Trang chủ » Tin văn và...

ĐỀ ÁN XÂY DỰNG QUỐC BẢO VIỆT NAM - Ý TƯỞNG "ĐIÊN RỒ" CỦA MỘT DOANH NHÂN

Bùi Hoàng Bảo Vân
Thứ tư ngày 23 tháng 9 năm 2009 10:54 AM
 
 Quốc bảo – báu vật của một quốc gia xưa nay thường là các đồ vật cụ thể như viên ngọc, gươm kiếm, ấn tín… được truyền từ dời này sang đời khác. Giờ đây, một người có ý tưởng lập Đề án xây dựng Quốc bảo Việt Nam. Đó là doanh nhân Lê Đình Hùng – Người sáng lập thương hiệu trang sức cao cấp Cửu Long. Ông Hùng nói:
- Trong một thế giới năng động như hiện nay, quan niệm về Quốc bảo không còn bó hẹp ở một không gian hữu hình như trước. Nếu trước đây, nó chỉ là báu vật của một quốc gia, một tộc người hay một cộng đồng gắn kết mà giờ đây, nó là của thế giới, tức là của cả nhân loại. Về nội hàm, nó cũng không còn giới hạn bởi một vật chất cụ thể có thể “cầm nắm” được mà nó đa dạng hơn, năng động hơn và cũng “ảo” hơn. Nói cách khác, quốc bảo thời nay có thể là vật thể nhưng cũng có thể là phi vật thể. Đặc biệt là trong lĩnh vực thương trường.
+ Trong thương trường? Ý ông là…
- Là uy tín, là thương hiệu, là lòng tin nơi khách hàng…
 + Ông có thể đưa ra những ví dụ cụ thể?
 - Xin đơn cử như đồng hồ Thụy Sỹ, rượu vang Pháp, xúc xích Đức... Ở Việt Nam, cà phê Trung Nguyên chẳng hạn. Trong khi giá cà phê chỉ có khoảng 15 - 20 ngàn đồng/kg thì một li cà phê Trung Nguyên được bán với giá thấp nhất cũng là 30 ngàn đồng. Đó chính là giá trị thương hiệu.
 + Và đó chính là “công thức” mà ông đã áp dụng trong tác phẩm Sức sống văn hóa Việt?
 - Đúng là như thế. Toàn bộ giá trị vật chất của tác phẩm đó gồm ngà voi, gỗ quý, kim cương, vàng, đá ruby… chỉ khoảng 500 triệu VND và tôi đã bán bức tranh đó với giá 18 tỉ VND cho doanh nhân Dương Bạch Diệp vào ngày 7/10/2007. Khi nó kết hợp được ba yếu tố: sản phẩm vàng, lòng tin vàng và uy tín vàng thì đương nhiên nó là thương hiệu vàng.
 + Nhưng thế nào được coi là “vàng thật” trong một thương trường nhiều biến động với những thật giả, vàng thau lẫn lộn hiện nay?
 - Đó chính là mục đích của Đề án xây dựng Quốc bảo. Nếu đề án thành công, nó sẽ tạo ra những thang giá trị để thế giới định lượng.
 +  Ông có vẻ khá lạc quan và… lãng mạn?
 - Doanh nhân chúng tôi luôn là những người rất thực tế. Nhưng ngược lại, nếu không có những ý tưởng táo bạo mà có người cho rằng “điên điên” thì khó có những thành công lớn. + Trở lại với đề tài quốc bảo. Nếu chọn biểu trưng cho Quốc bảo vật thể Việt Nam, ông sẽ chọn những hình tượng nào?
 - Đó là Mẹ Âu Cơ và truyền thuyết Trăm trứng. Là Rùa vàng Hồ Gươm, là Nỏ thần An Dương Vương...
 + Tại sao ông lại chọn Sự tích Trăm trứng, Rùa vàng Hồ Gươm... mà không phải những vật thể khác?
 - Với Trăm trứng là tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Rùa vàng là tiềm tàng văn hóa và khát vọng hướng thiện của dân tộc Việt và Nỏ thần chính là tinh thần bất khuất Việt Nam.
 + Là doanh nhân, nếu chọn 3 con đường Vàng cho chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam, ông sẽ chọn hướng nào?
 - Tôi nghĩ trước hết là xây dựng Chiến lược Vàng cho kinh tế biển. Thứ hai là Kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Thứ ba, chiến lược phát triển trí thức Vàng. Chúng ta cần xây dựng chuẩn mực cho nông nghiệp, nông thôn và đặc biệt là hướng đi, tức là tìm được con đường Vàng cho nông dân. Khi đó, chúng ta sẽ có những xóm Vàng, làng Vàng, xã Vàng… để tiến tới một đất nước Vàng.
+ Và đó chính là tiền đề của ý tưởng xây dựng Thành phố Vàng?
- Đúng là như vậy. Chúng tôi đang phác thảo một dự án để xây dựng thành phố Vàng.
+ Nghĩa là ở đó tất cả đều… bằng vàng 9999?
- Ồ, không. Tất nhiên là nó rất nhiều vàng vì nó phải là một thành phố giàu mạnh về tài chính. Tuy nhiên, Vàng ở đây nên hiểu là tốt nhất, quý nhất. Ví dụ như sẽ có những Con đường Vàng mà trên đó, mỗi cái cây, ngọn cỏ đều phải là những cây quý, phù hợp với môi trường đô thị và đặc biệt, nó phải được chăm sóc và phát triển một cách tốt nhất, được đánh giá là đỉnh cao chất lượng.
+ Nếu ý tưởng xây dựng TP Vàng của ông thành hiện thực, nó sẽ mất thời gian bao lâu?
-   Giai đoạn 1 nghiên cứu và hoàn thiện đề án mất khoảng 5 năm. Giai đoạn II, chuẩn bị và tạo tiền đề mất khoảng 10 năm. Giai đoạn III triển khai mạnh mẽ, sâu rộng và toàn diện cũng mất khoảng 20 năm. Giái đoạn IV,  triển khai quyết liệt và hoàn chỉnh mất khoảng 30 năm. Như vậy là nếu thuận lợi, chúng ta phải mất gần hết thế kỉ 21 thì mới thực hiện xong ý tưởng này.
+ Ông có nghĩ rằng thời gian như vậy là quá dài không?
- Không. Với đời người thì quá dài nhưng với lịch sử một thành phố, một đất nước thì đó là khoảng thời gian cần thiết.
+ Xin được nói lời thành thật, tôi thấy ý tưởng của ông có vẻ hơi lãng mạn. Tôi đánh giá khá cao khát vọng cống hiến của ông. Tuy nhiên, đây mới là ý tưởng của một cá nhân mà muốn ý tưởng thành công, cần phải nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân…?
- Tôi hiểu nó mới chỉ là sản phẩm của cá nhân nên rất mong nhận được sự đóng góp của các nhà khoa học, các nhà quản lý và đặc biệt là của đông đảo quần chúng nhân dân. Đương nhiên, xây dựng Quốc bảo Việt Nam phải là công việc chính nhân dân Việt Nam.
+ Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này. 
 
Bùi Hoàng Bảo Vân
(Thực hiện)