Trang chủ » Tin văn và...

CÓ SỰ CỐ - TỪ CHỨC HAY BIỆN MINH

• Nhật Vy (Tổng hợp)
Thứ hai ngày 14 tháng 9 năm 2009 6:37 PM
TNc: Ông Lưu Triệu Huyền cho biết ông từ chức với tư cách là người đứng ra nhận trách nhiệm khi có tới hơn 600 người đã thiệt mạng vì cơn bão Morakot. Quan chức người ta biết nhận sai lầm về mình, dám chịu trách nhiệm. Còn ở ta...???



Vừa qua, người đứng đầu cơ quan hành pháp vùng lãnh thổ Đài Loan, Lưu Triệu Huyền, đã quyết định từ chức do cơn bão kinh hoàng Morakot.
 
Người đứng đầu cơ quan hành pháp vùng lãnh thổ Đài Loan, Lưu Triệu Huyền, từ chức sau bão. Ảnh AP
Ông Lưu Triệu Huyền cho biết ông từ chức với tư cách là người đứng ra nhận trách nhiệm khi có tới hơn 600 người đã thiệt mạng vì cơn bão Morakot.
Vụ lãnh đạo vùng lãnh thổ Đài Loan từ chức do tự nhận thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ người dân giao phó một lần nữa khiến thế giới phải suy ngẫm và liên tưởng về tư cách người lãnh đạo ngày nay.
Mới trước đó ít ngày, Thủ tướng Nhật Taro Aso đã từ chức chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) sau khi đảng này thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử vừa qua.
Đúng phong cách một lãnh đạo Nhật, Thủ tướng Aso đã thẳng thắn xin lỗi vì để đảng LDP mất mát lớn trong cuộc tổng tuyển cử, chấm dứt thời kỳ hưng thịnh của khối quyền lực gần như không thể đánh bại trong suốt nửa thế kỷ qua.
Kể cũng buồn cho ông Aso, bởi nguyên nhân là do đảng này không thể thuyết phục được các cử tri, những người không hài lòng với cuộc sống bị kém đi trầm trọng do cuộc khủng hoảng kinh tế mà cả thế giới đang hứng chịu, không riêng gì Nhật.
Cũng vì khủng hoảng kinh tế mà trước đó, một nhà lãnh đạo khác trên thế giới, Thủ tướng Hungary Ferenc Gyurcsany đã tuyên bố ông sẽ thôi đứng đầu chính phủ vì sự ủng hộ dành cho ông trong cuộc đối phó với khủng hoảng kinh tế ngày càng sụt giảm.
Còn nhớ, lúc đó tờ SZ của Đức sau sự kiện trên đã đưa ra bình luận rằng việc ông Gyurcsany biết rút lui khi thấy mình giống như vật cản đường là một “hành động yêu nước”.
Ở nhiều nước, đặc biệt là Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ là điều gần như hiển nhiên đối với quan chức và nó được nâng tầm tới mức có một thuật ngữ về việc này, văn hoá từ chức.
Đặc biệt là ở Nhật, không hiếm khi thấy cảnh một ban lãnh đạo nào đó cúi rạp người trước ống kính truyền hình để xin lỗi nhân dân mỗi khi có sự cố gì đó, dù nhỏ. Đó là văn hóa ứng xử thường thấy của những người lãnh đạo ở Nhật.
Người Việt Nam cũng từng chứng kiến những người có trách nhiệm của Nhật xin lỗi khi để xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu ở Cần Thơ.
Cầu bị sập, xe lửa đụng nhau thì bộ trưởng giao thông từ chức. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp công khai xin lỗi dân vì cho nhập khẩu thịt bò mà thiếu sự kiểm tra sát sao. Bộ trưởng Tài chính bị truất ngôi vì ngủ gật tại hội nghị G7. Phát ngôn không chuẩn và bị dân phê bình cũng từ chức…
 
Thủ tướng Nhật Taro Aso đã từ chức chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ tự do
Không riêng gì Nhật hay Hàn Quốc, ngày nay chuyện từ chức ở các nước được xem là bình thường. Ngay cả ở Trung Quốc, khi xảy ra vụ scandal sữa có melamine, cục trưởng Cục Chất lượng Trung Quốc cũng nói lời từ chức.
Ở nhiều nước hiện nay trên thế giới, khi có vụ việc tiêu cực xảy ra, thì người chịu trách nhiệm trực tiếp bị xử lý, hoặc nếu nhẹ thì xin lỗi dân, nếu nặng thì tự giác xin từ chức. Nếu vụ việc nghiêm trọng, liên qua đến trách nhiệm của cả Chính phủ, thì Thủ tướng đích thân xin lỗi dân. Nếu nặng  thì cả Chính phủ xin từ chức. Còn việc bồi thường thiệt hại, việc xử lý hành chính hay hình sự do các sai phạm gây ra lại là chuyện khác.
Có lẽ ở những nước đó, những lời thanh minh về các lý do khách quan như thiên tai bất ngờ, sự cố ngoài ý muốn, do sơ suất của ban ngành khác, do điều này điều kia… khó được chấp nhận.
Có thể thấy, với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, việc từ chức thường là do người giữ trọng trách thấy được mình không còn phù hợp với trọng trách đó khi thời thế và bối cảnh thay đổi, hoặc tự thấy rõ trách nhiệm cá nhân trước những bê bối, sai phạm của mình hoặc mảng mà mình phụ trách. Hoặc từ chức nhiều khi là lời thừa nhận đã không đưa ra được một đáp án đúng cho một vấn đề mới nảy sinh.
Đơn giản như người học sinh thừa nhận với thầy và bạn rằng mình chưa có đáp án đúng cho một bài toán khó. Nó không ngăn cản cơ hội để người đó giải lại bài toán ấy, hoặc những bài toán hóc búa khác sau này.
• Nhật Vy (Tổng hợp)
,
* Nguồn : Viet Nam.net 14-9-2009