Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"CON ĐĨ CỦA NHÂN LOẠI" ĐÃ NGỰ TRỊ TRÁI ĐẤT RA SAO ?

Đỗ Minh Tuấn
Thứ tư ngày 23 tháng 9 năm 2015 3:03 PM


K.Marx nói “Đồng tiền là con đĩ của nhân loại”. Nhưng đây là một con đĩ có quyền lực ghê gớm nhất, có thể chi phối tất cả thế gian, từ giới trí thức, đến tôn giáo và khoa học, biến tất cả thành hàng hoá và kẻ làm thuê cho nó. Những thông tin về sự thao túng ngày càng tăng của nó trong các lãnh địa được coi là cao quý thiêng liêng nhất của nhân loại cho ta thấy đã đến lúc thế giới phải đoàn kết lại để chống lại “con đĩ siêu đẳng” này, không phải bằng bạo lực mà bằng nhân tính, bản lĩnh và trí tuệ, vì sự tồn vong của những giá trị mà nhân loại đã từng kiêu hãnh đưa tới cho hành tinh của cây xanh, khoa học, tình yêu và thi ca.

Trí thức với đồng tiền

Một học giả Nga đã nhận xét tinh tế rằng: có ba dấu hiệu của giới trí thức về mặt nguyên tắc phân biệt nó với các nhóm xã hội khác: thái độ đối với sự giàu có, với lịch sử và với nhà nước. Trong tất cả các trường hợp, ba thái độ này đều là hỗn hợp của sự khinh bỉ, nôn nóng và ganh tị. Theo ông, đây là điều đặc biệt tiêu biểu đối với giới trí thức Pháp và Nga, dù cho trong các nước Anglo-Saxon những tâm trạng tương tự ở thế kỷ vừa qua cũng tăng lên đáng kể.

Hình ảnh công tử Bạc Liêu đốt tiền làm đóm soi tìm đồng tiền rơi cho người đẹp và hình ảnh Serge Gainsbourg, một trí thức Pháp, đốt tờ 500 FR châm thuốc lá ngay trên truyền hình khá tiêu biểu cho thái độ coi khinh tiền bạc đặc trưng cho trí thức này.

Những thái độ coi khinh tiền bạc của nhiều trí thức Pháp được bảo đảm bởi những huyền thoại về một nước Pháp văn hoá từng mang những chân lý có giá trị phổ quát toàn cầu. Nước Pháp từng được Clemenceau coi là người lính của Thượng đế trong quá khứ, người lính của văn minh trong hiện tại và người lính của lý tưởng trong tương lai. Ấy vậy mà cùng với sự phát triển của Tân lục địa, đồng tiền đã làm lu mờ những huyền thoại của cựu lục địa và báo thù ngoạn mục với thái độ khinh miệt của trí thức nơi đây.

Từ chỗ là “con đĩ của nhân loại” (K.Marx) đồng tiền đã ngày càng trở thành biểu tượng thiêng liêng mang ý nghĩa đời sống, mang tự hào dân tộc, mang sức mạnh tương lai. Từ chỗ coi khinh sự giàu có, các trí thức cựu lục địa đã bắt đầu quen với lý tưởng làm giàu, bắt đầu trang sức bằng các chỉ số phát triển kinh tế, bắt đầu bị cuốn theo ma lực của cuộc sống tiêu dùng và không ngại ngần làm thơ ca ngợi những con buôn và những tiện nghi.

Andre Gide, từ những năm 50 đã linh cảm thấy quyền lực tương lai của đồng tiền khi nhận xét rằng các xã hội tư bản quy mọi thứ về tiền, nhưng các xã hội khác rồi cũng thông qua quyền lực và những con đường khác để đi đến đồng tiền. Ðồng tiền một khi đã lên ngôi lý tưởng, nó có thể mua được cả quyền lực, cả nhân cách, cả truyền thống, cả đức tin. Thậm chí, có tỷ phú đã ngạo mạn tuyên bố: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Đồng tiền mua được cả ghế Tổng thống. Năm 1996, bảy nhà tư bản lớn nhất nước Nga, cũng là bảy người nắm quyền kiểm soát với truyền thông đại chúng lúc bấy giờ đã hợp tác với nhau để đảm bảo cho Tổng thống Enxin đắc cử thêm một nhiệm kỳ. Tổng thống và các đảng cầm quyền của nhiều cường quốc khác cũng không tránh khỏi sự chi phối của đồng tiền thông qua các tập đoàn tài chính.

