Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CỬU LONG GIANG KÊU CỨU

Phạm Xuân Trường
Thứ tư ngày 16 tháng 12 năm 2015 6:24 AM


(Con cúi cầu xin lạy Mẹ Thiên Nhiên)


Đua ra ngoài mặt sông chừng 20 mét, căn nhà chòi đơn sơ, lợp mái dừa nước rộng tới 40m2, chủ sở hữu trang trại nổi tiếng của vùng Đồng Tháp và cả nước về nuôi thả cá lóc và cá thác lác là ông Phạm Quang Tuyến, một cựu chiến binh gốc người Hải Phòng nhường tôi sở hữu. Thật lòng định ở thăm 02 ngày thôi nhưng ông và người vợ là chị Trịnh Thị Tuyết Lê và hai chị em cháu Phương Nam, Tiến Đạt cứ níu giữ, nấn ná mãi thế là tròn một tháng. Một tháng bập bềnh trên sông nước, khi mà ngoài Bắc đang là mùa Đông, gió bấc và mưa phùn, còn phương Nam tràn trề gió nắng, đêm ngày ở nhà chòi, trên mình đánh chiếc quần cộc và áo may ô.

Đêm đến nghe cá đớp động dưới chân bèo, trăng dát vàng từng con sóng và nghe tiếng thì thầm tâm sự của sông. Đấy là cách nhìn lướt qua của những thi sĩ lãng mạn. Khi trà dư tửu hậu, túy lúy càn khôn. Cả tháng trời ăn trên sóng, ngủ trên sóng, được nghe, được thấy những nỗi vui buồn của người nông dân miền Tây thật thà, hào phóng và mến khách thì đêm đêm tôi lại thấy sông Tiền đang giãy giụa gào lên, thét lên một cách giận dữ. Hình như trong sâu thẳm sông Tiền lại thút thít khóc trong tiếng sóng thở than, đau đớn và bất lực. Đêm nào tôi cũng thấy tiếng thì thầm to nhỏ của sông như tiếng mẹ trò chuyện với tôi thâu đêm đến sáng.

Trong mơ hồ, tiếng mẹ đứt đoạn vì gió, vì sóng, vì tiếng máy của những ghe, tầu qua lại suốt đêm phá vỡ:

Tại sao loài người các con lại tàn nhẫn đến thế, độc ác đến thế, và mất nhân tính vậy. Thử hỏi mẹ sông có tội tình chi, nói một cách sòng phẳng các con phải biết ơn mẹ, chịu ơn mẹ. Phải biết rằng chính mẹ và các con cháu của mẹ là những chi lưu, kênh, rạch đan dầy như mạng nhện nuôi sống con người từ thưở hồng hoang, từ thuở khai thiên lập ấp. Nuôi sống tổ tiên con người, để rồi con cháu các ngươi bám vào mẹ như phù du, bèo dạt mà sinh sôi thành đàn, thành đống, lập ấp, lập làng. Dòng họ này lại kéo theo dòng họ kia từ ven sông dựng lên những cao tầng đô thị. Con cháu các ngươi có chức, có quyền, được ăn học trở thành nhà chính trị, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, ... Ta cho các con mật ngọt phù sa, tạo nên những miệt vườn xum xuê cây trái. Mùa nào thức ấy, tươi tốt quanh năm, những năm chiến tranh dưới tán xoài, tán mít, lau lách đôi bờ. Những đoàn quân giải phóng có chỗ dấu mình, ngày thì chống càn, đêm về phá ấp. Bịt mắt những con quạ sắt rình mò trên bầu trời dù được trang bị bằng mắt thần hiện đại cũng không thấy được các con.

