  Được rồi, tối thế đọc được đến đâu thì đọc, sai cũng được.
-  Dừng nhậu. Nghe đây!
    Làng Cù. Có người nói Cù là tên con vật thời hồng hoang, đương yên ngủ, bỗng trở mình cù quậy ầm ỹ vùng đất này, Có người nói là Cù dzậy. Có người gọi là Làng ông Cù. Có người cho là kiểu gọi một trận động đất đã từng xảy ra ở đây. Cắt nghĩa sao cũng được, nhưng tên làng Cù vẫn dễ xếp vào tên làng hạng bét. 
    Làng có hai ngọn núi nhỏ và thấp, ở phía đông. Tựa hồ lúc tạo núi, ông trời để rơi vãi ở đây hai cục đất đá thừa mứa mà thành. Đứng ở làng ta mà nhìn ra cứ phập phà phập phồng, người làng gọi ngọn đứng trước là hòn Trồi, ngọn đứng sau thấp hơn là hòn Sụt. Nhưng đứng ở phía bên kia, sau núi thì hoá ra ngược lại. Những người làng bên kia lại gọi hòn Sụt là hòn Trồi, gọi hòn Trồi là hòn Sụt, cãi nhau không có bên nào thua.
    Ta tìm đọc nát hết các sách cổ tự tân thư, chẳng thấy có sách nào nói đến đất đai sông núi quê ta. Đúng thế, làm sao thế gian này lại có đủ sách vở để chứa cả những thứ như thế !
Cái làng quê của ta yêu qúi mà cái gì cũng bét, tên hạng bét, đất đai hạng bét, núi sông hạng bét, nhưng lại nổi lên một người sáng láng, một áng văn chương soáng loáng đệ nhất. 
Về “Sự tích núi Phấp phỏng” của ông có tên là “ông Sự tích” mà làng đặt cho ông, làm hồng sớm cuộc sống nơi đây. Người vô cảm cho đó là áng văn chương cũng hạng bét vì chỉ mang lại cho người ta cái cảm tưởng chẳng thể nào bình yên. Kẻ đa cảm cho rằng ông “Sự tích” cũng cố ý đi tìm cái nghĩa lý cho cuộc đời ở ngay trên làng quê mình. Cũng may, ở trong làng lại còn có ông.
 Ông Sự tích viết :
“…Những người đi trước muốn ký thác lòng mình cho núi chăng?
Tại sao lại là chim Nửa đêm? Chim chờ ai mà đứt ruột kêu thành tiếng?
 Sao lại là hoa Lưu huyết ngắn ngủi nở trong tức khắc rồi tàn?
Nửa khuya nghe tiếng loài chim lạ kêu, thì ắt sáng hôm sau tất có hoa lưu huyết sẽ nở! Ta nay nghe nhắc đến những thứ ấy thì cứ thấy nôn nao, tựa hồ như mình là kẻ mới lên năm, mà không biết vốn dĩ ta đã thuộc về sự tích quê ta có loài chim, loài hoa của núi.
…Một sớm tinh mơ, ta gần muốn hụt hơi cố theo kịp bước cha. Phải lên núi cao, xem cho kịp hoa Lưu huyết nở. Hoa chỉ nở vào sớm tinh sương, hoa nở xòe ra những cánh màu máu, mà mong manh đẹp đến lạ thường, Tất nhiên là sáng hôm ấy khi lên đến đỉnh núi, ta chỉ thấy, cha cầm  trong tay những cánh hoa đã tàn. Cha giảng giải cho ta nghe, rằng cha cũng chỉ là nghe sự tích nói thế, chứ xưa nay chưa có ai trông thấy hoa Lưu huyết nở đẹp đến thế nào! Ta hỏi, cớ sao lại không ai trông thấy? Cha bảo, khi ta đã thành người lớn tất sẽ hiểu…”
Người làng hỏi - Thế còn chim Nửa đêm, chưa ai rõ mặt, rõ tiếng oan khuất của loài chim ấy? Tại sao lại kêu mà không hót lên?
Đấy là cách dịch tiếng kêu của chim ra tiếng người nức nở. Chỉ nghe tiếng kêu của chim vào khoảng giữa đêm, nên gọi là chim Nửa đêm vậy thôi. Nhưng sáng hôm sau, thế nào cũng có người trong làng lên núi để tìm xem hoa Lưu huyết nở. Mà quả là có con chim lúc nửa đêm kêu nghe tiếng buồn thật. Còn làm sao khuya khoắt lại nghe chim kêu mà dám chắc sáng hôm sau có hoa lưu huyết nở thì không thấy có mối liên quan nhân quả nào giữa hai thứ ấy, dường như chỉ là diễn tả mỗi một sự vật thôi…”
Ông Sự tích cười “Ta cắt nghĩa ở đó cho người đời, thì nó cũng cũ như chim Nửa đêm với hoa Lưu huyết vậy !.  
