Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẤT "GÁNH NẶNG" TRÊN ĐÔI VAI CÔNG DÂN

Lê Chân Nhân
Thứ bẩy ngày 26 tháng 9 năm 2015 2:22 PM


Hãy xóa hết những “gánh nặng” không cần thiết trên vai công dân, để họ đừng lo toan, tự ti, mặc cảm về quá khứ mà quên mất niềm hạnh phúc sẽ đến trong tương lai.



Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

“Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã thể hiện nội dung về xóa án tích, theo tôi là nhân ái, nhân bản, vì con người. Cái đó thể hiện mục đích giáo dục của luật pháp”, đó là phát biểu của Trung tướng Trần Văn Độ bên lề hội nghị góp ý cho dự thảo báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 22.9.

Hai chữ “lý lịch” còn đeo bám con người đến bao giờ mới hết nếu như không có một góc nhìn nhân bản và mới mẻ. “không ai lựa cửa để sinh ra” (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) thì tại sao lại bắt con cái chịu mọi hành vi vi phạm của cha hoặc mẹ trước đó, ngay cả khi chúng chưa sinh ra. Chính vì nặng lý lịch mới có những quy định về án tích trong hồ sơ của công dân như trường hợp của hai em Bùi Kiều Nhi và Nguyễn Đức Ngà, để rồi sau đó thực hiện việc gọi là chiếu cố cho các em vào học đại học.

Tại sao các em phải nhận sự chiếu cố trong lúc việc học hành, thi cử, đỗ đạt là nỗ lực của bản thân các em. Còn lấy lý do “lý lịch” để không cho các em được học là một sự cản trở quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc của con người. Án tích của người này lại bắt một người khác chịu trách nhiệm là không công bằng, là một sự áp đặt. Bộ Công an giải quyết nhanh chóng trường hợp hai em Bùi Kiều Nhi và Nguyễn Đức Ngà nên rất được dư luận đồng tình ủng hộ, nói như Trung Tướng Trần Văn Độ: “Các cháu học giỏi, có khả năng nhưng sai lý lịch, bố từng có án tích nhưng đã được xóa từ lâu, tôi không dám khẳng định đúng sai, nhưng để các cháu vào học chính là tương lai của xã hội. Bộ Công an để các cháu vào học là nhân ái, phù hợp”.

Án tích chỉ nên liên quan đến người từng là phạm nhân, nhận một bản án có hiệu lực pháp luật. Bản án đó không nên liên quan đến công dân khác, cho dù là cha mẹ, anh chị em của người có án tích. Ngay cả đối với người có án tích, cũng nên xem xét rút ngắn thời gian xóa án tích để công dân đó tái hòa nhập cộng đồng. Một người có hành vi vi phạm pháp luật, đã chịu hình phạt là tù tội, vậy thì sau khi thực hiện đầy đủ hình phạt, người đó cần phải có đầy đủ quyền công dân, quyền con người. Nhân loại văn minh tạo ra khái niệm “quyền con người” chính là để tôn trọng, đề cao phẩm giá của con người.

Mục đích tối thượng của chế độ xã hội ta là làm sao cho con người hạnh phúc, phát triển tối đa năng lực của bản thân để đóng góp cho xã hội, phụng sự cho đất nước và thụ hưởng các giá trị mà xã hội mang lại. Vậy thì, hãy xóa hết những “gánh nặng” không cần thiết trên vai công dân, để họ đừng lo toan, tự ti, mặc cảm về quá khứ mà quên mất niềm hạnh phúc sẽ đến trong tương lai.

Một trong những gánh nặng đó là lý lịch.

Lê Chân Nhân