Ta là con của Mẹ Thiên Nhiên, Mẹ Thiên Nhiên lại ban cho ta chức năng làm mẹ. Chia tay Biển Hồ, chia tay Tông – Lê – Sáp xứ sở của những Ăng – Co – Vát, Ăng – Co – Thom, tháp Bay – On bốn mặt. Từ biên giới Campuchia mẹ vòng đôi tay mà các con gọi là sông Tiền, sông Hậu ôm lấy cả vùng Châu thổ (gọi là đôi tay cũng chỉ là cách ví von mà thôi). Châu thổ cường tráng, vạm vỡ như chàng trai tuổi 17, như con gái ở tuổi dậy thì, căng tràn và khao khát. Mẹ lại tự phân thân cho máu của mẹ truyền đi khắp cở thể của đất đai. Tạo ra những cù lao để nuôi sống con người. Trước khi tan vào biển Đông về với cội nguồn của mẹ, Mẹ đã tạo ra chín cửa sông mà con người các con đặt tên là Cửu Long Giang. Vì khao khát về với biển Đông mà bỏ sót một miền Tây bưng biền hoang tàn lũ lụt, khô hạn, chua phèn, ngập mặn.

Để khắc phục những khiếm khuyết ấy, 200 năm trước mẹ thiên nhiên cho một thiên sứ là Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) xuống trần gian thay mẹ làm công việc mà mẹ bỏ sót.

Ngọc Hầu đã nằm gai, nếm mật cùng vua Gia Long cho đến ngày đất nước thu về một mối. Một dũng tướng, một bậc khai quốc công thần văn võ toàn tài chỉ mất năm năm (1819-1824) huy động được 80 nghìn lượt người cùng dân binh thay mẹ đào kênh Vĩnh Tế nối liền Châu Đốc tới Hà Tiên. Một người thủy chung, khiêm nhường đặt tên vợ của Ngọc Hầu làm tên kênh mà không màng tới công lao danh vọng của chính mình, 90 km mạch máu của mẹ lưu thông. Đất nước có một Ngọc Hầu kinh bang tế thế, tầm nhìn chiến lược, để lại muôn đời sau một đồng rộng hào sâu. Bên ngoài chống được giặc ngoại xâm giữ yên biên ải. Bên trong xổ phèn, rửa mặn cho cả vùng đồng bằng tứ giác Long Xuyên. Thuyền bè các con ngược xuôi buôn bán, vận tải hàng hóa, thóc gạo ngày đêm tấp nập, ...

Có một Đồng Tháp Mười thẳng cánh cò bay, sen hồng, sen trắng ướp nắng vàng tươi, tỏa hương ngào ngạt. Nghe tiếng dạ của các cô con gái miền Tây ngỡ như thấy hương sen từ đôi môi hồng của các con ngan ngát, dịu dàng. Một biển lúa vàng chạy tới chân trời. Những cơn gió làm biển kia thành từng đợt sóng vàng lớp lớp xô đuổi nhau hút mắt. Thóc gạo của các con dư thừa. Máu của mẹ, phù sa của mẹ đã góp công làm mầu mỡ đồng ruộng. Hạt gạo đã vượt ra ngoài biên giới, biết bao nhiêu gia cảnh thoát đói, giảm nghèo. Với 90 km của kênh Vĩnh Tế vẫn còn những vùng đất chưa thoát được chua phèn. Người nối tiếp Thoại Ngọc Hầu là cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tiếp tục sự nghiệp với 04 tháng trời ròng rã ngày đêm, con kênh T5 dài 48 km rộng 40m đấu nối với kênh Vĩnh Tế, mạch máu phù sa, nước ngọt của mẹ được truyền từ An Giang về tới Kiên Giang. Kể từ ngày 22/08/1997 mạch nguồn miền Tây đã thoát lũ và ngọt hóa tất cả ruộng đồng. Mạch máu giao thông được các con đặt tên Võ Văn Kiệt. Một đời làm thủ tướng ông cũng được người dân vinh danh ghi nhận hai sự kiện hiếm có để lại dấu ấn cho muôn đời sau là đường dây tải điện 500KV xuyên suốt Bắc Nam và kênh Võ Văn Kiệt. Tiếc là ông ra đi quá sớm. mẹ lấy làm thương tiếc.