Ông định dừng ở đó.
Lại hỏi, thế còn cái hòn Trồi hòn Sụt ? Sao không cho biết hết cái nghĩa sâu xa?
Ông Sự tích lại phải trưng ra. “Sự tích nói thế. Phía bên kia núi là cõi chết. Mỗi lần vùng đất ở bên ấy xua quân sang đánh cướp, đám đàn ông bên này chống trả suốt đêm, thây người chết chất chồng trên núi, nhưng sáng sau bị mang đi không còn lấy một. Đám trai cõi sống bị bắt đi, để không còn nòi, còn giống. Đã bắt đi là không có ngày về. Những người ở lại, lên núi trông chờ trong nỗi phấp phỏng, phập phồng.
Sự tích nối tiếp các cuộc xâm lăng và các cuộc trai làng ra đi đến hết, chỉ còn kẻ ở phấp phỏng trông chờ. Có người con gái lên núi chờ người yêu của mình suốt bao nhiêu năm liền. Chờ cho đến đêm đó thì khóc đứt ruột mà chết. Máu nàng ứa ra thấm vào đất, mọc lên loài hoa Lưu huyết, còn hồn trinh trắng của nàng thì hóa thành chim Nửa đêm, khắc khoải kêu thương”.
-  Hòn Trồi, hòn Sụt phải gọi đúng tên gọi của nó là núi “Phập phồng”. -  Ông Sự tích bảo!
                                                        *
                                                    *        *
Làng bên, đúng là không thể phân đúng sai, thắng bại với họ được, lại có cái tên rất gợi - Làng Khoái. Trong làng Khoái có thôn Lạc, án ngữ ngay trước làng, có ngọn núi Cạc thẳng lên và chiếc ao Lồ lồ lộ. Có người bảo đó là tên hai cái “ấy” của đàn ông và đàn bà gọi chệch đi cho đỡ tục. Cũng chả biết do tại cái thế đất ngự núi Cạc, ao Lồ cạnh nhau đắc địa, hay tại vì cái mạch nước ao làng, mà đàn bà con gái làng này từ xưa đến giờ vẫn lắm người mắc chứng không chồng cũng đẻ, mắn hơn hẳn làng bên. Cắt nghĩa sao cũng được. Cá dưới ao Lồ toàn là do hoa bèo sinh ra, mà cứ vào ao ta là ta được. Tên làng Khoái cũng dễ xếp vào tên làng hạng bét. 
Ngay dưới chân núi Cạc, có một ngôi miếu gọi là miếu Bà Mụ. Tục truyền, miếu ấy thờ bà đỡ dễ tính của làng. Đàn bà con gái trong làng, có hay không có chồng cứ đến kỳ sinh nở, dù là con so hay con dạ, nếu đã đến xin Mụ thì cứ đẻ ngay ở đầu nhà cũng được, đều mẹ tròn con vuông. Chuyện sinh đẻ dễ đến vậy, nên vào những ngày nắng đẹp, trong làng đâu đâu cũng thấy tã lót của lũ trẻ con phơi trắng xoá như chốn cung mê vậy!
Cái vùng làng quê cạnh làng ta cũng thế thôi, có lẽ cái gì cũng bét, tên làng đã là hạng bét, tên núi, tên ao càng hạng bét nốt, nhưng lại nổi lên một người sáng láng, một tấm lòng loáng thoáng cao cả.
Về núi Cạc, ao Lồ chỉ có ông tên là “Tích sự” mà người làng đặt cho ông, cứ thẳng thắn gọi cái tên cúng cơm của nó mà chẳng sao. Người vô cảm cho đó là chân thật nhưng cũng hạng bét vì nó thô thiển, chỉ cho người ta cái cảm giác đê mê, mất chất. Kẻ đa cảm cho rằng ông “Tích sự” cũng có ý tốt, cố dựng lên cái nghĩa lý cho sự tồn vong ở ngay trên làng quê mình.  Cũng may, ở trong làng lại còn có ông.
-  Mẹ kiếp. Tao mà được làm giời thì tao mưa luôn tù tì cho mấy tháng liền, để xem có phơi tã lót được không, để cho nó có thối inh lên không? – Ông trưởng thôn kêu lên bằng một câu nửa nạc nửa mỡ, như đùa vậy. Ông mới lên trưởng thôn, người vâm váp, chân tay lành lặn. Ông tỏ vẻ bức xúc - Mẹ khỉ, đã Khoái lại còn Lạc nữa, Cạc thì đứng ngỏng lên chỗ Lồ, sướng đến thế thì nhịn sao nổi. Cứ sòn sòn thành lệ từ xưa rồi. Con gái làng này thì quá nửa chẳng chửa hoang, cũng ăn cơm trước kẻng. Mà các cụ mình ngày xưa cũng lạ, trên đời này thiếu gì cái tên đẹp mà chả lấy, lại đi lấy cái thứ người ta dùng để “ấy… nhau” mà để đặt tên.