Trong khi không ít trí thức cựu lục địa đang hăm hở sám hối, đi tiên phong trong thời đại toàn cầu hoá, say sưa với những khái niệm kinh tế học thời thượng vừa mới nhập vội, xin lỗi và ve vãn đồng tiền, đưa nó lên ngôi chúa tể, biến nó thành thước đo hạnh phúc và tiến bộ của một dân tộc thì lại có những trí thức ở các xứ sở giàu có phê phán thói tâng bốc đồng tiền, đòi đặt đồng tiền về đúng vị trí của nó. Thậm chí, một huyền thoại trong thế giới tài chính là G.Soros (Mỹ) đã phản đối việc lấy lấy tổng sản phẩm quốc dân (GNP) làm thước đo phát triển vì, theo ông, làm như vậy có khác gì chấp nhận đồng tiền như một giá trị đích thực, một giá trị tự thân. Ông cho rằng, trên thực tế thì GNP cao chưa phản ánh sự tiến bộ xã hội. Trong một nước bệnh Aids đang hoành hành thì GNP tăng lên vì người ta phải tốn nhiều chi phí xử lý căn bệnh thế kỷ này.Vì thế, vận dụng thước đo đồng tiền sẽ không thể biết thế giới đang tiến lên hay đang đi giật lùi.

Theo Soros, các giá trị đích thực không thể dùng đồng tiền để đo lường, phải có những thước ( Nguồn: Văn đo tiến bộ khác phản ánh được những chỉ số vô hình như hạnh phúc và quyền tự chủ của công dân. Nét đặc sắc riêng của các giá trị đích thực là chúng tự bản thân đã chứa đựng các giá trị nội tại, bất luận chúng đã chiếm lĩnh được vị trí chủ đạo hay chưa. Các giá trị đích thực khác xa với các giá trị thị trường ở chỗ tự thân nó đã có giá trị, có quyền lực, không cần phải cạnh tranh để tự khẳng định như giá trị thị trường. G. Soros- Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu-NXB Khoa học xã hội năm 1999, trang 429.

Thực tế phát triển cho thấy những điều Soros nói là rất sâu sắc. Sự bành trướng của kỹ nghệ trong phạm vi toàn cầu đã làm suy giảm những điều kiện nảy sinh và dung dưỡng trí thông minh, luân lý, tình thương và những phẩm chất cần cho cuộc sống cộng đồng- từ cộng đồng nhỏ là gia đình, đến các cộng đồng lớn hơn trong xã hội. Những không gian gia đình, cộng đồng truyền thống bị phá vỡ đã làm giảm chất lượng sống của con người một cách sâu sắc.

Người ta đã thấy cuộc sống gia đình trong các xã hội phát triển kinh tế trở nên nghèo nàn, đơn điệu, trong đó những đứa trẻ không còn được hô hấp trong bầu dinh dưỡng tình cảm, tâm linh và trí tuệ như ngày xưa. Gia đình bị chia cắt, vỡ nát không gian tình cảm, cha mẹ bị ném tới cơ quan công xưởng, trẻ em trở thành những vị “thiền sư” luôn dán mắt vào Tivi hay computer để sống với thế giới ảo đầy bạo lực và hoang tưởng. Gia đình lại dạy chúng cách hành xử giản đơn kiểu duy lý thực dụng, mọi thứ có thể quy ra luật và tiền, mọi mục đích trở nên cụ thể ở tầm gần và mọi mâu thuẫn trong đời sống được giải quyết một cách giản đơn và thô bạo, thiếu một bàn tay khéo léo, bao dung và mềm mại của tình người và của thời gian.

Khi công nghệ và nhịp sống man rợ một cách lấp lánh này được du nhập vào thế giới thứ ba, nó mang theo cả những căn bệnh xã hội nói trên nhưng ở mức trầm trọng hơn, vì các xã hội nghèo không có hệ miễn dịch từ truyền thống pháp trị và kỹ trị. Tuy nhiên, khi đánh giá về phát triển, người ta thường quên đi những sự thụt lùi hay phá sản trong các lĩnh vực vô hình như văn hoá, tình cảm, ý nghĩa, tâm linh. Đó là nơi người trí thức nhạy cảm về ý nghĩa và giá trị.

