Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÂM MƯU THÂM ĐỘC CỦA TRUNG QUỐC VÀ TINH THẦN HÒA HỢP CỦA NGƯỜI VIỆT

Trường Giang
Thứ tư ngày 9 tháng 12 năm 2015 6:49 AM


Đọc tiểu thuyết: "Ngôi nhà có giàn hoa giấy”

Tôi thật bất ngờ khi được đọc cuốn tiểu thuyết “Ngôi nhà có giàn hoa giấy” của tác giả Trần Ngọc Dương. Đây là lần đầu tiên - kể từ khi cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia ở biên giới phía Bắc kết thúc - tôi mới được đọc một tác phẩm văn học mạnh mẽ, chỉ đích danh âm mưu thâm độc và những thủ đoạn đê hèn của Trung quốc đối với Việt Nam.
Không thâm độc sao được, mà ngay từ ngày 30/4/1975 khi ta tiến quân giải phóng thành phố Sài Gòn. Lợi dụng lúc đại quân ta đánh tràn qua, họ đã lén lút chỉ thị cho những người Hán sống ở Chợ Lớn đồng loạt cắm cờ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa!
Họ trương cờ với những lý lẽ cùn, họ biện minh cho hành động của mình: “... Cờ của phía Cộng Sản, của phe ta cả mà...” Khi bị những người lính Giải phóng bóc mẽ, yêu cầu phải tháo xuống, họ lại nói giọng điệu ngây ngô: “...Ngộ chỉ làm theo lệnh... nó cũng có mầu đỏ, sao vàng giống như nhau cả mà...” Trước thái độ ngoan cố của họ - Minh - người lính Giải phóng làm nhiệm vụ quân quản tại đây bắt hạ bằng được những lá cờ Trung Cộng trên với lập luận: “...Theo qui định của Luật pháp Quốc tế: Chỉ có Đại sứ quán, với Lãnh sự quán mới được treo cờ của đất nước mình trên đất nước sở tại. Còn tất cả các trường hợp khác không được phép... Làm như vậy là vi phạm luật pháp Quốc tế...” Còn với luận điệu giả ngây, chây lỳ của đám người Hoa: “...phải họp bộ tộc...không có đủ người hạ cờ...” Minh không để họ có thời gian suy nghĩ đối đáp, anh đã cương quyết: “...Đây không phải là việc của bộ tộc!” Rồi nhanh chóng quay sang phía các chiến sĩ đi cùng ra lệnh: “Các đồng chí giúp nhân dân hạ cờ!” Vậy mà chua xót làm sao, ngay khi sự việc trên kết thúc, anh lại bị cấp trên kỷ luật vì tội: “...làm không tốt chính sách dân vận...”
Còn ở những nơi mà họ luôn luôn rêu rao là “Biên giới hòa bình hữu nghị” - ngay từ trước khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc - ở đó lúc người dân dựng nhà, họ cho xây những bức tường dầy hơn tường của lô cốt “... được trổ nhiều lỗ thông gió kỳ dị, có cấu tạo giống như lỗ châu mai ở các độ cao khác nhau nhìn sang phía Việt Nam...”
Sự thâm độc, tàn ác không có một lý lẽ nào có thể biện minh nổi khi Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào năm 1979! Trong cuộc chiến tranh bẩn thỉu này, bản chất thâm độc truyền thống được họ coi là quốc sách. Lũ lính Trung Quốc xâm lược thì đua nhau thể hiện khi thực thi nhiệm vụ. Càng ác độc với người dân Việt Nam bao nhiêu, càng có thành tích cao bấy nhiêu. Lũ lính Trung Quốc bắt trói cả cô gái bị thương ở chân, không đi được vào cây rừng. Rồi lấy lựu đạn gài thành tầng tầng, lớp lớp xung quanh cô với âm mưu: “...Quả thứ nhất sẽ phát nổ khi có người đến cứu. Còn nếu như đối phương gỡ được quả lựu đạn đầu tiên sẽ chủ quan, chẳng hề để ý gì đến cái bẫy thứ hai. Chắc chắn chùm lựu đạn giấu đàng sau cô gái, sẽ phát huy được tác dụng...” Chúng còn bắt Hoa - một phụ nữ đang mang thai - làm tấm bia sống đi đầu dẫn đường đưa chúng vượt qua bãi mìn. Trong đội hình quân xâm lược ngày ấy, không ít kẻ đã được mảnh đất và con người Việt Nam cưu mang, nuôi dưỡng. Vậy mà khi phản bội ra đi, chúng đã vơ vét “...lùa theo cả con trâu đứt mũi không phải của mình...” Và để lại phía sau sự đổ nát tan hoang với bà mẹ già người Hoa bị mù. Chiến tranh kết thúc, những quả đạn bom đang chờ nổ được quân Trung Quốc để lại rải rác khắp nơi. Lại một lần nữa, những người dân Việt phải tốn nhiều công sức xây dựng lại mảnh đất hoang tàn khi cuộc chiến bẩn thỉu này kết thúc.