Một bà sồn sồn bạo mồm trong thôn thì bỗ bã, cấu vai ông trưởng thôn :
- Có chửa hoang, cũng chả chửa với cái nhà ông đâu, mà ông sợ hão! 
Ông trưởng thôn nghĩ mà tức như bò đá.
Hàng năm cứ đến dịp lũ trẻ sắp cắp sách đến trường, ông lại phải đến từng nhà. Cứ hỏi con mẹ nó tên nó là gì, để còn làm cái giấy nó cho đi học thì cũng bằng thừa. Các bà, các cô lẩn như trạch. Bọn trẻ, ham chơi chẳng dễ tìm, mà hầu như chả đứa nào có tên. Mẹ chúng có gọi chúng chỉ toàn, “Cu anh đâu?, Cu em đâu?, Cái nhớn, Cái bé đâu cả rồi?”... Chúng cũng chỉ gọi “bu ơi”, ít khi thấy gọi  “thầy ơi!”
Một cô gãi đầu, gãi tai chán rồi, cuối cùng tặc lưỡi :
-  Thôi thì bác muốn đặt cho cháu cái tên thế nào thì bác đặt.
Ông trưởng thôn nghĩ tên thì nhiều, ghép vần có khó gì, cứ gọi là còn khối!. Ông tặc lưỡi, bút cầm lăm lăm trong tay, nhưng lại còn rắc rồi cái họ hàng. Có tên phải có họ chứ! Hỏi thì cũng chỉ trước sau như một :
-  Họ cha cháu, nhà cháu tối dạ nên quên mất, mấy lại hôm ấy cũng còn chẳng nhìn tỏ mặt được nữa là, hay là bác cho cháu nó cái họ của bác, cho cháu nó mở mày mở mặt như chúng bạn? - Thật  dở mếu dở cười.
Cô khác thấy ông trưởng thôn nín lặng
- Em thấy bác yêu quí cháu, mà cháu nó cũng quấn quít bác, hay là bác cho cháu cái họ của bác nhé! 
Có cô không biết chuyện của ông, nửa đùa nửa thật
- Hôm nào mát giời, mời bác đến em chơi. Bác chả phải giữ ý, cũng chả phải khách khí làm gì, em đãi người ngoài còn được huống hồ là bác - Ông giật mình trợn con mắt, chợt nhớ - Thì em nói là cái chuyện ấy …ấy… Ấy là… bác đã cho cháu nhà em cái tên thì em cũng coi bác như bố cháu - Lần này thì ông từ tốn cảm ơn.
Ông chỉ vậy chứ nào có gì, ông nhìn lên đỉnh núi trước nhà. Trăng mới đang lên non mởn. Ông ngạc nhiên thấy ở nơi chân ngọn núi Cạc, chỗ tối nhất, miếu Bà Mụ có ánh trăng trăng trắng, giẫy giẫy của cái bóng nước hắt lên từ mặt ao Lồ. Đêm ấy trăng mọc trên làng Khoái, đẹp khác lạ thường.
Được cái ông trưởng thôn nói thế thôi, nhưng lại là người dễ tính. Ông nhân nhượng cho chúng cái họ của ông. Hơn nữa, chả cho cái họ của ông, cho bừa họ người khác, nó kiện cho bỏ mẹ.
Thế là cả làng đến quá nửa lũ trẻ mang họ bố của ông. Mỗi lần đi học về lũ chúng chào ông, chào bố váng loạn cả làng!
Cả làng, những người lơn lớn, gần như ai cũng biết, hồi trước ông bị chó cắn, làm mất hết hẳn của ông cái “bộ ấm chén”, nên chịu không lấy được vợ đành ở vậy, nhưng ai cũng tin yêu ông. Người làng gọi ông là ông “Tích sự”.
Đi chơi núi Trồi, núi Sụt vào sớm một ngày thu, là ta có ý để cho hứng thú tìm tòi. Biết là chẳng thể trông thấy hoa Lưu huyết nở, song vẫn cứ mong ngóng bồn chồn. Thì đang leo lên cái “Phấp phỏng”, làm sao mà chẳng “Phập phồng”? Lên tới đỉnh hòn Trồi, mặt trời đã lên cao. Nơi đỉnh hòn Trồi có lắm loài hoa dại đang tàn. Nhưng bấy giờ ta chẳng còn chú ý, có tìm Lưu huyết cũng không được.