Nếu như những luận điểm này được phát ra từ một kẻ đạo văn hay một học giả khiêm tốn chỉ nói những điều đã tiêu hoá vào trong bụng mình, ghét thói trích dẫn khoe khoang thì hẳn là kẻ phát ngôn sẽ bị nhiều người coi là bảo thủ và gàn dở. Người ta sẽ bĩu môi cho rằng trong khi cả thế giới đua nhau làm giàu, vinh quang nhờ cạnh tranh và buôn bán thì mình vẫn cứ khư khư ôm lấy những giá trị trừu tượng cổ hủ theo kiểu các hủ nho, các ẩn sĩ tự phong là “Vua không ngai”, các thi sĩ ước mơ “Một mái nhà tranh hai trái tim vàng”! Nhưng may thay, đó lại là những ý tưởng phát ra từ miệng trùm tài chính thế giới, một phù thuỷ trong vương quốc đồng tiền. Thông tin chính xác và cập nhật về suy tư của người trí thức đương đại, khiến ta thấy tin hơn ở tổ tiên và những giá trị nhân văn đang bị nhiều người chối bỏ để chạy theo giá trị thị trường.

Tôn giáo với đồng tiền

Vào thế kỷ thứ 7, Vua Hồi giáo đầu tiên đã lập ra một hệ thống tiền tệ quốc tế, với đồng tiền đúc mà hình dạng và quan niệm rất gần với đồng tiền hiện đại. Những đồng Dinar vàng này đã được các xứ sở Trung Ðông rất ưa thích, đến nỗi những Vương quốc Kito giáo do các đạo quân Thập tự chinh thiết lập đã phải đúc ra những đồng tiền mô phỏng đồng Dinar để kiếm lời, bất chấp đó là những đồng tiền tôn vinh Thánh Allah. Sau khi bị Giáo hoàng phát hiện, những tín đồ Thiên chúa đúc tiền theo mẫu tiền Hồi giáo đã bị rút phép thông công, nhưng người ta vẫn phải đúc một đồng tiền mới của Thiên chúa giáo giống hệt đồng Dinar, chỉ thêm vào cây Thánh giá và dòng chữ Arập tôn vinh Thiên chúa.

Trong khi Thiên Chúa giáo và một số tôn giáo khác ngày càng thế tục hoá thì Hồi giáo vẫn kiên trì với những nguyên tắc khắt khe. Chính vì thế, cái quan niệm cho rằng Hồi giáo xung khắc với lợi nhuận đã ngự trị trong một thời gian dài hạn chế sự tham gia của các tín đồ Hồi giáo vào các lĩnh vực kinh doanh. Những người trí thức có cái nhìn cởi mở không thoả mãn với định kiến này đã cố truy tìm trong Kinh Coran những ý tưởng khuyến khích các tín đồ Hồi giáo kinh doanh. John Nabish, nhà tương lai học người Mỹ đã phát hiện ra rằng Muhammad từng nói: “Một thương gia chân thật và đáng tin cậy sẽ được tập hợp lại vào Ngày tận thế cùng với các nhà tiên tri, những người tử vì đạo và những người công chính”( Những xu hướng lớn của Châu Á làm thay đổi thế giới, NXB Trẻ, 1998) Người ta khẳng định rằng cả Kinh Coran và bản thân Muhammad tin vào một hệ thống dựa trên tiến thủ cá nhân và phần thưởng cá nhân. Trên thực tế, ngày càng có nhiều tín đồ Hồi giáo nắm quyền lãnh đạo các công ty lớn ở Châu Á, nhất là ở Malaysia và Indonesia, họ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hoá Châu Á. Ở Malaysia, phái Hồi giáo Al alqum đã thu hút được hơn một triệu tín đồ và bành trướng thành một kiểu doanh nghiệp lớn, nhưng sau đó đã bị chính quyền đất nước này đình chỉ, buộc đóng cửa các cơ sở hoạt động tôn giáo và kinh doanh.

