Trang chủ » Tin văn và...

NHÀ VĂN MA VĂN KHÁNG: MỘT MÌNH MỘT NGỰA ĐOẠT GIẢI

tt&vh
Thứ tư ngày 16 tháng 9 năm 2009 6:36 AM
Nhà văn Hà Nội đã họp phiên cuối cùng, tại trụ sở 19 Hàng Buồm, Hà Nội và đã tiến hành bỏ phiếu kín sau khi đã thảo luận chuyên môn. Kết quả xét giải thưởng năm nay có 3 tác phẩm nhận đủ số phiếu để được trao. Một mình một ngựa, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, NXB Phụ nữ, 2009 nhận giải về văn xuôi… TT&VH đã có cuộc trao đổi với nhà văn Ma Văn Kháng nhân sự kiện này!

* Thưa nhà văn Ma Văn Kháng, ông đã đoạt được rất nhiều giải thưởng về văn học mang tầm cỡ quốc gia và khu vực về văn học. Ông lại vừa “ẵm” thêm giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (giải địa phương) cho tác phẩm Một mình một ngựa. Vậy cảm xúc của ông khi biết tin này?

- Tôi hơi bị bất ngờ và thật tình là rất vui. Vui vì giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội là một giải thưởng văn học có uy tín, được bạn đọc xa gần đánh giá cao. Vui vì ở độ tuổi xưa nay hiếm mà viết còn có người đọc, còn được sự chia sẻ cảm thông của các bạn đồng nghiệp, còn được sự động viên của các anh chị lãnh đạo phong trào văn học Thủ đô.

* Một mình một ngựa được ông thai nghén và cho ra đời như thế nào? Bên cạnh những vấn đề tâm huyết được đặt ra như phẩm chất con người cách mạng, bản lĩnh và ý chí con người trước những thử thách hiểm nghèo thì còn vấn đề gì ông muốn gửi gắm qua tác phẩm này nữa, thưa ông?

      Nhà văn Ma Văn Kháng, tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông đã có gần 20 đầu sách, chủ yếu là thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Giải B Hội Nhà văn Việt Nam 1986 (cho tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn); Tặng thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam 1995 (cho tập truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ). Giải thưởng Văn học Đông Nam Á 1998; và bây giờ là Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2009 (tiểu thuyết Một mình một ngựa).
- Khi tuổi đã cao, kiểm kê lại hành trang công việc văn chương của mình, thấy còn một đoạn đời còn bỏ sót, bèn nảy ra ý định phải ghi lại. Đó là những năm đầu của thế kỷ 21. Thế là viết. Và điều gửi gắm quan trọng nhất của tôi ở cuốn sách này là: Hãy viết đúng sự thật trong tinh thần thực sự cầu thị, và hãy thật công bằng với lịch sử!

* Tiếp tục mạch đề tài về miền núi Tây Bắc có phải là thế mạnh trong sự nghiệp sáng tác của ông?

- Không! Cuốn sách này tôi viết về lớp cán bộ lãnh đạo, những người tôi đã cộng tác, ở một tỉnh miền núi. Sau cuốn này, tôi không còn gì để viết về miền núi Tây Bắc nữa!

* Ông có thể nói qua về Một mình một ngựa để độc giả nắm được tinh thần chung của tiểu thuyết này được không?

- Tiểu thuyết có dáng dấp một tự truyện của tác giả. Một mình một ngựa, hình tượng đầy cảm hứng kiêu hùng đó đồng thời đã hàm chứa ở trong nó mặc cảm cô đơn của mỗi đời người trong cuộc sống vốn là sản phẩm của tạo hóa mang sự hòa trộn hữu cơ giữa vẻ đẹp anh hùng cao cả lãng mạn phi thường với thói đời nhỏ nhặt, tầm thường, thậm chí đê tiện xấu xa... Chủ đề ấy của tiểu thuyết được thực hiện bằng một nghệ thuật trần thuật có dụng ý phác thảo một loạt chân dung một lớp người - một thế hệ cán bộ ở một thời điểm nhất định của đất nước - những tính cách giàu tính chân thực sinh động, như một đính chính những ngộ nhận về họ ở cả hai phía cực đoan.
 
* Hội đồng giám khảo đánh giá về tiểu thuyết Một mình một ngựa: “không phải là sự đột phá, cũng không mới mẻ so với chính nhà văn Ma Văn Kháng”. Vậy theo ý kiến chủ quan của ông thì yếu tố nào quyết định cho tiểu thuyết này đoạt giải?

- Tôi nghĩ, có sự thông cảm và khích lệ những nỗ lực trong công việc viết lách của tôi; và như Thông cáo của Hội Đồng Chung khảo đã biểu dương, Một mình một ngựa là một cuốn sách thể hiện được sự vững vàng về kỹ thuật và nghệ thuật tiểu thuyết; trong đó theo tôi, với một tác phẩm văn chương thì quan trọng không chỉ là viết cái gì, mà còn là viết thế nào. Một mình một ngựa, tôi rất thích cái tên sách này, cũng như tính hình tựơng gợi cảm của nó.

* Với đủ bộ sưu tập giải thưởng về văn học mà ông đã đoạt được cho đến nay đã làm ông thỏa mãn để tính chuyện gác bút hay chưa? Nếu chưa, thì dự định sắp tới của ông là gì?

 - Tôi viết là để giãi bày, không có mục đích lấy giải, nên không có chuyện thỏa mãn rồi hay chưa. Không còn dự định nào nữa. Một mình một ngựa là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của tôi.


* Xin cảm ơn ông!