Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRUNG TÂM HÀNH CHÍNH TẬP TRUNG CÔNG TRÌNH THỂ HIỆN QUYỀN LỰC HAY CĂN BỆNH “HOÀNH TRÁNG” ?

KTS Nguyễn Huy Phách
Thứ năm ngày 12 tháng 11 năm 2015 2:02 PM


Rầm rộ phong trào xây dựng Trung tâm hành chính tập trung

Hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương chủ yếu có nơi làm việc phân tán. Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương sắp xếp, nâng cấp, cải tạo các cơ sở vật chất của cơ quan hành chính, đồng thời tăng cường công tác quản lý và hiện đại hóa công sở của địa phương theo hướng tập trung, nhiều Trung tâm hành chính tập trung (TTHCTT) của địa phương được xây dựng. Tính đến tháng 12 năm 2014, cả nước đã có 15 TTHCTT cấp tỉnh đã đưa vào sử dụng, đang xây dựng và đã quyết định đầu tư, như Lai Châu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đà Nẵng và một số trung tâm khác chuẩn bị đưa vào sử dụng như Đà Lạt (Lâm Đồng), Cao Bằng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Bình Định, Gia Lai…Ngay cạnh Bắc Ninh, tỉnh Hải Dương cũng đang lập dự án khu hành chính tỉnh rộng 19,15ha tại khu đô thị mới phía Đông TP.Hải Dương, với tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng.

Hướng tới một nền hành chính tiến bộ với trụ sở làm việc hiện đại, tiện lợi... là mục tiêu chính đáng. Tuy nhiên, hình thức chỉ là yếu tố thứ yếu, điều người dân cần hơn cả là năng lực giải quyết công việc và trách nhiệm phục vụ tận tâm của những người ngồi trong các tòa cao ốc uy nghi đó.

Tổng mức đầu tư cho các dự án này đều tính tới vài ngàn tỷ đồng. Với thực tế như vậy, không ít người băn khoăn, trăn trở và thấy có thực sự cần thiết trong bối cảnh đất nước ta hiện nay còn nghèo, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn? Vậy nên hiểu như thế nào cho thoả đáng! Với nhận thức của một người trong nghề xây dựng, tôi chỉ xin nêu một vài suy nghĩ của mình về vấn đề đang bức xúc này .

Trung tâm hành chính tập trung và những kỳ vọng

Các nhà quản lý thuộc tỉnh, thành có dự án xây dựng TTHCTT đều cho rằng, việc xây dựng TTHCTT mới là hết sức cần thiết, hiệu quả, tiết kiệm, thuận lợi cho người dân cũng như công tác quản lý. Trước hết, trong quan niệm phổ biến, trung tâm hành chính các cấp được coi là công trình có yêu cầu đặc thù: Kiến trúc trang trọng, thể hiện quyền lực. Trong bối cảnh cải cách mở rộng dân chủ của đất nước, và trong quan niệm kiến trúc công sở hiện đại, việc tổ chức các TTHCTT cho các đô thị lớn lại rất cần thiết nhất là với Việt Nam, cơ cấu hành chính và luật pháp đang được tiếp tục củng cố và hoàn thiện, và bắt đầu hội nhập quốc tế.

TTHC Đà Nẵng TTHC Bình Dương TTHC Hải Dương (PA.Chọn)

TTHCTT ra đời với mong muốn tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành khi mà hầu hết các cơ quan hành chính công đều tập trung ở đây. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn chính là sự phục vụ người dân sẽ nhanh gọn, tiết kiệm và hiệu quả hơn khi người dân chỉ cần đến 1 địa chỉ là có thể giải quyết được nhiều yêu cầu của họ.

Khi tập trung hết về một tòa nhà, việc quản lý nhân viên cũng như giám sát thái độ phục vụ của cán bộ các sở ngành với người dân sẽ tốt hơn thông qua hệ thống quản lý “tòa nhà thông minh”(*). Và, ngoài cái lợi đó, Nhà nước còn giảm được chi phí đáng kể khi các sở, ngành cùng sử dụng một đội xe công, giảm được chi phí xe, xăng đi lại, chi phí bưu điện chuyển công văn (từ cơ quan này đến cơ quan khác đều đưa trực tiếp), chi phí bảo vệ, cây xanh, hay sử dụng chung một hội trường, phòng họp...

