Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HƯƠNG ÂM XỨ NGHỆ TRONG LỤC BÁT TRUYỆN KIỀU.

Vũ Xuân Lạng
Thứ năm ngày 10 tháng 12 năm 2015 9:34 AM


danh thắng nghệ an, cảnh đẹp xứ nghệ, du lịch nghệ an, tham quan nghệ an

Kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là cuốn tiểu thuyết tâm lý được biểu đạt bằng một “thế giới ngôn ngữ” phong phú, thú vị với nhiều “kì hoa dị thảo”. Sự tinh lọc về ngôn ngữ và sự kết hợp nhuần nhị của tiếng nói xứ Nghệ đã góp phần làm nên vẻ đẹp tự nhiên của ngôn ngữ thơ ca lục bát. Những từ ngữ địa phương mang hương âm đặc sắc tiếng nói của một vùng quê đã đi vào thi ca lục bát Truyện Kiều một cách tự nhiên, nhuần nhị khiến độc giả ngàn đời không phân biệt được cái giới hạn của ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân. Sự hồn nhiên dung dị và mộc mạc của tiếng nói xứ Nghệ tuy không phải là những mĩ từ nhưng nghệ thuật ngôn từ tinh diệu khéo léo của Đại thi hào Nguyễn Du đã khiến cho hương âm xứ Nghệ trở nên thân thiết, ngọt ngào hàm ngôn tu từ thú vị mà sâu lắng…

Hạ Tri Chương đời Đường trong “Hồi hương ngẫu thư” đã từng viết: “Hương âm vô cải mấn mao tồi” - Tiếng nói là thứ không thay đổi, ít bị cải biến trước mọi đổi thay của cuộc đời con người. Khi nói đến ngôn ngữ Truyện Kiều là nói đến một thứ ngôn ngữ tinh lọc, bác học đạt đến sự tài hoa nhưng nét tài hoa không chỉ là cái đẹp hoàn mĩ của chữ Nôm người Việt mà nó còn đẹp và duyên dáng trong tiếng nói của người xứ Nghệ. Có thể nói “hương âm” xứ Nghệ đã đi vào lục bát Truyện Kiều một cách tự nhiên, dân dã,tuyệt khéo mà không dễ gì thay thế được. Tuy chiếm một tỉ lệ không nhiều nhưng những âm vựng của tiếng nói người Nghệ Tĩnh đã đi vào lục bát Truyện Kiều như một thứ “hương âm vô cải” góp phần làm nên một vẻ đẹp riêng duyên dáng và đáng yêu đến lạ…

Truyện Kiều là kiệt tác chữ Nôm sự tinh diệu trong thế giới ngôn từ mà thi hào Nguyễn Du sử dụng là cả một công trình nghệ thuật tuyệt khéo. Người đọc cảm nhận truyện Kiều từ những góc độ khác nhau song cái thế giới ngôn ngữ vẫn là một thế giới kì diệu và thú vị vô cùng như vẫn thúc dục chúng ta kiếm tìm, khám phá...

Trong Truyện Kiều từ ngữ địa phương mà đặc biệt là tiếng nói vùng Nghệ - Tĩnh được thi hào Nguyễn Du vận dụng như là một phương tiện ngôn ngữ hữu hiệu với những dụng công nghệ thuật độc đáo, các từ “ả; mụ; chi; cơn, lộn, tàng tàng, cổi, lạt, văng, quảy, ngài, lòn, lọt, lợt ”...

