Trang chủ » Tin văn và...

VĨNH BIỆT NHÀ VĂN TRANG THẾ HY

Nguồn: vanvn
Thứ ba ngày 8 tháng 12 năm 2015 10:33 PM



Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29/10/1924 tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông là nhà văn Nam bộ nổi tiếng từ trong chiến tranh, từng tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng tháng tám 1945 tại Bến Tre, hoạt động cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau 1975 ông sinh hoạt Văn nghệ tại TP. HCM, làm biên tập viên Văn tại báo Văn nghệ TP. HCM.

Ông từng viết văn, viết báo tại Sài Gòn và miền Nam với các bút danh: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm. Tác phẩm chính của ông gồm tập truyện ngắn: Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Mưa ấm (1981),Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ 13 (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993),…

Nhà văn Trang Thế Hy từng được Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) với truyện ngắn Anh Thơm râu rồng; được Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát.

Nhà văn Trang Thế Hy đã từ trần lúc 0h50p ngày 8/12/2015 (tức ngày 27 tháng 10 năm Ất Mùi) tại nhà riêng (Khu phố 1, phường Phú Tân, Bến Tre) hưởng thọ 92 tuổi. Lễ viếng bắt đầu lúc 9h00p ngày 8/12/2015; lễ động quan lúc 12h30p ngày 10/12/2015 (tức ngày 29 tháng 10 năm Ất Mùi). Linh cữu nhà văn được an táng tại đất nhà phường Phú Tân, TP. Bến Tre.

Trang Trannhuong.com xin chia buồn cùng tang quyến và cầu chúc linh hồn nhà văn Trang Thế Hy thanh thản về Trời
Nguồn: vanvn


 

Nhà văn Trang Thế Hy và vẻ đẹp tài tử của con người Nam bộ

 

Trò chuyện cùng nhà văn Trang Thế Hy, những người sáng tác thường cảm thấy rất thú vị. Ông chỉ nói những gì ông đã chiêm nghiệm, ấp ủ chín mùi nên những điều ông chia sẻ thường sâu sắc, ý vị và mang ý nghĩa nhân sinh. Trang Thế Hy cho rằng ông không có năng khiếu về học thuật, lý luận. Tuy vậy, theo ông, người sáng tác cần trang bị cho mình hệ thống lý luận về văn học, nhân sinh và cần tự chiêm nghiệm, đúc kết những kinh nghiệm sáng tác cho bản thân. Gương mặt, dáng dấp của Trang Thế Hy giống nhà hiền triết nhưng giọng nói của ông lại ấm áp và mê đắm giống người nghệ sĩ kể chuyện dân gian. Vốn văn hóa Pháp uyên thâm cộng với sự tích luỹ và chắt lọc tinh hoa văn hóa Việt Nam, sự chiêm nghiệm về thân phận con người và lao động nghệ thuật nghiêm túc đã tạo nên tâm hồn, tư tưởng và giá trị nghệ thuật độc đáo trong các truyện ngắn của Trang Thế Hy. 

 

Kể từ năm 1992, nhà văn Trang Thế Hy rời Thành phố Hồ Chí Minh về sống ẩn cư tại quê nhà. Ông từng nói nửa thật nửa đùa rằng hành động của mình là để “đi chỗ khác chơi” chứ không phải muốn sống ẩn dật như một số người đã viết về ông như vậy. Nhiều khi tôi ngẫm nghĩ, có lẽ nhà văn Trang Thế Hy đã ẩn cư trong chính thế giới nội tâm của mình và sống hòa nhập trong thế giới nhân vật, trong các truyện ngắn, hồi ức của ông. Nhà văn Trang Thế Hy đã đi thực tế trong chính nội tâm của ông để khám phá sự bí ẩn và vẻ đẹp nghệ sĩ trong tâm hồn của những con người vô danh, bé nhỏ. 

 

Hơn nửa thế kỷ sáng tạo, nhà văn Trang Thế Hy chỉ viết khoảng gần 50 truyện ngắn và gần 10 bài thơ. Ông bảo rằng ông trung thành với thể loại truyện ngắn. Trong cuộc đời sáng tác, ông không có ý định làm tuyển tập, toàn tập lại càng không có ý định làm. Tôi hiểu ông tin vào phép thử của thời gian và sự đánh giá công tâm của bạn đọc. Nhiều truyện ngắn của ông được in trong các tuyển tập và được đánh giá là những truyện ngắn tiêu biểu của văn xuôi Việt Namhiện đại. Điều này cho thấy sức hấp dẫn và sức sống của truyện ngắn của Trang Thế Hy đối với thời gian và tâm hồn con người. 