Việc đưa TTHCTT vào sử dụng góp phần giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tiếp cận dễ dàng hơn với một nền quản lý hành chính công thân thiện, hiệu quả. Qua đó, tạo ra bước đột phá cho chính quyền trong công cuộc cải cách hành chính theo hướng 3 hơn “nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn", nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Đây cũng là công trình có tính thẩm mỹ cao, tạo điểm nhấn kiến trúc cho thành phố

Hãy cẩn trọng với công trình nghìn tỷ…

Các dự án xây dựng TTHCTT đều rất hoành tráng với có mức dự toán trên 1.000 tỷ đồng, cao nhất là gần 5.000 tỷ đồng (với TTHCTT tỉnh Khánh Hòa). Nhưng thực tế khi quyết toán mức đầu tư đều vượt ngưỡng dự toán rất nhiều. Nguồn vốn từ đâu là câu hỏi lớn. Hiếm có địa phương huy động được vốn từ nguồn xã hội hóa; đại đa số bán - đổi đất hay bán trụ sở cũ nhưng khoản này không đủ, phải lạm vào ngân sách công. Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, nhiều năm chưa thoát được gánh nặng nợ công và bội chi ngân sách, việc đua nhau xây dựng trung tâm hành chính như thế là đã thật sự cần thiết chưa? Gánh nặng ngân sách xây dựng cũng tăng dần lên vai người đóng thuế. Mà lĩnh vực này theo tổ chức minh bạch quốc tế có đánh giá chúng ta còn rất yếu, chỉ được 31/100 điểm.

Nói đến đầu tư công nghĩa là lấy từ tiền thuế đóng góp của nhân dân thì phải được sử dụng và đầu tư cho thực sự hiệu quả. Ngược lại nếu sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích thì sẽ thành có lỗi với dân.Các đô thị loại I, loại II ở ta không bức xúc về đất đai, về không gian, trong khi đó các trụ sở hiện đang sử dụng vẫn còn đầy đủ các tiện nghi và khang trang để phù hợp với nhu cầu công việc (trong khi những năm tới, biên chế nhà nước sẽ dần được tinh giản!), vậy có nên tập trung thành một khu vực như hiện nay mà các đô thị đang đua nhau thực hiện? Các trung tâm hành chính tập trung, bản thân nó không làm nên cải cách thủ tục hành chính - điều mà người dân trông chờ nhất và các địa phương hay lấy đó làm mục tiêu khi lập dự án. Cái chính vẫn là các quy định, quy trình và con người thực hiện.

Hiện có nhiều lý giải rằng, trụ sở được xây dựng từ nguồn vốn "xã hội hóa", nghĩa là trao đổi quyền lợi với doanh nghiệp để lấy tiền đầu tư trụ sở. Ở đây, phải hiểu đất đai là sở hữu toàn dân nó phải được người dân quyết định chứ không thể lấy tài sản của nhà nước coi đó là của địa phương rồi chuyển cho tư nhân.

Nếu chúng ta được tính toán cẩn trọng để tiết kiệm hơn những khoản chi đầu tư công đó thì hoàn toàn có được tiền để làm những công việc khác hữu ích hơn, tập trung vào những vấn đề bức bách hơn, như giảm tải y tế chẳng hạn, rồi đầu tư cho đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa, hoặc cũng góp phần vào việc tăng lương cho người lao động.

Một số TTHCTT khi đưa vào sử dụng đã gặp nhiều bất cập trong khâu quản lý, khai thác sử dụng. Đặc biệt là công tác chi phí vận hành công trình quá tốn kém. TTHCTT Lào Cai sau 3 năm sử dụng, đã phải bổ sung thêm 7 hợp khối và các công trình dịch vụ, bãi đỗ xe để sắp xếp cho các đơn vị sự nghiệp và các sở ban ngành của tỉnh. Đồng thời phải lập thêm một đơn vị sự nghiệp để duy trì hoạt động của khu hành chính như vệ sinh, bảo vệ, quản lý vận hành các công trình dịch vụ công cộng…TTHCTT Đà Nẵng là tòa nhà hành chính đưa vào sử dụng vào tháng 8/2014, nhưng đã lộ ra nhiều bất cập dù được mệnh danh là “tòa nhà thông minh”(*). Sự quan ngại về những sự cố khi xảy ra tại tòa nhà với hơn 1.600 người làm việc tại đây. Một số cán bộ, công chức phản ánh họ cảm thấy thiếu khí tươi khi vào làm việc tại tòa nhà. UBND TP. Đà Nẵng đã giao cho Sở KH&CN phối hợp với BQL tòa nhà thuê một đơn vị độc lập tiến hành kiểm tra, đo đạc tình hình cấp khí tươi cho tòa nhà này. Trong đó chi phí vận hành tòa nhà này không rẻ chút nào.

