Trang chủ » Tin văn và...

CHUYỆN NÒNG NỌC ĐỨT ĐUÔI

Thái Hữu Tình
Thứ năm ngày 24 tháng 9 năm 2009 6:39 PM
      Thấy các bác uyên thâm nói chuyện “đứt đuôi con nòng nọc” tôi xin ghé vào hầu chuyện một vài câu.
     Với người Việt Nam thì thành ngữ, khẩu ngữ “đứt đuôi con nòng nọc” đã thành câu cửa miệng, từ giới bình dân đến giới văn chương..., thiết nghĩ  chẳng đáng để các thức giả cầu kỳ vặn vẹo. Nó biểu thị một ý dứt khoát, một kết quả đã xong, đã quá rõ, không thể quay ngược, không thể mập mờ, không thể biện bạch. Chưa có một ai dùng thành ngữ ấy để chỉ một “sự trưởng thành” như Lê Khả tiên sinh suy diễn.
    Thật vậy, trong 5 con chữ “đứt đuôi con nòng nọc” thì trọng tâm ở hai chữ “đứt đuôi” thôi, 3 chữ “con nòng nọc” là thêm vào cho vui, cho thêm duyên, thêm khẳng định, như thường thấy trong phong cách tô điểm, nối dài của ngôn ngữ Việt.
Để diễn tả ý dứt khoát, không thể quay ngược thì trong hai chữ “đứt đuôi” sức nặng cũng ở chữ “đứt” chứ không ở chữ “đuôi”. ( Ví dụ thua đứt đuôi rồi có thể rút gọn thành thua đứt rồi, bỏ chữ đuôi đi cũng được). Ta chẳng nên quá bận tâm vào 4 chữ  phụ là “đuôi con nòng nọc” một cách rất cụ thể, rằng cái đuôi con nòng nọc đứt ra để biến thành con cóc con nhái, và biến khẩu ngữ trên thành cái ý “diễn tả sự phát triển” . Dân gian đã biết mượn cái cụ thể để diễn tả cái trừu tượng, sao nhà văn lại chìm ngập vào cái cụ thể ấy làm gì?
Theo tôi hiểu, bốn chữ “ ĐỨT ĐUÔI CON NÒNG NỌC” đi sau chữ PHÁ SẢN chỉ là khẩu ngữ , đóng vai một cụm trạng ngữ (locution adverbial) để bổ trợ cho chữ PHÁ SẢN để khẳng định sự dứt khoát, không thể khác, thế thôi, không ai lại liên hệ sự “đứt đuôi” với “sự phát triển” làm gì. Mà nếu có suy diễn sang “sự phát triển” chăng nữa thì sự trưởng thành ở đây chẳng qua cũng lại trở về làm NHÁI (hàng nhái) , làm CÓC (cóc mua), vế đối lại càng nhấn mạnh được sự lụn bại, bế tắc tất yếu của kẻ không biết giữ chữ Tín, chứ làm gì có ý phát triển tốt đẹp ở đây?
Trong câu xuất đối “Lấy chữ Tín làm đầu, làm hàng nhái, cóc ai mua, phá sản đứt đuôi con nòng nọc” , các từ CÓC- NHÁI- NÒNG NỌC đều lấy từ các khẩu ngữ dân gian nên đương nhiên phải hiểu theo nghĩa dân gian , không hiểu sao bác Khả Sỹ cũng biết nghĩa ấy nhưng lại yêu cầu người đọc “Nên nhớ, không thể hiểu nhầm câu này với ý dân gian dùng để nói việc cắt đứt dứt khoát một vấn đề nào đó : Đứt đuôi con nòng nọc nhé !”? Hiểu theo nghĩa dân gian ấy mới đúng chứ lại!
Bác Trần Nhương đã  khuyên bác  Khả Sỹ không nên áp dụng nguyên lý Sinh vật vào đây. Do bệnh nghề nghiệp chăng? Không, nếu vậy thì nhà Sinh học Hà Sĩ Phu mà mắc bệnh này mới có lý.
Trong vế xuất đối mà BTC đã tuyển, chắc mọi người thích các chữ NHÁI - CÓC - NÒNG NỌC vốn được nhặt ra từ ba khẩu ngữ riêng, không liên quan gì với nhau, thế mà ghép vào đứng chung một chỗ lại trở nên họ hàng, họ nhà Cóc-Nhái và Nòng nọc, toàn những thứ chẳng ra gì (1) Mà nước nào nổi tiếng làm “hàng NHÁI” hiện nay để bóp chết hàng thật của ta nhỉ? Chuyện thời sự đấy.  Có thể vì thế mà đã gây cho người đọc liên tưởng đến những phạm trù khác trong xã hội, vượt ra ngoài khuôn khổ cụ thể của chuyện doanh nghiệp, thương nghiệp, thị trường chăng? Chắc không phải BTC chẳng hiểu gì, chỉ “thấy hay hay” bề ngoài đâu như Lê tiên sinh nghĩ đâu.
Hưởng ứng chủ đề “doanh nghiệp-doanh nhân” mà như ngầm có “ý tại ngôn ngoại” chăng? (2)
 Trộm nghĩ, thế mới là văn chương phải không ạ?.
 
Thái Hữu Tình
 
(1) Tôi không nghĩ tác giả HSP định chia vế đối thành hai nửa đối nhau, để lấy 2 chữ NÒNG NỌC đối với NHÁI, CÓC (có dấu phẩy ở giữa), khiến bác Khả Sỹ phải bẻ là đối thế thì chỉnh hay không chỉnh.
    (2) Trong các vế xuất đối đã đăng tôi cũng lưu ý đến một hai vế của bác Lê Khả Sỹ, và cũng đã nghĩ tạm câu đối lại. Nhân tiện xin kể:
   * Cá Sấu lên ngôi, thành hàng hóa đi năm châu bốn biển
                                                                                   (Lê Khả Sỹ)
   * Lan Hài xuống chợ, như hoa khôi giữa muôn tía ngàn hồng
                                                                                    (Hữu Tình)
  (hoặc thay Lan Hài bằng Mỵ Nương, cũng là tên một loại Lan đẹp)
  
  * Nhân tình xuống cấp, nghĩ mưu đồ thật tứ đốm tam khoanh !
                                                                                    (Hữu Tình)