Ngoái về qua khứ, điều làm cho mẹ đau khổ nhất là Thiên sứ Thoại Ngọc Hầu của mẹ với 52 năm tận trung với vua, tận hiếu với dân, 68 tuổi (1929) vừa nằm xuống, vua Minh Mạng, một ông vua nhiều vợ lắm con nhất trong triều Nguyễn đã nghe theo lời xiểm nịnh của ngu thần mà giáng tước vị xuống hàng ngũ phẩm. Toàn bộ gia sản bị tịch biên, phát mãi để con cháu Ngọc Hầu mối căm hờn sâu sắc. Đến con gái nuôi là Thị Nghĩa đã cùng chồng là Võ Vĩnh Lộc đứng lên chống lại triều đình chiếm lấy thành Gia Định. Mất ba năm quan quân triều đình mới phá nổi thành, trừ sáu người giải về kinh số còn lại 1831 người đều bị “chết chém” (Vụ án Thoại Ngọc Hầu của Phạm Văn Rớt NXB Văn Hóa TP Hồ Chí Minh 2014). Mãi sau này đến năm 1924 vua Khải Định xét lại thấy sai lầm của triều vua trước lập tức phong thần, lập miếu thờ. Liệu đó có phải là cách làm sám hối khi mà triều trước vua Minh Mạng xét lại kết luận sai lầm nhưng triều đình không có lệnh giải oan cũng như không trả lại việc tập ấp, tịch thu đã thi hành (phải chăng đó là cách mà vua chúa đối xử với những công thần có tài, có đức. Tạo ra oan sai coi như việc đã rồi, nào có khác gì Nguyễn Văn Thành với vua Gia Long, Nguyễn Trãi với Lê Lợi, ...). Bây giờ trong quần thể Thất Sơn (Bảy núi) chân núi Sam là lăng mộ của ông với hai bà vợ, miếu thờ uy nghi ngay trong lòng thị xã Châu Đốc. Trước kênh Vĩnh Tế ông cho đào kênh Thoại Hà ở núi Sập. Năm 1943 vua Bảo Đại cũng phong thần lập miếu thờ ở núi Sập (An Giang).

Chao ôi! Lật giở trang sử không xa mới bi phần làm sao, một Nguyễn Trãi thiên tài, một Nguyễn Bỉnh Khiêm hiểu được việc của trời đất, một Chu Văn An đức trọng, tài cao. Một Nguyễn Du để lại một thiên tuyệt bút Truyện Kiều cho hậu thế. Tất cả các vĩ nhân đều trả ấn từ quan về ở ẩn. Bởi các bậc chí thánh đều sâu sắc một điều “Công to khó thưởng” và “Khi thỏ không đã hết, cung tên bẻ gẫy, chó săn bị chính người thợ săn ăn thịt”, ...

Ta là người Mẹ tảo tần, cần mẫn sớm khuya, âm thầm làm tròn sứ mệnh mà Mẹ Thiên Nhiên giao phó. Thiếu nước, Mẹ cho nước, cây lúa đói mầu, Mẹ bù đắp phù sa. Thiếu thức ăn Mẹ cho tôm cá. Những kênh, rạch, đầm, đìa đầy ắp quanh năm. Nhớ những ngày Gia Long bị Nguyễn Huệ truy sát, sức tàn lực kiệt nghe lời cầu khẩn của vua, với lòng nhân từ của người Mẹ, ta đổ cá từ thượng nguồn về, từ Biển Hồ sang để cho vua tôi, tướng sĩ các con qua cơn hoạn nạn, có cái mà ăn. Loài cá chỉ bằng lá tre, lá trúc. Loài cá nhỏ bé dường như không có tên tuổi gì, bây giờ các con gọi là cá Linh. Đủ để nói lên rằng mẹ sông bao dung mà mầu nhiệm và linh thieng là thế.

Các con đã từng oán trách ta về nạn lũ lụt năm 1978, thực ra trước đó bọn diệt chủng Pôn Pốt đã chặt đầu con dân đất Việt từng sinh sống ở Campuchia đóng bao thả trôi sông, rồi chúng tràn qua biên giới cướp phá, hãm hiếp, giết người như thời Trung cổ. 3000 mạng dân lành ở xã Ba Chúc huyện Tri Tôn (An Giang) cách biên giới đồng bằng 05 km. Chúng nó dùng đoạn tầm vong, vồ gỗ đập đầu người lớn, dùng cây dóc vót nhọn xuyên vào phần kín của phụ nữ ngược lên, cầm chân trẻ con đập đầu vào bờ tường chùa Phi Lai (vết máu loang khô vẫn còn lại đến hôm nay). Chúng ném lựu đạn vào hộc bệ thờ tượng phật. 40 mạng người chết chồng chất lên nhau.