 

Trang Thế Hy cho rằng: “Con người Việt Nam vốn đa cảm. Sự đa cảm này khiến tâm hồn con người giống với tâm hồn của nghệ sĩ…”. Trang Thế Hy luôn phát hiện và nâng niu vẻ đẹp của tâm hồn của những con người bình thường trong cuộc sống. Dù nhân vật của ông chỉ là những người vô danh hay là người nghệ sĩ thì tính cách và tâm hồn của họ đều toát lên cái đẹp, phẩm chất của một nghệ sĩ. Trong truyện ngắn: “Thèm thơ”, Trang Thế hy đã khắc họa vẻ đẹp tâm hồn tinh khiết của một cô gái bán hoa. Sống giữa thế giới bùn nhơ nhưng cô gái vẫn thèm nghe đọc thơ để thanh lọc tâm hồn. Truyện ngắn: “Thèm thơ” có sức tác động mạnh mẽ đến cảm xúc thẩm mỹ của người đọc và giúp người đọc nhận ra sự lay động, thức tỉnh kỳ diệu của thơ ca đối với thế giới nội tâm của con người. Truyện ngắn: “Rác và hoa” của Trang Thế Hy hàm chứa ẩn ý về sự tương phản giữa vẻ đẹp nhân cách của con người. Con người trở thành “rác” hay “hoa” chính là do nhân cách sống của mỗi người được biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày. Trang Thế Hy không triết lý về cái đẹp nhưng qua chi tiết nhân vật cô gái quét rác biết nâng niu cái đẹp nhỏ nhoi, nhà văn đã bộc lộ cái nhìn và quan điểm của mình đối với việc cần gìn giữ, nâng niu cái đẹp bình dị của cuộc sống.

 

Truyện ngắn: “Tiếng hát và tiếng khóc” của Trang Thế Hy là tác phẩm tiêu biểu bộc lộ quan niệm của ông về mối quan hệ giữa nghệ thuật và nhân sinh. Qua lời đối thoại giữa nhân vật bà bán thuốc là và họa sĩ, nhà văn Trang Thế hy đã gián tiếp thể hiện quan niệm của mình về nghệ thuật: “Người nghệ sĩ phải biết lắng nghe và cảm nhận được những sắc thái, cung bậc tình cảm của con người. Nếu không thì người nghệ sĩ sẽ làm khổ chính mình bằng sự bất tài của mình…”

 

Phát hiện vẻ đẹp tài tử trong tâm hồn của mỗi con người, nhà văn Trang Thế Hy đã khắc họa và tôn vinh cái đẹp giản dị và đáng qúi như những viên ngọc lấm láp cát bụi giữa cuộc đời.  

Thơ của Trang Thế Hy chủ yếu viết theo thể thơ tự do, câu thơ giàu tính triết luận và tư duy thơ vạm vỡ, khỏe khoắn. Trang Thế Hy thường đưa một vài yếu tố của cốt truyện vào trong bài thơ tạo nên tính đối thoại giữa chủ thể trữ tình và các yếu tố trữ tình. Trang Thế Hy mê thơ của thi hào Tagore và ông đã từng dịch một số bài thơ của Tagore nên tư duy thơ của ông phảng phất tư duy thơ vũ trụ của Tagore. Tính triết lý nhân sinh và phong cách thơ thâm trầm, sâu sắc đã tạo nên sức hấp dẫn của thơ Trang Thế Hy đối với người đọc.

Trong bài thơ: “Lời nói dối nhân ái”, Trang Thế Hy viết:  


”Gió nói với chiếc lá: 

Đừng buồn 

Cái đẹp nào cũng phù du

Vì chỉ có cái phù du mới đẹp…

Lá biết gió nói dối nhưng lá vẫn vui vẻ bay vèo theo gió…

Tiếc thay, những lời nói dối ta phải nghe hàng ngày

Lại là những lời nói dối không nhân ái!”

 

Bài thơ vừa mang tính đúc kết, chiêm nghiệm về sự đối nhân xử thế trong cuộc sống vừa mang tính triết lý nhân sinh sâu sắc. 

 

Hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhà văn Trang Thế Hy đã tạo được “thương hiệu” và phong cách độc đáo của truyện ngắn Trang Thế Hy. Âm thầm sáng tạo, xa lánh mọi bon chen, cám dỗ của danh lợi, Trang Thế Hy góp công lớn trong việc tiếp thêm sức sống và tạo nên sự dung chứa kỳ diệu của thể loại truyện ngắn đối với hiện thực cuộc sống và sự bí ẩn của tâm hồn, tính cách con người.

Võ Tấn Cường