Trước sự thành công về kinh tế của các nước Châu Á, nhiều người cho rằng đó là do Khổng giáo với quan niệm coi trọng gia đình và cộng đồng đã tạo nên động lực cho sự phát triển thần kỳ. Nhưng có ý kiến lại cho rằng chính sự phát triển của kinh tế Ðông Á đã tạo ra danh tiếng cho Khổng giáo chứ bản thân Khổng giáo coi giàu có và điạ vị chỉ là thứ phù vân. Max Weber và một số học giả bài bác Khổng giáo cho rằng tôn giáo này không hợp với phương Tây, không thể thích hợp với kinh tế thị trường. Nhưng những người muốn tìm kiếm cơ sở phát triển kinh tế và hiện đại hoá trong Khổng giáo đã chủ trương sáng tạo ra một nền kinh tế thị trường kiểu luân lý phương Ðông. Các học giả cho rằng tuy có vẻ gò bó con người trong tôn ty trật tự, nhưng Khổng giáo luôn đòi trách nhiệm hai chiều. Khổng giáo không chỉ đơn thuần ủng hộ cho việc phục tùng chính quyền mà còn là trách nhiệm của chính quyền về cả đạo đức và nghĩa vụ. Khổng giáo xây dựng nên một xã hội rất trật tự từ dưới đáy lên hơn là từ trên đi xuống, nhấn mạnh đến các bổn phận đạo đức của cuộc sống gia đình như là một viên gạch cơ bản xây dựng nên xã hội. Sự liên kết trong phạm vi gia đình có vị trí quan trọng hơn các loại quan hệ cao hơn, kể cả các bổn phận với giới cầm quyền chính trị. Trên thực tế, chính những liên hệ gia đình dòng tộc là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho người Hoa hải ngoại trở thành những doanh nhân vĩ đại nhất thế giới, cuối thế kỷ 20 đã quản lý 541 tỷ đô-la, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba của thế giới sau Hoa kỳ và Nhật Bản. Bí quyết kinh doanh của người Hoa chung quy lại là con người và các mối tiếp xúc mang tính gia đình, tạo nên hàng chục ngàn mạng lưới giống như mạng Internet.

Xem ra, các tôn giáo dù nguyên gốc có vẻ xa lạ với kinh doanh và tiền bạc đến đâu cũng có thể được người thời nay lôi vào khai thác phục vụ cho công việc làm giàu. Thậm chí, ở quê hương Khổng tử đã có tới 29 loại thức uống và 8 loại thức ăn mang tên Ngài. Những hậu duệ của Ngài còn tung ra một loại rượu mạnh mang tên Khổng tử dù Ngài không hề khuyến khích các đệ tử của mình uống rượu. Rượu Khổng tử bán rất chạy vì người ta đã dùng chính lời Khổng tử dạy về chia sẻ của cải làm khẩu hiệu tiếp thị: “Nếu con có một chai chai rượu, con cũng phải cho anh em mình một chai” (!). Thế mới hay, cơ chế thị trường có thể biến tên tuổi thánh nhân và tư tưởng của thánh nhân thành tem nhãn, bao bì và hàng hoá để bán chạy một mặt hàng đi ngược lại ý nguyện thánh nhân. Nếu tất cả các loại hàng hoá của con cháu Khổng tử đều mang tên Ngài thì e rằng sẽ đến ngày có cả nhà chứa Khổng tử, sòng bạc Khổng tử và băng đảng mafia Khổng tử.

Khoa học với đồng tiền

Khoa học với những phát minh sáng chế kỳ diệu của nó thực sự đã trở thành một hành trang đáng tự hào nhất của nhân loại khi bước vào thiên niên kỷ mới. Nhưng khoa học ở thế kỷ 21 không còn niềm kiêu hãnh của một sức mạnh tự do như khoa học các thế kỷ trước, vì khoa học giờ đây đã trở thành hàng hoá trên phạm vi toàn cầu, trở thành nô bộc của đồng tiền và đánh mất logic phát triển tự thân trong sứ mạng sinh lời cho các ông chủ mới vốn từ ống tay áo của khoa học kỹ thuật chui ra.

Khoa học đã từng nếm mùi nô lệ Nhà thờ từ thời Trung cổ. Phải mất bao nhiêu công sức đấu tranh, các trường Ðại học mới dược Giáo hoàng ban cho những đặc quyền tự do đầu tiên, phỏng theo các quyền tự do của tu sĩ. Trong nhiều thế kỷ, sự phát triển của khoa học được quyết định bởi lô gíc duy nhất: vì sự tiến bộ của tri thức chứ không lệ thuộc vào bất kỳ một lý do sinh lợi nào. Nhưng sự phát triển của công nghiệp với những thăng trầm của nó đã dần dần biến khoa học thành một thứ hàng hoá, nhà khoa học thành kẻ làm thuê.