Chúng xiên cả chục người bằng những cây tre vót nhọn, những bao tải đựng đầu người thả trôi sông, xác người xuôi về tới Cao Lãnh, cồn Ông, ... Đồng Tháp.

Mẹ đành phải dâng nước cao tới 6 mét để rửa sạch thân mình, rửa sạch dòng sông mà bọn quỷ mặt người đã được các cố vấn có khuôn mặt đời Đường nấp sau ngai vàng và từ cống rãnh chui lên giật dây. Mẹ biết rằng việc làm của Mẹ là cực chẳng đã, sẽ tổn hại đến âm đức của Mẹ. Trong mênh mông biển nước các con không còn cả củ chuối để ăn. Tội ác của Pôn Pốt đã hóa thành sâu bọ, rầy nâu tàn phá ruộng đồng châu thổ, châu thổ mất mùa, đói và đói. Sống giữa vựa lúa mà không có cháo để ăn. Lại thêm chế độ tem phiếu quản lý chặt chẽ, áp dụng công thức cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh của miền Bắc. Cả miền Nam đói và đói. Đi đâu, đến đâu mang vài cân gạo phải có giấy phép của địa phương. Nhìn các con hốc hác như người tu hành xác, lòng Mẹ quặn đau. Tiếng sóng vỗ bờ thay cho lời an ủi, như lời ai điếu của Mẹ với con người. Mẹ thật hối hận, lẽ ra Mẹ không nên làm trận lụt kinh hoàng vào năm 1978 ấy. Khi mà đất nước 3 năm trước đã ngưng tiếng súng. Cầu Hiền Lương đã nối hai bờ. Nam Bắc một nhà, máu ngừng chảy, chồng vợ, anh em, bố con đoàn tụ sau 30 năm tao loan.

Thế mà hôm nay đây, ngoái lại 15 năm trước. Thả một tấm vó bè vào lòng Mẹ sáng hôm sau các con có hàng năm bảy tạ cá. Các loại sanh kỳ, giò đém, cá hô, cá heo, ba sa, cá thiểu, lòng đong, cá dẩn, ... Giăng một tay lưới, thả mấy dây câu là thừa mứa cá ăn. Chiều chiều đặt nồi nước lên bếp, băm một quả bầu, các con tiện ra sông tắm giặt Mẹ cũng cho cả mẻ tôm càng thừa nấu một nồi canh cho cả gia đình 7,8 người ăn đậm đà và ngọt lịm. Đâu có cần thứ bột ngọt, thứ ngọt giả, đánh lừa, ăn nhiều còn sinh bệnh.