 Người làng hỏi, ta đi chơi núi Trồi núi Sụt rồi phải không? Có nhìn thấy bông hoa Lưu huyết nào không? Có nhìn thấy con chim Nửa đêm nào không? Ta đáp là đã nhìn thấy y như trong lòng ta đã thấy. Người hỏi, đã thấy thế nào? Ta đáp là đã nhìn thấy một nỗi khát khao. Lại hỏi, khát khao thế nào? Ta lại đáp, như chim Nửa đêm đã kêu thì phải kêu cho đến đứt ruột, như hoa Lưu huyết đã nở thì phải thắm đỏ một màu máu loang. Lại hỏi, như thế là nghĩa làm sao? Đáp, như thế thì gọi là “Mù”… mù mờ !
Rồi vẫn còn y nguyên cái niềm phấp phỏng, ta lại trèo sang đứng ở nơi đỉnh hòn Sụt, tiếp ngóng trời nhìn đất mà ngẫm nghĩ. Thì ra “Phập phồng, trồi sụt”, thì có khác “Khoái lạc, cạc lồ” thật !
Bây giờ  không chỉ thế, trai tráng làng Cù, bỏ đi vì sợ tiếng chim Nửa đêm cú mèo kêu gieo rắc tai hoạ. Cứ  đêm khuya nào nó hót rùng rợn lên, thì đêm ấy lại có người ra đi không về. Trai làng bỏ quê vì chẳng kẻ nào muốn làm vật hy sinh. Làng Cù bây giờ không còn cù quậy như trước, làng Khoái cũng ít hẳn cái thứ tã lót, vì đã dùng tã giấy cho khỏi phải giặt mất công. Quê ta, chỉ những người già còn lại mới hiểu được hết cái màu tang tóc, chảy máu trong lòng. Từ đấy nghiêm cấm mấy ông cứ Cù Khoái bừa về những chuyện bí hiểm quê ta.
Bạn nhậu nói,
-  Cuộc phiêu lưu lớn nhất của con người là muốn giảng giải lại cái nghĩa lý của quá khứ. Bởi con người là luôn đợi chờ cái khác với cái hiện hữu, luôn mong mỏi được cập sang một bến bờ khác và luôn cóp nhặt cái quý giá, chỉ từ một cái nhìn thoáng đẫm mặc cảm. Có điều Làng Khoái Lạc, có Cạc Lồ nó liền hơn, còn làng Cù quậy, Phấp phỏng nó khó hình dung lắm! 
Chợt một bạn vỗ đùi cái đét, tôi run tay đổ cả chén rượu vào bát mỳ tôm.
- Biết rồi! Phải thành thật xin lỗi Kao ét, Nguyễn Tê Hát thôi, chỉ là chuyện phiếm  để nhớ nhau. “Phập phồng” lắm “Duyên giời” lắm, không nói hết được! Tôi biết hai vị ấy là cùng một quê, chỉ khác làng thôi. Cái xứ sở chết chóc đằng đông núi là làng Khoái lạc nhìn từ phía ngược! Đám quân âm binh xâm lăng bắt bớ đám đàn ông mang đi không về, chính là lũ đàn bà, con gái làng Khoái bịt mặt. Hóa ra một màu trắng tã lót giăng đầy khắp làng, tác giả của nó lại là trai làng Cù quậy đấy!
- Nhưng suy ra  cho cùng, thì nó còn hợp được cái món Âm dương. Nghe đâu hai làng định nhập nhằng với nhau làm một, để lấy tên là làng “Chuyên chính” nhưng thất bại! Cũng không phải vì không bên nào chịu bên nào về cái tên làng hạng bét ấy, mà thực ra, nó cái hỏng mất cái Ngũ hành. Thiếu thì không được, thừa cũng không được. Càng không được gọi là ông “Sự tích” hay ông “Tích sự” vì mỗi làng chỉ cần có một ông “Chập mạch” là đủ, chẳng có làng nào không có, không cần cả. Đằng này nhập lại đâm thừa ra, hỏng bét!
- Nếu không có hai ông ấy thì, hai làng hay một làng thì cũng chỉ là làng bét tỹ, Làng chẳng ra làng, chó có ma nào biết! 
Lại cái đét xuống ngay cái ghế tôi ngồi, buộc tôi ngồi bệt xuống đất
- Các cụ giỏi, giỏi thật! Cù quậy có lý thật! Cứ tưởng nó cù lần, cù dzậy. Cái sự tích đúng là sự tích hạng bét! Trai làng đi không về, là tại hoạ cho làng Cù, lại cứ cù lần…khân, quậy mó, lại là khoái lạc cho cả làng Khoái, thế có hay không? Thế có sướng không ! – Tiên sư cái ông “Sự tích”, Sư bố cái ông “Tích sự”!