Từ đầu thập kỷ 80, trong tất cả các nước phát triển các trường Ðại học với cac trung tâm nghiên cứu lớn đã bắt đầu gắn chặt hoạt động nghiên cứu của mình với các ngành công nghiệp dưới những hình thức: đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cho công nghiệp, liên kết nghiên cứu các dự án dài hạn theo đơn đặt hàng của công nghiệp. Các nhà khoa học tìm thấy hứng thú mới trong mối duyên khoa học-công nghiệp, vì ở đó họ được bổ sung kinh phí, thiết bị và con người, họ được hưởng lợi từ các công trình nghiên cứu. Ngày càng nhiều các hãng của Mỹ, Nhật, Ðức, Pháp liên hệ hợp tác với các nhóm Ðại học ở nước ngoài. Từ năm 1987 đến 1989, riêng hãng dược phẩm Upjohu của Anh đã tung ra bảy dự án nghiên cứu của các trường Ðại học ở Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Pháp và Thuỵ Ðiển làm các nước này lo lắng về sự thất thoát chất xám và bí mật quốc gia. Năm 1986, quỹ nghiên cứu của các trường Ðại học Mỹ đã được hưởng kinh phí từ các công ty nước ngoài là 76,2 triệu đô la. (Tạp chí Người đưa tin UNESCO số 11, tháng 12-2001).

Ảnh hưởng của các công ty với các trường Ðại học và các trung tâm nghiên cứu ngày càng tăng dưới nhiều hình thức. Các khoa học cơ bản, nhất là các khoa học nhân văn bị bỏ rơi vì không sinh lời trực tiếp, các nhà khoa học bị định hướng vào các nhãn mác hàng hoá cụ thể mất đi quyền thể nghiệm và phiêu lưu, các phát minh không được công bố rộng rãi cho toàn nhân loại như xưa mà bị nhốt trong tủ kín của các ông bầu, các giảng đường, các cuộc hội thảo khoa học và các phòng thí nghiệm tôn nghiêm, bị tập trung vào các hợp đồng thương mại thuân tuý và được trang hoàng bằng các logo và các biển quảng khổng lồ, sặc sỡ.

Tại Mỹ, đầu những năm 1990, Viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã gây tai tiếng lớn khi cho phép các công ty chỉ cần chi trả 10.00-50.000USD là có thể tiếp cận và sử dụng mọi thành quả nghiên cứu dù là bí mật của trường. Ðại học Toronto (Canada) đã ký với các Công ty những hợp đồng tài trợ bí mật có trị giá lên tới 30 triệu đô la, đổi lại các công ty được quyền chi phối hướng nghiên cứu và khai thác các thành quả nghiên cứu của trường. Thậm chí, trường Ðại học California Berkely đã cho phép công ty này được quyền cấp bằng sáng chế cho một phần ba các công trình nghiên cứu và được quyền biên tập các công trình xem có nên cho công bố hay không! Hợp đồng này đã được coi là một vụ cướp bóc tài nguyên công cộng gây phản ứng mạnh mẽ chưa từng thấy. (Tạp chí Người đưa tin UNESCO số 11, tháng 12-2001) Một trong những nguyên nhân của thảm trạng này là các nhà nước ngày nay đã cắt giảm nhiều ngân sách tài trợ cho các công trình nghiên cứu cơ bản khiến cho giới khoa học bị lệ thuộc vào túi tiền của các công ty. Ở một số nước, nhất là những nước kém phát triển, thì sự quan tâm tài trợ của nhà nước lại hay biến khoa học thành công cụ rửa tiền hay phương thức tham nhũng. Nhiều dự án gọi là công trình khoa học quốc gia thực chất chỉ là một mớ kiến thức cũ rích, xào xáo để lấy tiền nhà nước chia nhau.

Sự phát triển của thị trường khoa học đã tạo nên hiện tượng Brain drain - sự thu hút trí thức từ các nước ngoại vi về các nước trung tâm. Ấn độ là nước có tỷ lệ kỷ lục về di cư của các nhà khoa học: Ðã có tới khoảng 50.000 người đến Mỹ và 10.000 người đến Anh và Canada. Do biết thu hút các trí thức từ các nước. Chỉ riêng năm 1973 nước Mỹ đã tiết kiệm được 883 triệu đô-la chi phí giáo dục, còn các nước đang phát triển thì thiệt hại 320 triệu đô-la.

Sự di tản trí thức là một hiện tượng rất cũ, đã có từ khi Platon phục vu bạo chúa ở Syracure, Galilée đặt mình dưới sự bảo trợ của Viên, các anh em Casini được Lu-i XVI mời với giá rất cao để xây dựng Ðài Thiên văn Paris...Ðó là những lý do khiến nhiều nhà khoa học bớt áy náy về đạo đức khi đem tài năng của mình đến những nơi mà nó được thừa nhận, dù đó không phải là Tổ quốc mình (Thực trạng khoa học và kỹ thuật-NXB Khoa học xã hội, năm 1996)./.

(Nguồn: VHNA)