Vào mùa nước nổi (tháng 8) mẹ tràn trề len lõi vào tận rạch cùng, kênh hẻm. Dừng lại trước hiên nhà, Mẹ tắm gội cho ruộng đồng kênh rạch, tẩy sạch bụi trần ai, cuốn đi rác rến sâu bệnh. Phủ lên một lớp phù sa mầu mỡ chẳng khác gì các con được Mẹ thay áo mới đi chảy hội mùa xuân ... Một năm hai vụ lúa tốt tươi, nhưng với mô hình nông dân ra đồng nghe gõ kẻng, máy móc thiết bị xung công. Cha chung không khóc, cách quản lý máy móc, một cơ chế kỳ lạ. Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đất đai từ ngàn đời thuộc sở hữu tư nhân, nay là của toàn dân. Rồi bìa đỏ, bìa hồng, mô hình hợp tác xã ngày nào nay lại được những ông chủ trang trại, trong tay có cả trăm nông dân làm thuê với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những chủ trang trại giầu lên nhanh chóng ... Rồi bệnh thành tích, căn bệnh trầm kha dối trá con người các con phá vỡ quy luật tự nhiên. Các con quai đê đắp đập. Bắt đồng ruộng phì nhiêu một năm 04 vụ lúa. Đất đai như quả chanh vắt kiệt, lúa chết, sâu bệnh tàn phá. Thử hỏi đất đai nào khác con người. Đất đai không có thời gian để thở, để nghỉ ngơi tái tạo. Sau thất bại thảm hại một năm 4 vụ nay còn 3. Con người các con tham lam vô độ, bắt Mẹ Thiên Nhiên theo thiển ý của con người. Đêm ngày lập mưu tính kế nhằm khuất phục Mẹ Thiên Nhiên, đồng ruộng được 3 vụ lúa thì đê bao đã vô tình làm phù sa lắng đọng, cồn doi bãi bồi. dòng chảy bị ức chế, đồng ruộng bị mất đi lớp phù sa mầu mỡ tốt hơn ngàn lần phân hóa học, cá linh không về nữa, kênh rạch, ruộng đồng không còn cá, còn tôm. Sống giữa vùng Đồng Tháp mà nông dân phải ra chợ mua cá, mua tôm. Kênh rạch tắc nghẽn, vì con người các con ngày một sinh sôi. Khu công nghiệp mọc lên, nhà trọ theo sau như nấm, những nhà trọ tràn ra kênh rạch, mạch máu của Mẹ nghẽn vì túi ny lông và các loại đồ phế thải, vì sao con người các con lại nhẫn tâm như vậy. Ngày ngày các con ra sông tắm giặt, xách nước tưới cây. Mẹ nghe những lời thở than và cả nhũng lời trách: ngày xưa rẽ cá ra mới múc được nước, bây giờ nếu tát cạn sông Tiền cũng không đủ mẻ cá nấu canh chua. Câu ai oán ấy kể ra cũng hơi quá lời với Mẹ, nhưng các con hãy thử nhìn xem. Những chiếc xáng thổi (máy hút cát) hút cát đào kênh rạch hoặc san lấp mặt bằng phải luồn sâu xuống dưới lớp túi ny lông dày tới 0,5-0,6m. Liệu 1000 năm sau “hố” ny lông ấy có thể tan được không ... Mặt trời vừa ló rạng cho đến tắt hoàng hôn, chỉ trên một đoạn sông 300 mét có hằng trăm lượt ghe gắn máy bắt cá bằng điện. Những loại “sông tặc” khác gì hung thần, dạ quỷ, các con tàn phá hủy diệt nguồn lợi thủy sản của Mẹ Thiên Nhiên ban tặng, các loài thủy sinh chết từ trong trứng nước.