Trước hết từ “ả” là danh từ xưng gọi mà người Nghệ Tĩnh dùng để chỉ đàn bà, con gái cũng như chị, cô ( Đào Duy Anh – Từ điển truyện kiều, trang 15). Trong Truyện Kiều, từ “ả” có ở các câu: 15, 406, 672, 927, 1151, 1636... Từ “ả” không phải là một mĩ từ thế nhưng thi hào Nguyễn Du đã sử dụng với những sắc thái biểu đạt khác nhau: “Đầu lòng hai ả tố nga”

Xưng gọi chị em Thúy Kiều là “hai ả” mà không gọi là cô, là chị một lối xưng hô vừa thân thiện nhưng cũng không kém phần trang trọng của người xứ Nghệ khi gọi con gái nhà khuê các. Cũng với sắc thái xưng gọi ấy trong kiệt tác nghệ thuật của mình thi hào Nguyễn Du đã gọi “ả Hằng, ả Lý, ả Tạ” là những kì nữ trong sử sách được lưu truyền từ cổ chí kim:

(406) “Nàng Ban ả Tạ ở đâu thế này”

Dâng thư đã thẹn nàng Oanh

(672) Lại thua ả Lý bán mình hay sao?

(1636) Liều như cung Quảng ả Hằng nghĩ nao!

Có khi “ả” lại được dùng để thẻ hiện thái độ mỉa mai:

(927) Bên thì mấy ả mày ngài,

(1151) Bày vai có ả Mã kiều

`Trong số các từ địa phương xứ Nghệ thì từ “chi” được sử dụng với tần suất khá cao khoảng 63 lần. Từ “chi” được dùng phổ biến trong ngôn ngữ đời sống thường ngày của người xứ Nghệ và đã hằn sâu trong mỗi câu Kiều của thi hào Nguyễn Du. “Chi” là từ tỏ ý hỏi hay than hoặc được dùng để chỉ sự lơ lửng, hoặc hỏi trống như học giả Đào Duy Anh đã giải thích.

“chi” trong tiếng Nghệ khác với chữ “chi” trong tiếng Hán. Trong 3254 câu lục bát Truyện Kiều của Nguyễn Du thì có tới 63 câu cụ thể là ở câu 54, 56,85,181,210,282,465, 470,491,503,504,508,521,549,659, 717,718, 840, 855,889, 1013, 1020,1130, 1145, 1164, 1166, 1328,1343,1355, 1365, 1402, 1414,1427, 1508, 1527, 1541, 1542, 1544, 1610, 1753, 1756, 1766, 1830, 1951,1860, 2154, 2425, 2468, 2495, 2585, 2640, 2648, 2679, 2694, 3024, 3046, 3078, 3089, 3101, 3111, 3125, 3146, 3247. Điều thú vị là cùng một chữ “chi” nhưng Nguyễn Du lại sử dụng như một từ đa nghĩa với một dụng công nghệ thuật riêng:

Ví dụ: ở câu (85) Phũ phàng chi bấy hóa công!

Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.

Câu 181:

Người đâu gặp gỡ làm chi

“Trăm năm biết có duyên gì hay không ?”

Câu 210:

Ví đem vào tập Đoạn trường,

Thì treo giải nhất chi nhường cho ai!

Câu 258:

Ví chăng duyên nợ ba sinh,

Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi!

“ Chi” là từ địa phương vùng Nghệ Tĩnh là từ có ý nghĩa nghi vấn, nghĩa là gì ? Trong truyện Kiều từ “chi” chủ yếu được dùng để hỏi có khi dùng nhưng để phiếm chỉ. Từ “chi” được dùng kết hợp với các từ khác “chi nữa”, ấy chi, chi đây, nhìn chi, mà chi, kể chi, dại chi, làm chi, tuồng chi, vẻ chi, sá chi, dưng chi, giây chi; chút chi...nhưng trong lục bát truyện Kiều thi hào Nguyễn Du không dùng “chi” với dụng ý để hỏi mà dùng nó với những nghĩa phái sinh, nghĩa đệm, hay mang ý nghĩa tu từ riêng không thể thay thế một từ nào khác. Từ “chi” thông thường có nghĩa là gì, như là để hỏi nhưng dùng với sắc thái ý nghĩa đó thì lại không đúng và nếu thay “chi” bằng gì thì nội dung diễn đạt lại khác. Tuy là từ địa phương xứ Nghệ nhưng trong lục bát Truyện Kiều, chữ “chi” được dùng nhuần nhị, tự nhiên khiến người đọc không thể phân biệt được đâu là từ toàn dân, đâu là thứ ngôn ngữ bác học:

So chi những bậc tiêu tao?