Thật mỉa mai khi nghe tuyên bố của một nhà lãnh đạo Trung Quốc: “Trung Quốc không có gien xâm lược.”
Không có gien xâm lược mà lại lợi dụng lúc chúng ta đang bận vướng vào công cuộc thống nhất đất nước, họ lại thực hiện cú đâm từ phía sau lưng: “...nổ súng chiếm đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Sài Gòn...”
Không có gien xâm lược lại âm thầm cho: “... khiêng các cột mốc biên giới lấn sâu vào đất của ta!”
Không có gien xâm lược mà lại cho: “...xây các kè chắn, hướng lũ xoáy sang đất của ta ở các dòng chảy chung trên đường biên giới...”
Không có gien xâm lược mà lại: Dùng tàu quân sự chĩa pháo xua đuổi, đâm chìm các tàu cá nhỏ bé của ngư dân Việt Nam, khi họ đang hành nghề trong vùng biển truyền thống thuộc chủ quyền Nước Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam.
Không có gien xâm lược mà lại: Ồ ạt chiếm các đảo đá, bãi cạn trên Biển Đông rồi cho xây dựng các căn cứ quân sư.
Không có gien xâm lược mà nói một đàng làm một nẻo. Lãnh đạo của họ vừa trịnh trọng phát ngôn ở nước ta, khi đặt chân tới nước khác lại nói khác ngay...
Trong tiểu thuyết “Ngôi nhà có giàn hoa giấy” Trần Ngọc Dương cũng đã đề cập đến một vấn đề đang được đông đảo người dân Việt quan tâm, mong muốn sớm trở thành hiện thực. Đấy là Tinh thần hòa hợp dân tộc.
Nhưng dân tộc hòa hợp sao được khi, cái hố ngăn cách vẫn còn, chẳng chịu san lấp.
Đã đành: “...Những người đã chết làm gì có chiến tuyến...” và cho dù họ cũng: “...đã hòa hợp từ lâu lắm rồi...”
Còn những người đang sống thì sao: “...vẫn còn ai đó bảo thủ, duy trì lòng thù hận, tự tạo ra những ngăn cách vô lý...” Liệu ai đó còn băn khoăn trong việc Hòa hợp dân tộc, sẽ tìm được lời giải đáp khi thấy xuất hiện trước mắt: “...những linh hồn bay lơ lửng xung quanh mình, với quân phục đủ sắc mầu. Họ nhanh chóng quyện vào nhau thành một khối, rồi tan nhanh vào những làn khói sương bay bảng lảng...”
Dân tộc hòa hợp sao được khi: “...một gia đình còn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thờ cúng những người thân đã mất trong chiến tranh...” Nhiều gia đình nằm trong hoàn cảnh: “...đứa theo giải phóng, thằng đi lính Sài Gòn...” Khi chúng chết, đều để lại cho mẹ mình nỗi buồn mênh mông.
Thử hỏi có ai dửng dưng được, khi đứng trước cái ban thờ của bà má Miền Nam. Tôi cố hình dung ra cái ban thờ bằng gỗ bé xíu để kín khít các bát hương, được đặt trên hai viên gạch chỉ chông chênh. Tôi không khỏi nghẹn ngào trước hình ảnh người mẹ già run rẩy mỗi khi cắm hương. Trong khi những người còn sống băn khoăn: “...Xin cuộc đời mách bảo dùm cho tôi phải thưa với mẹ điều gì đây, trước những nỗi đau chiến tranh mà mẹ đang phải gánh chịu. Mẹ ơi! Lúc mẹ để bát hương của chồng nằm ở giữa, hai đứa con nằm ở hai đầu chênh vênh. Khi thắp hương, mẹ cắm vào bên nào cũng bị nghiêng cả...” Thì người mẹ Miền Nam ấy, đã tìm ra cách giải quyết rất giản đơn: “...tao đã hòa hợp cho mấy bố con ông ấy...” Và bà lý giải cho việc làm của mình: “...Đài và ti vi nói nhiều về hòa hợp dân tộc. Nhưng trên ban thờ của mỗi nhà, đều còn có các bát hương riêng rẽ thờ người thân đã mất ở hai phía. Mỗi khi thắp hương, tao cắm vào bên nào cũng thấy nghiêng cả. Tao thấy tốt nhất là dồn tất cả các bát hương thờ những người đã mất trong chiến tranh, về một bát hương để thờ chung. Tao sợ để nguyên như cũ sẽ làm đổ cả bàn thờ của tổ tông...”