Các con lợi dụng sự văn minh của loài người tận thu triệt để, không thương tiếc, không để lại cho con cháu đời sau. Các con chế ra “xiệc điện” để săn lùng, đánh bắt, loại xiệc nổi thì đánh bắt độ sâu 5-6 mét nước. Loại xiệc lạnh thì đánh bắt ở độ sâu sát đáy tới 15m, với dòng điện 180 ampe, bình ắc quy nặng tới 75kg. Các loài nằm sâu trong bùn như lươn, chạch cũng phải ngoi lên chết quằn quại, những con may mắn thoát được thì sống đuôi cong lại, dị tật suốt đời. Những chiếc cào điện còn dã man hơn, lưới được thả sát đáy, miệng lưới được cạp lại cong như hình bán nguyệt dòng dây tới vài chục mét buộc ở đuôi ghe được làm bằng com fô xít chạy như mắc cửi trên sông. Tất cả, \tất cả tôm tép, cá lớn, cá nhỏ đã chui vào quan tài lưới thì cuộn vào nhau mà chết. Nhưng kinh hãi hơn nữa là loại “12 cửa ngục” mắt lưới ly ty như mùng che muỗi, được may thành ống, cứ cách 01 mét lại được luồn một khung sắt Ø6 uốn vuông mỗi cạnh 40cm được buột chặt vào “ống lưới” ngồi trên ghe thả xuống đáy sông dài tới cây số. Rồi quay lại chỗ thả cửa ngục ban đầu mà kéo vào ghe. Tất cả các loài thủy sinh đã chui vào cửa ngục thì không thể quay ra. Tất cả chờ chết. Bản án tử hình của con người đã tuyên. Cho dù tôm cá nhỏ bé đến mấy đang được mẹ chúng ấp ủ, không bao giờ được phúc thẩm nữa. Trộm nghĩ Hít le đã đưa con người vào lò thiêu Auschwitz ở thành phố Oswiecim miền nam Ba Lan, là một tội đồ. Khơ Me Đỏ, Pôn Pốt đã giết 03 triệu người cùng chủng tộc. Nhân loại ghê tởm. Tòa án quốc tế đã quy vào tội diệt chủng. Nhưng dùng lò thiêu, hơi ngạt của Hít le, dùng vồ gỗ đập nát sọ của người Khơ me đỏ cũng không độc ác bằng con người các con dùng thuốc sâu diệt loài máu lạnh đổ xuống dòng sông, con người chạy ghe về cuối nguồn chừng 1km dùng xiệc nổi mà vớt. Nếu con nào còn ngoe ngoe thì ấn nút điện cho chết hẳn. Tôm lớn, tôm nhỏ được xúc đầy ghe. Những con ở “ngoài vùng phủ sóng” thì thuốc độc loang ra tan vào lòng Mẹ, cũng ngắc ngứ thì xiệc nổi vớt tiếp. Những con chết chìm thì cũng không thoát được 12 cửa ngục. Xem ra các con còn tàn bạo hơn cả Hít le và Pôn Pốt. Các con mắc trọng tội: Tội hủy diệt môi trường thủy sản. Thế mà các con ra sông tắm giặt, múc nước tưới cây. Ăn nước sông, uống nước sông. Ngàn năm xưa có ai chết vì ung thư nhiều như con người các con hôm nay đâu. Thế mà các con còn oán trách Mẹ, sao mà loài người các con vô ơn làm vậy. Mẹ nói trước, có kiếp luân hồi đấy. Mọi việc các con làm tốt hay xấu, thiện hay ác, trên có trời chứng giám, dưới có đất nhìn lên. Hai vai có quỷ thần thấu tỏ. Ở trần gian các con làm ra 12 cửa ngục để thõa mãn lòng tham vô độ. Một ngày nào đó các con sẽ phải đầy xuống tới 36 tầng địa ngục và không có kiếp luân hồi. Con cháu các con ăn những con tôm, con cá ngấm thuốc sâu, thuốc độc sẽ bị hủy diệt dần dần, loài người các con sẽ tuyệt chủng. Đừng bảo hùm beo, rắn độc, Hít le, Pôn Pốt đã là ác, mà chính các con đổ thuốc độc xuống dòng sông còn tàn bạo hơn nhiều, độc ác hơn nhiều... Thử nhìn sang bên kia sông cách nhau chỉ 1000m từng đôi “xáng cạp” (tầu múc cát) buông những chiếc gầu miệng rộng như khủng long bạo chúa, với hàm răng bằng thép trắng ởn buông xuống dòng sông ầm ầm như bom dội. Sóng căm giận của Mẹ Thiên Nhiên chồm lên, cột nước mang nặng phù sa vọt lên dưới ánh mặt trời. Đỏ tươi như máu. Những chiếc răng bằng thép ngoạm vào thân thể Mẹ mà đứt ra từng tảng thịt, nhều nhễu cát bùn, cái miệng ấy được thả vào những xà lan như những chiếc quan tài mở nắp. Trọng tải mỗi cái tới năm bảy trăm tấn xếp hàng như thời tem phiếu chờ dến lượt mình. Những chiếc quan tài có người điều khiển ấy nối đuôi nhau đi bán cho các công trình cần san lấp mặt bằng. Rồi từ đấy mọc lên nững binh đinh, cao ốc, biệt điện, vila, biệt phủ... Tiền lại chạy vào túi những ông chủ đầu tư mà Mẹ gọi là quái vật người. Dòng sông bị hẫng chân, nhà cửa của nông dân, miệt vườn đầy cây trái, không bão, không dông, không lũ quét giữa thanh bình đổ ập xuống dòng sông. Các con lấp liếm đổ cho biến đổi thiên nhiên, sự ấm dần của trái đất, Enninô và Nanina. Nông dân nào biết gì đâu. Mẹ Thiên Nhiên nhìn Mẹ xót xa. Còn Mẹ đây thì gồng mình chịu trận. Trên bờ những nhà máy chế biến cá tra, cá basa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng mọc ven sông như nấm. Các con xuất khẩu đi châu Mỹ, châu Âu. Thu lời mỗi năm cả triệu đô, thế mà nước thải các con đêm đến lén xả thẳng vào lòng mẹ. Mẹ nghẹt thở, mùi xú khí và chết chóc bốc lên nồng nặc.