“Thiệt lòng mình cũng nao nao lòng người”

Hay:

Vẻ chi một đóa yêu đào

“Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh,”

Tiếng nói đời sống của người dân xứ Nghệ có danh từ “mụ”. Mụ là danh từ gọi người đàn bà có tuổi, có ý suồng sả hay khinh bỉ, cũng như tiếng lão gọi người đàn ông vậy. (Đào Duy Anh- Từ điển truyện Kiều, trang 254). Theo suy nghĩ riêng, tôi nghĩ từ “mụ” trong tiếng nói của người dân Nghệ Tĩnh không hẳn là suồng sã hay khinh bỉ mà là một cách xưng hô giao tiếp bình thường trong cuộc sống nhưng được thi hào dân tộc Nguyễn Du vận dụng vào lục bát Truyện Kiều với một sắc thái biểu cảm khác. Từ “mụ” trong Truyện Kiều có khoảng 20 câu. Cụ thể là các câu: 623,809 ,841,940, 961, 962, 984, 990, 1027, 1149,1153,1205,1305, 1376, 1747, 2093, 2114, 2127, 2146, 2305...

(623) Gần miền có một mụ nào,

(809) Lầu xanh có mụ Tú bà,

(8841) Mụ già hoặc có điều gì,

(940) Cứ lời lạy xuống mụ thì khấn ngay:

(990) Mụ thì cầm cập mặt nhìn hồn bay.

Khác với những từ địa phương khác chúng ta thấy từ “mụ” được thu hòa Nguyễn Du dùng với một thái độ “coi thường” dành cho những nhân vật phản diện thiếu thiện cảm...

Đọc những câu thơ lục bát Truyện Kiều, người đọc bắt gặp đâu đó những từ, những khẩu ngữ như “cổi”; “lạt”; “lộn”; “tàng tàng”...vốn là những từ ngữ địa phương không bao giờ là ngôn ngữ của thơ ca ấy thế mà thi hào dân tộc Nguyễn Du đã sử dụng những từ ngữ đó như những xảo thuật (magic) đầy ma lực để có những câu lục bát hay:

(935) Cổi xiêm, lột áo chán chường,

Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm.

(2262) Hai bên mười vị tướng quân,

Đặt gươm cổi giáp trước sân khấu đầu.

(1601): Được lời như cổi tấc son,

Vó câu thẳng ruổi nước non quê người.

“cổi” là động từ có nghĩa là mở ra, lột ra cũng giống như cởi trong tiếng phổ thông, khác với “cỗi” là gốc, nguồn cội...

Trong lời ăn tiếng nói của người Nghệ - Tĩnh những từ địa phương khác như “ngài; cổi; lạt, tàng tàng; lộn” đã đi vào lục bát Truyện kiều một cách tự nhiên, nhuần nhị như những từ ngữ bác học khác chính là nhờ tài hoa và cách dùng từ tuyệt khéo của thi hào Nguyễn Du. Những phương ngữ ấy đã góp phần tạo nên những hương âm ấm áp trong phi lộ cảm xúc của thi hào. Nói rõ hơn, người đọc ngàn đời nay không thể hoán đổi một từ ngữ bác học nào khác để thay cho những từ địa phương đã có. Như trên đã nói, tuy không phải là những mĩ từ nhưng “hương âm” của xứ Nghệ vẫn đồng vọng trong tâm thức người đọc tạo nên những thanh âm thú vị trong dòng chảy lục bát Truyện Kiều tạo nên một thứ thanh âm đa sắc, đa hương từ những lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân Nghệ Tĩnh quê hương của Đại thi hào. Lã Khôn đời Tống đã cho rằng “Ngôn ngữ đẹp nhất là ngôn ngữ giản dị nhất” đúng thế! Ngôn ngữ Truyện Kiều đẹp và mang một sức sống lâu bền bởi được chắt lọc từ sự giản dị mà tinh diệu trong ngôn ngữ đời sống của người dân xứ Nghệ…

