Trang chủ » Tin văn và...

TQ NGANG NGƯỢC Ở BIỂN ĐÔNG: DỒN DẬP SỨC ÉP

Gia Hân
Thứ hai ngày 16 tháng 11 năm 2015 10:08 PM

Xung quanh thông tin về việc Trung Quốc tuyên bố nước này không phản đối chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna ở Biển Đông, sau khi Jakarta tuyên bố có thể kiện nước này ở tòa quốc tế, chia sẻ với Đất Việt ngày 13/111, Cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, ông Dương Danh Dy cho rằng: "Trung Quốc phải cải chính lại quần đảo Natuna thuộc về Indonesia bởi họ biết ngại.

Philippines đã kiện rồi giờ mà để Indonesia kiện nữa, nghĩa là,hai nước cùng kiện về một vấn đề xâm phạm lãnh hải thì rõ ràng Trung Quốc đã tự nhận những hành động của mình là phạm pháp. Mặt khác, Trung Quốc ngại còn bởi Indonesia là nước lớn không phải nước nhỏ".

Theo ông Dy: "Thế giới ủng hộ vụ kiện của Philippines trong khi đó Việt Nam cần phải tính toán lúc nào kiện thì có lợi nhất. Nếu Indonesia cũng kiện như Philippines kiện Trung Quốc thì rõ ràng liên quan đến biển Đông, Việt Nam cũng được lợi".

Trung Quoc ngang nguoc o bien Dong: Don dap suc ep
Đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" của Trung Quốc vẽ ra không được luật pháp quốc tế và các nước trên thế giới công nhận. Ảnh: UNCLOS

Cũng liên quan đến vấn đề này, cùng ngày trao đổi với báo Đất Việt, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng viện chiến lược, Bộ Công an nói: "Cộng đồng quốc tế không chỉ Philippines, Indonesia, Mỹ, Nhật Bản mà cả 28 nước Châu Âu đều lên tiếng phản đối Trung Quốc, chỉ có 1 số nước có mắc mớ về kinh tế với Trung Quốc mới không lên tiếng.

Thậm chí có thể cả 200 quốc gia vùng lãnh thổ đều thống nhất hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế. Chính những việc làm sai trái của Trung Quốc cũng như áp lực của các vụ kiện gần đây chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc bị sức ép.

"Họ (Trung Quốc-PV) muốn viết lại luật chơi, luật biển, luật lãnh thổ theo kiểu Trung Quốc nhưng cộng đồng quốc tế không ai đồng ý như vậy. Bởi điều này sẽ phá vỡ trật tự hiện hành của thế giới. Hành động Mỹ kéo tàu khu trục vào 12 hải lý cũng như việc điều B-52 áp sát các đảo nhân tạo xây phi pháp ở biển Đông là có ý ngăn cản Trung Quốc viết lại luật chơi quốc tế.

Cộng đồng quốc tế càng có tiếng nói mạnh mẽ bao nhiêu thì cang tạo ra một răn đe lớn với Trung Quốc bởi họ không thể bất chấp luật pháp được. Nếu họ chống lại luật pháp thì họ sống với ai", Thiếu tướng Cương nhấn mạnh.

Theo Thiếu tướng Cương, vụ kiện của Philippines đúng theo Công ước luật pháp quốc tế năm 1982. Việc tòa tuyên bố có toàn quyền xử vụ kiện biển Đông, và việc Trung Quốc có hay không tham gia vụ kiện không ảnh hưởng gì đến phán quyết của tòa là một thắng lợi đầu tiên cho Philippines. Các nước kiện càng nhiều thì sức nặng vụ kiện càng lớn và lợi thế sẽ thuộc về những nước đi kiện.

Nói thêm về vụ kiện biển Đông này, vị thiếu tướng này cho rằng, Trung Quốc sợ kiện vì không có có sở pháp lý nào, đến 1% cũng không có. Một đất nước lớn như thế mà sợ một nước nhỏ, chỉ riêng điều này đã thấy họ không có cơ sở pháp lý cả về lý luận cũng như thực tiễn đều bộc trần bản chất phi lý của họ.

Theo thiếu tướng Cương, chắc chắn tòa sẽ phán quyết vào năm 2016, và điều quan trọng nhất là tòa trọng tài sẽ phán quyết yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, thực tiễn không phù hợp với công ước liên hiệp quốc.

Điều này coi như yêu sách đó bị đổ vỡ và như vậy phần thắng sẽ thuộc về Philippines. Nói đúng hơn là phần thắng sẽ nghiêng về lẽ phải của cộng đồng quốc tế.

"Còn nếu tòa trọng tài ra phán quyết mà Trung Quốc chống lại thì sẽ bộc lộ hai điểm: một là Trung Quốc tuyên bố phát triển hòa bình là không đúng, thứ hai bộc lộ một quốc gia không có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chỉ với 2 điều này thôi đã đủ cho thấy vai trò, vị thế của Trung Quốc trên thế giới thế nào" - vị chuyên gia khẳng định.

Gia Hân

Nguồn: Datviet