Đồng ruộng các con vắt kiệt đất đai, thành tích một năm 3 vụ lúa. Bị ngăn bởi đê bao, phân phù sa của Mẹ tưới cho lúa bị bác bỏ, từ chối. Các con dội lên phân đạm, phân lân và kali. Rồi thuốc sâu, thuốc chuột. Những thứ giết người ấy lại đổ vào lòng Mẹ, ngấm dần qua những khe nứt của đê bao, góp phần đẩy nhanh sự chết chóc vào lòng mẹ.

Mẹ đã từng khuyên và vạch lối chỉ đường cho các con bao nhiêu năm nay rồi. Nhưng các con nào có nghe. Đến bây giờ thì mẹ đã rõ, các con rắp tâm sống theo câu thành ngữ thời hiện đại “Tư duy nhiệm kỳ và an toàn hạ cánh”. Bệnh thành tích và dối trá đã ngấm vào cao hoang phủ tạng. Không thay được nữa rồi. Lời khuyên của mẹ chỉ có những người nông dân chia sẻ. Nhưng lãnh đạo của nông dân đâu có nghe. Lời khuyên của mẹ giản đơn thôi. Các con nên trồng lúa cách nhật. Nếu năm nay các con cấy 3 vụ thì sang năm cấy 2 vụ, để đưa phù sa vào đồng ruộng. Chỉ thế thôi mà có ai chịu nghe. Nhìn sang nước Campuchia mà xem, dân chỉ trồng 2 vụ lúa, cây lúa 6 tháng, hạt gạo thơm ngon, không có tấm. Thế giới ăn gạo Campuchia. Người Việt bây giờ đổ xô đi ăn gạo Campuchia. Hạt gạo đã có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Còn các con tự hào là xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới, nhưng giá trị hạt gạo bao giờ mới bằng được hạt gạo của người ta. Người Việt hôm nay sợ gạo Việt vì dư lượng thuốc bảo quản ngấm sâu vào tận lõi. Phun hóa chất tạo thành hương thơm giả. Cho ôi. Bệnh thành tích đã giết chết hạt gạo của các con. Bao nhiêu năm rồi hạt gạo vẫn chưa có thương hiệu trên trường quốc tế, thật đau đớn thay. Gạo xuất khẩu thứ nhì thế giới, mà nông dân lại khổ nhất thế gian. Nghịch lý đến không tin nổi.

Đâu chỉ riêng Mẹ, người em song sinh là sông Hậu và bao nhiêu dòng sông trên xứ sở này cùng chung số phận. Loài người các con đã tận diệt thủy sản, có những dòng sông còn bị vài ba đập thủy điện như lưỡi cưa cùn cứa ngang thân. Những đợt xã lũ bất ngờ làm bao nhiêu làng mạc, chòm xóm chỉ trong tích tắc trắng băng. Cái chết đột ngột như trên trời đổ xuống. Chỉ có những người thấp cổ bé họng là thiệt. Thử hỏi con cháu của những người ký quyết định làm thủy điện ấy có chịu ở dưới hạ lưu, hay họ đã chuyển về thành phố từ lâu rồi.

Mẹ kêu cứu, mẹ phẫn nộ mà loài người các con không màng tới. Xin đừng đổ hết tội cho Mẹ Thiên Nhiên. Đừng để cho mẹ giận dữ làm ra “Đại Hồng Thủy” để loài người các con lại bắt đầu từ con thuyền Noah. Hãy biết dừng trước khi còn chưa muộn.

Viết tại trang trại thủy sản Cồn Ông

của ông Phạm Quang Tuyến

Đồng Tháp 18-11-2015

12-12-2015