Truyện Kiều có khá nhiều từ ngữ địa phương xứ Nghệ được thi hào Nguyễn Du vận dụng sáng tạo, hợp lý góp phần tạo nên “hương âm”, âm điệu cho câu thơ lục bát. Có những từ như “quảy, quẹn, tàng tàng, văng ”…là những từ khó tạo nên ngôn ngữ thơ ca, ý vậy nhưng chúng ta thử đọc một vài câu lục bát Truyện Kiều có những từ đó để cảm nhận được tài hoa, tinh diệu của thi hào Nguyễn Du.

(423): Đủ điều trung khúc ân cần,

Lòng xuân phới phới chén xuân tàng tàng.

“tàng tàng” cũng có thể hiểu là vừa vừa, đều đều, hoặc thường thường nhưng “tàng tàng” vẫn mang một hương âm riêng, một sắc thái tu từ riêng không dễ có. Lại có những từ mà chỉ được dùng 2 lần duy nhất như từ “quẹn, văng”:

(1428): Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày

(3015): Giọt châu thánh thót quẹn bào.

Quẹn nghĩa là hoen ố. Diễn tả giọt nước mắt Thúy Kiều Thi hào Nguyễn Du đã dùng từ “quẹn” một từ đặc âm của xứ Nghệ thì quả là đắc ý, đắt tình.

“văng” thì chỉ có người Nghệ Tĩnh dùng và cũng dùng hạn chế thế mà vẫn đi vào lục bát Truyện Kiều cũng rất tự nhiên:

(974): Lão kia có giở bài bây,

Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe.

Hay như từ “quảy” chỉ được dùng 2 lần đó là ở các câu:

(563): Buộc yên quảy gánh vội vàng,

Mối sầu sẻ nửa bước đường chia hai.

(2650): Giác duyên từ tiết giã nàng,

Đeo bầu quảy níp rộng đường vân du.

những từ như “lòn; lọn; lợt” là những từ có thể nói là “hiếm” ngay cả trong đời sống giao tiếp của người dân xứ Nghệ ấy thế nhưng trong Truyện Kiều lại được thi hào Nguyễn Du vận dụng sáng tạo để diễn tả những tình ý sâu sắc và tế nhị:

Lần lần tháng lọn ngày qua

Nỗi gần nào biết đường xa thế này.

Lối mòn cỏ lợt màu sương

Lòng quê đi một bước đường một đau

Đọc và suy ngẫm chúng ta nhận thấy trong lục bát Truyện Kiều có một số lượng từ địa phương mang đậm hương âm của người xứ Nghệ thế nhưng lại được thi hào Nguyễn Du vận dụng sáng tạo như một thứ ngôn ngữ bác học mang sắc thái tu từ thú vị…

Năm tháng đi qua nhưng lớp bụi thời gian không phủ mờ được những giá trị văn hóa vô giá của kiệt tác Truyện Kiều. Độc giả ngàn đời nay vẫn chưa khám phá hết vẻ đẹp đa hương, đa sắc trong kho tàng ngôn ngữ, văn hóa của những vùng miền khác nhau. Điều đó chẳng có gì lạ khi mà ta tìm thấy trong kiệt tác Truyện Kiều với một số lượng không ít từ địa phương Nghệ -Tĩnh được vẫn dụng để biểu đạt tâm lý nhân vật. Hơn thế, các từ ngữ địa phương còn có ý nghĩa thể hiện sắc thái biểu đạt và sắc thái tu từ thú vị mà không một từ ngữ nào thay thế được. Điều chúng ta trân trọng và gìn giữ là hương âm xứ Nghệ thân thương đó là thứ “hương âm vô cải” đã góp phần làm nên vẻ đẹp kì ảo, lung linh của lục bát Truyện Kiều.