Các TTHCTT đã xây dựng tại Việt Nam trong vài năm gần đây thường được thiết kế bởi các kiến trúc sư nước ngoài với kiến trúc hiện đại và đẹp. Nhưng thẳng thắn mà nói thì trong phần lớn các dự án, không gian quy hoạch kiến trúc vẫn chưa thật sự thân thiện với người dân và chưa thể hiện được bản sắc Việt. Có một số thiếu sót có thể thấy rõ tại các công trình đã xây mà chúng ta nên rút kinh nghiệm khi xây dựng các TTHCTT mới. Phần lớn quá chú trọng vào việc giải quyết chức năng khu hành chính công mà coi nhẹ việc dự kiến tổ chức thêm các khu dịch vụ công, khu quảng trường TTHCTT và khu hỗn hợp đa chức năng, kết nối với nhau để không bỏ qua cơ hội hình thành dần một khu đô thị hành chính hoàn chỉnh, tiện lợi cho người làm việc tại đó và người đến giao dịch.

Hiện nay chúng ta đang có cái bệnh “hoành tráng”. Địa phương này, tỉnh này, huyện này có sân gôn, sân bay, thì địa phương kia cũng phải làm sân gôn, sân bay, mặc dù người ta chưa hề tính toán cái lưu lượng dân số được hưởng thụ từ đó là bao nhiêu. Và liệu khi xây xong, với sự “hoành tráng”, “uy nghiêm” của các cơ quan công quyền có làm cho người dân “sợ” không dám bước chân vào…?

Tâm lý chung của người dân là nếu đất nước còn nghèo mà lại xây trụ sở to cao, hoành tráng trong bối cảnh, điều kiện chưa cho phép là chưa cần thiết, phần nào nó là biểu hiện xa dân. Mà quan trọng là thái độ, cách đối xử khi tiếp đón người dân, niềm nở, xóa bỏ khoảng cách đó mới là quan trọng. Thậm chí, tuỳ điều kiện cụ thể của địa phương mình mà TTHCTT có khi không nhất thiết là phải làm nhà cao tầng , đó có thể là một cụm nhà thấp tầng nằm trong một khuôn viên xanh, môi trường làm việc gắn liền với thiên nhiên thì càng tốt chứ sao…Kiến trúc xanh, đô thị xanh mãi mãi sau này vẫn là định hướng của phát triển bền vững!

Việc xây dựng TTHCTT không phải là để có một cụm công trình bề thế mang tính phô trương trong khi thực tế vận hành vẫn tổ chức theo quan niệm cũ. Quan trọng là chính quyền phải đổi mới tư duy hành chính song song với tư duy tổ chức không gian, sao cho đáp ứng được nhu cầu làm việc, giao tiếp và hợp tác. Như vậy TTHCTT mới sẽ giúp phát triển đô thị được tốt hơn, giúp phục vụ người dân tốt hơn, giúp người dân gắn bó hơn với nhà cầm quyền cũng như với sinh hoạt cộng đồng địa phương./.

. NHP

-------------------------------------

-“tòa nhà thông minh”(*): Là một hệ thống tuyệt vời cho phép bạn kiểm soát những gì đang xảy ra trong ngôi nhà tại bất kỳ thời điểm nào. Tất cả thiết bị sẽ được tự được động hóa và kiểm soát một cách hiệu quả nhất với những thao tác cũng cực kỳ đơn giản thông qua việc cách sử dụng các thiết bị điều khiển như: máy tính xách tay, điện thoại di động hoặc máy tính bảng...

Ảnh: TTHC Bình Dương TTHC Hải Dương (PA.Chọn)