Còn bà mẹ miền Bắc thì sao?
Trong lúc hy vọng tìm thấy hài cốt của đứa con duy nhất đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng bộ hài cốt khai quật được, lại là của một người lính Sài Gòn. Mặc cho những người trong đội tìm kiếm tranh luận đúng sai, bà đã“...tháo cái khăn mỏ quạ đang đội trên đầu, bước đến che nắng cho bộ hài cốt...”
Tấm lòng của những người mẹ Việt Nam mênh mông, đủ che chở cho linh hồn của tất cả những đứa con bơ vơ, chưa trở lại được quê nhà khi cuộc chiến đã chấm dứt. Bà đã khẳng định đạo lý truyền thống của dân tộc Việt: “...Là ai cũng không thể để xương cốt của họ nằm trơ ra giữa thanh thiên bạch nhật như thế kia được!”
Từ trước đến nay, người ta chỉ đề cập tới việc: Xây nhà tình nghĩa cho những gia đình chính sách, chứ chưa nói tới việc dựng nhà cho người lính Ngụy. Vậy mà, những người lính Cộng sản như Sáu Bình, Minh, An và các chiến sĩ bộ đội Biên phòng lại dựng nhà cho Thượng sĩ Khang - một người lính Cộng Hòa - cho dù Khang chỉ sát cánh cùng họ vào những ngày chống quân Trung Quốc xâm lược trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Rồi việc trong tang lễ bà Năm, Minh đã không ngần ngại bày tỏ khi được chính quyền hỏi về mối quan hệ khi anh đứng ra làm tang chủ: “...tôi là đồng đội với con bà...” Khi được hỏi kỹ hơn: “...với ai?” - vì nhà bà Năm có quá nhiều liệt sĩ - Anh đã trả lời thẳng thắn: “...Với Hoàng - Trung úy của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Người đã sát cánh chiến đấu cùng tôi trong những trận chiến chống quân Trung Quốc xâm lược!”
Dân tộc hòa hợp sao được khi chủ nghĩa lí lịch vẫn được coi trọng trong xã hội. Sẽ trở thành tai họa nếu ở địa phương nào đó, những người lãnh đạo luôn nghiêm túc, ngu dốt thực thi công việc một cách máy móc theo lệnh. Khi họ đưa cả Sáu Bình: Người từng là trung tá pháo binh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nguyên Đảng ủy viên Sư đoàn và là Đoàn trưởng Đoàn pháo binh trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược vào danh sách học tập cải tạo của địa phương. Chỉ vì trước ngày đồng khởi, ông cũng đã từng là một: “...trung úy ngụy...”
Vẫn biết thời gian trôi qua không bao giờ trở lại. Cho dù kỷ niệm về nó có đẹp đến bao nhiêu đi chăng nữa thì nó cũng chỉ là mùa xuân của quá khứ. Và mãi mãi cũng chỉ là kỷ niệm của dĩ vãng mà thôi.
Cho đến ngày hôm nay, rất nhiều người trong chúng ta còn choáng ngợp bởi ánh hào quang của chiến thắng. Nhưng cũng không ít người như Minh, đã sống qua những tháng năm hào hùng phải thốt lên trong lúc nói chuyện với đôi bạn trẻ - Con của hai chiến binh đã hy sinh ở biên giới phía Bắc. Một là chiến sĩ Cộng sản, người còn lại là lính Cộng hòa - “... Mai đây, thế hệ các bác, các chú rồi cũng qua đi. Có thể trong số các bác, các chú ở đây còn đôi người bảo thủ. Chưa mạnh dạn đổi mới cách nghĩ suy. Cũng không đủ sức làm những công việc mà lòng mong muốn...”
Lịch sử đã chứng minh: Dân tộc ta chỉ làm nên chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, khi đoàn kết lại được thành một khối thống nhất. Sự hòa hợp dân tộc thực sự sẽ cho dân tộc ta đủ sức mạnh chống lại mọi kẻ thù xâm lược và làm nên những điều kỳ diệu. Theo tôi đấy là điều cốt lõi mà tác giả Trần Ngọc Dương muốn đề cập tới trong cuốn tiểu thuyết: “Ngôi nhà có giàn hoa giấy”. Và tôi cũng có mong ước giống như anh: “...Tương lai của đất nước này sẽ thuộc về các cháu. Những gì mà thế hệ của các bác, các chú hôm nay chưa làm được. Thì thế hệ của các cháu, chắc chắn sẽ hoàn thiện nó trong lương lai...”
Trường Giang